Đặc sản Hà Giang: Những món ngon của xứ sở hoa tam giác mạch

Nhắc đến Hà Giang, người ta không chỉ truyền tai nhau về cao nguyên đá, về những cánh đồng tam giác mạch, hay những cung đường phượt, mà còn về những món ăn khó quên.

Để có thể làm ra những món ăn mang đậm hương vị đặc trưng của vùng đất địa phương, người dân Hà Giang buộc phải bắt tay vào nhiều công đoạn cũng như cách thức thực hiện phức tạp và cầu kì. Ngoài phong cảnh hùng vĩ và đậm chất tình, mảnh đất Hà Giang còn là một bức tranh ẩm thực phong phú đầy màu sắc khiến bất cứ ai cũng phải tò mò.

Đặc sản Hà Giang luôn là món quà nức lòng du khách gần xa không chỉ bởi cái tên mà còn ở nét đẹp văn hóa bản làng được lồng vào ẩm thực địa phương. Hơn nữa, thiên nhiên cũng ưu đãi nơi đây với nhiều nguyên liệu quý, tạo nên nét ẩm thực đặc trưng. Cùng mình khám phá các món ngon Hà Giang nhé!

14 món ngon Hà Giang làm say lòng du khách

1.Cháo ấu tẩu

Hà Giang

Ấu tẩu là loại củ đặc trưng của Hà Giang, chứa độc tố. Nhưng qua chế biến tài tình, người H’Mông đã biến chúng thành món ăn bổ dưỡng, chữa cảm mạo, đau nhức,…

Làm món này khá công phu đấy nhé! Trước tiên, người nấu sẽ khử độc củ ấu bằng cách ngâm chúng vào nước vo gạo, rồi ninh tầm 4-5 tiếng. Sau đó đem tán nhuyễn, nấu cùng nước hầm xương và gạo nếp cái hoa vàng pha một ít gạo nếp tẻ. Cháo khi chín sẽ được múc ra bát ăn kèm thịt nạc băm, muối, tiêu và hành hoa.

Món này ăn khá lạ miệng luôn. Bát cháo có vị béo bùi pha lẫn chút đắng của ấu tẩu, mùi thơm ngon từ trứng gà và các loại rau gia vị ăn kèm. Nhưng mách nhỏ bạn nè, trước khi ăn nên thử một ít cháo ở đầu lưỡi nhé. Nếu cảm giác hơi tê thì ấu tẩu có thể nấu chưa kỹ, còn độc tố. Vẫn bình thường thì thưởng thức ngay nhé!

2.Thắng Cố

Thắng cố là một trong những món ngon Hà Giang mà bất cứ ai khi đến với mảnh đất này đều phải thử. Thắng Cố có nghĩa là canh thịt, theo truyền thống được chế biến từ thịt ngựa. Ngày nay, để phù hợp với khách du lịch, chủ quán đã thay thế nguyên liệu bằng thịt trâu, bò, lợn.Món này có mùi ngai ngái đối với những người lần đầu nếm thử, nhưng càng ăn càng ghiền đấy nhé!

Tinh túy của Thắng Cố đặc biệt ở nước dùng – được ninh từ xương và lục phủ ngũ tạng. Cùng 12 loại gia vị đặc trưng: hoa hồi, thảo quả và lá chanh,… tạo nên nồi nước hầm thơm ngon, bổ dưỡng. Còn lại là phần thịt sẽ được rán sơ qua rồi cho vào nước dùng để ninh mềm.

Với cái vị bùi bùi của thịt, ngọt thanh và cay nhẹ từ nước hầm siêu ngon luôn nè. Món này sẽ hấp dẫn hơn khi bạn ăn kèm với mèn mén (cơm ngô), bánh ngô nướng và rượu ngô.

3.Thắng Dền

Hà Giang

Thắng Dền được làm từ gạo nếp nương của huyện Yên Minh dẻo thơm, ngon ngọt. Không giống hạt gạo miền xuôi, loại này có hình dạng to, trắng và chắc hạt. Để làm Thắng Dền, người nấu sẽ giã nhuyễn và xay gạo nếp với nước ấm thành hỗn hợp bột mịn. Để ráo đến khi đặc và dẻo lại thì đem vo thành những viên tròn vừa ăn.

Ngoài ra, người dân còn làm Thắng Dền có nhân đậu xanh, đậu đỏ,… để tăng thêm hương vị. Sau khi nấu nhừ đậu và sên thành khối, chúng được nhồi vào giữa lớp bột, vo tròn lại.

Khi có khách đến thì mới bắt đầu luộc. Món này dẻo dẻo khá bắt miệng, có vị ngọt nhẹ và thoang thoảng hương thơm gạo nếp. Thêm vào một chút cay từ nước đường hoa mai nấu gừng và bùi béo của nước cốt dừa, vừng, lạc rang ngon khó cưỡng!

4.Phở chua

Phở chua là món điểm tâm của người Trung Quốc. Sau đó du nhập vào Việt Nam và ảnh hưởng đặc biệt tại các vùng Đông Bắc như Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn,…

Được làm từ gạo nếp nương của Hà Giang, bánh phở sau khi tráng sẽ treo gác bếp để khói làm bánh dai hơn. Bên cạnh đó, nước sốt chua ngọt được làm từ giấm pha đường, thêm vào ít bột sắn, khuấy sền sệt cùng gia vị một cách đều tay. Kết hợp với vị đậm đà, lôi cuốn của thịt xá xíu, thịt quay, lạp xưởng, có thể thêm ớt xào để tăng độ cay khi ăn.

Món này đặc biệt ngon khi dùng kèm với rau húng thơm, tỏi tươi, đu đủ nạo,… Tất cả tạo nên một hương, sắc, vị khiến du khách khó có thể từ chối.Cách ăn đúng điệu của người H’Mông là uống thêm rượu ngô khi ăn phở chua. Bạn cũng nên thử nếu muốn trải nghiệm những nét văn hóa ẩm thực độc đáo này.

5.Bánh tam giác mạch thơm ngon

Hà Giang

Tam giác mạch là một trong những loài hoa biểu trưng của vùng Đông Bắc Hà Giang. Và loại bánh này cũng từ đó mà trở thành một đặc sản của vùng.  Khi đi chợ địa phương, bạn dễ bắt gặp những chiếc bánh xếp chồng với màu sắc khác nhau. Bánh tam giác mạch thường có màu tím nhạt với những chấm tím sẫm nổi lên. Còn bánh ngô tẻ màu vàng, màu trắng là bánh ngô nếp.

Hạt tam giác mạch sau khi phơi khô đem xay thành bột nhuyễn mịn. Quá trình làm loại bánh này khá đơn giản. Bột được nhồi cùng nước lọc cho đến khi tạo thành một khối dẻo mịn thì được chia ra và cán dẹt cỡ một gang tay. Bánh sẽ được hấp chín sau đó đem đi nướng với than hồng vừa phải để có mùi thơm và ngon hơn khi ăn nóng.

Bánh có vị bùi béo, mềm xốp hòa với mùi hăng đặc trưng của tam giác mạch. Trong không khí se lạnh của Hà Giang mà ngồi cạnh bếp than hồng nhâm nhi chiếc bánh nóng hổi, thơm ngon thì còn gì bằng. Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn kèm món bánh này với Lợn cắp nách và Thắng Cố,…

6.Mèn mén – Tẩu chóa

Mèn Mén hay còn được gọi là cơm ngô, là một món đặc sản của người H-Mông. Mèn mén được làm từ ngô. Ngô sau khi thu hoạch sẽ được phơi thật khô, sau đó tách từng hạt ngô và loại bỏ những hạt bị hỏng. Mèn mén ở Hà Giang được làm hoàn toàn thủ công từ công đoạn giã hạt bằng cối đá, lọc bột ngô rồi đồ lên để bột bắp chín tới, thơm ngon.
Để ra được thành phẩm lên men thơm bùi, người Mông phải đồ tới hai lần. Đồ mèn mén cũng là một nghệ thuật, phải làm sao cho bột ngô không quá khô, cũng không bị nát, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm căn chỉnh lượng nước cũng như trộn thật đều tay để mèn mén ra đến độ sánh nhất định.
Hương vị mèn mén thanh-ngọt-bùi, là món ăn truyền thống của người Mông, giờ đây đã được bày bán rộng rãi ở các chợ phiên, đưa hương vị truyền thống rộng rãi đến đồng bào miền xuôi.

Tẩu chóa hay còn gọi với cái tên khác là canh óc đậu, được người dân chế biến từ đậu tương xay, nấu cùng cải mèo muối chua, tạo nên một món canh thanh mát. Hai món ăn này thường sẽ đi kèm với nhau, kết hợp thành một hương vị đặc biệt khó quên cho bất cứ ai đã từng thử qua.

7. Bánh Chưng Gù

Một thứ đặc sản tuy không mới, bánh chưng gù vẫn gây được ấn tượng đặc biệt với du khách lần đầu đến Hà Giang. Đây là loại bánh truyền thống của người Dao Đỏ, chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay, mô phỏng hình dáng của những người phụ nữ đang đeo chiếc gùi trên lưng.

Nguyên liệu chính để làm nên bánh chưng gù cũng không khác bánh chưng chúng ta hay ăn là mấy, cũng là gạo nếp, đậu xanh và thịt mỡ. Gạo được vo kĩ và ngâm qua đêm để khi cho bánh vào luộc có độ mềm, dẻo.

Nét độc đáo của bánh chưng gù Hà Giang so với các vùng khác chính là ở khâu chuẩn bị gạo nếp. Gạo được ngâm với nước lá riềng xay lọc sạch để gạo có màu xanh tự nhiên, bánh được gói bằnglá dong rừng, gạo nếp dải đều trên lá dong sau đó cho thêm đỗ và thịt ba chỉ kèm theo các gia vị, gấp hai mép của lá dong lại để tạo nên hình dáng của chiếc bánh.

Sau khi gấp mép sẽ dùng lạt buộc lại rồi cho luộc khoảng 8-10 tiếng để đạt được độ chín vừa vặn, gạo nếp dền dẻo, đỗ xanh mịn bùi, thịt lợn thơm. Người dân địa phương luộc bánh bằng bếp củi truyền thống không dùng bếp điện. T

iêu và muối trong phần nhân thịt đỗ được ướp vừa vặn, thịt tơi, mềm bánh ăn rất ngon không lo bị lại gạo. Vì vậy, bánh chưng gù có hương vị rất đặc trưng của vùng núi không nơi đâu sánh bằng.

8.Bánh cuốn Hà Giang

Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn đã trở thành một đặc sản Hà Giang nổi tiếng mà bất cứ du khách nào đến phố cổ Đồng Văn đều không thể bỏ qua. Không quá “sang chảnh” như những món ăn khác nhưng món ăn này vẫn tạo được sức hấp dẫn riêng biệt, chẳng giống món ăn nào khác.

Vỏ bánh được làm từ bột gạo hấp trắng mỏng, mềm mịn và rất thơm. Bên trong bánh cuốn là nhân thịt năm cùng mộc nhĩ.Điểm đặc biệt cuối cùng là nước chấm bánh cuốn ở đây rất khác biệt so với nhiều nơi khác. Nếu phần lớn bánh cuốn chỉ ăn với nước mắm tỏi ớt, mặn mặn thì ở đây người dân Hà Giang lại ăn bánh cuốn cùng với nước lèo

Cho thêm miếng chả thơm, hành lá mùi tàu thái nhỏ. Phần nước dùng thì được nấu từ xương ống lợn đen, và hầm trong nhiều giờ để có được phần ngọt thơm tự nhiên. Bánh nóng, ăn kèm với nước dùng cũng nóng, đặc biệt thích hợp vào thời tiết mùa xuân, thu hay đông ở Hà Giang.

9.Xôi ngũ sắc

Nếu bạn hỏi rằng Hà Giang có đặc sản gì thì mình xin đáp rằng có xôi ngũ sắc. Xôi ngũ sắc Hà Giang là một món ăn không thể thiếu trong các mâm cỗ của người dân tộc. Đặc sản có 5 màu nổi bật: trắng, vàng, tím, đỏ, xanh tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, thể hiện những khát vọng của đồng bào vùng cao về cuộc sống.

Xôi ngũ sắc chủ yếu được làm từ gạo nếp thơm và dẻo nên để lâu, xôi sẽ dễ bị cứng và khi ăn, không cần dùng thêm những gia vị khác. Từ lâu, xôi ngũ sắc đã trở thành món ăn truyền thống của người Tày sinh sống tại Hà Giang. Trong những dịp lễ gia tiên, tết… trong nhà mỗi người không thể thiếu món xôi này.

Sự tinh tế, tỉ mỉ trong cách nấu ăn của người phụ nữ Tày đã tạo nên món xôi ngũ sắc Hà Giang độc đáo, mang bản sắc riêng của đồng bào vùng cao. Xôi ngũ sắc dẻo dẻo, thơm thơm, chỉ cần chấm với muối vừng thôi cũng khiến bao người mê mẩn.

10.Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp chính là món ăn truyền thống làm nên thương hiệu của đặc sản Hà Giang. Thịt trâu gác bếp mang đậm phong cách ẩm thực của dân tộc Thái.

Đây không chỉ là món ăn hàng ngày của đồng bào sống ở vùng cao phía Bắc mà còn thường xuất hiện trong các lễ hội hay cúng tế và làm quà biếu cho khách quý.

Hương vị của thịt trâu gác bếp như chính tên gọi của nó – gia vị tẩm ướp hạt mắc khén tê cay, thịt trâu tươi ngọt đậm và mùi khói bếp đặc trưng của miền núi. Phần thịt bên ngoài có màu nâu sẫm nhưng bên trong lại có màu đỏ bắt mắt và đậm vị.

11.Lạp xưởng gác bếp

Người dân nơi đây thường làm lạp xưởng gác lên bếp để bảo quản thịt lâu hơn. Nguyên liệu chính của lạp xưởng gác bếp là thịt lợn vai bỏ bì. Nhân lạp xưởng được làm từ thịt thăn, nạc vai hoặc nạc mông băm nhỏ, tẩm ướp gia vị – hành giã nhuyễn phi thơm và hạt mắc khén.

Thế nên, món ăn ngậy thịt mang đậm mùi khói bếp và hương tắc mật ngon ngọt. Để cho ra thành phẩm, người dân phải hun khói trên gác bếp liên tục từ 12 giờ – 14 giờ cho gia vị thấm vào thịt.

12. Rêu nướng

Rêu là được coi là đặc sản Hà Giang, không chỉ với người dân địa phương mà còn với du khách. Người dân nơi đây thường chọn lựa những bãi rêu lớn, đem về vò đập cho kĩ rồi mới để chế biến thành nhiều món. Một trong những món ăn hấp dẫn nhất là rêu nướng trên bếp than.

Sau khi rêu đã được thái tơi, họ đem ướp gia vị như xả, mùi tàu, lá dăm, lá hẹ, hạt dổi, cùng muối và mì chính, trộn đều rồi cho lên bếp than nướng. Rêu không phải có quanh năm, bởi vậy người ta có thể phơi rêu khô và gác bếp để dành khi cần thiết.

13.Lợn cắp nách

Lợn cắp nách là một trong những điển hình của nghệ thuật chăn nuôi cùng cao Hà Giang. Nếu đến đây vào những ngày chợ phiên, bạn sẽ thấy những góc chợ bày bán món đặc sản Hà Giang này. Vì lợn nhỏ nên thường được đặt vào những chiếc giỏ và treo bên vai, vậy nên người ta gọi là lợn cắp nách.

Lợn cắp nách – đặc sản Hà Giang thịt thơm, chắc bởi chúng không có chuồng trại, được chăn thả tự nhiên, tự kiếm thức ăn trong rừng.. Từ những miếng thịt tươi sống được chế biến thành nhiều món khác nhau, hấp dẫn nên rất đươc ưa chuộng.

14.Cơm lam Bắc Mê

Cơm lam là món ăn hấp dẫn của vùng văn hoá du lịch Bắc Mê. Món ăn đặc sản Hà Giang này được nấu trong ống tre, nứa, nướng chín trên than hồng, xuất phát từ một món ăn được đồng bào đem theo khi đi nương rẫy đã trở thành món ăn phổ biến đối với du khách.

Cơm chỉ nướng trong một giờ là có thể thưởng thức, khi đã chín sẽ dùng dao để chẻ bỏ phần vỏ ngoài, chỉ để lại phần vỏ mỏng bên trong để đưa lên mâm. Khúc cơm quyện theo hương khói ngai ngái nhưng lại rất đặc trưng.


PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMClogo

Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC

Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC

Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC