Phù chân và 12 nguyên nhân thường gặp

phù chân

Hiện tượng phù chân là gì?

Cơ thể con người được cấu tạo bởi khoảng 60% nước. Bình thường có sự cân bằng tinh tế giữa một bên là lượng nước trong máu và một bên là lượng nước trong các mô.

Áp suất máu có xu hướng đẩy nước trong máu ra khỏi mạch máu để đi đến các mô lân cận.Trong khi đó các protein trong máu lại hút số nước này trở lại mạch máu.Nhưng trong những trường hợp bệnh lý sự cân bằng này bị phá vỡ mà đôi khi không biết được nguyên nhân. Hậu quả là các mô cơ thể, nhất là các mô liên kết bị ứ nước bất thường gây phù, hay gặp nhất ở các chi dưới.

Phù chân có thể xảy ra ở bất cứ phần nào của chân, bao gồm bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân hoặc đùi.

Phát hiện phù chân như thế nào?

Thông thường bằng mắt thường mọi người có thể thấy ngay được, nhưng đôi khi rất khó xác định phù. Khi bị phù người bệnh có cảm giác nặng mặt, nặng chân. Nơi bị phù sưng to, căng mọng, các nếp nhăn mất dần đi, mắt cá, đầu xương bị phẳng lỳ. Người bệnh sẽ thấy da vùng phù nhạt màu, ấn vào nơi phù da lõm xuống, đặc biệt là ấn vào mặt trước trong xương chày.

Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể xuất hiện các dấu hiệu kèm theo như lượng nước tiểu ít đi, gan to, cổ trướng, khó thở… Do phù giữ nước nên cân nặng có thể tăng hằng ngày từ 1 đến 2 kg.

Nguyên nhân gây phù chân

Một người bình thường cũng có thể bị sưng chân do dồn ứ dịch ở dưới chân nếu như đứng hoặc ngồi quá lâu, hoặc ở những người thừa cân, béo phì hoặc đi giày hoặc mặc quần, tất quá chật. Phù chân có thể là sinh lý bình thường cũng có thể là dấu hiệu tiềm ẩn của nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Một số nguyên nhân thường gặp gây phù chân như:

  • Phù chân vì mang thai

phù chân

Phù chân hay sưng tấy bàn chân hay, đôi khi được gọi là phù nề, ảnh hưởng đến khoảng 8/10 phụ nữ mang thai. Nguyên nhân thường là do lượng chất lỏng lưu thông xung quanh cơ thể tăng lên.

Thai phụ có thể sẽ nhận ra bàn chân của mình bị sưng tấy trong nửa đầu hoặc hơn của thai kỳ

Ở ba tháng đầu thai kỳ, mức độ tăng nhanh của hormone progesterone làm chậm quá trình tiêu hóa của thai phụ. Điều này có thể gây chướng bụng trong thời gian dài. Thai phụ cũng có thể nhận thấy một chút bọng mắt ở tay, chân hoặc mặt nhưng không nhiều.

Nếu nhận thấy sưng nhiều ngay từ sớm, đặc biệt là nếu đi kèm với các triệu chứng khác như chóng mặt, đau đầu hoặc chảy máu, tốt nhất thai phụ nên đi khám ngay lập tức

Ở tam cá nguyệt thứ hai bắt đầu từ tuần 14 của thai kỳ, gần bắt đầu từ tháng thứ 4. Không có gì lạ khi thai phụ bắt đầu nhận thấy bàn chân bị sưng vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, đặc biệt nếu phải đi lại nhiều hoặc thời tiết nóng bức.

Tình trạng sưng tấy này là do lượng máu và chất lỏng trong cơ thể ngày càng tăng. Lượng máu của thai phụ tăng khoảng 50% trong suốt quá trình mang thai và điều đó kết hợp với việc giữ nước nhiều do nội tiết tố. Tất cả chất lỏng bổ sung này sẽ giúp làm mềm cơ thể thai phụ và chuẩn bị cho việc sinh nở. Hãy yên tâm, lượng chất lỏng dư thừa sẽ giảm nhanh chóng trong vài tuần sau khi sinh con.

Vào những tuần cuối của thai kỳ có thể có hiện tượng phù chân do chèn ép vào tĩnh mạch chủ dưới gây tăng áp lực thủy tĩnh kéo nước ra khỏi lòng mạch gây ra hiện tượng phù 2 chi dưới điều này có thể làm chậm quá trình lưu thông máu từ chân trở về tim. Điều này không đáng lo lắng hay nguy hiểm gì chỉ là khó chịu.

Để giảm bớt khó chịu, bạn có thể thử mát xa chân nhẹ nhàng, chườm lạnh nếu thấy khó chịu, mang vớ nén, nâng cao chân khi nghỉ ngơi. Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nước, ăn nhạt, đồng thời nên đi dạo thường xuyên để máu lưu thông đều đặn cả hai chân thay vì đứng một chỗ quá lâu.

  • Bị phù chân do trời nóng

Bàn chân sưng thường xuyên xảy ra trong thời tiết nóng là do các tĩnh mạch của bạn giãn ra như là một phần của quá trình làm mát tự nhiên của cơ thể. Chất lỏng đi vào các mô gần đó như là một phần của quá trình này. Tuy nhiên, đôi khi tĩnh mạch của bạn không thể mang máu về tim. Điều này dẫn đến việc tích tụ chất lỏng ở mắt cá chân và bàn chân. Những người có vấn đề về tuần hoàn đặc biệt dễ gặp tình trạng này.

Bạn có thể giảm sưng phù nề chân bằng cách ngâm chân trong nước mát, uống nhiều nước. Ngoài ra, bạn hãy mang giày thoải mái và nghỉ ngơi với đôi chân được nâng cao khi nghỉ ngơi. Nếu phù nặng thì bạn cần đeo vớ nén. Đi bộ và các bài tập có vận động chân đơn giản cũng giúp ích cho bạn.

  • Phù chân do uống rượu bia

Uống rượu bia có thể khiến bạn bị phù chân vì cơ thể bạn giữ lại nhiều nước hơn sau khi uống. Thông thường hiện tượng chân bị sưng phù sẽ biến mất trong một vài ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng sưng không giảm xuống trong thời gian này thì bạn nên đi khám. Trong trường hợp này, đó có thể là dấu hiệu của một số vấn đề với gan, tim, thận

  • Phù chân do chấn thương

Khi bạn bị thương tại chân, ví dụ như gãy xương hay bong gân thì cơ thể sẽ phản ứng lại bằng tình trạng sưng, viêm. Máu sẽ được dồn xuống chân để hồi phục vết thương.

Bệnh nhân có thể tham khảo tư vấn từ bác sĩ để lựa chọn hướng điều trị cho phù hợp. Thông thường sưng phù chân do chấn thương sẽ được chườm đá nhiều lần, mỗi lần không quá 20 phút. Sau khi chườm đá bệnh nhân nên nghỉ ngơi và kê cao chân, đặc biệt lúc ngủ để tình trạng được cải thiện.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, bác sĩ có thể đề nghị một loại thuốc giảm đau không kê đơn hoặc theo toa. Bạn có thể cần phải đeo nẹp. Đối với trường hợp nặng có thể phải phẫu thuật.

  • Gout

Gout là bệnh gây sưng đau viêm khớp thường xuất hiện ở người cao tuổi. Sự tích tụ axit uric ở bệnh nhân gout có ảnh hưởng đến sức khỏe, đồng thời làm sưng phù bàn chân. Với tình trạng này, bệnh nhân nên trao đổi cùng bác sĩ để cải thiện dinh dưỡng, đồng thời kết hợp một số loại thuốc chống viêm.

  • Phù chân do suy giãn tĩnh mạch chi dưới

phù chân

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng suy giảm chức năng của tĩnh mạch khả năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch chi kém dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại chi gây giãn tĩnh mạch chi dưới

Triệu chứng bao gồm chân bị phù, đau nhức chân, trên da xuất hiện các tĩnh mạch màu xanh nổi rõ, ngứa da chân, loét ứ đọng tĩnh mạch, nhiễm trùng.

Điều trị bao gồm thuốc, tránh đứng hoặc ngồi lâu trong thời gian dài, nâng cao chân khi nghỉ ngơi, tập thể dục thường xuyên, tránh thừa cân, mang vớ nén, vệ sinh da hằng ngày.

  •  Phù chân do suy tim phải

Phù trong suy tim phải là do tăng áp lực thủy tĩnh tại mao mạch và gia tăng vận chuyển dịch từ lòng mạch vào mô kẽ. Ngoài ra, tổn thương thành mạch dẫn đến tăng tính thấm thành mạch cũng gây phù.

Khi bị suy tim phải, máu sẽ ứ ở tuần hoàn ngoại vi gây nên tình trạng sưng, phù chân. Phù lúc đầu ở 2 chi dưới sau có thể phù toàn thân, phù tăng lên khi đứng lâu, tăng về chiều, giảm phù khi nghỉ ngơi ngoài ra còn kèm theo biểu hiện đi tiểu ít.

  • Phù chân do bệnh ở thận

Thận có nhiệm vụ cân bằng lượng chất lỏng trong cơ thể. Khi thận bị suy yếu, không còn hoạt động bình thường thì cơ thể sẽ dễ bị tích nước dẫn đến chân bị phù nề.

Ngoài ra bệnh ở thận còn làm thiếu albumin do bài tiết ra ngoài theo đường nước tiểu nhiều protein dẫn đến giảm áp lực keo gây ra phù toàn thân.

  • Phù chân do viêm tắc tĩnh mạch

Khi cơ thể hình thành cục máu đông, khu vực phía sau vùng bị tắc nghẽn sẽ gia tăng áp lực nghiêm trọng, dồn máu ra khỏi tĩnh mạch vào các mô gây sưng, phù chân cũng như đe dọa tới tính mạng.

Những người có yếu tố nguy cơ cao như: béo phì, nghiện thuốc lá, suy tim, ung thư, phụ nữ đang mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai và những người ngồi nhiều sẽ có nguy cơ cao hình thành cục máu đông.

  • Phù chân do tắc nghẽn đường bạch huyết

Dịch ngoại bào được hình thành từ máu nhờ quá trình lọc qua thành mao mạch. Đa số dịch quay trở lại mao mạch với áp suất thấp hơn còn một số lại được gom lại vào một hệ thống dẫn riêng biệt gọi là các mạch bạch huyết. Mạch bạch huyết đem dịch trở lại vòng tuần hoàn với áp lực thấp hơn áp lực của dịch ngoại bào.

Phù do tắc nghẽn đường bạch huyết thường do đường dẫn lưu bạch huyết không hấp thu vào mạch máu bị tắc nghẽn thường do nhiễm ký sinh trùng như giun chỉ, tắc nghẽn đường bạch huyết ở chi dưới làm chân bệnh nhân phù to như chân voi.

  • Phù chân do phù bạch huyết

Phù bạch huyết là tình trạng xảy ra khi hệ bạch huyết, đặc biệt là các hạch bạch huyết tại vùng chậu bị tổn thương, ảnh hưởng tới sự lưu thông của dịch bạch huyết xuống chân, bàn chân. Tình trạng phù bạch huyết dễ xảy ra với những người bị béo phì, ung thư cần nạo hạch bạch huyết.

Bạn cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bao gồm bài tập kích thích thoát dịch bạch huyết; quấn băng quanh chân để giảm phù, xoa bóp hạch bạch huyết; mang vớ nén,… để giảm đau và giảm sưng. Đối với phù bạch huyết nặng thì bạn có thể phải phẫu thuật.

  • Phù chân do xơ gan

Khi bị xơ gan, gan có thể hình thành sẹo, hạn chế dòng máu chảy vào gan gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa gây phù chân và cổ chướng. Ngoài ra xơ gan giảm tổng hợp albumin dẫn đến giảm áp lực keo gây phù.

Một số mẹo giúp giảm tình trạng phù chân

  • Hạn chế lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày
  • Đặt một cái gối dưới chân của bạn khi nằm ngủ có thể giúp giảm mức độ phù chân nếu nguyên nhân là do quá tải dịch
  • Hãy mặc quần hoặc tất có kích cỡ thoải mái, co giãn được. Tránh mang tất, quần chật. Nếu bạn có thể nhìn thấy những mấu lằn của quần khi mặc thì có lẽ nó quá chật. Hãy đổi chiếc khác rộng hơn.
  • Nếu cần phải đứng trong một thời gian dài, hãy dành ra những khoảng nghỉ ngắn để đi lại một chút. Nếu phải ngồi lâu, hãy kê một chiếc ghế nhỏ dưới chân để chân đỡ bị thõng, thỉnh thoảng hãy đứng lên, đi lại quanh phòng.
  • Nếu bạn nghi ngờ phù chân là do tác dụng phụ của thuốc thì cũng không nên ngưng thuốc đột ngột. Hãy liên hệ bác sĩ của bạn để xin ý kiến hoặc để được hướng dẫn sử dụng loại khác thay thế.

Khi nào cần đi gặp bác sĩ?

Nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu sưng phù kèm theo các triệu chứng sau:
  • Mắc bệnh tim hay bệnh thận
  • Mắc bệnh gan
  • Vùng sưng phù bị tấy đỏ, nóng
  • Hơi sốt
  • Mang thai và bị phù đột ngột hoặc phù nặng
  • Đã thử nhiều cách khắc phục tại nhà, nhưng không có hiệu quả
  • Sưng phù càng ngày càng nặng
  • Tự nhiên bị phù chân đột ngột mà không thấy nguyên nhân rõ ràng
  • Liên quan đến các chấn thương như bị ngã, chấn thương khi chơi thể thao hoặc tai nạn giao thông
  • Phù xảy ra ở một chân kèm đau dữ dội hoặc chân trở nên tím, tái, lạnh
Nên đến bệnh viện ngay lập tức nếu sưng phù bàn chân, cẳng chân và mắt cá chân, đồng thời gặp một hoặc nhiều triệu chứng sau đây:
  • Đau, tức ngực
  • Chóng mặt
  • Đầu óc lú lẫn
  • Xây xẩm hoặc ngất xỉu
  • Khó thở hoặc thở gấp
  • Cảm giác khó thở khi gắng sức hoặc khi nằm đầu bằng
  • Ho máu
Cần để ý những vấn đề sau để báo cho bác sĩ biết:
  • Bị phù ở vị trí nào?
  • Thời điểm nào trong ngày bị nặng hơn?
  • Có gặp triệu chứng nào nữa không?
  • Để ý xem khi làm gì thì bớt phù hoặc làm gì thì phù nặng hơn?

Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế

Kính chào Quý Khách hàng,

Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…

Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.

Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.

Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.


PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMClogo

Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC

Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC

Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC