Hoại tử chỏm xương đùi là gì?
Chỏm xương đùi là thành phần cấu tạo lên khớp háng, chỏm xương đùi hình dạng 2⁄3 khối cầu có hướng lên trên và vào trong.
Hoại tử chỏm xương đùi hay còn gọi là hoại tử vô mạch chỏm xương đùi, nguyên nhân do thiếu máu nuôi dưỡng. Dẫn tới tình trạng xương hoại tử tổ chức xương và sụn, lúc đầu vùng chỏm xương thưa dần, hình thành các ổ khuyết xương về sau dẫn tới gãy xương dưới sụn và cuối cùng gây ra xẹp chỏm xương đùi, mất chức năng khớp háng dẫn đến tàn phế.
Bệnh hoại tử chỏm xương đùi không do căn nguyên vi khuẩn nên còn có cách gọi khác là hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi
Nguyên nhân gây hoại tử chỏm xương đùi
Hoại tử chỏm xương đùi tự phát thường gặp nhất ở độ tuổi trung niên, nam thường gặp hơn nữ. Hoại tử xương thứ phát sau chấn thương hoặc các nguyên nhân khác phụ thuộc vào tuổi mắc các bệnh lý nền
Tổn thương có thể ở một hoặc hai bên khớp háng, khoảng 70% trường hợp tổn thương xảy ra ở một bên.
Một số nguyên nhân phổ biến gây hoại tử chỏm xương đùi như:
- Chấn thương: Nghiên cứu cho thấy tình trạng này thường xảy ra do chấn thương, trật khớp hoặc do gãy cổ xương đùi hoặc trật khớp gây chèn ép các mạch máu do tăng áp trong khớp háng . Khả năng hoại tử sau trật khớp háng là 10 – 25% còn trong gãy ổ xương đùi là 11 – 16% . Thông thường hoại tử xuất hiện sau chấn thương khoảng 2 năm và không ảnh hưởng nhiều đến tuổi và giới.
- Dùng corticosteroid mạn tính: Việc dùng corticosteroid lâu dài bằng đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch đều có làm tăng nguy cơ hoại tử xương ở người bệnh.
- Lạm dụng rượu bia và hút thuốc lá:
- Rượu: Trong nhiều nghiên cứu về hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi trên thế giới và Việt Nam cho thấy nghiện rượu được xem là yếu tố nguy cơ cao gây hoại tử xương. Những người uống từ 400ml rượu mỗi tuần có nguy cơ hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi. Nghiện rượu là yếu tố nguy cơ cao gây hoại tử xương với vòng xoắn bệnh lý: Nghiện rượu – tăng lipoprotein máu – xơ cứng động mạch, hẹp lòng mạch – hoại tử xương.
- Thuốc lá: Theo chuyên gia Primal Kaur – Chuyên gia về bệnh loãng xương thuộc hệ thống các trường Đại học Y tế ở Philadelphia (Mỹ), Nicotine và các độc tố trong thuốc lá làm ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp từ nhiều góc độ.
- Khói thuốc lá tạo ra một lượng lớn các chất oxy hóa, làm sản sinh ra một chuỗi các phản ứng gây tổn thương trên toàn bộ cơ thể, bao gồm cả các tế bào, cơ quan và hormone liên quan trong việc giữ gìn hệ xương khớp khỏe mạnh.
- Hút thuốc lá làm giảm lượng calcitonin – là hormone có tác dụng tích cực ngăn ngừa tiêu xương. Vì thế, khi calcitonin giảm thì quá trình hủy xương diễn ra nhanh hơn, làm xương suy yếu.
- Hút thuốc cũng làm tổn thương mạch máu, khiến nồng độ oxy trong máu giảm, tăng gấp đôi nguy cơ gãy xương.
- Hút thuốc làm tăng nồng độ carbon monoxide, dẫn đến giảm lượng oxy trong máu từ đó làm cản trở quá trình tự sửa chữa hư tổn của sụn khớp.
- Cục máu đông, viêm và tổn thương động mạch đều có thể ngăn chặn lưu lượng máu tới xương
- Ngoài ra còn một số nguyên nhân dẫn đến hoại tử chỏm xương đùi như: Bệnh khí ép (thợ lặn, công nhân hầm mỏ), bệnh lí tự miễn (viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ,…), ghép tạng, bệnh lí tăng đông và bệnh tắc mạch tự phát, đái tháo đường, bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh Crohn…
Những yếu tố liên quan:
- Tuổi tác: Bệnh có xu hướng gia tăng theo tuổi.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Một số bệnh lý: Các bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid… khiến người bệnh đối mặt với nguy cơ hoại tử xương rất cao
Dấu hiệu của hoại tử chỏm xương đùi
Những triệu chứng người bệnh thường gặp khi bị hoại tử chỏm xương đùi gồm:
- Đau khớp háng: Cơn đau xuất hiện ở mặt trong vùng bẹn lan xuống mặt trong đùi. Một số trường hợp cơn đau có thể lan đến vùng mông.
- Cơn đau có thể xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên khớp háng. Cơn đau trở nên nghiêm trọng khi vận động, đứng lâu và thuyên giảm khi nghỉ ngơi, đau nhói ở khớp háng khi lên – xuống cầu thang, ngồi xổm, đi bộ lâu, vận động khớp háng đột ngột,… Triệu chứng đau thường âm ỉ, khiến người bệnh khó chịu. Đau dữ dội hơn khi tác động mạnh vào khớp háng.
- Cứng khớp: cứng khớp háng thường xuất hiện vào buổi sáng, khó dạng chân hoặc bước chân, giảm sau vài cử động khớp. Triệu chứng xuất hiện thường xuyên vào ngày trời lạnh hoặc ẩm thấp.
- Hạn chế vận động khớp: Cơn đau có thể khiến người bệnh gặp khó khăn khi vận động khớp háng như xoay trong, xoay ngoài, dạng hoặc khép. Đặc biệt, người hoại tử chỏm xương đùi rất khó ngồi xổm, gần như rất khó để thực hiện tư thế này.
Hoại tử chỏm xương đùi là căn bệnh diễn biến âm thầm, từ từ cho đến khi chúng ta bắt đầu cảm nhận được cảm giác đau ở khớp háng bị tổn thương thì đồng nghĩa bệnh đã tiến triển đến giai đoạn trung bình trở lên.
Một số trường hợp người bệnh không có triệu chứng đầu tiên đau tại khớp háng mà trong giai đoạn sớm người bệnh có cảm giác đau khớp gối cùng bên hoặc có cảm giác đau vùng mông và đau gối cùng bên khớp háng bị tổn thương. Chính vì thế, một số người bệnh dễ bị chẩn đoán là thoái hóa khớp gối hay bệnh lí tại khớp gối hoặc bệnh lý thoát vị đĩa đệm mà bị bỏ qua chẩn đoán hoại tử chỏm xương đùi giai đoạn sớm
Vì vậy, người bệnh nên nghĩ đến bệnh hoại tử chỏm xương đùi khi thấy mình nằm trong nhóm nguy cơ cao như đã nêu trên. Bên cạnh đó, khi có biểu hiện đau khớp háng 1 bên hay 2 bên đặc biệt khi ngồi xổm, dạng khép khớp háng, xoay trong khớp háng, đau khi đi nhiều hay đứng lâu và giảm khi nghỉ ngơi hoặc có biểu hiện đau khớp gối dai dẳng mà chưa tìm ra nguyên nhân tổn thương tại khớp gối. Người bệnh cần đi khám tại các bệnh viện lớn có chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời
Các biện pháp chẩn đoán bệnh hoại tử chỏm xương đùi
Khi chẩn đoán bệnh dựa vào các biểu hiện lâm sàng trên kết hợp với người bệnh có yếu tố nguy cơ cao như tuổi, có tiền sử chấn thương khớp háng, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, mắc các bệnh nội khoa mạn tính ( đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp…)…để có hướng chẩn đoán bệnh hoại tử chỏm xương đùi.
Chẩn đoán xác định dựa vào các phương pháp cận lâm sàng
- X quang: Bao gồm phim chụp X quang khớp háng thẳng và nghiêng, X quang khớp háng kiểu đùi chếch là phương tiện đầu tiên được lựa chọn để chẩn đoán hoại tử chỏm xương đùi.
Hình ảnh: Nhẹ thấy hình ảnh xương thưa, thường thấy xẹp chỏm từ nhẹ đến nặng, nặng nhất là thấy mất một phần hoặc hoàn toàn chỏm, hình ảnh hẹp khe khớp.
- Phim MRI (cộng hưởng từ): Khi hình ảnh trên phim x quang không rõ, hay chưa đủ để chẩn đoán bệnh thì cho người bệnh chụp cộng hưởng từ MRI là phương tiện chẩn đoán sớm và chính xác hoại tử chỏm xương đùi
Hoại tử chỏm xương đùi được điều trị như thế nào?
Điều trị nội khoa
Ở giai đoạn sớm dùng thuốc giúp cải thiện triệu chứng, giảm đau và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh
Điều trị nội khoa đối với hoại tử chỏm xương đùi bao gồm sử dụng thuốc, dùng thuốc (bisphosphonates), vật lý trị liệu (trường điện từ, sóng âm), tiêm những yếu tố sinh học… Những phương pháp này có thể giúp giảm đau, làm chậm tiến triển bệnh.
Trong những trường hợp hoại tử chỏm xương đùi nặng các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả và đau đớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, phẫu thuật có thể là phương pháp điều trị tốt nhất để giải quyết vấn đề.
Điều trị phẫu thuật thay khớp
Phẫu thuật điều trị hoại tử chỏm xương đùi có thể giúp bệnh nhân giảm đau khớp háng, giúp việc đi lại dễ dàng hơn. Các phẫu thuật gồm:
- Khoan giải ép chỏm xương đùi:
Bác sĩ sẽ lấy một phần lõi của xương, kích thích mọc xương lành cùng mạch máu mới.
Trong giai đoạn sớm khi chỏm xương đùi chưa biến dạng, phẫu thuật giảm áp trong chỏm xương đùi sẽ đem lại hiệu quả cao. Giảm ép là giải thoát sự tăng áp trong tủy xương dẫn đến tăng sinh mạch máu nuôi. Trong giai đoạn sớm tiên lượng rất tốt
- Ghép xương mác có cuống mạch:
Trong giai đoạn chỏm xương đùi bị bẹp (độ III và trên độ III) thì có đến trên 70% phải thực hiện phẫu thuật thay thế, vì vậy giai đoạn này sự giải áp chỉ khiến việc thay khớp bị chậm trễ hơn, do đó sự giải áp chỉ đặt ra ở giai đoạn sớm.
Vì nguyên nhân của tổn thương hoại tử chỏm xương đùi là do thiếu máu nuôi dưỡng vì thế một số bác sĩ đã sử dụng các vạt xương có cuống mạch nuôi như dùng vạt xương mác có cuống mạch tự do hay dùng vạt xương mào chậu có cuống để điều trị. Những kết quả điều trị ban đầu cho thấy phương pháp này mang lại hiệu quả nhất định, đặc biệt là ở những trường hợp tổn thương độ II hoặc III
- Đục xương chỉnh trục:
Bác sĩ lấy một mẩu xương hình nêm phía trên hoặc phía dưới tại vị trí khớp xương chịu trọng lượng cơ thể. Phương pháp này giúp giảm gánh nặng cho xương tổn thương, can thiệp có thể giúp người bệnh tránh khỏi nguy cơ thay khớp.
- Thay khớp háng:
Khi chỏm xương bị xẹp, người bệnh cần được thay khớp háng. Đây là lựa chọn điều trị cuối cùng.
Tuy nhiên trong trường hợp, tình trạng hoại tử chỏm xương đùi của bệnh nhân chưa quá nghiêm trọng, các phương pháp điều trị bảo tồn giúp giảm đau và cải thiện sức khỏe người bệnh có thể là lựa chọn tốt hơn
Điều trị không dùng thuốc cũng được coi là giải pháp hỗ trợ với mục đích chủ yếu là:
- Loại bỏ các yếu tố nguy cơ: Bỏ thuốc lá, tránh rượu bia, tránh hoặc hạn chế tối đa việc sử dụng corticosteroid nếu có thể.
- Giảm chịu lực chân đau: Người bệnh nên giảm hoạt động hoặc dùng nạng hoặc dụng cụ hỗ trợ đi lại để giúp chỏm xương đùi hạn chế chịu lực, giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
- Sau phẫu thuật người bệnh phải được làm phục hồi chức năng với mục tiêu: Làm giảm lực tì đè lên vùng tổn thương.
- Tập vận động thụ động, tập vận động có trợ giúp, tập vận động chủ động khớp háng trước và sau phẩu thuật khi có chỉ định. Giúp cải thiện chức năng vận động khớp, tránh biến chứng co rút khớp. Tập cho người bệnh đi lại và tái hòa nhập cộng đồng (đảm bảo công ăn việc làm, học tập, công tác đảm bảo cuộc sống của người bệnh).
- Có thể áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc cho giai đoạn trước và sau phẩu thuật thay khớp háng như: Điện châm (có kim) hoặc điện châm (không kim), cấy chỉ, thủy châm, laser châm, xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh…
- Điều trị vật lý trị liệu: Hồng ngoại, paraphin, siêu âm, sóng ngắn, điện phân, điện xung, giao thoa, chườm đá,…
Ngoài ra, người bệnh hoại tử chỏm xương đùi cần được phối hợp điều trị với chế độ sinh hoạt đảm bảo việc điều trị được thực hiện tích cực. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc thường được chỉ định giúp giảm thời gian điều trị và sử dụng các thuốc kéo dài cho người bệnh, mang lại hiệu quả tích cực. Đồng thời việc điều trị được theo dõi hằng ngày bởi các bác sĩ sẽ giúp người bệnh kiểm soát tình trạng bệnh một cách tốt nhất.
Biện pháp phòng ngừa hoại tử chỏm xương đùi
Để giảm nguy cơ hoại tử chỏm xương đùi, bạn cần lưu ý:
- Hạn chế tối đa rượu bia, bỏ hút thuốc.
- Chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế dầu mỡ.
- Kiểm soát tốt những bệnh nội khoa như kiểm soát huyết áp, lipid máu, đường huyết…
- Không lạm dụng thuốc chứa corticoid. Nếu dùng nên đảm bảo tuân thủ theo đúng chỉ định từ bác sĩ.
Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế
Kính chào Quý Khách hàng,
Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.
PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMC
Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC
Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC
Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC