Bí tiểu-dấu hiệu không nên chủ quan

bí tiểu

Bí tiểu là gì?

Bí tiểu là một tình trạng trong đó bàng quang của người bệnh bị ngăn cản không đào thải được nước tiểu, ngay cả khi nó căng đầy và bệnh nhân đã cảm giác buồn đi tiểu dữ dội nhưng không tiểu được hoặc đi tiểu nhưng bàng quang không rỗng hoàn toàn và người bệnh thường xuyên cảm thấy muốn đi tiểu.

Cả 2 giới đều có thể gặp bí tiểu ở các lứa tuổi khác nhau nhưng nam giới ở tuổi trung niên và tuổi già là những người dễ bị bí tiểu hơn cả. Tỉ lệ mắc giữa nam và nữ rất chênh lệch, trung binh cứ 10 người bị bí tiểu cấp mới có 1 người là nữ giới. Ở tuổi trung niên và tuổi già, nam giới có đến 4.5% nguy cơ mắc mỗi năm. Nguy cơ tích luỹ của bí tiểu cấp có thể lên đến 30% ở nam giới độ tuổi 80 tuổi

Phân loại bí tiểu

  • Bí tiểu mãn tính: bí tiểu diễn ra trong một thời gian dài. Người bệnh đi tiểu được nhưng bàng quang không hết nước tiểu. Bí tiểu mãn tính không có biểu hiện rõ ràng trong thời kỳ ban đầu, nhiều người bệnh không để ý sẽ không phát hiện tình trạng bất thường. Bí tiểu mãn tính có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
  • Bí tiểu cấp tính: tình trạng bí tiểu diễn ra đột ngột. Người bệnh muốn đi tiểu nhưng không thể đi được. Bí tiểu cấp tính gây tức bụng, đau bụng dưới. Người bệnh không được giải phóng nước tiểu kéo dài có thể ảnh hưởng tới tính mạng, cần đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt.

Biểu hiện của bí tiểu

Khi bị bí tiểu, người bệnh xuất hiện các dấu hiệu:

  • Cảm giác căng, đau, tức bàng quang vùng trước xương mu.
  • Gây cảm giác rát và luôn mót đi tiểu nhưng không tiểu được.
  • Đau âm ỉ, đau tức khó chịu vùng bụng dưới.
  • Đi tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu không dứt, vừa đi tiểu xong lại muốn đi tiếp, dòng nước tiểu yếu hoặc gián đoạn.

Nguyên nhân gây ra bí tiểu

Ở người bình thường, trung bình lượng nước tiểu trong bàng quang có từ 250ml – 800ml. Lúc này bạn sẽ có kích thích buồn tiểu; lưu lượng nước tiểu thải ra khoảng 20ml/giây.

Đường tiết niệu dưới được cấu tạo bời bàng quang (nơi lưu trữ nước tiểu tạm thời) và niệu đạo (là một ống thông giữa bàng quang và bên ngoài cơ thể). Niệu đạo được chia thành 4 đoạn: đoạn tiền liệt tuyến, niệu đạo màng, đoạn hành và đoạn dương vật.

Có hai nhóm cơ kiểm soát đi tiểu được gọi là cơ thắt. Cơ thắt trong là nơi niệu đạo xuất phát bàng quang. Cơ thắt ngoài ở phần sau của niệu đạo kiểm soát sự đóng mở của bàng quang. Niệu đạo thường hẹp ở đoạn tiền liệt tuyến, là đoạn nằm giữa 2 cơ thắt

Khi đi tiểu, các bó dải cơ thành bàng quang co bóp tạo áp lực tống nước tiểu xuống niệu đạo. Đồng thời, hệ thống thần kinh trung ương dẫn truyền qua tuỷ sống chỉ đạo mở cơ thắt giải phóng nước tiểu ra ngoài cơ thể.

Hai cơ thắt được tạo thành từ các sợi cơ khác nhau, cơ thắt trong thuộc chi phối thần kinh tự động và không chịu tác động từ ý muốn của bệnh nhân, cơ thắt ngoài có thể mở chủ động theo ý muốn của người bệnh. Một tổn thương bất kỳ trong hệ thống chi phối thần kinh các cơ thắt có thể gây bí tiểu.

Như vậy, muốn đi tiểu được phải có đủ các điều kiện: bàng quang co bóp đủ mạnh, các cơ vòng giãn nở đủ rộng, niệu đạo thông, không bị vướng mắc

Dưới đây là những nguyên nhân có thể gây bí tiểu:

Nguyên nhân thần kinh.

Để hoạt động đi tiểu được diễn ra, chi phối thần kinh bắt đầu từ não qua các cột tuỷ sống đến đám rối thần kinh chi phối co bóp cơ thành bàng quang và mở các cơ thắt, tín hiện phản hồi qua đám rối thần kinh, lên não bằng các cột tuỷ sống cảm giác tự trị. Khi chi phối thần kinh bị rối loạn, cơ bàng quang co bóp mà cơ thắt không mở ra, nước tiểu sẽ bị ứ đọng gây ra bí tiểu

Một số vấn đề có thể gây ra các rối loạn thần kinh chi phối bàng quang cơ thắt bao gồm

Các nguyên nhân bao gồm:

  • Tai biến mạch máu não
  • Tiểu đường
  • Đa xơ cứng
  • Chấn thương cột sống hoặc xương chậu,
  • Chèn ép tủy sống do các khối u hay thoát vị đĩa đệm.
  • Ở phụ nữ, sinh thường có thể làm tổn thương các dây thần kinh kiểm soát việc đi tiểu.
  • Nếu bạn đã từng đặt ống thông tiểu, bạn có thể có nguy cơ cao hơn bị bí tiểu. Nguy cơ của bạn cũng cao hơn nếu bác sĩ đã sử dụng bất kỳ thiết bị đặc biệt nào khác như ống thông niệu quản hoặc tử cung.

Tắc nghẽn, chèn ép

Ở nam giới có thể do một số nguyên nhân sau

  • Tăng sản tiền liệt tuyến lành tính (BPH): trên 50% các trường hợp bí tiểu ở nam giới là do các vấn đề liên quan đến tuyến tiền liệt.Tăng sản lành tính hoặc ung tuyến tiền liệt có thể chèn ép đoạn niệu đạo tiền liệt tuyến gây chít hẹp hoặc tắc nghẽn hoàn toàn. Hầu hết đàn ông có tăng sản lành tính tuyến tiền liệt khi họ già đi.

bí tiểu

  • Sỏi bàng quang, niệu đạo
  • Ung thư tuyến tiền liệt
  • Hẹp bao quy đầu.
  • Thắt bao quy đầu cấp xảy ra khi bao quy đầu bị hẹp từ trước và thắt chặt vào rãnh quy đầu không kéo xuống được
  • Hẹp niệu đạo do sẹo của việc cắt bao quy đầu gây hẹp niệu đạo, cũng có thể gây tắc nghẽn. Đây là sự thu hẹp của việc mở niệu đạo có thể xảy ra khi dương vật bị viêm do tiếp xúc với nước tiểu và cọ xát vào tã hoặc có sự thay đổi lưu lượng máu đến dương vật.

Ở nữ giới, có thể do những nguyên nhân sau :

  • Do các khối u vùng tiểu khung chèn vào bàng quang như u ở tử cung, u buồng trứng…
  • Bệnh cũng có thể xảy ra khi trực tràng giãn đè vào thành sau của âm đạo; niệu đạo có thể bị thu hẹp
  • Sỏi tiết niệu ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu.
  • Tử cung bị sa, thoát vị cũng có thể gây chèn ép vào cổ bàng quang và niệu đạo.

Nhiễm trùng

Viêm nhiễm đường tiết niệu gây phù nề tổ chức niêm mạc và có thể gây tắc nghẽn bí tiểu. Những nguyên nhân thường gặp bao gồm:

  • Viêm bàng quang, viêm niệu đạo
  • Viêm tuyến tiền liệt có thể cản trở nước tiểu thoát khỏi niệu đạo.
  • Viêm bao quy đầu ở người hẹp bao quy đầu chưa cắt cũng có thể gây tắc nghẽn.
  • Vùng sinh dục ngoài của phụ nữ dễ bị nhiễm trùng và dễ thâm nhiễm chèn ép vào niệu đạo.
  •  Ngoài ra, bệnh lây lan do quan hệ tình dục (gọi là STDs) cũng có thể gây sưng và dẫn đến bí tiểu.

Chấn thương

Thường gặp nhất do chấn thương niệu đạo ngoài (niệu đạo dương vật và niệu đạo hành) do tính chất giải phẫu dễ bị tổn thương, chấn thương vỡ xương chậu…

Thuốc

Một số loại thuốc ảnh hưởng đến chức năng cơ bàng quang như có thể gây tác dụng phụ bí tiểu. Các loại thuốc này bao gồm

  • Thuốc kháng cholinergics,
  • Các loại thuốc trị trầm cảm thế hệ cũ,
  • Thuốc kháng histamine,
  • Thuốc hạ huyết áp,
  • Các thuốc chống loạn thần,
  • Các thuốc kích thích tố
  • Các thuốc giãn cơ.

Bí tiểu có nguy hiểm không?

Các triệu chứng của bí tiểu khiến người bệnh đứng ngồi không yên hàng giờ, thậm chí là hàng ngày, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, cuộc sống và công việc của người bệnh, nhất là ban đêm gây mất ngủ kéo dài, người mệt mỏi, stress.

Người mắc bị bí tiểu, nếu chủ quan không điều trị sớm hoặc điều trị không dứt điểm có thể để lại một số biến chứng như:

  • Viêm đường tiết niệu: Nước tiểu ứ đọng lâu ngày không được đào thải ra ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại phát triển gây viêm.

  • Suy giảm chức năng thận: Việc bàng quang chứa quá nhiều nước tiểu có thể làm nước tiểu chảy ngược lại vào thận, gây tổn thương thận không hồi phục.

  • Tổn thương bàng quang: Mất khả năng co bóp là tình trạng có thể xảy ra nếu hiện tượng bí tiểu kéo dài. Bởi bàng quang càng chứa nhiều nước không thể thoát ra làm cho bàng quang căng hơn.

bí tiểu

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị bí tiểu?

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây bí tiểu cấp tính như:

  • Nam giới lớn tuổi và sự gia tăng của u xơ tiền liệt tuyến lành tính
  • Nam giới lớn tuổi với tuyến tiền liệt to
  • Sỏi đường tiết niệu có thể tìm thấy ở thận, niệu quản hoặc trong bàng quang
  • Sự hiện diện của sa bàng quang ở nữ giới
  • Sự hiện diện của sa trực tràng ở nữ giớ
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát có thể gây ra tình trạng hẹp niệu đạo
  • Tiểu đường
  • Chấn thương tủy sống

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bí tiểu?

Bác sĩ thường có thể chẩn đoán bí tiểu chỉ bằng cách thu thập bệnh sử chi tiết, gồm các triệu chứng và thực hiện khám thực thể bộ phận sinh dục và trực tràng.

Khi bác sĩ cần thêm thông tin, họ có thể sử dụng một trong các xét nghiệm hoặc thủ thuật sau đây:

  • Mẫu nước tiểu hoặc mẫu máu
  • Đo lượng nước tiểu còn sót lại sau khi đi tiểu (PVR)
  •  Nội soi bàng quang
  • Siêu âm và chụp CT
  • Xét nghiệm niệu động học
  • Điện cơ đồ

Các biện pháp điều trị bí tiểu

Đặt dẫn lưu

Bí tiểu cấp là một tình trạng cấp cứu, yêu cầu phải giải quyết được tạm thời tắc nghẽn và giảm áp lực bàng quang. Đặt sonde tiểu là thủ thuật nhanh chóng và đơn giản nhất.

Nếu phương pháp này không thể được thực hiện được hoặc khó khăn do chít hẹp niệu đạo, có thể sẽ cần phải mở dẫn lưu nước tiểu bàng quang qua da trên xương mu dưới hướng dẫn của siêu âm.

Trừ khi nguyên nhân tắc nghẽn có thể được giải quyết đơn giản, phần lớn các trường hợp sẽ cần đặt sonde tiểu tạm thời để giảm áp lực bàng quang.

Việc xử lý dẫn lưu nước tiểu cấp cứu sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy tốt hơn ngay lập tức và giúp ngăn ngừa các biến chứng. Sau đó, bác sĩ sẽ đi tìm nguyên nhân gốc rễ và điều trị để tránh tái phát.

Việc lưu sonde tiểu thời gian dài có thể dẫn đến biến chứng nhiễm khuẩn hoặc chấn thương. Có thể bệnh nhân sẽ được chỉ định đắt sonde tiểu ngắt quãng, họ sẻ được hướng dẫn cách tự đặt ống thông để giảm thiểu việc đưa vi khuẩn vào bàng quang.

Nong niệu đạo và stent

Khi có chít hẹp niệu đạo do sẹo xơ hoặc thâm nhiễm thành niệu đạo, có thể sử dụng phương pháp nong hoặc stent. Các ống có kích thước tăng dần được đưa vào niệu đạo, từ từ nong rộng phần hẹp niệu đạo. Một cách khác để nong niệu đạo là nong bằng sonde tiểu có bóng chèn. Đôi khi một stent được đặt vào vị trí hẹp và ngăn cho niệu đạo hẹp tái phát do co thắt.

Nội soi bàng quang

Một ống nội soi được đưa vào bàng quang qua niệu đạo để khảo sát hình ảnh từ bên trong. Dị vật, sỏi bàng quang niệu đạo cũng có thể được giải quyết chỉ bằng nội soi

Thuốc

Có một số loại thuốc mà bác sĩ có thể kê giúp giảm tình trạng bí tiểu bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc khác điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt hoặc viêm bàng quang
  • Thuốc giãn cơ thắt niệu đạo và tuyến tiền liệt
  • Thuốc làm giảm kích thước tiền liệt tuyến

Thay đổi lối sống

Có một số phương pháp bệnh nhân có thể thực hiện để kiểm soát bàng quang và hạn chế bí tiểu:

  • Uống nước hợp lý.
  • Các bài tập cơ sàn chậu (bài tập kegel)
  • Các bài tập phục hồi chức năng bàng quang.

Phẫu thuật

Nếu thuốc và các liệu pháp khác không có tác dụng làm giảm các triệu chứng hoặc tình trạng tắc nghẽn, phẫu thuật có thể được chỉ định.

Những biện pháp phòng ngừa bí tiểu

Tuy có khả năng điều trị, nhưng việc phòng tránh vẫn được ưu tiên hơn hết. Một số biện pháp phòng bệnh bạn nên biết:

  • Luyện tập thể dục thể thao đều đặn, thường xuyên vận động nâng cao sức khỏe.

  • Không nên nhịn tiểu quá lâu.

  • Đối với những người đang mắc những bệnh viêm bàng quang mãn tính việc ngồi quá lâu càng làm tăng nguy cơ bí tiểu.

  • Thăm khám bác sĩ định kỳ để kịp thời phát hiện các bệnh như viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền luyệt,… để có những biện pháp điều trị dứt điểm. Tránh để lại nguy cơ dẫn đến tình trạng bí tiểu.

Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế

Kính chào Quý Khách hàng,

Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…

Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.

Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.

Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.