ĐẦY BỤNG, KHÓ TIÊU CHỨC NĂNG CẦN HIỂU VÀ ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO MỚI CÓ HIỆU QUẢ

Chứng khó tiêu chức năng là một trong những rối loạn tiêu hóa chức năng phổ biến nhất và ảnh hưởng đến hơn 20% dân số. Các triệu chứng có thể đủ nghiêm trọng để cản trở việc tiêu hóa sau ăn xong hoặc tham gia các hoạt động thường ngày.

Khó tiêu chức năng là gì?

Chứng khó tiêu chức năng, còn được gọi là chứng khó tiêu không do loét hoặc chứng đầy bụng, là thuật ngữ dùng để mô tả một nhóm các triệu chứng ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, bao gồm đau hoặc khó chịu dạ dày, buồn nôn, đầy bụng và ợ hơi.

Tình trạng này được chẩn đoán khi không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng cho các triệu chứng hiện tại, mặc dù một tỷ lệ nhỏ các trường hợp là do nhiễm vi trùng Helicobacter pylori.

Đây là dạng bệnh lý phổ biến nhất khi người bệnh than phiền tình trạng đầy bụng, chậm tiêu và không để lại hậu quả nghiêm trọng.

Các triệu chứng của tình trạng này thường có thể kéo dài nhưng có thể kiểm soát được thông qua sự kết hợp giữa thay đổi lối sống và dùng thuốc.

Bệnh được phân ra 3 loại nhỏ khác nhau gồm:

– Hội chứng đau vùng thượng vị ( epigastric pain syndrome – EPS): triệu chứng liên quan chủ yếu đến đau và nóng rát vùng bụng trên.

– Hội chứng khó chịu sau bữa ăn ( postprandial distress syndrome – PDS): triệu chứng xảy ra sau khi ăn, chẳng hạn như no sớm, chướng bụng và buồn nôn, ợ hơi sau ăn.

– PDS và EPS chồng lấp.

 

Thể khó tiêu chức năng

 

Chứng khó tiêu chức năng được chẩn đoán dựa trên tiêu chí Rome IV.

Nó được xác định bởi sự hiện diện của một hoặc nhiều triệu chứng sau: đau hoặc nóng rát vùng thượng vị, cảm giác no sớm và đầy bụng sau khi ăn mà không ghi nhận có bệnh lý thực thể bằng hình ảnh học hoặc nội soi, bệnh tình thiên về “chức năng” hơn là cấu trúc.

Tiếp cận ban đầu với một người có triệu chứng khó tiêu, đầy bụng thì đầu tiên người bệnh nên được xét nghiệm và điều trị Helicobacter pylori (H. pylori) nếu họ dưới 60 tuổi.

Điều trị dùng thuốc bao gồm kiểm soát triệu chứng bằng thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc đối kháng thụ thể H2 (H2RA), thuốc kích thích nhu động và thậm chí cả thuốc chống trầm cảm.

Các triệu chứng đáng báo động như giảm cân, khó nuốt, nôn mửa hoặc trên 60 tuổi cần được đánh giá nội soi ngay khi tiếp cận.

Cơ chế hình thành khó tiêu chức năng

Theo truyền thống, chứng khó tiêu chức năng được cho là do rối loạn các yếu tố sinh lý dạ dày được chia thành cơ chế đại thể và vi thể.

Các cơ chế đại thể bao gồm trào ngược dạ dày thực quản (GERD), chậm làm rỗng dạ dày và thay đổi quá mẫn cảm nội tạng trong hệ thần kinh.

Các cơ chế vi thể bao gồm suy giảm chức năng rào cản, thay đổi độ nhạy cảm với acid hoặc lipid ở tá tràng và bệnh viêm dạ dày tá tràng.

Các cơ chế bổ sung bao gồm các yếu tố môi trường như thực phẩm gây ra những thay đổi sinh lý dạ dày tá tràng, nhiễm trùng gây viêm và tiếp xúc với chất gây dị ứng có thể dẫn đến việc tăng bạch cầu ái toan ở người bệnh.

Các yếu tố tâm lý như lo lắng và trầm cảm có thể gây ra kích thích tiêu cực đối với trục thần kinh não-ruột, các trung tâm các kích thích nội tạng từ các sợi cảm giác trong đường tiêu hóa.

Nguyên nhân của khó tiêu chức năng

Nguyên nhân của chứng khó tiêu chức năng có thể là do nhiều yếu tố kết hợp; tuy nhiên, nguyên nhân chính xác thì không được xác định rõ ràng.

Một số yếu tố nguy cơ đã được cho là có liên quan, thúc đẩy đến tình trạng này bao gồm:

– Nhiễm trùng đường ruột: H. pylori, Escherichia coli O157, Campylobacter jejuni và Salmonella.

– Tiền sử sử dụng kháng sinh gần đây, Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)

– Thừa cân

– Hút thuốc lá

– Rối loạn tâm lý xã hội

Triệu chứng khó tiêu chức năng

Các triệu chứng khó tiêu không  xảy ra thường xuyên, chúng xuất hiện và biến mất mà không có lý do rõ ràng, và thật khó để nhận biết có điều gì đặc biệt khiến chúng trở nên tốt hơn hay trầm trọng hơn.

Mặc dù chứng khó tiêu chức năng là bệnh lý mãn tính (diễn ra trong một thời gian dài), nhưng bệnh có thể biến mất trong một thời gian và sau đó quay trở lại mà không rõ lý do.

Các triệu chứng khó tiêu thường sẽ khác nhau về mức độ nghiêm trọng từ người này sang người khác và có thể mơ hồ và không thể đoán trước.

Không phải mọi người đều gặp phải tất cả các triệu chứng khó tiêu, mặc dù hầu hết sẽ gặp nhiều hơn một triệu chứng.

Để được chẩn đoán, người bệnh phải có các triệu chứng sau kéo dài trong vòng ba tháng qua và phải hiện diện trong ít nhất sáu tháng gần đây.

 

triệu chứng hay gặp khó tiêu chức năng

 

Người bệnh cũng sẽ có nhiều hơn một trong các triệu chứng sau:

– Đau vùng thượng vị: Cơn đau xảy ra ở vùng bụng trên dưới lồng ngực (còn được gọi là thượng vị – là vị trí nằm của dạ dày, ruột non, tuyến tụy và gan).

– Bụng căn phình: Cảm giác khó chịu hoặc đầy bụng, đặc biệt là sau khi ăn.

– Cảm giác no sớm hoặc chán ăn: Cảm thấy “no” rất nhanh sau hoặc ngay trong khi ăn.

– Ợ nóng: Đây là tình trạng xuất hiện cơn đau rát ở vùng giữa dạ dày và thực quản, thường là do trào ngược acid.

– Trào ngược acid: Acid dạ dày trào lên từ dạ dày qua thực quản, dẫn đến cảm giác nóng rát và thường có vị chua trong miệng.

– Buồn nôn và ói mửa: Trong những trường hợp nghiêm trọng, cảm giác no và chán ăn có thể khiến buồn nôn hoặc nôn ra thực sự.

Khác biệt giữa khó tiêu chức năng và viêm dạ dày?

Viêm dạ dày và chứng khó tiêu chức năng có nhiều triệu chứng giống nhau và có thể mắc cả hai.

Viêm dạ dày, là tình trạng viêm niêm mạc dạ dày, thường có nguyên nhân có thể theo dõi được.

Nó có thể là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn H.pylori, hoặc do lạm dụng một số loại thuốc giảm đau làm xói mòn niêm mạc dạ dày (NSAID), hoặc tình trạng tăng tiết quá nhiều acid dạ dày…

Những điều này có thể được kiểm tra qua nội soi và điều trị thuốc theo phác đồ.

Nếu bạn bị chứng khó tiêu chức năng, viêm dạ dày có thể là một phần của quá trình bệnh, nhưng không phải là tất cả.

Bạn có thể phát hiện và điều trị nguyên nhân gây viêm dạ dày và cảm thấy giảm bớt một số triệu chứng đó, nhưng không giảm hẳn tình trạng đầy bụng hay đau sau khi được điều trị.

Cơ chế điều trị khó tiêu chức năng

Mục tiêu chính chủ yếu của việc điều trị là kiểm soát các triệu chứng, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Trào ngược acid dạ dày

Bước đầu tiên khi tiếp cận thường là kiểm tra vi khuẩn H. pylori (một nguyên nhân có thể gây viêm dạ dày và ruột non).

Nếu có H. pylori, người bệnh sẽ được điều trị bằng một đợt kháng sinh.

Đối với những người không bị nhiễm H. pylori hoặc có các triệu chứng vẫn tồn tại mặc dù đã loại bỏ vi khuẩn này, bước tiếp theo thường là thử nghiệm thuốc ức chế bơm proton (PPI).

PPI, bao gồm omeprazole (Prilosec), esomeprazole (Nexium) và lansoprazole (Prevacid), ngăn chặn quá trình sản xuất acid của dạ dày.

PPI có thể giúp những bệnh nhân có triệu chứng khó tiêu chức năng một phần khi có kèm bệnh trào ngược dạ dày.

PPI cũng có thể làm giảm nồng độ của một số tế bào viêm trong tá tràng (phần đầu tiên của ruột non), từ đó đóng một vai trò quan trọng trong điều trị chứng khó tiêu chức năng.

Trục não-ruột

Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs) là một loại thuốc khác thường được sử dụng để điều trị khó tiêu chức năng.

Ở một số người, tình trạng khó tiêu chức năng được cho là do phản hồi feedback của trục ruột-não bất thường.

Cụ thể, những người này có thể có các dây thần kinh cảm giác hoạt động quá mức tạo xung dẫn truyền cho đường tiêu hóa hoặc quá trình xử lý cơn đau bất thường của não.

 

Trục não ruột

 

TCAs như amitriptyline (Elavil), desipramine (Norpramin) và imipramine (Tofranil) được cho là điều chỉnh kết nối của trục ruột-não bất thường này.

Khi được sử dụng cho bệnh khó tiêu chức năng, TCA thường được kê đơn ở liều thấp, vì vậy không gây ra bất kỳ tác dụng chống trầm cảm đáng kể nào.

Tuy nhiên, một tỷ lệ lớn những người bị khó tiêu chức năng cũng thường xuyên lo lắng, trầm cảm hoặc các tình trạng sức khỏe tâm thần khác.

Để giải quyết những tình trạng này, cần phải kết hợp với bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học được đào tạo, từ đó giúp cải thiện các triệu chứng khó tiêu chức năng.

Liệu pháp tâm lý chưa được nghiên cứu rộng rãi như thuốc điều trị. Nhưng một số ít nghiên cứu đã gợi ý rằng các biện pháp can thiệp tâm lý như liệu pháp hành vi nhận thức có thể còn hiệu quả hơn cả dùng thuốc.

Điều tiết hoạt động dạ dày

Sau khi ăn, phần trên cùng của dạ dày sẽ thư giãn, giãn nở để tăng thể tích dạ dày giúp chứa bữa ăn của bạn.

Nhiều bệnh nhân khó tiêu chức năng bị suy giảm phản xạ điều tiết và điều này có thể góp phần gây ra cảm giác khó chịu sau bữa ăn mà nhiều người gặp phải.

Thật không may, không có loại thuốc nào đặc biệt để cải thiện khả năng giãn nở của dạ dày.

Tuy nhiên, buspirone (Buspar), một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị chứng lo âu, cũng được cho là có tác dụng cải thiện khả năng điều tiết của dạ dày và đã được chứng minh trong một số ít nghiên cứu là có hiệu quả trong điều trị khó tiêu chức năng.

Các loại thuốc làm cho dạ dày trống rỗng nhanh hơn cũng có thể được dùng để điều trị khó tiêu chức năng.

Tuy nhiên, nhiều loại thuốc làm tăng nhu động có liên quan đến tác dụng phụ đáng kể. Vì vậy chỉ một loại thuốc đã được nghiên cứu về chứng khó tiêu chứng năng là Metoclopramide (Reglan) là được khuyến cáo sử dụng.

Nghiên cứu gần đây cũng gợi ý rằng việc điều chỉnh hoạt động của dây thần kinh phế vị, thông qua kích thích điện của da tai, có thể cải thiện khả năng điều tiết của dạ dày.

Các nghiên cứu này gợi mở ra hướng điều trị mới đầy hứa hẹn và cần được nghiên cứu thêm trên các nhóm bệnh nhân lớn để đánh giá được hiệu quả tốt nhất.

Triển vọng của Y học cổ truyền trong điều trị khó tiêu chức năng

Ngay cả những loại thuốc điều trị khó tiêu chức năng hiệu quả nhất cũng chỉ giải quyết được các triệu chứng ở 1/6 người bệnh.

Hạn chế của các phương pháp điều trị hiện tại mở ra cơ hội cho các phương pháp điều trị mới, một cửa ngõ bỏ trống để các phương pháp điều trị Y học cổ truyền có thể can thiệp.

Ví dụ, một nghiên cứu gần đây của Trung Quốc, được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine, cho thấy liệu trình điều trị châm cứu kéo dài 4 tuần đã loại bỏ các triệu chứng ở tỷ lệ phần trăm những người bị đau sau bữa ăn cao hơn so với nhóm tương tự được điều trị bằng châm cứu giả.

 

Châm cứu loa tai

 

Mặc dù cần có các nghiên cứu mở rộng để đánh giá khách quan và chính xác hơn, nhưng nghiên cứu này cho thấy rằng triển vọng của châm cứu có thể là một lựa chọn cho những người có triệu chứng khó tiêu chức năng khó kiểm soát.

Theo Y học cổ truyền chứng đầy bụng, khó tiêu chủ yếu ảnh hưởng bởi thói quen ăn uống, sinh hoạt thất điều …

Cảm giác sau khi ăn vào thức ăn nằm yên một chỗ, nặng bụng, chướng bụng, đau vùng thượng vị… bệnh cảnh này tương đồng với chứng ách nghịch, vị quản thống.

Bệnh xảy ra khi cấp, khi hoãn. Thời gian mắc bệnh khi dài khi ngắn, nguyên nhân có thể do:

– Thất tình uất kết: Lo, buồn, giận dữ, nghĩ quá làm cho can khí uất kết. Can khí uất kết phạm tới vị khí mà gây nên bệnh;

– Tỳ vị hư hàn làm Tỳ không vận hoá, Vị không thu nạp chưng ngấu được ngũ cốc. Khi Tỳ không vận hóa thì Vị mất điều hòa gây ra đầy bụng khó tiêu;

– Do ăn uống nhiều đồ sống, lạnh làm hàn tà tích lại ở tạng phủ không lưu thông gây ra đau, hoặc do ăn uống không điều độ, no đói thất thường, uống nhiều rượu, ăn nhiều đồ tổn thương Tỳ Vị mà sinh bệnh.

Ngoài phương pháp châm cứu điều trị bệnh, có thể sử dụng các bài thuốc Y học cổ truyền để ôn trung bổ hư, sơ Can giáng nghịch, chỉ thống, kiện Tỳ hòa Vị để điều trị.

Các bài thuốc thường được sử dụng như Tiêu dao tán, Bình vị tán, Hoàng kỳ kiến trung thang, Hương sa lục quân…

 

Bên cạnh đó việc điều chỉnh lối sống sinh hoạt cũng góp một phần lớn ảnh hưởng lên hiệu quả điều trị, từ đó cải thiện các triệu chứng tốt hơn, nhanh hơn.

– Ăn chậm nhai kỹ, tránh ăn quá no, không nên vừa ăn vừa nói chuyện, xem ti vi hay điện thoại lúc ăn.

– Cắt giảm lượng muối trong khẩu phần ăn giúp giảm tình trạng tích nước trong người, từ đó cải thiện chướng bụng đầy hơi.

– Không ăn thực phẩm ngọt như bánh kẹo, hoa quả chín nẫu, các loại sữa hay các sản phẩm được chế biến từ sữa khi có tình trạng đầy trướng bụng trước đó.

– Giữ tinh thần thoải mái, đồng thời làm việc điều độ, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi đúng lúc, không thức khuya.

Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế

Kính chào Quý Khách hàng,

Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…

Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.

Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.

Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.


PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMClogo

Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC

Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC

Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC