Loãng xương là một bệnh của hệ thống xương, trong đó mật độ xương và chất lượng xương giảm do nhiều nguyên nhân, vi cấu trúc xương bị phá hủy khiến xương dễ gãy.
Loãng xương đã trở thành vấn đề sức khỏe chỉ đứng sau bệnh tim mạch, không còn là “căn bệnh” của người già, thậm chí trẻ em cũng có thể là người bệnh.
Với sự gia tăng của quá trình già hóa dân số, loãng xương đã đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người trung niên và cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ trung niên và cao tuổi.
Loãng xương và gãy xương liên quan là những yếu tố quan trọng làm tăng tỷ lệ tử vong và bệnh tật của phụ nữ sau mãn kinh.
Loãng xương rất phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh do đặc điểm sinh lý riêng, loãng xương làm xương dễ gãy dẫn đến đau nhức, giảm chức năng vận động,…là nguyên nhân chính làm giảm chất lượng cuộc sống, tàn tật và tử vong ở phụ nữ lứa tuổi trung niên và cao tuổi.
Phân loại loãng xương
Loãng xương được chia thành hai loại nguyên phát và thứ phát.
Loãng xương nguyên phát lại được phân chia thành ba loại: loãng xương sau mãn kinh (loại I), loãng xương tuổi già (loại II) và loãng xương vô căn (bao gồm cả ở tuổi vị thành niên).
- Loãng xương sau mãn kinh thường xảy ra ở phụ nữ trong vòng 5 đến 10 năm sau khi mãn kinh.
- Loãng xương do tuổi già thường đề cập đến bệnh loãng xương xảy ra ở người già sau 70 tuổi.
- Loãng xương vô căn chủ yếu xảy ra ở thanh thiếu niên và vẫn chưa rõ nguyên nhân.
Loãng xương thứ phát thì có nhiều nguyên nhân có thể gây ra như:
– Bệnh lý nội tiết: Đái tháo đường, cường giáp, cường cận giáp, hội chứng Cushing, suy tuyến yên,…
– Bệnh lý tự miễn: Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, ….
– Bệnh lý thận mãn tính
– Bệnh lý đường tiêu hóa và liên quan đến chế độ sinh dưỡng: hội chứng kém hấp thu, viêm tụy mãn, suy dinh dưỡng,….
– Do sử dụng thuốc thời gian dài: Glucocorticoid, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống ung thư, hormone giáp, ….
Loãng xương sau mãn kinh (PMO)
Loãng xương sau mãn kinh là bệnh phổ biến liên quan đến lão hóa, chủ yếu xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh, chủ yếu do thiếu hụt nội tiết tố nữ estrogen, khối lượng xương giảm và cấu trúc mô xương thay đổi dẫn đến xương dễ gãy.
Thiếu hụt estrogen là một trong những nguyên nhân chính gây ra loãng xương sau mãn kinh.
Vai trò của Estrogen
Estrogen có thể thúc đẩy quá trình biệt hóa nguyên bào xương sớm, kích thích collagen và ức chế hoạt động của tế bào hủy xương.
Thiếu hụt estrogen nặng sau mãn kinh làm tăng hoạt động của tế bào hủy xương, giảm mật độ xương, tăng tốc độ luân chuyển xương, ảnh hưởng đến quá trình lắng đọng muối canxi, tăng quá trình hủy xương, gây mất một lượng lớn xương, cuối cùng dẫn đến loãng xương sau mãn kinh.
Diễn tiến lâm sàng
Bệnh diễn ra âm thầm, trước khi xảy ra gãy xương thường không có triệu chứng gì, khi đã phát hiện lưng gù, thấp lùn hoặc đau nhức cột sống thì thường đã loãng xương tương đối nhiều.
Gãy xương là biến chứng gây đau đớn, hay biến dạng xương và những biến chứng khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, thậm chí có thể rút ngắn tuổi thọ.
Phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ phát triển PMO cao gấp bốn lần so với nam giới.
Phân loại loãng xương sau mãn kinh
PMO có thể được chia thành hai loại:
– Loãng xương sau mãn kinh sớm, thường sau mãn kinh từ 5 đến 10 năm, được đặc trưng bởi sự mất khối lượng xương nhanh chóng, có liên quan đến sự suy giảm estrogen sau mãn kinh.
– Loãng xương sau mãn kinh muộn, xảy ra từ 10 đến 20 năm sau khi mãn kinh, mất xương chậm và kèm theo yếu tố tuổi già và cường tuyến cận giáp càng làm loãng xương sau mãn kinh trầm trọng hơn.
Yếu tố nguy cơ
– Người da trắng hoặc ở châu Á
– Thân hình nhỏ và mảnh mai
– Mãn kinh sớm do cắt bỏ buồng trứng, hoặc suy buồng trứng sớm
– Chế độ ăn ít Canxi
– Lối sống tĩnh tại, ít vận động (nằm ngồi nhiều), môi trường sống thiếu ánh sáng mặt trời.
– Khối lượng xương đỉnh thấp (PBM)
– Thói quen xấu: Nghiện rượu, hút thuốc lá, uống quá nhiều trà/cafe
– Tiền sử gia đình: Có người bị loãng xương
– Sử dụng thuốc kéo dài (glucorticoid)
Tiêu chuẩn chẩn đoán
Mật độ khoáng của xương (BMD) là tiêu chuẩn để chẩn đoán loãng xương, và theo tổ chức y tế thế giới (WHO) BMD bằng -2,5 SD hoặc thấp hơn là được chẩn đoán loãng xương.
Điều trị loãng xương sau mãn kinh dưới góc nhìn Y học cổ truyền
Trong y học cổ truyền, loãng xương có nét tương tự được mô tả trong các chứng “Cốt nuy”, “Cốt khô” và “Cốt tý”. Trong đó chứng Cốt nuy có tính tương đồng gần nhất.
Theo lý luận của y học cổ truyền Trung Quốc, nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của loãng xương chủ yếu là ba yếu tố Thận khuy hư, Tỳ hư và Đờm ứ trở mạch.
Thận hư là cơ chế sinh bệnh chủ yếu của chứng Cốt nuy
Lý luận của y học cổ truyền cho rằng “thận là gốc”, “thận sinh tủy”, “vinh nhuận của thận ở cốt”.
Sự mạnh yếu của xương có quan hệ mật thiết với sự vượng hay suy của thận tinh, thận tinh đầy đủ thì hóa sinh tủy được, nuôi dưỡng tốt mà cường tráng.
Thận tinh thiếu thì sinh hóa tủy không đầy đủ và xương sẽ bị mềm yếu, kém chịu lực do thiếu chất nuôi dưỡng.
Về cơ bản, cho rằng Thận suy là cơ chế bệnh sinh chính của chứng Cốt nuy.
Các nghiên cứu thông qua so sánh bệnh nhân thận hư, phế tỳ hư và người bình thường đã chứng minh những người đạt tiêu chuẩn Thận hư có mật độ khoáng xương thấp rõ rệt.
Tỳ hư cũng là bệnh sinh quan trọng của chứng Cốt nuy
Tinh tàng trữ ở thận bao gồm tinh tiên thiên và tinh hậu thiên thu được trong quá trình sinh trưởng và phát triển.
Thận cùng Tỳ Vị có quan hệ mật thiết với nhau. Thận tinh phụ thuộc vào sự nuôi dưỡng của Tỳ để tinh hậu thiên được bổ sung liên tục, nếu tinh khí thiếu hụt, xương không được nuôi dưỡng thì xương sẽ dễ gãy, yếu, cuối cùng dẫn đến loãng xương.
Đờm ứ thúc đẩy quá trình Cốt nuy xảy ra nhanh hơn
Đờm ứ là sản phẩm bệnh lý của cơ thể con người, đồng thời cản trở sự vận động bình thường của khí huyết trong kinh mạch.
Các học giả nhận thấy vai trò của đờm ứ trong quá trình lão hóa, họ cho rằng Thận hư là cơ chế chủ yếu của lão hóa, đờm ứ thúc đẩy quá trình này nhanh hơn.
Ở người trung niên và người cao tuổi cho thấy ngoài biểu hiện hư nhược còn có biểu hiện đờm trọc và huyết ứ, cho nên đờm ứ có thể dẫn đến thận hư và thêm suy.
Ngược lại thận hư cũng có thể sinh ra đờm, đờm ứ trệ do chuyển hóa khí không đủ và mất cân bằng quá trình tạo huyết (do khí là soái của huyết), do đó thúc đẩy bệnh loãng xương diễn tiến nhanh hơn.
Bệnh cảnh lâm sàng
Có thể chia thành các thể như sau:
Can Thận âm hư
Triệu chứng chủ yếu là lưng gối đau nhức, chóng mặt ù tai, ngũ tâm phiền nhiệt, bốc hỏa, gò má đỏ, miệng khô, chất lưỡi đỏ ít, mạch huyền sác.
Pháp trị là tư âm bổ Thận.
Bài thuốc hay dùng là Tả quy hoàn gia giảm.
Thận dương suy vi
Triệu chứng chủ yếu là chân tay lạnh, nhất là vùng thắt lưng và đầu gối, sắc mặt trắng hoặc đen, nước tiểu trong, tiểu đêm nhiều lần, lưỡi nhợt rêu trắng, mạch trầm.
Pháp trị là ôn bổ thận dương.
Bài thuốc hay dùng là Hữu quy hoàn gia giảm.
Thận tinh bất túc
Triệu chứng chủ yếu là thiểu năng sinh dục, lão hóa sớm, ù tai, rụng tóc, răng lung lay, hay quên, sa sút trí tuệ, lưỡi nhợt nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch trầm tế.
Pháp trị là cố Thận bồi nguyên.
Bài thuốc hay dùng là Hà xa đại tạo hoàn gia giảm.
Khí huyết bất túc
Triệu chứng chủ yếu là hoa mắt chóng mặt, sắc mặt nhợt nhạt, môi móng nhợt nhạt, tóc bạc màu, tim đập nhanh, ít ngủ, mệt mỏi, lười nói, ăn uống giảm sút, chất lưỡi nhạt, rêu trắng, mạch huyền sác.
Pháp trị là bổ ích khí huyết.
Bài thuốc hay dùng là Thập toàn đại bổ gia giảm.
Khí trệ huyết ứ
Triệu chứng chủ yếu là vùng ngực sườn, bụng trướng đau, thỉnh thoảng ngứa ran, hoặc có cục tụ lại có lúc lại tản ra, lưỡi tím hoặc có điểm ứ huyết, mạch huyền sác.
Pháp trị là hoạt huyết hành khí, khứ ứ thông lạc.
Bài thuốc hay dùng là Thân thống trục ứ thang gia giảm.
Cần phải chú ý điều trị loãng xương không phải bằng một loại thuốc hay một phương pháp nào mà phải dùng thuốc toàn diện tùy theo tình trạng cụ thể của người bệnh, kết hợp với thể dục thể thao và phòng chống chấn thương, té ngã.
Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn là phải chủ động ngăn chặn sự xuất hiện của bệnh từ đó đạt được mục đích phòng ngừa và điều trị loãng xương.
Phương pháp phòng bệnh loãng xương có hiệu quả nhất của y học cổ truyền là xoa bóp bấm huyệt, tập khí công – dưỡng sinh hàng ngày. Ngoài ra, một chế độ ăn uống hợp lý cũng có thể hỗ trợ phòng chống bệnh.
– Xoa bóp bấm huyệt: Giúp các cơ vận động thụ động, duy trì sức mạnh cơ bắp, gián tiếp duy trì mật độ và sức mạnh của xương.
– Khí công – dưỡng sinh: Tập 20-30 phút/ngày bằng những bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng cá nhân giúp cơ thể thư giãn, tinh thần thoải mái, từ đó mà duy trì hoạt động bình thường của cơ thể.
– Yoga, tập khí công, dưỡng sinh, bát đoạn cẩm,…. ngoài trời buổi sáng cũng có tác dụng giúp cơ thể tăng tổng hợp vitamin D, từ đó mà ngăn ngừa bệnh loãng xương.
– Chế độ ăn: Cần chú ý đến các thức ăn giàu Calci như trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, đậu, tôm, cua, cá,…
Bổ sung vitamin D cho cơ thể bằng tăng cường các thức ăn có nguồn gốc từ cá, gan, sữa, nước cam, ngũ cốc.
Tăng cường ăn các loại rau củ như: mùi tây, bắp cải, cà chua, dưa chuột,…cũng làm giảm hiện tượng mất xương và tăng chất khoáng trong xương.
Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế
Kính chào Quý Khách hàng,
Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.
PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMC
Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC
Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC
Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC