Khàn tiếng-dấu hiệu không nên chủ quan

khàn tiếng

Khàn tiếng, mất giọng là hiện tượng thường gặp trong đời sống và có thể xuất hiện ở bất kỳ ai. Việc giọng nói thay đổi bất chợt khiến nhiều người khó chịu vì nói chuyện khó khăn, ảnh hưởng đến tâm lý và công việc. Hiện tượng này có thể kéo dài và trầm trọng hơn theo thời gian.

Khàn tiếng là gì?

Khàn tiếng hay khản tiếng là tình trạng giọng nói bị thay đổi âm sắc, giọng nói của bạn sẽ không được trong và mượt như bình thường mà tiếng nói sẽ bị khàn, thô ráp, giọng nói thều thào… thậm chí mất tiếng.

Hiện tượng này xảy ra do sự bất thường của dây thanh nằm bên trong thanh quản. Khi nói, luồng hơi từ phổi đẩy lên làm rung dây thanh quản, giúp phát ra tiếng. Vì vậy, khí có vấn đề ở cổ họng, hay dây thanh, dây thanh quản không còn rung động nữa hoặc rung yếu, người đó sẽ bị khàn tiếng

Nguyên nhân gì gây ra khàn tiếng?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khàn tiếng. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp:

  • Nói quá nhiều và quá to: Nếu nói quá lâu, cổ vũ quá to, hát quá nhiều hoặc nói với âm vực cao hơn hơn bình thường, bạn có thể bị khàn tiếng.
  •  Viêm thanh quản: Khàn tiếng thường do viêm nhiễm đường hô hấp trên, chủ yếu từ virus. Trong đó viêm thanh quản là nguyên nhân khàn tiếng hay gặp nhất. Viêm thanh quản là tình trạng thanh quản hoặc dây thanh âm bị viêm, sung huyết, phù nề gây ra khàn giọng do nhiễm trùng, kích thích hoặc làm việc “quá nhiều”.

Viêm thanh quản dưới 3 tuần gọi là viêm thanh quản cấp tính. Viêm thanh quản kéo dài trên 3 tuần được gọi là viêm thanh quản mạn tính. Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm thanh quản: nhiễm virus; nhiễm vi khuẩn hay các yếu tố môi trường (khói thuốc, chất gây dị ứng, độ ẩm thấp…)

khàn tiếng

  • Viêm họng, viêm amidan: Khi thời tiết thay đổi hoặc chuyển giao mùa, cổ họng của bạn rất dễ bị tổn thương mà dẫn đến tình trạng khàn tiếng, gây ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.
  • U nang dây thanh âm: Khối u phát triển trên dây thanh âm khiến bạn bị khàn giọng. Những người hay lạm dụng giọng nói thường nguy cơ có polyp cao hơn những người bình thường.
  • Dị ứng: Tình trạng dị ứng gây chảy nước mũi, hắt xì hơi có thể khiến cổ họng bạn bị khàn tiếng.
  • Hít phải các chất độc hại
  • Ho nhiều, kéo dài
  • Trào ngược dạ dày: axit trong dạ dày đi ngược lên cổ họng nhiều quá mức sẽ gây tình trạng trào ngược họng thanh quản (LPR). Chứng trào ngược này sẽ làm tổn thương vùng thanh quản, khiến giọng nói bị khàn lại.
  • Mắc các bệnh liên quan đến tuyến giáp: Do tuyến giáp nằm ở vị trí cổ mà khi suy giáp không kịp điều trị sẽ ảnh hưởng đến dây thanh quản, dẫn đến khàn tiếng.
  • Thói quen hút thuốc: Những người có thói quen hút thuốc nguy cơ bị khàn tiếng cao hơn do viêm đường hô hấp.
  • Một số ung thư đầu mặt cổ: ung thư tuyến giáp, ung thư vùng hầu họng hoặc ung thư phổi
  • Các bệnh ung thư thanh quản, ung thư cổ họng và u lympho thường có triệu chứng ban đầu là khàn giọng.
  • Các nguyên nhân cơ học làm tổn thương vùng họng ví dụ như đặt nội khí quản, chấn thương ở các vùng họng do tai nạn giao thông, tai nạn lao động thì việc phẫu thuật nội soi phế quản cũng có thể chèn ép lên dây thanh quản, gây khàn tiếng.
  • Liệt dây thần kinh quản
  • Các rối loạn thần kinh cơ làm suy giảm chức năng thanh quản

Khàn tiếng có nguy hiểm không?

Khàn tiếng rất phổ biến và thường không nguy hiểm nếu tình trạng này chỉ diễn ra dưới 2 tuần. Nhưng nếu đã điều trị nhưng tình trạng khàn tiếng vẫn tiếp diễn sau 2 tuần thì bạn cần đến bệnh viện thăm khám. Bởi vì rất có thể, khàn tiếng kéo dài như vậy là một dấu hiệu cảnh báo một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn chẳng hạn như ung thư thanh quản, ung thư tuyến giáp…

 Có một tỷ lệ khàn tiếng kéo dài là dấu hiệu của khối u lành tính tại thanh quản hoặc các bệnh lý nguy hiểm như ung thư dây thanh, khối u ở lồng ngực. Theo nghiên cứu, tỷ lệ u ác tính ở dây thanh lên tới 7/100.000, nhưng có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Những ai có nguy có bị khàn tiếng?

 Khàn tiếng là tình trạng rất dễ gặp ở mọi đối tượng. Theo ước tính, trên thế giới có khoảng 1/3 số người sẽ bị khàn giọng ít nhất một lần trong đời.

Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính,…Tuy nhiên, khàn tiếng mạn tính thường gặp ở những người phải sử dụng giọng nói nhiều như giáo viên, ca sĩ, người bán hàng, nhân viên trả lời điện thoại… Bệnh cũng gặp nhiều hơn khi hút thuốc lá, sử dụng rượu bia nhiều.

Khi nào bạn cần đi gặp bác sĩ?

Khàn tiếng tuy không phải là tình trạng nguy cấp, ảnh hưởng đến tính mạng con người nhưng đôi khi nó lại là biểu hiện của những bệnh lý nghiêm trọng khác có liên quan.

 Khàn tiếng do hò hét, nói quá nhiều hoặc bị viêm họng là dấu hiệu bình thường. Hầu hết những trường hợp gặp phải tình trạng này đều có thể tự khỏi chỉ trong vài ngày. Tuy nhiên, nếu thời gian khàn giọng lâu hơn 2 tuần ở người lớn và hơn 1 tuần ở trẻ em, bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám để tìm ra nguyên nhân và các vấn đề sức khỏe mình đang gặp phải. Tránh nguy cơ để xảy ra những biến chứng không mong muốn. Đặc biệt là khi xảy ra hiện tượng chảy nước dãi, khó phát âm, khó thở, khó nuốt,…

Chẩn đoán khàn tiếng bằng cách nào?

Quá trình thăm khám thường gồm các bước:

  • Kiểm tra mũi họng, chất giọng và âm lượng giọng nói của bạn
  • Hỏi về những thói quen sinh hoạt có thể làm nặng hơn các triệu chứng (hút thuốc lá, la hét hay nói chuyện trong thời gian dài)
  • Các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt hay mệt mỏi

Nếu những quan sát bằng các dụng cụ thông thường chưa đủ căn cứ để chẩn đoán chính xác, các bác sỹ có thể tiến hành một số phương pháp khám Tai – Mũi – Họng khác như:

  • Nội soi thanh quản bằng ống mềm: ống mềm có cáp quang ở trong, và phần đầu có thể di chuyển được theo điều khiển của người nội soi. Thông qua đường mũi, ống mềm có thể đi xuống tận thanh quản để quan sát trực tiếp thanh quản và các hoạt động của dây thanh cũng như sự di động dây thanh, từ đó phát hiện sớm những bệnh lý tại dây thanh, hoặc bệnh lý tại hạ thanh môn.
  • Máy hoạt nghiệm dây thanh: hoạt động trên nguyên tắc rung sóng niêm mạc dây thanh, từ đó sẽ phát hiện được sự rung sóng bình thường hay bất thường của dây thanh và những bệnh tích mới khởi phát hoặc những bệnh tích tương đối nhỏ trên dây thanh
  • Cấy dịch họng để tìm vi khuẩn
  • Chụp các phim X-quang vùng cổ họng
  • Chụp CT
  • Chụp MRI
  • Thử máu

Điều trị khàn tiếng như thế nào?

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây khàn giọng bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khàn tiếng phù hợp. Cụ thể, nếu:

  • Khàn giọng do hò hét quá nhiều

Bạn sẽ cần giảm bớt các hoạt động phải nói to, nói nhiều. Sau vài ngày, giọng nói của bạn có thể phục hồi trở lại bình thường.

  • Khàn giọng do viêm họng, viêm thanh quản cảm cúm, ho, sốt, trào ngược dạ dày, dị ứng…

Bạn sẽ được uống thuốc cảm cúm, trị ho, viêm họng, thuốc chống trào ngược dạ dày, thuốc dị ứng…. Sau khi sức khỏe ổn định thì tình trạng khàn tiếng cũng sẽ hết.

Ngoài ra, khàn tiếng còn có thể được điều trị bằng cách điều trị tại chỗ thanh quản như: 

Xông hơi ở họng với nước nóng và tinh dầu, thuốc

Sử dụng khí dung để điều trị khàn tiếng. Trước hết, để ống khí dung qua đường mũi hoặc miệng. Bệnh nhân cần phải thở sâu và dài để khí thuốc đi vào thanh quản.

Chấm thuốc thanh quản: Thực hiện nội soi thanh quản và có que được quấn chặt bông chứa thuốc kháng sinh, dung dịch corticoid…Đưa bông chấm vào từng thanh môn trên mặt 2 dây thanh.

Bơm thuốc vào thanh quản: Dùng kim tiêm bơm thuốc thẳng trực tiếp lên mặt 2 dây thanh

  • Khàn tiếng do các tổn thương dây thanh

Bạn có thể cần phẫu thuật dây thanh để lấy lại giọng nói. Phẫu thuật này được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, chuyên sâu về thanh học ở bệnh viện.

  • Khàn tiếng do ung thư thanh quản

Bạn cần được điều trị trị ung thư thanh quản bằng phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc các phương pháp nhắm đích… tùy thuộc vào giai đoạn ung thư của bạn.

Một số cách giúp tình trạng khàn tiếng của bạn mau khỏi hơn

  • Hạn chế nói chuyện và la hét nhiều trong thời gian bị khàn giọng
  • Giữ ấm và vệ sinh tốt vùng mũi, họng
  • Uống nhiều chất lỏng ẩm. Chất lỏng có thể làm giảm một số triệu chứng của bạn và làm ẩm cổ họng của bạn. Tránh chất chứa caffeine và rượu, vì chúng có thể làm khô cổ họng của bạn.
  • Hãy tắm nước nóng, vì hơi nước từ vòi sen sẽ giúp mở đường hô hấp của bạn và cung cấp độ ẩm.
  • Ngăn chặn hoặc hạn chế hút thuốc lá vì thuốc lá có thể gây kích thích cổ họng của bạn.
  • Loại bỏ chất gây dị ứng từ môi trường của bạn. Dị ứng thường có thể làm trầm trọng thêm hoặc kích hoạt khàn giọng
  • Làm ẩm không khí bằng máy,…

  • Không dùng các loại thuốc lạ, có nguy cơ gây kích thích và làm khô mũi.

  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng: Khàn tiếng có thể kèm theo đau họng khiến bạn không muốn ăn uống. Vì thế, bạn hãy ăn những món lỏng, mềm như cháo, súp để dễ nuốt hơn.

khàn tiếng

  •  Ăn nhiều trái cây và rau xanh: các loại trái cây và rau xanh như cải bó xôi, cải xoăn, khoai tây, cà rốt, đu đủ, dâu tây, chuối… cung cấp rất nhiều vitamin và khoáng chất, giúp người bệnh tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ giảm nhanh các triệu chứng của bệnh. Lưu ý là khi chế biến các loại rau củ nên cắt nhỏ và nấu chín để dễ nhai và dễ tiêu hóa, đồng thời hạn chế cho quá nhiều gia vị để tránh gây kích thích đến vùng cổ họng

  • Ngậm gừng và chanh, lấy gừng thái lát mỏng đem trộn với chút muối và nước cốt chanh rồi ngậm trong vài phút. Các dưỡng chất trong gừng, chanh sẽ làm ấm cổ họng, xoa dịu tổn thương ở thanh quản.
  • Uống nước mật ong: Mật ong là một phương thuốc tự nhiên rất tốt cho sức khỏe đường hô hấp. Uống nước mật ong ấm ngay khi bị khàn tiếng mất giọng, bạn sẽ thấy dễ chịu tức thì.
  •  Hạn chế ăn các đồ ăn cay, nóng như ớt, tiêu, mù tạt, cà ri, nước sốt nóng, nhiều acid… có thể gây kích ứng cổ họng, ảnh hưởng dạ dày, khiến tình trạng viêm thanh quản trở nên trầm trọng hơn.

Cách phòng tránh khàn tiếng thông thường

Khàn giọng đơn thuần không phải là bệnh nặng nhưng sẽ gây khó chịu, bất tiện và đôi khi gây mất tự tin khi giao tiếp. Việc phòng tránh triệu chứng khàn giọng thông thường này không khó bằng việc điều chỉnh các thói quen hàng ngày.

  • Chú ý giữ giọng, không nên nói quá lớn, la hét, nói quá nhiều. Mỗi ngày, bạn nên dành một khoảng thời gian để cho thanh quản nghỉ ngơi. Đặc biệt đối với các nghề nghiệp như giáo viên, buôn bán, ca sĩ…
  •  Giữ ấm và vệ sinh vùng mũi, họng để tránh cảm cúm, những viêm nhiễm mãn tính vùng mũi, họng
  • Rửa tay thường xuyên. Khàn tiếng thường được gây ra bởi một bệnh nhiễm trùng hô hấp do virus. Rửa tay của bạn sẽ ngăn chặn sự lây lan của vi trùng và giữ cho bạn khỏe mạnh
  • Uống đủ nước để giữ độ ẩm vùng cổ họng không bị khô
  • Bỏ hút thuốc và tránh khói thuốc lá. Hít khói thuốc có thể gây ra sự kích thích của dây thanh âm và thanh quản và có thể làm khô cổ họng của bạn
  • Tránh các đồ uống có cồn
  • Làm ẩm không khí trong nhà
  • Không hắng cổ họng nhiều
  • Nên thăm khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư thanh quản, ung thư tuyến giáp, ung thư vòm họng

Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế

Kính chào Quý Khách hàng,

Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…

Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.

Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.

Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.