Bệnh thận mãn tính (CKD) xảy ra khi thận bị tổn thương và không còn khả năng lọc máu đầy đủ.
Bệnh thận mãn tính là tổn thương thận tiến triển và không hồi phục, trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, có thể dẫn đến suy thận.
Thận chịu trách nhiệm lọc nước và thải ra khỏi máu một số chất để tạo thành nước tiểu. Khi thận không hoạt động bình thường, chất thải có thể tích tụ trong cơ thể, gây ra nhiều triệu chứng và vấn đề khác nhau.
Bệnh thận mãn tính là một bệnh tiến triển chậm được chẩn đoán theo từng giai đoạn.
Giai đoạn 1 và 2 cho thấy thận bị tổn thương nhẹ, trong khi giai đoạn 3, 4 và 5 phản ánh sự tiến triển nghiêm trọng hơn ảnh hưởng đến tiên lượng sống và tuổi thọ.
Bệnh thận mãn có thể xấu đi theo thời gian và dẫn đến suy thận. Chẩn đoán sớm có thể giúp ngăn ngừa tổn thương thêm cho thận.
Mặc dù không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh thận mãn, nhưng có những phương pháp điều trị có thể làm chậm đáng kể sự tiến triển của bệnh nếu được bắt đầu sớm.
Việc điều trị có thể thay đổi tùy theo giai đoạn bệnh và nguyên nhân, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường hoặc tăng huyết áp.
Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm chế độ ăn ít protein, thuốc hạ huyết áp và thuốc statin, thuốc lợi tiểu, bổ sung thêm vitamin, thuốc kích thích tủy xương tạo máu,…
Nếu bệnh tiến triển và thận không còn hoạt động – một tình trạng được gọi là bệnh thận giai đoạn cuối (ESRD) – sẽ cần phải chạy thận hoặc ghép thận để sống sót.
Vậy đối với người bị bệnh thận mãn tính có cần một chế độ ăn kiêng không?
Trên thực tế, qua các nghiên cứu các bác sĩ dinh dưỡng thấy rằng khác với tình trạng suy thận cấp tính (AKI) thường có thể hồi phục, thì đối với bệnh thận mãn tính, bất kỳ tổn thương nào đối với thận sẽ là vĩnh viễn.
Khi bị tổn thương, dịch và chất thải thường được bài tiết ra khỏi cơ thể trong nước tiểu sẽ “lưu trữ” và tích tụ đến mức gây hại. Phần lớn chất thải là kết quả của quá trình chuyển hóa protein.
Bởi vì bệnh thận mãn tính đang tiến triển, nên cần thay đổi chế độ ăn uống ngay lập tức để hạn chế lượng protein và một số chất ngay cả khi không có triệu chứng.
Nếu bệnh tiến triển và chức năng thận bị suy giảm thêm, chế độ ăn uống có thể bị hạn chế nghiêm ngặt hơn.
Các hướng dẫn về chế độ ăn uống sẽ dựa trên giai đoạn bệnh, từ giai đoạn 1 đối với tình trạng suy yếu tối thiểu đến giai đoạn 5 đối với ESRD.
Tuy nhiên khi ăn kiêng thì cần đạt được cân nặng lý tưởng trong khi vẫn duy trì các mục tiêu dinh dưỡng khuyến nghị hàng ngày.
Khuyến nghị cho tất cả các giai đoạn của bệnh thận mãn tính
Không có chế độ ăn kiêng “tốt nhất” phù hợp với tất cả mọi người mắc bệnh thận mãn tính.
Mục tiêu của chế độ ăn kiêng cho bệnh thận mãn tính là làm chậm sự tiến triển của bệnh và giảm thiểu bất kỳ tác hại nào mà sự tích tụ chất thải và dịch có thể gây ra cho các cơ quan khác, chủ yếu là tim và hệ thống tim mạch.
Để đạt được mục tiêu này, cần lập tức điều chỉnh chế độ ăn uống khi ghi nhận suy giảm chức năng thận theo ba “chìa khóa” sau:
Giảm lượng muối nhập vào
Theo các hướng dẫn hiện hành, một người khỏe mạnh nên tiêu thụ không quá 2.300 mg muối mỗi ngày đối với người lớn và không quá 1.000 đến 2.200 mg đối với trẻ em và thanh thiếu niên.
Nếu là người bị huyết áp cao hoặc trên 50 tuổi, còn cần hạn chế hơn nữa lượng tiêu thụ của mình ở mức 1.500 mg mỗi ngày.
Giới hạn lượng đạm ăn vào
Khối lượng có thể thay đổi dựa trên giai đoạn bệnh.
Khuyến nghị hiện tại cho những người mắc bệnh thận mãn tính ở giai đoạn 1 đến giai đoạn 4 là 0,6 đến 0,75 gam protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
Chọn lựa thực phẩm tốt cho hệ thống tim mạch
Nguyên nhân số một gây tử vong ở những người mắc ESRD là ngừng tim.
Để giảm được tần suất biến chứng này, nhiều chuyên gia về thận tán thành việc sử dụng chế độ ăn kiêng DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension).
Chế độ này tập trung vào việc kiểm soát khẩu phần ăn, nhận đủ lượng chất dinh dưỡng hàng ngày và ăn nhiều loại thực phẩm tốt cho tim mạch.
Khuyến nghị cho giai đoạn 4 và 5 của bệnh thận mãn tính
Khi bệnh tiến triển và chức năng thận giảm xuống dưới 70% so với mức bình thường, bác sĩ chuyên khoa thận sẽ khuyến nghị hạn chế lượng phốt pho và kali nhập vào, hai chất điện giải có thể gây hại cho cơ thể nếu chúng tích tụ quá mức.
Phốt pho rất quan trọng đối với cơ thể vì nó giúp chuyển đổi thực phẩm chúng ta ăn thành năng lượng, hỗ trợ sự phát triển của xương và co cơ, đồng thời hỗ trợ điều chỉnh độ acid máu.
Nếu nhập vào quá nhiều, nó có thể dẫn đến một tình trạng được gọi là chứng tăng phosphat trong máu có thể làm tổn thương tim, xương, tuyến giáp và cơ.
Để tránh điều này, người lớn mắc bệnh thận mãn tính giai đoạn 4 – 5 cần hạn chế lượng nhập vào ở mức 800 đến 1.000 mg mỗi ngày bằng cách cắt giảm thực phẩm có chứa phốt pho.
Kali được cơ thể sử dụng để điều hòa nhịp tim và cân bằng lượng nước và điện giải trong tế bào.
Quá nhiều có thể dẫn đến chứng tăng kali máu, các triệu chứng đặc trưng gồm yếu, đau dây thần kinh, nhịp tim bất thường và trong một số trường hợp có thể nhồi máu cơ tim.
Để tránh điều này, cần ăn theo chế độ ít kali, tiêu thụ không quá 2.000 mg mỗi ngày.
Các chỉ số dinh dưỡng cần chú ý theo dõi trong chế độ ăn cho người bệnh thận mãn tính
Hạn chế lượng muối
Thông thường, lượng dịch trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến nồng độ natri trong máu của bạn.
Ngoài ra, thận hoạt động để cân bằng lượng natri trong cơ thể. Nếu thận không thể thực hiện chức năng lọc của mình, muối tích tụ lại trong cơ thể có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như phù nề, huyết áp cao, khó thở và các vấn đề về tim mạch.
Các thực phẩm giàu muối bao gồm các dạng thực phẩm, bữa ăn đóng gói sẵn hoặc đông lạnh hoặc đóng hộp ăn liền.
Ví dụ như các sản phẩm: muối, nước tương, nước sốt ướp thịt nướng, nước sốt teriyaki, đồ ăn vặt hay ăn kèm có muối như bánh quy giòn, khoai tây chiên, thịt nguội hoặc giò chả được chế biến sẵn, pho mát, bánh mì, và rau dưa ngâm chua, ngâm muối.
Khi mua sắm, cần phải đọc nhãn thông tin dinh dưỡng để tìm dạng thực phẩm ít muối.
Nên mua các loại đồ hộp “không thêm muối”, cũng như các loại hạt không tẩm ướp muối là một cách tốt để giảm lượng muối.
Sử dụng các loại gia vị và thảo mộc không có muối để giúp giảm lượng muối nhập vào trong khi vẫn mang lại hương vị cho bữa ăn.
Tuy nhiên cần cẩn thận nếu bạn cũng phải hạn chế kali, vì một số chất thay thế muối có chứa kali.
Hạn chế lượng kali
Kali là một khoáng chất có tác dụng giúp phối hợp chức năng hoạt động của cơ bắp, bao gồm cả cơ tim.
Lượng kali trong máu phải vừa đủ trong giới hạn, không quá nhiều hoặc quá ít.
Chức năng thận tốt sẽ điều chỉnh nồng độ kali trong cơ thể bạn, vì vậy nồng độ kali có thể tăng lên mức cao nguy hiểm khi thận bị tổn thương.
Các triệu chứng của nồng độ kali cao trong máu bao gồm cảm thấy yếu, tê hoặc ngứa ran hoặc nhịp tim không đều.
Kali được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, vì vậy sẽ rất khó để loại bỏ hoàn toàn chất này khỏi chế độ ăn uống của bạn.
Tuy nhiên, hạn chế ăn các thực phẩm giàu kali có thể giúp ngăn ngừa sự tích tụ kali trong cơ thể bạn khi thận không thể đảm nhiệm đầy đủ công năng.
Thực phẩm giàu kali bao gồm bí mùa đông, quả mơ, bơ, atisô, chà là, dưa lưới, trái cây sấy khô, cam, cà rốt, mận khô, nho khô, khoai tây, chuối, cà chua, rau bina, kiwi, xoài, lựu, ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt (granola), đậu, sữa, sữa chua, muối biển nhạt/chất thay thế muối và sô cô la.
Hạn chế thực phẩm giàu phốt pho
Phốt pho là một khoáng chất có trong nhiều loại thực phẩm, có chức năng giúp giữ cho các mô, cơ và các tế bào khác của cơ thể phát triển khỏe mạnh.
Phốt pho cùng với canxi và vitamin D hoạt động để giữ cho xương chắc khỏe.
Khi thận bị tổn thương không thể lọc và thải lượng phốt pho dư thừa trong máu.
Quá nhiều phốt pho trong cơ thể có thể khiến canxi “đi ra” khỏi xương, dẫn đến xương mềm yếu dễ gãy, cũng như lắng đọng canxi trong mạch máu, phổi, mắt và tim.
Theo thời gian, điều này làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Phốt pho có trong tự nhiên được tìm thấy ở các thực phẩm giàu protein như thịt, gia cầm, cá, các loại hạt, đậu và các sản phẩm từ sữa. Phốt pho từ nguồn động vật dễ hấp thu hơn từ nguồn thực vật.
Thực phẩm giàu phốt pho bao gồm sô cô la, sữa, pho mát, sữa chua, kem, nội tạng, hàu, cá mòi, thịt chế biến sẵn, ngũ cốc/ bột mì nguyên cám, các loại hạt, đậu, bia và đồ uống cola có màu sẫm.
Quản lý lượng protein
Khi ta ăn thực phẩm có protein, protein sẽ bị phân hủy và tiêu hóa. Một phần của quá trình tiêu hóa protein, chất thải được tạo ra để thận lọc và loại bỏ khỏi cơ thể.
Ăn nhiều protein hơn mức cần thiết có thể tạo thêm “gánh nặng” cho thận, nhất là trong khi có bệnh thận mãn tính.
Tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh thận mãn tính, cần thay đổi loại và/hoặc lượng protein khi ăn.
Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ trao đổi với bạn về những điều cần thay đổi khẩu phần thức ăn chứa protein.
Protein sẽ đến từ cả hai nguồn thực vật và động vật.
Nguồn protein động vật bao gồm thịt đỏ, thịt gia cầm, cá, trứng và các thực phẩm từ sữa.
Các nguồn protein từ thực vật bao gồm các loại đậu, quả hạch, các loại hạt, thực phẩm từ đậu nành và ngũ cốc nguyên hạt.
Nếu có bệnh thận mãn tính và không chạy thận nhân tạo, thì nên áp dụng chế độ ăn ít protein.
Nghiên cứu cho thấy rằng hạn chế lượng protein và ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật có thể giúp làm chậm diễn tiến bệnh thận mạn và có thể bảo tồn, duy trì chức năng thận.
Tuy nhiên, nếu bạn đang lọc máu thì lượng protein ăn vào cần phải tăng thêm.
Hạn chế dịch đưa vào trong bệnh thận mãn tính
Cơ thể có hơn 70% là nước, vì vậy nước rất cần thiết cho sự sống.
Tuy nhiên, khi bị bệnh thận mãn tính, có thể cần phải hạn chế lượng dịch đưa vào cơ thể mỗi ngày (đường uống).
Điều này là do thận bị tổn thương không thể loại bỏ lượng dịch dư thừa một cách hiệu quả như khi hoạt động bình thường.
Điều này gây ra sự tích tụ dịch lỏng trong cơ thể, có thể dẫn đến huyết áp cao, phù (đặc biệt là ở các chi như bàn chân, mắt cá chân, ngón tay và bàn tay), khó thở hoặc thở gấp và suy tim (tình trạng tim không hoạt động được để bơm đủ máu).
Giống như việc kiểm soát các chất dinh dưỡng khác trong chế độ ăn dành cho người thận có bệnh lý thận mãn tính, mức độ hạn chế nước sẽ phụ thuộc vào giai đoạn, mức độ nghiêm trọng của bệnh thận mắc phải.
Những người mắc bệnh thận giai đoạn 1 và 2 thường không cần phải hạn chế lượng nước uống vào và thực sự có thể được khuyến khích uống đủ nước mỗi ngày để giữ cho thận của họ đủ nước và hoạt động tốt.
Chất lỏng không chỉ bao gồm nước và các loại đồ uống khác mà bạn uống trong ngày mà còn bao gồm cả thực phẩm chứa nhiều nước.
Chúng gồm có súp, món hầm, nước dùng, kem, một số loại trái cây mọng nước và rau quả tươi.
Chế độ ăn cho người bệnh thận mãn tính thì nên ăn gì và không nên ăn gì?
Tuân thủ chế độ ăn kiêng dành cho người bệnh thận mãn tính có thể giúp duy trì chức năng thận và ngăn chặn sự suy giảm thêm khả năng lọc máu.
Điều này có thể giúp giảm một số triệu chứng của bệnh thận mãn tính, chẳng hạn như mệt mỏi, chán ăn, các vấn đề về đi tiểu tiện và đau.
Ngoài ra, tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh cho thận có thể giúp cung cấp năng lượng, duy trì cân nặng hợp lý, giảm nhiễm trùng và ngăn ngừa mất khối cơ.
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương thận, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo các mức hạn chế chế độ ăn uống khác nhau.
Một số người trong giai đoạn đầu của bệnh thận mãn tính có thể không cần thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với chế độ ăn uống.
Mức độ tổn thương thận càng nghiêm trọng thì chế độ ăn uống càng phải nghiêm ngặt hơn.
Nên ăn gì
Các loại thực phẩm sau đây có hàm lượng natri, kali và/hoặc phốt pho thấp và thường được cho phép trong chế độ ăn kiêng dành cho người thận:
Rau
Măng tây, ớt chuông, bắp cải, rau cần tây, cải xoăn, rau xà lách, bông cải xanh, đậu hà lan, đậu côve, bắp, nấm, rau diếp, cà rốt, bí ngòi, đậu bắp, dưa chuột, cà tím, rau cải lông (arugula), súp lơ, tỏi, hành, ớt chuông, củ cải.
Trái cây
Táo, quả việt quất, nam việt quất, quả nho, quả dứa, quả mâm xôi, dâu tây, cherry, cam quýt, nho đỏ, đào, lê, chanh, dứa, mận
Chất đạm (protein)
Cá, thịt gà, thịt lợn thăn, thịt bò nạc, lòng trắng trứng, đậu phụ non, dầu ô liu, các loại đậu, sữa ít chất béo, hạt mắc ca.
Tinh bột
Cơm, bột mì, bánh mì trắng hoặc bột chua, bánh mì cóc, bánh mì vòng, bánh gạo không muối, bánh tổ ong (waffle), bánh nướng xốp , yến mạch thô, mỳ ống và nui.
Đồ uống
Cà phê, trà không đường, nước ép táo, nước ép nho, sô đa, nước chanh, nước khoáng có gas, trà xanh.
Không nên ăn gì
Những người mắc bệnh thận mãn tính thường được khuyên nên tránh một số loại thực phẩm và đồ uống để giúp thận không bị quá tải khi hoạt động.
Các loại thực phẩm sau đây có hàm lượng natri, kali và/hoặc phốt pho cao và được khuyến nghị hạn chế hoặc tránh trong chế độ ăn kiêng dành cho người thận:
Thực phẩm chứa nhiều natri
– Thực phẩm đóng gói, đóng hộp sẵn
– Thịt giăm bông, thịt xông khói, xúc xích hoặc thịt hộp
– Thực phẩm ngâm, muối chua
– Pizza
– Khoai tây chiên
– Cơm chiên hoặc mì ống
– Nước tương, nước sốt cà chua và các loại gia vị khác
Thực phẩm giàu kali
– Nước ép bưởi
– Chuối
– Bơ
– Củ khoai tây
– Sữa, sữa chua
– Gia vị thay thế muối
– Đậu khô
– Rau có màu xanh nấu chín
– Nước ép mận
– Dưa
Thực phẩm chứa nhiều photpho
– Thịt nguội chế biến sẵn
– Phô mai
– Cola đen
– Bánh áp chảo (pancake)
– Bánh ngọt
– Sữa
– Sữa chua đông lạnh
Khi thận khỏe mạnh nó sẽ hoạt động để lọc chất lỏng dư thừa và chất thải ra khỏi máu của bạn.
Ở những người mắc bệnh thận mãn tính, thận bị suy giảm chức năng và không thể loại bỏ đúng cách chất thải và dịch dư thừa này.
Điều này gây ra sự tích tụ dịch, chất thải và một số chất trong máu, có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nếu không được giải quyết.
Đối với bệnh thận mãn tính giai đoạn đầu, hầu hết mọi người sẽ chỉ phải theo dõi lượng natri và protein trong khi ăn.
Những người mắc bệnh thận mãn tính từ giai đoạn 3 trở đi có thể cần hạn chế thêm các chất dinh dưỡng khác như phốt pho, kali và chất lỏng dư thừa lượng nước nhập vào.
Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh với thận có thể giúp duy trì chức năng thận và ngăn ngừa tổn thương thêm cho thận của bạn.
Phát hiện sớm và điều chỉnh lối sống, chẳng hạn như thay đổi chế độ ăn uống, có thể trì hoãn hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh thận.
Hãy luôn theo dõi sát cùng với một nhóm gồm bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng một thực đơn bữa ăn phù hợp với nhu cầu và sở thích dinh dưỡng mà vẫn lành mạnh với thận của bạn.
Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế
Kính chào Quý Khách hàng,
Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.