Lupus ban đỏ hệ thống và 6 câu hỏi thường gặp

lupus ban đỏ hệ thống

Lupus ban đỏ hệ thống là gì?

Lupus ban đỏ hệ thống, hay còn được gọi là SLE hoặc Lupus là một bệnh tự miễn, trong đó cơ thể người bệnh bị gây hại bởi các tự kháng thể và phức hợp miễn dịch.

Thông thường, hệ thống miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Vì một lý do nào đấy, cơ thể của người bệnh sinh ra một loại kháng thể chống lại các thành phần của chính cơ thể mình gọi là tự kháng thể. Kháng nguyên là các thành phần của cơ thể người bệnh.

Khi tự kháng thể kết hợp với các kháng nguyên sẽ tạo nên phức hợp miễn dịch. Phức hợp miễn dịch có thể lắng đọng ở tất cả các cơ quan của cơ thể gây tổn thương ở các cơ quan đó.

Tổng quan về lupus ban đỏ hệ thống

Lupus ban đỏ hệ thống thường được gọi đơn giản là bệnh Lupus, được mô tả lần đầu tiên vào năm 1845 bởi Hebra. Đây là một bệnh tự miễn mạn tính, không rõ nguyên nhân, gây tổn thương hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể và trong trường hợp nặng, có thể đe dọa tính mạng người bệnh.

Lupus là từ La tinh, có nghĩa chó sói, xuất phát từ việc người bệnh thường có ban đỏ đặc trưng ở mặt giống như hình vết cắn của chó sói. Từ ban đỏ để chỉ một dấu hiệu phổ biến ở hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh này. Từ hệ thống được sử dụng do bệnh gây ảnh hưởng đến phần lớn các hệ thống cơ quan trong cơ thể

Lupus ban đỏ hệ thống là vấn đề toàn cầu, với hàng triệu người mới mắc hàng năm trên thế giới nhưng xã hội còn ít biết đến sự tồn tại của nó. Theo nghiên cứu của Hội Lupus Mỹ, hiện nay nước này có khoảng 2 triệu người bệnh lupus ban đỏ hệ thống, số người chết do bệnh tăng từ 879 năm 1979 lên 1.046 năm 2002 và 40% bệnh nhân đã phải nghỉ việc.

Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, nơi chủ yếu tiếp nhận điều trị bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống ở các tỉnh phía bắc, bệnh nhân mắc bệnh này vào điều trị tại trung tâm luôn chiếm số lượng đông nhất với 400-500 người mỗi năm, chiếm hơn 1/3 tổng số bệnh nhân điều trị nội trú.

Lupus gặp nhiều ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15-44 tuổi). Tỷ lệ nữ : nam là 13: 1 ở người lớn trong khi tỷ lệ này chỉ là 2: 1 ở trẻ em và người già. Mặc dù chủng tộc nào cũng có thể mắc lupus nhưng những người da trắng có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn. Bệnh Lupus có 4 kiểu biểu hiện:

Lupus sơ sinh và trẻ em. Là một dạng bệnh Lupus hiếm gặp. Nguyên nhân được cho là tự kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai. Tuy nhiên, trong số những bệnh nhi có tự kháng thể của mẹ dương tính, chỉ có khoảng 1% phát triển thành Lupus sơ sinh. Các biểu hiện lâm sàng thường gặp liên quan đến tim mạch, gan và da. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể tự khỏi trong vòng 4 đến 6 tháng.

Lupus dạng đĩa. Bệnh được biểu hiện dưới dạng sẹo mãn tính, teo da, nhạy cảm với ánh sáng, có thể tiến triển thành Lupus ban đỏ hệ thống hoặc xảy ra ở những bệnh nhân bị Lupus ban đỏ hệ thống. Nguyên nhân được cho là do di truyền, với tỷ lệ phổ biến cao nhất ở phụ nữ, người Mỹ gốc Phi và những người từ 20 đến 40 tuổi. Chẩn đoán dựa vào sinh thiết các tổn thương trên da đầu, mặt, cổ hoặc cánh tay.

Lupus do thuốc. Bệnh xảy ra sau khi sử dụng thuốc, gây ra phản ứng tự miễn dịch. Triệu chứng biểu hiện tại nhiều cơ quan, song khi dừng các loại thuốc liên quan bệnh sẽ thuyên giảm.

Lupus ban đỏ hệ thống. Là loại Lupus phổ biến nhất. Nó thường xuất hiện ở độ tuổi 15-44 tuổi, biểu hiện đa cơ quan.

Nguyên nhân gây Lupus ban đỏ hệ thống là gì?

Hiện chưa xác định được nguyên nhân gây Lupus ban đỏ hệ thống nhưng phần lớn các nghiên cứu cho rằng các yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến quá trình phát sinh bệnh là:

  • Yếu tố di truyền:

Các biến đổi về di truyền, yếu tố gia đình gặp 5 – 10% trong số các trường hợp .

Các tác giả đã quan sát thấy có sự thay đổi HLA b8 DR2, DR3,DRW52, DQW1, DQW2. Thiếu hụt C 19, C2.

Người ta thấy có một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân có huyết thống gia đình, được gọi là các trường hợp Lupus gia đình. Tuy nhiên, yếu tố di truyền các đoạn gen chứ không phải di truyền bệnh và như vậy nếu bố mẹ bị bệnh Lupus ban đỏ hệ thống thì không có nghĩa là các con của họ đều mắc bệnh. 90% bệnh nhân mắc Lupus ban đỏ hệ thống là nữ giới

  • Bất thường miễn dịch

Bình thường, hệ thống miễn dịch là hệ thống phức tạp có chức năng chống lại các tác nhân lạ gây bệnh, ví dụ như vi khuẩn. Tuy nhiên, những người mắc Lupus lại có các kháng thể bất thường trong máu và tấn công vào các mô trong cơ thể của chính họ. Những kháng thể này được gọi là kháng thể tự miễn.

Có nhiều khiếm khuyết miễn dịch ở người bệnh mắc Lupus ban đỏ hệ thống. Tuy nhiên nguyên nhân của những bất thường này vẫn chưa sáng tỏ. Người bệnh mất cơ chế tự bảo vệ của cơ thể, nên hình thành các phức hợp miễn dịch. Các phực hợp này gây tổn thương hệ cơ quan trong cơ thể người bệnh như khớp, da, tim mạch, não, thận, xương, phổi…

  • Yếu tố nội tiết:

Giới tính nữ và ảnh hưởng nội tiết tố là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với SLE. Estrogen và prolactin thúc đẩy quá trình tự miễn và tăng sản xuất các yếu tố kích hoạt tế bào lympho B và điều chỉnh kích hoạt tế bào lympho T.

Việc sử dụng các biện pháp tránh thai có chứa estrogen và liệu pháp thay thế hormone sau mãn kinh có thể gây ra các đợt bùng phát ở bệnh nhân mắc Lupus ban đỏ hệ thống và có liên quan đến tỷ lệ mắc Lupus cao hơn. Nồng độ prolactin tăng cao được thấy ở những bệnh nhân mắc Lupus. Ngược lại, Androgen lại được coi là yếu tố bảo vệ, giảm nguy cơ mắc bệnh Lupus ban đỏ hệ thống

  • Yếu tố môi trường

Thuốc: một số trường hợp bệnh xuất hiện sau khi dùng Hydralazine, thuốc chống co giật, isoniazide, procainamide, gọi là hội chứng Lupus đỏ do thuốc.

Do tác động của ánh nắng: 1/3 số bệnh nhân bệnh xuất hiện sau khi phơi nắng, ánh nắng làm trầm trọng , nặng bệnh thêm (36%).

Tia cực tím trong ánh sáng mặt trời cũng là một trong những yếu tố gây bệnh, nguyên nhân là do tia cực tím chiếu lên bề mặt da làm cho các protein nội bào của da biến thành các tự kháng thể bệnh lý gây nên tình trạng Lupus ban đỏ hệ thống.

Yếu tố tác nhân virút: Vai trò của virút trong căn nguyên sinh Lupus ban đỏ hệ thống đã được nghi ngờ từ lâu, quan sát trên kính hiển vi điện tử người ta thấy các hạt màu đậm giống hạt virus ở thận,da, tuy nhiên chưa có bằng chứng chắc chắn. Một số trường hợp gia tăng kháng thể chống  virus Epstein- barr, Herper zoster virus,cytomegalovirus.

Stress: người ta nhận thấy có mối liên quan giữa căng thẳng stress và bệnh Lupus. Stress có thể làm khởi phát triệu chứng ban đầu của bệnh Lupus ban đỏ hệ thống. Hoặc có thể liên quan đến sự tái phát của bệnh đã có từ trước

Những biểu hiện của Lupus ban đỏ hệ thống

lupus ban đỏ hệ thống

Các triệu chứng bệnh có sự khác nhau ở mỗi người, triệu chứng này có thể đến và biến mất. Nhẹ hoặc nghiêm trọng. Bệnh có thể ảnh hưởng đến một vùng trên cơ thể hoặc đến nhiều vùng trên cơ thể. Vì bệnh Lupus có thể ảnh hưởng đến rất nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, nên nó có thể gây ra rất nhiều triệu chứng khác nhau. Và cũng có thể người bị Lupus không có tất cả các triệu chứng.

Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Đau khớp: Khớp đau, cứng và sưng tấy, đặc biệt là vào buổi sáng. Mức độ có thể nhẹ và dần dần tăng nặng với các biểu hiện rõ ràng hơn, các triệu chứng này cũng có thể đến và tự thoái lui trong một khoảng thời gian.
  • Mệt mỏi: Có đến 90% người bị lupus ban đỏ chia sẻ rằng họ đã trải qua những giai đoạn vô cùng mệt mỏi. Nhiều người ngủ quá nhiều vào buổi trưa và mất ngủ vào buổi tối, tình trạng này kéo dài dẫn đến suy nhược cơ thể.
  • Sốt không rõ nguyên nhân: Đây là một trong những triệu chứng khởi phát và thường gặp ở những người bị bệnh, những cơn sốt nhẹ xảy ra thường xuyên và lặp đi lặp lại, vì là cơn sốt nhẹ nên nhiều người thờ ơ và bỏ qua nó.
  • Rụng tóc: Rụng tóc, thậm chí rụng từng mảng tóc lớn lộ da đầu, đây là tình trạng xảy ra khi viêm da, không chỉ tóc mà ở một số người còn bị tình trạng thưa râu, lông mi, lông mày. Bệnh có thể làm tóc trở nên yếu, cứng và dễ gãy rụng.
  • Khô miệng, khô mắt: Bạn có thể cảm nhận được tình trạng này khi mắc lupus ban đỏ vì ở những người bệnh sẽ phát triển bệnh Sjogren, đây là một hội chứng rối loạn tự miễn dịch khác, bệnh này làm cho các tuyến chịu trách nhiệm về nước mắt và nước bọt hoạt động sai, và các tế bào lympho có thể tích tụ trong các tuyến. Trong một số trường hợp, phụ nữ bị Lupus và Sjogren cũng có thể bị khô âm đạo và da.
  • Phát ban trên da, trong đó phát ban dạng ” cánh bướm” xuất hiện ở hơn 50% số người bị lupus ban đỏ. Phát ban chủ yếu xuất hiện trên má và sống mũi và trở nên xấu hơn khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

Ngoài ra còn một số triệu chứng khác như:

  • Giảm cân.
  • Khó chịu, bứt rứt.
  • Xuất hiện các vết loét ở miệng.
  • Nhạy cảm với ánh sáng mặt trời.
  • Sưng hạch bạch huyết .
  • Bệnh có thể gây đau khớp, đặc biệt vào buổi sáng

Các triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào phần nào của cơ thể bị ảnh hưởng:

  • Hệ thống não và thần kinh: Xuất hiện cơn đau đầu, suy nhược, tê, ngứa ran, co giật, các vấn đề về thị lực, trí nhớ và thay đổi tính cách.
  • Đường tiêu hóa: Bệnh nhân đau bụng, buồn nôn và nôn.
  • Tim: Xuất hiện các vấn đề về van tim, viêm cơ tim hoặc nội mạc tim, màng ngoài tim.
  • Phổi: Tràn dịch màng phổi, khó thở, ho ra máu.
  • Da: Nốt ban nhạy cảm với ánh sáng, niêm mạc: có vết loét trong miệng.
  • Thận: Phù chân.
  • Ngón tay và ngón chân: tím lạnh đầu ngón trong trường hợp Raynaud.
  • Bất thường về máu bao gồm: Thiếu máu, bạch cầu thấp hoặc giảm số lượng tiểu cầu.

Lupus có nhiều triệu chứng giống với các bệnh khác như viêm khớp và đái tháo đường. Vì vậy, nếu bạn có các triệu chứng Lupus phổ biến này, điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ và tìm hiểu xem bạn có bị Lupus hay một vấn đề sức khỏe khác không để nhận được sự điều trị chính xác và hiệu quả.

Chẩn đoán Lupus ban đỏ hệ thống như thế nào?

Cho đến nay, chưa có một kỹ thuật nào là đặc hiệu để chẩn đoán bệnh Lupus ban đỏ hệ thống.

Hiện tại, một số bệnh viện lớn trong cả nước đang sử dụng các kỹ thuật phát hiện kháng thể để chẩn đoán bệnh Lupus ban đỏ hệ thống như: kỹ thuật phát hiện kháng thể kháng nhân, kháng thể kháng dsDNA, kháng kháng nguyên Smith, các kháng thể trên hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu….

Tuy nhiên, một mình các kỹ thuật kháng thể không chẩn đoán được bệnh mà phải kết hợp với các biểu hiện lâm sàng, tiền sử bệnh, tiền sử gia đình và các xét nghiệm của bạn

Lupus ban đỏ hệ thống được điều trị như thế nào?

lupus ban đỏ hệ thống

Lupus ban đỏ hệ thống không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được nếu điều trị đúng. Mục đích chính của việc điều trị này là nhằm giảm thiểu triệu chứng và hạn chế các tổn thương nội tạng nặng.

Song song với việc điều trị, người bệnh cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Tránh thức khuya, lo âu, stress. Không hút thuốc lá. Chế độ ăn giàu vitamin D và Calci. Tập thể dục hàng ngày.

Thuốc chống viêm không Steroid. Thuốc được sử dụng trong trường hợp viêm khớp, sốt, viêm thanh mạc. Những loại thuốc này có đặc tính giảm đau, chống viêm và chống đông máu, có lợi trong điều trị các biểu hiện liên quan đến Lupus thông thường; tuy nhiên, phải xem xét khả năng tác dụng phụ (viêm loét dạ dày, nhiễm độc gan, suy thận…) trước khi các bác sĩ lâm sàng kê đơn NSAID cho bệnh nhân bị Lupus.

Corticoid

Corticoid có tác dụng giảm đau, chống viêm do đó ức chế các phản ứng miễn dịch trong bệnh Lupus. Liều thuốc và đường dùng phụ thuộc tình trạng bệnh của người bệnh. Đa số trường hợp chỉ cần dùng đường uống.

Trong trường hợp nặng, cấp tính, tổn thương tạng, steroid được sử dụng qua đường tĩnh mạch. Khi dùng corticoid trong thời gian đầu cần giảm liều nhanh, sau đó giảm liều chậm dần, theo dõi sát và duy trì liều thấp nhất có đáp ứng và có thể ngừng corticoid khi bệnh hoàn toàn ổn định.

Thuốc chống sốt rét (Hydroxychloroquin). Một số thuốc chống sốt rét đã tỏ ra hiệu quả trong việc điều trị các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau của bệnh Lupus ban đỏ hệ thống và ngăn ngừa các đợt bùng phát tiếp theo. Mặc dù cơ chế chính xác không rõ ràng, thuốc chống sốt rét có thể ức chế hoạt hóa tế bào lypmpho T và ức chế hoạt động của cytokine viêm. Thận trọng khi sử dụng cho những trường hợp giảm G6PD, tổn thương gan.

Thuốc ức chế miễn dịch khác

Thuốc ức chế miễn dịch chủ yếu được sử dụng trong các trường hợp nặng hơn của bệnh Lupus ban đỏ hệ thống khi dùng corticosteroid liều cao hoặc thuốc chống sốt rét đã thất bại trong việc kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Chúng cũng được sử dụng để ngăn ngừa đợt cấp và tái phát Lupus ban đỏ hệ thống. Các tác nhân được sử dụng phổ biến nhất là cyclophosphamide và azathioprine, mycophenolate.

Kháng thể đơn dòng

  • Là kháng thể đơn dòng đầu tiên được phê duyệt điều trị Lupus. Belimumab ức chế sự kích hoạt tế bào lympho B bằng cách can thiệp vào một protein cần thiết cho hoạt động của tế bào B (BLyS). Thuốc được khuyên dùng cho những bệnh nhân mắc Lupus ban đỏ hệ thống hoạt động đang được điều trị tiêu chuẩn bằng thuốc chống viêm không steroid, thuốc chống sốt rét, corticosteroid và / hoặc thuốc ức chế miễn dịch khác không đáp ứng.
  • Rituximab: Là một kháng thể đơn dòng tinh tinh biến đổi gen chống lại kháng nguyên CD20, rituximab (Rituxan, Genentech / Roche) cũng cho thấy tiềm năng trong điều trị Lupus ban đỏ hệ thống. Lợi ích của rituximab cũng được ghi nhận ở những bệnh nhân bị viêm thận Lupus, đau khớp, viêm khớp, viêm thanh mạc, viêm mạch máu da, viêm niêm mạc, phát ban, mệt mỏi, và các triệu chứng thần kinh và khó chữa.

Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế

Kính chào Quý Khách hàng,

Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…

Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.

Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.

Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.


PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMClogo

Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC

Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC

Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC