Sơ lược lịch sử về nhĩ châm
Thời kỳ cổ đại, ở Châu Âu và các nước khu vực xung quanh, nhĩ châm đã được áp dụng trong khoảng 2500 năm. Nhiều ghi chép lịch sử của nhĩ châm đã được tìm thấy trên toàn thế giới.
Ở Trung quốc: Tác phẩm Hoàng đế Nội kinh ( khoảng năm 100 trước Công nguyên) có đề cập đến phương thức sử dụng ống thổi vào tai để cứu người bệnh bất tỉnh (thiên 63). Tác phẩm Thiên kim yếu phương( Tôn Tư Hạo) ( năm 652 sau Công nguyên), đã đề cập một huyệt trên vành tai ngay trước chân vành tai điều trị vành da. Trong Vệ sinh bảo giám ( La Thiên Ích) (năm 1343 sau Công nguyên) có trình bày kỹ thuật đốt tĩnh mạch sau tai có thể điều trị chứng co giật ở trẻ sơ sinh.
Năm 1957, bác sĩ Paul Nogier, đã trình bày bản đồ thai nhi đảo ngược của mình tại đại hội Société Treasureéenne ở Marseille, đánh dấu sự xuất hiện kỷ nguyên mới cho ứng dụng nhĩ châm. Sau công bố này, nhóm nghiên cứu của Quân đội Nam Kinh đã tuyển dụng hơn 2000 người để thiết lập mô hình nhĩ châm và kết quả đã xác nhận các đề xuất của Nogier.
Tại Việt Nam, từ tháng 5/1962, Viện Nghiên cứu Đông y khởi sự nghiên cứu nhĩ châm.
Trải qua những thăng trầm lịch sử, những năm gần đây, nhĩ châm đã được chú ý trở lại trong điều trị cũng như nhiều đề tài nghiên cứu trong nước và quốc tế về hiệu quả nhĩ châm trong điều trị các chứng bệnh khó như đau dây V vô căn, động kinh, giảm cân, cai nghiện thuốc lá, tăng huyết áp…
Cấu trúc loa tai:
Các bộ phận của loa tai
- Vành tai: bộ phận viền ngoài cùng của loa tai.
- Chân vành tai: bộ phận của vành tai đi vào nằm nổi ngang ở trong xoắn tai
- Lồi củ vành tai: chỗ hơi lồi lên của vành tai, nằm ở phía sau của tai.
- Đuôi vành tai: chỗ ranh giới của đoạn cuối vành tai và dái tai.
- Đối vành tai: bộ phận nổi lên ở phía trong và đối xứng với vành tai, phía trên chia làm 2 nhánh.
- Chân trên đối vành tai: nhánh phía trên của đối vành tai.
- Chân dưới đối vành tai: nhánh phía dưới của đối vành tai.
- Hố tam giác: chỗ lõm hình tam giác giữa chân trên đối vành tai và chân dưới đối vành tai.
- Thuyền tai: rãnh lõm giữa vành tai và đối vành tai.
- Bình tai: phía trước tai, trước lỗ tai ngoài.
- Đối bình tai: phần nổi lên ở phía dưới đối vành tai, đối xứng với bình tai.
- Rãnh trên bình tai: chỗ lõm giữa vành tai và bờ trên bình tai.
- Rãnh bình tai: chỗ lõm giữa bình tai và đối bình tai.
- Dái tai: phần không có sụn ở phần dưới cùng của loa tai.
- Xoắn tai trên: phần trên chân vành tai của xoắn tai
- Xoắn tai dưới: phần dưới chân vành tai của xoắn tai.
- Lỗ tai: ở trong xoắn tai.
Thần kinh chi phối:
Loa tai ngoài được chi phối bởi các dây thần kinh sọ và thần kinh tủy sống
- Vận động : nhánh vận động của dây thần kinh mặt, điều khiển các cơ tai ngoài.
- Cảm giác: Nhánh loa tai của dây thần kinh X, nhánh thái dương tai của thần kinh sinh ba, nhánh cảm giác của dây thần kinh mặt, dây thần kinh lưỡi hầu, dây thần kinh chẩm nhỏ và dây thần kinh tai lớn
Phần lớn vành tai, đối tai, thuyền tai do thần kinh tai to chi phối; phần còn lại (chủ yếu phần trên cao) do thần kinh chẩm nhỏ chi phối.
Hố tam giác có thần kinh tai thái dương, tai to và chẩm nhỏ; chúng hợp thành đám rối thần kinh dưới hố tam giác.
Thần kinh phân bố ở xoắn tai trên và dưới là thần kinh phế vị, nhánh sau tai của dây thần kinh mặt, dây V, dây thần kinh tai to cũng chi phối một phần nhỏ ở đây. Các dây thần kinh này hợp thành đám rối thần kinh ở dưới da xoắn tai.
Dái tai có các dây thần kinh tai – thái dương và dây tai to.
Mặt sau loa tai 1/3 trên có dây thần kinh chẩm nhỏ; 2/3 dưới có dây thần kinh tai to và nhánh sau tai của dây thần kinh mặt chi phối. Rãnh hạ áp ở mặt sau loa tai do dây phế vị chi phối.
Mạch máu nuôi dưỡng:
Động mạch thái dương nông có 3 – 4 nhánh đến trước tai, hố tam giác dái tai.
Động mạch sau tai có 2 nhánh: nhánh động mạch tai sau và nhánh động mạch tai trước. Nhánh động mạch sau tai đi cùng với dây thần kinh mặt, dây tai to, xuyên qua dái tai đến mặt trước loa tai, nuôi dưỡng 2/3 dưới của thuyền tai, đối vành tai, đỉnh của hố tam giác, xoắn tai trên và một phần vành tai.
Các tĩnh mạch nhỏ của mặt trước loa tai cũng đổ vào tĩnh mạch thái dương nông; 3 – 5 tĩnh mạch nhỏ ở mặt sau loa tai cũng đổ vào tĩnh mạch sau tai.
Phân vùng ở loa tai
Nogier đã đề xuất bản đồ của một phôi thai bị đảo ngược (đầu chúc xuống, chân ở trên) bằng cách chú ý đến sự tương đồng của nó với loa tai, và bản đồ này là tài liệu tham khảo được sử dụng rộng rãi nhất để chẩn đoán và điều trị bằng nhĩ châm
Từ trên xuống lần lượt:
- Ở thuyền tai: ngón tay, bàn tay; cổ tay (ngang với lồi củ vành tai); cẳng tay, khuỷu tay; vai (ngang với rãnh trên bình tai); khớp vai; xương đòn (ngang với chỗ đối vành tai và đối bình tai giao nhau).
- Chân trên đối vành tai có từ trên xuống: ngón chân, bàn chân; cẳng chân, đầu gối.
- Chân dưới đối vành tai từ sau ra trước có: điểm dây thần kinh hông; mông.
- Bụng ngực nằm trên đoạn hợp nhất của 2 chân đối vành tai: bụng ở trên ngang với bờ dưới của chân dưới đối vành tai; ngực ở dưới ngang với chân vành tai.
- Cột sống chạy suốt từ bờ dưới chân dưới đối vành tai vòng xuống hết đối vành tai: L5 – L1: bờ dưới của chân dưới đối vành tai; D12 – D1: bờ trong của đoạn chạy thẳng của đối vành tai; C1 – C7: bắt đầu từ chỗ tiếp giáp với đối vành tai lên đến đoạn nối với đối sống lưng (D1).
- Trán: phía trước và dưới đối bình tai.
- Chẩm: phía sau và trên đối bình tai.
- Mắt: giữa dái tai.
- Mũi: phần bờ bình tai thuộc xoắn tai dưới.
- Miệng: bờ ngoài ống tai.
- Sát chân dưới đối vành tai: bàng quang; thận; tụy (loa tai trái) hoặc túi mật (loa tai phải); gan; lách.
- Sát chân vành tai: ruột già; ruột thừa; ruột non; tá tràng; dạ dày; tim; phổi; khí quản.
Nguyên tắc lựa chọn huyệt trong nhĩ châm
- Các huyệt nhĩ châm tương ứng với vùng bị bệnh có thể được lựa chọn để điều trị: điều này là phổ biến nhất và là phương pháp cơ bản để lựa chọn huyệt.
Ví dụ: đau cổ tay chọn huyệt nhĩ châm tương ứng vùng cổ tay, đau dạ dày chọn huyệt nhĩ châm tương ứng vùng dạ dày.
- Chọn huyệt nhĩ châm theo các học thuyết của Y học cổ truyền: quan trọng nhất là học thuyết tạng phủ.
Ví dụ: nếu bệnh nhân có bệnh lý xoang hay da, châm điểm phổi (Phế) bởi vì Phế khai khiếu ra mũi và chủ bì mao.
- Và học thuyết kinh lạc.
Ví dụ: với đau đầu, nếu đau khu vực trán thuộc về vùng chi phối kinh Dương Minh Vị, có thể chọn điểm Dạ dày để châm. Nếu là đau nửa đầu thuộc vùng chi phối kinh Thiếu dương Đởm, có thể chọn điểm túi mật để châm
- Chọn huyệt nhĩ châm theo bệnh học và sinh lý bệnh của Y học hiện đại: nhiều huyệt được đặt tên theo tên y học hiện đại, chẳng hạn như vùng dưới vỏ, điểm giao cảm, thượng thận, và nội tiết.
Ví dụ: điểm thượng thận có chức năng điều chỉnh chức năng tuyến thượng thận, và đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị viêm, dị ứng, viêm khớp dạng thấp…
Các điểm thần kinh giao cảm, vỏ não có thể được sử dụng cho nhiều bệnh lý có rối loạn chức năng thần kinh .
- Chọn huyệt nhĩ châm dựa theo chức năng của huyệt:
Ví dụ: điểm chẩm là một điểm quan trọng để sử dụng điều trị chóng mặt. Thần môn có chức năng để ngăn chặn cơn đau…
- Chọn huyệt nhĩ châm theo phản ứng nhạy cảm:
Sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán như: nhìn, sờ nắn, và các máy dò huyệt để tìm những điểm nhạy cảm cần điều trị.
Kỹ thuật châm loa tai
Cấu tạo loa tai chủ yếu trên da dưới sụn, một vài chỗ có vài cơ dẹt mỏng, vì vậy châm ở loa tai khác với châm ở cơ thể.
- Châm kim: có thể theo hai hướng: châm thẳng góc với da sâu 0,1 – 0,2cm không châm xuyên qua sụn, châm chếch 30 – 40 độ. Hoặc khi cần có thể châm luồn dưới da xuyên vùng này qua vùng khác.
- Cảm giác đạt được khi châm:
- Châm vào huyệt A thị trên loa tai, bệnh nhân thường có cảm giác đau buốt, nóng bừng và đỏ ứng bên tai châm.
- Châm vào những vùng không phải là điểm ấn đau, bệnh nhân thường có cảm giác căng tức.
- Cài kim: thủ pháp thường áp dụng khi thầy thuốc muốn kéo dài tác dụng của nhĩ châm. Kim được sử dụng là loại kim đặc biệt, giúp thầy thuốc dễ dàng cài đặt và cố định trên loa tai. Kim này có tên là nhĩ hoàn.
- Cứu: rất ít sử dụng vì khó thực hiện.
- Thủ thuật bổ tả: trong nhĩ châm, phương pháp bổ tả được thực hiện đơn giản hơn hào châm. Kích thích mạnh (Tả). Kích thích nhẹ (Bổ).
- Liệu trình nhĩ châm:
- Khi chữa bệnh cấp tính, nếu bệnh giảm thì có thể ngưng châm.
- Nếu chữa bệnh mãn tính, nên ước định một liệu trình khoảng 10 lần châm. Có thể thực hiện tiếp liệu trình thứ 2 (nếu cần thiết). Giữa 2 liệu trình nên chỉ nghỉ vài ngày. Khi cần điều trị dự phòng, có thể châm cách 7 – 10 ngày /lần.
- Lưu kim: tùy theo mục đích chữa bệnh mà quyết định lưu kim lâu mau. Điều trị bệnh cấp, nhất là có kèm đau: Rút kim khi hết đau hoặc khi bệnh giảm nhiều. Muốn duy trì tác dụng, có thể lưu kim 24 – 48 giờ, thậm chí cả 7 – 10 ngày
Có thể đề phòng vựng châm bằng cách để bệnh nhân nằm châm, thầy thuốc châm kim cần tránh những thao tác đột ngột và quá mạnh; cần có thời gian để cho bệnh nhân thích nghi dần, tránh gây căng thẳng không cần thiết cho bệnh nhân. Cũng như hào châm, đừng nhĩ châm khi bệnh nhân no quá, đói quá hoặc đang mệt nhọc.
Chỉ định của phương pháp nhĩ châm
- Thứ nhất là chống đau và ngăn ngừa tái phát. Gần đây đã phát triển thêm, ứng dụng thành công vào châm tê để mổ.
- Thứ đến, nhĩ châm cũng còn được dùng trong một số trường hợp rối loạn chức năng của cơ thể, an thần, giảm dị ứng, điều chỉnh hệ thống nội tiết…
Chống chỉ định của phương pháp nhĩ châm
Những cơn đau cấp chưa xác định được chẩn đoán. Trong các cơn đau bụng cấp ngoại khoa khi chưa xác định chẩn đoán không nên dùng nhĩ châm để chống đau, vì có thể làm mờ triệu chứng ảnh hưởng đến chẩn đoán.
Một số công thức huyệt nhĩ châm áp dụng trong một số bệnh lý
Bệnh ở bộ phận x không có hoặc có nhiều điểm phản ứng bệnh lý ở nhiều vùng trên loa tai: vận dụng lý luận để xử lý.
Ví dụ:
- Đái dầm: châm vùng bàng quang, thận.
- Cảm sốt: (khi còn ở kinh thái dương) châm vùng bàng quang, phổi.
- Cơn đau dạ dày: châm vùng gan, dạ dày.
- Tắc tia sữa: châm vùng vú, nội tiết.
- Thấp tim:
- Huyệt chính: tim, nội tiết, giao cảm, thần môn.
- Huyệt phụ: dưới vỏ não, tiểu trường.
- Loạn nhịp tim:
- Huyệt chính: giao cảm, tim, thần môn.
- Huyệt phụ: dưới vỏ não.
- Huyết áp tăng:
- Huyệt chính: điểm hạ áp, giao cảm, thần môn, tim.
- Huyệt phụ: rãnh hạ áp (xuất huyết).
- Huyết áp hạ:
- Huyệt chính: giao cảm, tim, tuyến thượng thận.
- Vẹo cổ:
- Huyệt chính: khớp vai, vai, thần môn.
- Viêm quanh khớp vai:
- Huyệt chính: khớp vai, vai, thần môn.
- Huyệt phụ: xương đòn, tuyến thượng thận.
- Liệt mặt:
- Huyệt chính: má, chẩm, mắt 1 và 2.
- Huyệt phụ: hàm trên, hàm dưới.
- Di chứng viêm não:
- Huyệt chính: não, chẩm, thần môn, tim.
- Huyệt phụ: dạ dày, dưới vỏ não.
- Nhức 1/2 đầu:
- Huyệt chính: chẩm, trán, thần môn, dưới vỏ não.
- Suy nhược thần kinh:
- Huyệt chính: tim, thận, thần môn, chẩm, dạ dày.
Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế
Kính chào Quý Khách hàng,
Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.
PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMC
Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC
Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC
Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC