Quy Nhơn – Bình Định với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ cùng những bãi biển đẹp đã và đang là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở nước ta. Đến với vùng đất võ, du khách không những được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp mà còn có cơ hội trải nghiệm nền ẩm thực độc đáo ở đây.
Du khách đến Quy Nhơn có thể thưởng thức những món ăn đặc sản của vùng đất này, từ những nhà hàng cao cấp, đến các quán ăn ven đường, trong khu chợ. Mỗi nơi sẽ mang đến cho bạn những hương vị riêng, đậm chất của vùng biển miền Trung. Hãy cùng mình trải nghiệm vẻ đẹp của Quy Nhơn, Bình Định qua hương vị ẩm thực của địa phương nhé !
Top 8 món ngon ở Quy Nhơn mà bạn không nên bỏ lỡ
1. Bún rạm
Bún rạm Quy Nhơn là đặc sản không thể bỏ qua mỗi khi đặt chân đến vùng đất Bình Định. Mặc dù nguyên liệu món không quá cầu kỳ nhưng điểm nhấn tạo nên hương vị đặc trưng của món nằm ở sự tỉ mỉ trong cách chế biến món ăn từ làm rạm đến bún tươi. Thưởng thức bún rạm tại các quán nổi tiếng của Quy Nhơn là trải nghiệm tuyệt vời, nên trải nghiệm khi đặt chân đến miền đất võ.
Rạm là loài thuộc họ cua, vỏ cứng, thịt ngọt. Muốn nước dùng ngọt thanh, không bị tanh hay có mùi khai khái, rạm phải thật tươi, chế biến ngay sau khi bắt về. Cách làm rạm cũng chẳng khác cua là mấy: rửa sạch, bóc mai, đem xay nhuyễn rồi chắt lấy nước cốt. Phần gạch và trứng được lọc ra từ trước, sau đó đem trộn với thịt rạm xay để tạo màu và độ bóng bẩy cho miếng chả rạm.
Không như nhiều món nước khác, bún rạm có phần nước dùng khá đơn giản, chỉ cần đem nước rạm nấu lên, cho thêm dầu ăn, hành phi và nêm nếm gia vị. Vị ngọt nguyên sơ của những con rạm đang vào mùa cũng đủ giúp món ăn trở nên đậm đà, đặc biệt.
Khâu cầu kỳ nhất trong quá trình chế biến đặc sản này có lẽ nằm ở bước làm bún. Sợi bún được làm tại chỗ, từ gạo lấy ở những cánh đồng quê Phù Mỹ rồi sau đó ép ra từ máy, luộc sơ qua nước gạo, vắt qua nước trong rồi mới cho vào tô. Có lẽ cũng nhờ thế mà ăn bún có cảm giác tươi, dai và ngọt hơn những loại thông thường.
Khi ăn, người Phù Mỹ sẽ để nước rạm riêng, tô bún riêng, ăn đến đâu rưới nước dùng đến đó, từng chút từng chút một để thưởng thức được hết những nét tinh túy của hương đồng gió nội. Ngoài ra, người sành ăn phải biết kết hợp với muối hột, ớt bay thì mới đúng vị bún rạm và nhất thiết phải có lá ngành ngạnh, xoài xanh, đậu phộng rang nguyên hạt.
2.Bánh mì lagu
Đừng tưởng chỉ có các món ốc, bún chả cá, bánh xèo… người ta còn “rỉ tai” nhau về một quán lagu ở Quy Nhơn mang hương vị đặc sắc khác lạ. Mình chắc chắn trong đầu bạn sẽ đinh ninh, lagu thì nơi nào không có, cần gì phải ăn ở Quy Nhơn. Nhưng hãy bỏ qua suy nghĩ đấy đi, vì bạn sẽ được trải nghiệm một kiểu lagu độc đáo và khác lạ hơn hẳn vì lagu của miền biển lại tạo ấn tượng bởi sự kết hợp tài tình từ nhiều loại nguyên liệu.
Một tô lagu tràn ngập thức ăn và đi kèm cùng đĩa bánh mì nóng giòn được cắt thành từng khúc. Nước súp tuy chẳng hề mang gam màu nổi bật nhưng lại tạo được điểm nhấn với vị ngọt thơm do các thành phần hòa quyện vào nhau. Người ta phải ninh xương đến khi mềm nhừ cùng các loại rau củ như hạt sen, cà rốt, đậu đỏ, khoai lang… để chắt lọc lại hương vị tự nhiên nhất.
Lagu ở đây là loại lagu thịt heo với những cọng sườn mềm hay khúc giò dai béo. Nước dùng sệt, hài hòa trong cái bùi bùi, thơm thơm làm người ta như “đắm chìm” trong nhiều cung bậc vị giác.Bánh mì khi nướng được phủ một lớp bơ vàng ươm, óng ánh làm dậy lên mùi thơm nức mũi. Hơi nóng từ than làm bánh giòn rụm khi chấm cùng lagu thì như nâng tầm hương vị cho món.
3.Bánh hỏi lòng heo
Danh sách món ngon ở Quy Nhơn không thể bỏ qua món bánh hỏi lòng heo được xem là đặc sản nổi tiếng nhất xứ này.Bánh hỏi có nguồn gốc từ Diêu Trì, một món ăn không thể thiếu mỗi buổi sáng của người dân thành phố Quy Nhơn. Bánh hỏi được làm từ gạo như cách làm sợi bún tươi, nhưng sợi bánh hỏi lại mảnh hơn.
Bánh hỏi ăn ngon hơn khi được thoa thêm một lớp dầu ở trên để tăng thêm vị béo và không thể thiếu lá hẹ đã xắt nhỏ tạo màu sắc cho món ăn.Gọi là bánh hỏi cháo lòng bởi nhẽ khi vào quán bánh hỏi bất kỳ nào ở đây, bạn sẽ được thưởng thức hai món đi kèm là cháo và lòng heo.
Ăn kèm bánh hỏi với thịt heo luộc hoặc lòng heo giúp món ăn trở nên ngọt thơm, chấm miếng bánh hỏi vào nước mắm chua cay đậm đà rồi húp một chút cháo lòng nóng, nghe thôi đã thấy hấp dẫn.Một phần ăn gồm lòng heo luộc, bánh hỏi, rau sống và một tô cháo nóng hổi. Món này còn có phiên bản ăn kèm thịt nướng, tùy khẩu vị của mình mà bạn có thể gọi thêm nhé!
4.Bánh xèo tôm nhảy
Nhiều người lần đầu nghe đến cái tên “ Bánh xèo tôm nhảy Quy Nhơn” cũng hết sức ngạc nhiên và lấy làm tò mò về nguồn gốc của cái tên này. Thực chất cái tên này nghe rất vui tai sẽ giúp cho mọi người dễ nhớ đến món ăn. Thêm vào đó là nhấn mạnh vào sự tươi ngon cũng của nguyên liệu chính là tôm. Chính sự tươi ngon trong nguyên liệu đã giúp “ Bánh xèo tôm nhảy Quy Nhơn” trở nên nổi tiếng như ngày nay.
Khác với bánh xèo miền Tây có phần bánh to, màu vàng đậm nhờ nghệ, bánh xèo Quy Nhơn có phần vỏ bánh trắng, giòn tan, ôm lấy phần nhân là tôm đất, giá và hành. Từng con tôm đều được chọn những con tôm đầm, tôm sông, tôm đất nhỏ bằng ngón tay. Sau đó sẽ cắt râu và đuôi tôm đi, rửa một cách kỹ càng sạch sẽ.
Để đúc được bánh xèo tôm nhảy Quy Nhơn, người ta sẽ chế biến sẽ phải vô cùng nhanh chóng để phục vụ ra những đĩa bánh xèo đang còn nóng hổi. Ngay lớp dầu mỏng được xoa vào chảo trở nên nóng già, tầm chục con tôm sẽ được bỏ vào. Nó bắt đầu nhảy tí tách và nhanh chóng chuyển sang màu đỏ. Tôm chuyển màu sẽ là thời điểm thích hợp nhất để đổ lớp bột bánh xèo vào. Tiếp theo là đến giá đỗ và hành lá.
Từ món bánh tráng mềm dai mang đặc trưng của Duyên hải Nam Trung Bộ, cho đến đĩa rau ăn kèm có rau thơm, giá tươi, cải mầm và cả xoài xanh thái lát. Tiếp đến thêm phần kỳ công nữa chính là bát nước chấm. Về bát nước chấm sẽ có nhiều cách chế biến khác nhau, mỗi người sẽ có bí quyết chế biến khác nhau tùy thuộc vào khẩu vị riêng. Điểm khác nhau sẽ thể hiện ở tỷ lệ mắm, đường, nước,…và khác nhau ở thời gian đun.
5.Chè
Đến với phố biển Quy Nhơn, bạn không chỉ được thưởng thức những món hải sản tươi ngon mà còn có cơ hội được thử những món chè siêu ngon đến từ phố biển này. Nhắc đến chè, người ta thường sẽ nhớ đến đất Huế, Đà Nẵng,… Tuy nhiên đến với Quy Nhơn, bạn sẽ được thử một vị chè vô cùng đặc biệt, cùng loại chè đó, cách nấu đó nhưng với đến với Quy Nhơn bạn sẽ cảm nhận được vị chè có chút khác biệt so với những vùng khác.
Nhiều du khách vẫn thường nói rằng chè Quy Nhơn mang hương vị biển. Trong tiềm thức mỗi người khi nhắc đến chè thì chè phải ngọt sắc, ngọt lịm nhưng ngoài vị ngọt thì chè Quy Nhơn lại có phần mặn mà, đậm đà, mang hương vị đặc trưng của xứ Biển. Dù hiện tại, nhiều quán chè mọc lên như nấm nhưng dù chè truyền thống hay chè hiện đại thì đa phần công thức đã được biến đổi đôi chút để phù hợp hơn với khẩu vị con người nơi đây.
Chè ở Quy Nhơn được gọi là “chè bốn mùa”, mùa nào thức ấy. Mỗi mùa khác nhau sẽ có những loại chè khác nhau. Bạn có thể ghé Quy Nhơn cả vào bốn mùa để có thể thưởng thức những loại chè khác nhau. Những loại chè này vô cùng mộc mạc, đơn giản, tên gọi cũng không có gì sang trọng, kiêu sa nhưng nó quyến luyến con người đến lạ, khiến cho những người con xa quê cứ thèm thuồng cái vị chè Quy Nhơn.
6.Chả cá nướng
Quy Nhơn được mệnh danh là thành phố biển không chỉ vì những sự mát mẻ của bãi cát vàng và làn biển xanh, mà Quy Nhơn có không ít món ăn về hải sản cực kì tươi sống.Vì xuất phát tại quê hương biển cả nên chả cá ở đây tất cả đều được làm 100% từ cá biển tươi nguyên.
Chả cá nướng khiến bạn lần đầu đến Quy Nhơn tò mò với cách chế biến đặc biệt. Thay vì chiên, miếng chả được cán mỏng, nướng trên lửa than thơm lừng. Bánh tráng chả cá rau chỉ đặc biệt ngon khi cuốn với một nắm rau răm chứ không phải các loại rau sống khác. Rau răm được trồng làm rau thơm hoặc có khi mọc tự nhiên, quanh năm đều có và mua rất rẻ.
Món này khi ăn phải ăn kèm với một chút nước tương thì mới đúng vị. Lấy một miếng chả cá cuộn tròn với một lượng rau răm vừa đủ chấm thêm miếng ớt tương cay cay ngọt ngọt , xoài ngâm, trứng cút hoặc bánh phồng tôm là đủ cho bạn lai rai đã miệng, thoải mái đưa chuyện cùng bạn bè.
7.Bánh ít lá gai
Nếu bạn đang tìm kiếm một món đặc sản Quy Nhơn dễ ăn, dễ mang đi, giá cả phải chăng để làm quà thì bánh ít lá gai là lựa chọn tuyệt vời. Bánh có hình nón, đáy vuông, sắc cạnh, nhọn lên tới đỉnh. Nếu có vài chiếc bánh đặt trong đĩa ta có thể tưởng tượng đó là những cụm tháp Chàm cổ kính
Bánh được gói bằng lá chuối tơ, mướt dịu và đen như mái tóc thiếu nữ. Nguyên liệu làm bánh ít lá gai lại rất dễ tìm ở vùng quê Bình Định. Hái một ít lá gai luộc chín, giã nhuyễn, cho thêm bột nếp tươi đã vắt ráo nước và đường cát vào giã, trộn đều là xong phần bột bánh. Phần nhân, ngoài đậu xanh và đường phải có dừa khô nạo cơm mới đúng “gu”.
Đậu xanh xay bửa đôi, ngâm đãi sạch vỏ, hạt lép, hấp chín sau đó cà thành bột. Cùi dừa xanh sò thành sợi, cho vào chảo bắc lên bếp lửa than cháy liu riu, sên với đường cát đến khi đường tới, dẻo quánh đũa thì cho bột đậu xanh vào. Liên tục đảo đũa đến khi nhân có màu vàng sẫm, khô rời, mùi thơm bốc lên ngào ngạt, vo viên được là vừa.
Nhắc khỏi bếp, chờ khi nhân gần nguội, cho thêm nước muối và gừng để nhân ngọt dịu và dậy mùi. Vỏ bánh đen nhánh, bọc kín lấy nhân, khi ăn thật dẻo, thật mịn mà không dính răng. Ngoạm một miếng, ngậm mà nghe chút đắng của lá, cảm vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị béo của dầu, vị bùi của đậu, hương cay nồng của gừng, mới thấy thấm cái hồn của ẩm thực quê hương.
8.Bánh dây
Bánh dây là món ăn bắt nguồn từ thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định.Hiện nay, bạn có thể thưởng thức bánh dây ở bất cứ nơi đâu trong tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, muốn ăn bánh dây ngon chính gốc thì nhất định phải phải về thị trấn Bồng Sơn.
Thoạt nhìn lướt qua bánh dây Bồng Sơn bạn sẽ nghĩ ngay đến món bún, mì hay phở xào vì chúng có điểm chung là những sợi dây dài. Nhưng không bánh được làm từ nguyên liệu chính là bột gạo đã được thu hoạch từ nhiều tháng. Đây là một trong những bí quyết của người dân địa phương để món bánh trở nên dai hơn mà không phải sử dụng hàn the.
Gạo ngâm xong thì vớt ra rổ tre, để cho thật ráo nước rồi đem đi xay bằng cối đá.Tiếp theo, gạo sau khi ngâm nước tro sẽ được đem xay nhuyễn thành bột và hấp chín. Đặc biệt, trong quá trình hấp, người làm bánh phải liên tục dùng tay khuấy để bột được chín đều và không bị cháy khét.
Khi bột chín đều và ráo nước thì đem ra nhào bột thật dẻo mịn, rồi cắt thành miếng nhỏ cho vào khuôn ép thành những vỉ bánh gồm nhiều sợi bún nhỏ, đem đi hấp cách thủy cho chín đều. Lúc này, sợi bún có màu vàng nhạt tự nhiên và đẹp mắt.
Bún dây Bồng Sơn phải ăn theo kiểu bún trộn và để nguội thì mới ngon. Bún cho vào bát hoặc đĩa sâu, cho ít dầu ăn và nước mắm vào trộn đều. Dầu ăn phải được phi hành thơm trước, ăn cùng nước mắm ớt tỏi chua ngọt, dân dã nhưng đầy mê ly.
Bánh dây thường được bán vào buổi sáng và chiều tối. Khi có khách gọi, người bán sẽ nhanh tay xé rời từng vỉ bánh, cắt từng đoạn ngắn vừa ăn cho vào dĩa. Nhìn đĩa bánh dâyđược mang ra, thực khách sẽ bị kích thích ngay vị giác bằng những màu sắc bắt mắt: vàng của bánh, xanh của rau, trắng của giá, đỏ của chén nước mắm,… Mùi thơm thoang thoảng hương gạo mùa, đậu phộng quê, lá hẹ vườn nhà.
Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC
Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC
Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC