Bệnh viêm gan C nguy hiểm như thế nào?

viêm gan C

Viêm gan C là bệnh gì?

Viêm gan C hay viên gan siêu vi C là tình trạng nhiễm trùng gan do siêu vi viêm gan C (HCV) gây ra. Bệnh khiến các tế bào gan bị viêm, gây rối loạn chức năng gan. Theo thời gian, tình trạng viêm trong mô gan có thể hình thành các tổn thương xơ chai vĩnh viễn, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan.

Virus viêm gan C (HCV) có cấu trúc di truyền sợi đơn RNA, thuộc họ Flaviviridae. HCV có 7 kiểu gen và 67 kiểu phụ đã được xác định. Trong đó, kiểu gen 1 và 6 là 2 kiểu gen thường gặp nhất tại Việt Nam. Virus HCV gây ra bệnh viêm gan C cấp tính và mạn tính.

  • Viêm gan C cấp tính thường không có triệu chứng, khoảng 15-45% trường hợp nhiễm virus có thể tự khỏi trong vòng 6 tháng kể từ khi nhiễm virus mà không cần điều trị gì.
  • Số còn lại có thể diễn tiến thành viêm gan C mạn tính. Nguy cơ xơ gan do viêm gan C mạn tính là 15-30% trong vòng 20 năm.

Theo ước tính của WHO về bệnh viêm gan C trên toàn cầu:

  • Có khoảng 58 triệu người bị nhiễm virus viêm gan C mạn tính.
  • Có khoảng 1,5 triệu ca nhiễm mới mỗi năm.
  • Số thanh thiếu niên và trẻ em bị nhiễm viêm gan C mạn tính là 3,2 triệu ca.
  • Vào năm 2019 có khoảng 290.000 trường hợp tử vong vì viêm gan C, chủ yếu do xơ gan và ung thư gan nguyên phát.
  • Thuốc kháng virus có thể chữa khỏi hơn 95% số người bị nhiễm viêm gan C, thế nhưng số người được chẩn đoán và điều trị còn thấp.

Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á – Tây Thái Bình Dương, một khu vực có số người nhiễm HCV rất cao. Khu vực này có khoảng 10 triệu người bị HCV mạn tính.

Triệu chứng Viêm gan virus C

Sau khi HCV vào cơ thể, chúng có thời kỳ ủ bệnh khá dài (khoảng từ 7 – 8 tuần lễ), sau đó là thời kỳ khởi phát.

Hầu hết các trường hợp viêm gan C cấp tính ít có triệu chứng đặc biệt, người bệnh thấy

  • Mệt mỏi, nhức đầu và có một số triệu chứng giống cảm cúm.
  • Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đau bụng, chán ăn, đau tức vùng hạ sườn phải (vùng gan).
  • Nếu ấn vào kẽ liên sườn 11 – 12 bên phải người bệnh sẽ thấy đau, tức, khó chịu. Lý do là do gan bị viêm, sưng làm cho màng ngoài gan cũng bị căng ra.
  • Kèm theo đau có thể có hiện tượng vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu như nước vối do gan bị viêm làm ảnh hưởng đến đường dẫn mật trong gan làm cho sắc tố mật ứ trệ.

Tuy vậy, triệu chứng đau và vàng da, vàng mắt đôi khi chỉ nhẹ làm cho người bệnh không để ý dễ bỏ qua mặc dù gan vẫn đang trong thời kỳ viêm rất nặng. Thời kỳ bệnh toàn phát này có thể kéo dài khá lâu (khoảng 6 – 8 tuần) rồi bệnh tự khỏi không cần điều trị bất kỳ một loại thuốc gì.

Tuy vậy, số người bệnh tự khỏi này chỉ chiếm khoảng 15 – 30% các trường hợp (khác với viêm gan B là 90%). Số còn lại hoặc sẽ trở thành viêm gan C mạn tính hoặc trở thành người lành mang virut viêm gan C (nghĩa là sau khoảng 6 tháng cơ thể không đào thải HCV ra khỏi cơ thể).

Viêm gan C mạn tính chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với viêm gan B (viêm gan C có tỷ lệ khoảng từ 30 – 60%, trong khi đó tỷ lệ này của viêm gan B  chỉ là 10%). Ðặc điểm nổi bật của bệnh viêm gan C mạn tính là sự tiến triển rất thầm lặng qua 10 – 30 năm, vì thế người bệnh thường không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điều đáng lo ngại nhất là khi bị viêm gan C mạn tính, về sau có thể bị biến chứng xơ gan (khoảng 10 – 20%) hoặc nguy hiểm hơn là ung thư gan (khoảng 5%). Tỷ lệ biến chứng xơ gan, ung thư gan so với viêm gan B cũng cao hơn nhiều.

Người lành mang virut viêm gan C thì bản thân người đó ít có ảnh hưởng gì nhưng lại là nguồn truyền mầm bệnh nguy hiểm cho người lành khác. Vì vậy, virut viêm gan C hiện nay vẫn là một hiểm họa lớn cho con người. Nhiều người không có hoặc có ít triệu chứng trong giai đoạn nhiễm HCV cấp tính. Phần lớn người mắc bệnh viêm gan C mạn tính cũng không có triệu chứng gì và vẫn sống gần như bình thường, chỉ khi bị xơ gan hoặc ung thư gan mới thể hiện các triệu chứng.

Viêm gan C có lây không?

con đường lây nhiễm viêm gan C

Viêm gan C là một bệnh có khả năng lây truyền cao. Virus viêm gan C chủ yếu lây truyền qua đường máu với các hình thức sau:

  • Dùng chung dụng cụ sử dụng ma tuý: Bất cứ thứ gì liên quan đến việc tiêm chích ma túy, từ ống tiêm, kim tiêm cho đến garô (dây thắt) đều có thể dính máu và làm lây truyền bệnh viêm gan C. Các loại ống dùng để hút hoặc hít ma túy cũng có thể dính máu do nứt môi hoặc chảy máu cam.
  • Dùng chung dụng cụ xăm hoặc xỏ khuyên: Các thiết bị xăm, xỏ khuyên và mực xăm có thể làm lây lan virus.
  • Tái sử dụng hoặc sử dụng các thiết bị, dụng cụ y tế không được khử trùng đúng cách, đặc biệt là các loại bơm kim tiêm
  • Truyền máu không qua sàng lọc virus HCV
  • Dùng chung các đồ dùng có khả năng dính máu của người bệnh như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, đồ cắt móng tay…

Virus HCV cũng có thể lây truyền qua đường tình dục và có thể truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên, các phương thức lây truyền này ít phổ biến hơn.

Các biến chứng Viêm gan virus C

Ngày nay việc chẩn đoán và điều trị viêm gan C đã có những bước tiến nhất định, đặc biệt sự ra đời của thuốc DAAs. Tuy nhiên, viêm gan C mạn nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây nhiều các biến chứng như sau:

  • Biến chứng tại gan: Xơ gan còn bù hoặc mất bù; Ung thư gan.
  • Biến chứng ngoài gan: Biểu hiện cryoglobulin máu, biến chứng tại thận, bệnh lý thần kinh ngoại biên, viêm khớp dạng thấp, bất thường về huyết học,….

Bệnh viên gan C được chẩn đoán bằng cách nào?

Xét nghiệm viêm gan C

Viêm gan C thường không có triệu chứng vì vậy mà ít người được chẩn đoán khi mới bị nhiễm bệnh. Phần lớn các trường hợp được phát hiện khi sàng lọc hiến máu, xét nghiệm máu trong kỳ khám sức khỏe định kỳ hoặc xét nghiệm vì một nguyên nhân khác.

Thực tế, có thể chẩn đoán viêm gan C dễ dàng bằng xét nghiệm máu. Xét nghiệm đầu tiên được sử dụng để xác định nhiễm viêm gan C là xét nghiệm Anti-HCV.

  •  Anti HCV: Là xét nghiệm sàng lọc nhiễm HCV. Kháng thể chống HCV là những chất cơ thể tạo ra để chống lại virus viêm gan C, thường xuất hiện khoảng 12 tuần sau khi bị nhiễm virus. Khi xét nghiệm dương tính xác định người bệnh đã phơi nhiễm với HCV. Đối với bệnh nhân đang nhiễm HCV hoặc đã khỏi bệnh Anti HCV đều có thể dương tính.

Bên cạnh đó, ở những đối tượng suy giảm miễn dịch khi nhiễm HCV, anti HCV có thể âm tính do cơ thể không tạo được miễn dịch hay viêm gan siêu vi C cấp tính trong vài tuần đầu

  • HCV Core Antigen (HCV Core Ag): Được gọi là kháng nguyên lõi của HCV. Vài ngày sau khi có HCV ARN trong giai đoạn nhiễm cấp, HCV Core Ag có thể phát hiện trong máu ngoại vi. Do đó HCV Core Ag dùng để phát hiện HCV ở giai đoạn cửa sổ.
  • HCV RNA: Khi xét nghiệm anti HCV  dương tính đều cần được làm HCV RNA. HCV RNA khẳng định bệnh nhân đang nhiễm HCV.
  • Xét nghiệm kiểu gen của HCV là quan trọng trong việc lựa chọn phác đồ điều trị, theo dõi và đánh giá đáp ứng điều trị. Tuy nhiên nếu định lượng HCV ARN quá thấp thì không thể xác định được kiểu gen.

Nếu người bệnh được chẩn đoán HCV mạn tính, cần làm thêm các xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh để xác định mức độ viêm gan, xơ hóa gan, xơ gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan. Các cận lâm sàng có thể được thực hiện là:

  • Công thức máu.
  • Chức năng gan: ALT, AST GGT, Albumin, Bilirubin.
  • Thời gian Prothrombin.
  • Chất chỉ điểm khối u AFP, PIVKA-II.
  • Chẩn đoán hình ảnh.
  • Sinh thiết tế bào gan.

Mức độ tổn thương gan sẽ quyết định hướng điều trị và theo dõi bệnh.

Viêm gan C được điều trị như thế nào?

Nhiễm trùng viêm gan C được điều trị bằng thuốc kháng virus. Việc lựa chọn loại thuốc và thời gian điều trị phụ thuộc vào kiểu gen HCV, các tổn thương gan hiện có, các tình trạng y tế khác (nếu có) và các phương pháp điều trị trước đó.

Hiện nay, phác đồ điều trị viêm gan C chủ yếu sử dụng các loại thuốc kháng virus tác dụng trực tiếp (DAAs) như Sofosbuvir, Ledipasvir, Daclatasvir, Elbasvir, Grazoprevir, Velpatasvir… có tác dụng loại bỏ hoàn toàn virus viêm gan C ra khỏi cơ thể, đồng thời ngăn ngừa tổn thương gan.

Thời gian điều trị trung bình với phác đồ sử dụng DAAs là 12 tuần, một số trường hợp cần kéo dài hơn, đến 24 tuần. Việc sử dụng DAAs có thể phối hợp hoặc không phối hợp với Ribavirin, tùy trường hợp cụ thể.

Nếu người bệnh đã phát triển các biến chứng nghiêm trọng do nhiễm viêm gan C mãn tính, bác sĩ có thể trao đổi với người bệnh và gia đình để tiến hành ghép gan. Ghép gan là phẫu thuật thay thế một phần hoặc toàn bộ lá gan đã bị hư hỏng của người bệnh bằng gan khỏe mạnh từ người cho.

Bên cạnh việc điều trị bằng các phương pháp y khoa, một chế độ ăn uống hợp lý cũng giúp người bệnh giảm gánh nặng cho gan và mau chóng phục hồi thể lực. Người bệnh nên chủ động bổ sung các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe như các loại hạt, các loại đậu, cá, thịt gà, rau xanh, trái cây… Đồng thời, bệnh nhân hạn chế ăn thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, thịt đỏ…, kiêng bia, rượu và bỏ hút thuốc lá.

Điều quan trọng cần lưu ý là người bệnh có thể bị viêm gan C nhiều lần. Do đó, sau khi điều trị thành công, người bệnh cần hết sức cảnh giác, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn nhiễm trùng tái phát.

Biện pháp phòng ngừa viên gan C

HCV có thể tồn tại trên các bề mặt ở nhiệt độ phòng ít nhất 16 giờ nhưng không quá 4 ngày. Tại Hội nghị lần thứ 17 về Retrovirus & Nhiễm trùng Cơ hội, các nhà nghiên cứu người Mỹ đã công bố một phát hiện cho rằng trong những trường hợp thích hợp, HCV vẫn tồn tại trong một ống tiêm đến 63 ngày.

Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh viêm gan C, vì vậy cách duy nhất để phòng ngừa là tránh lây nhiễm virus HCV.

  • Không sử dụng chung kim tiêm.
  • Quan hệ tình dục an toàn.
  • Tránh tiếp xúc với máu.
  • Xử lý thiết bị, dụng cụ y tế đúng cách.
  • Không dùng chung các vật dụng cá nhân có thể dính máu.
  • Thận trọng khi xăm và xỏ khuyên.
  • Hạn chế du lịch đến khu vực lưu hành virus HCV.

Khuyến nghị: Tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên nên làm xét nghiệm Anti-HCV để tầm soát viêm gan C. Ngoài ra, phụ nữ mang thai và người có yếu tố nguy cơ nhiễm HCV cũng nên làm xét nghiệm này. Ở người có yếu tố nguy cơ cần kiểm tra HCV định kỳ miễn là vẫn còn các yếu tố nguy cơ.

Làm sao để tránh lây bệnh cho người khác?

Người bệnh viêm gan C cần thực hiện các biện pháp sau để tránh lây bệnh cho người khác:

  • Để riêng biệt các dụng cụ cá nhân có khả năng gây tổn thương, chảy máu như dao cạo, kéo, cắt móng tay, bàn chải đánh răng để tránh dính sang người khác hoặc nhầm lẫn khi sử dụng
  • Luôn dự trữ sẵn găng tay y tế, đề phòng trường hợp bị thương hoặc cần người chăm sóc sức khỏe
  • Nếu có vết thương hở, người bệnh cần băng bó cẩn thận, tránh làm dính ra các vật dụng khác hoặc khi tiếp xúc với người khác.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về việc quan hệ tình dục khi đang mắc bệnh, có đời sống tình dục lành mạnh
  • Phụ nữ mắc viêm gan C cần điều trị triệt để bệnh để tránh lây nhiễm cho con.

Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế

Kính chào Quý Khách hàng,

Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…

Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.

Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.

Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.


PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMClogo

Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC

Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC

Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC