NGUYÊN NHÂN VÀ YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA BỆNH PARKINSON

Bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson là một bệnh thoái hóa thần kinh mạn tính tiến triển, dẫn đến suy giảm dần chức năng thần kinh.

Trên toàn cầu, tình trạng tàn tật và tử vong do bệnh Parkinson đang tăng nhanh hơn bất kỳ rối loạn thần kinh nào khác.

Tỷ lệ mắc bệnh Parkinson đã tăng gấp đôi trong 25 năm qua. Ước tính toàn cầu vào năm 2019 cho thấy hơn 8,5 triệu người mắc bệnh Parkinson.

Các ước tính hiện tại cho thấy rằng, vào năm 2019, bệnh Parkinson dẫn đến 5,8 triệu năm sống được điều chỉnh theo mức độ bệnh tật – DALY (tăng 81% kể từ năm 2000) và nguyên nhân gây ra 329 000 trường hợp tử vong (tăng hơn 100% kể từ năm 2000).

Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ chính của bệnh Parkinson, bệnh thường bắt đầu ở độ tuổi 60. Bệnh Parkinson khởi phát sớm, thường có tính chất di truyền và ảnh hưởng đến khoảng 5% đến 10% số người mắc bệnh, và thường khởi phát trước 50 tuổi.

Bệnh Parkinson

Nguyên nhân chính xác của bệnh Parkinson vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nghiên cứu đã xác định nguyên nhân gây bệnh có tính đa yếu tố với sự kết hợp một số yếu tố vật lý, di truyền và môi trường có thể góp phần vào sự thoái hóa thần kinh.

Tác nhân khởi phát gây ra những thay đổi này không hoàn toàn rõ ràng, nhưng rất có thể chúng là thứ yếu sau sự tương tác giữa các yếu tố di truyền và môi trường.

Có một số giả thuyết về sự bắt đầu những thay đổi trong bệnh Parkinson, và tình trạng viêm hoặc độc tố đã được đề cập.

Cho dù bất kể nguyên nhân nào, bệnh học đặc thù của bệnh Parkinson là một tình trạng thoái hóa thần kinh, có nghĩa là nó ảnh hưởng đến chức năng của não và hệ thần kinh.

Bệnh Parkinson có liên quan đến việc những tế bào thần kinh thoái hóa dần và mất khả năng sản sinh gây ra giảm lượng dopamine trong một khu vực nhỏ của não được gọi là chất  đen (substantia nigra), cũng như liên quan đến các hạch nền (các nhân sâu bên trong não).

Hệ thống dẫn truyền thần kinh trong cơ thể bạn dẫn truyền tín hiệu và thông tin từ não, tủy sống đến các cơ và các cơ quan tạng phủ, điều phối các chuyển động và chức năng cơ thể của bạn.

Khi bệnh Parkinson tiến triển, nó khiến chức năng của hệ thần kinh bị suy giảm, khiến việc vận động và các chức năng của cơ thể trở nên khó khăn.

Nguyên nhân thường gặp của bệnh Parkinson

Bệnh Parkinson được đánh dấu bởi sự thiếu hụt của các chất truyền tin hóa học hoặc chất dẫn truyền thần kinh, là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của tình trạng này.

Ngoài ra, những người bị Parksinson có thể có những khối protein lắng đọng bất thường trong não của họ, được gọi là thể vùi Lewy.

Nhưng đến nay vẫn không rõ liệu một trong những vấn đề này xảy ra trước và sau đó gây ra những vấn đề còn lại, hay tất cả đều do một nguyên nhân khác kích hoạt bệnh.

Thiếu hụt Dopamine trong bệnh Parkinson

Sự thoái hóa thần kinh đặc trưng cho bệnh Parkinson bắt đầu trong não, trong một khu vực được gọi là chất đen, nằm ở trung não. Các cụm tế bào thần kinh nhỏ, hoặc tế bào thần kinh trong khu vực này ngừng hoạt động chức năng và chết.

Các tế bào thần kinh trong chất đen thường tạo ra một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng được gọi là dopamine. Dopamine là “liên lạc viên” giúp gửi tín hiệu đến các tế bào thần kinh.

Dopamine chịu trách nhiệm truyền tín hiệu, điều chỉnh kiểm soát hoạt động của cơ bắp để giúp cơ thể tạo ra các chuyển động thể chất phối hợp nhịp nhàng và trơn tru.

Nó thực hiện điều này bằng cách kích thích một số vùng của não liên quan đến chuyển động, được gọi chung là hạch nền.

Việc mất các tế bào thần kinh trong hạch nền dẫn đến làm sụt giảm nồng độ dopamine trong não của bạn. Đây là một nguyên nhân trực tiếp nhất dẫn đến các triệu chứng bệnh Parkinson.

Điều này làm suy yếu sự giao tiếp giữa não và cơ bắp của bạn, gây hậu quả là ảnh hưởng đến chuyển động của bạn.

Do đó, các triệu chứng chính của bệnh Parkinson thường là các vấn đề liên quan đến cơ và vận động, chẳng hạn như run chân tay khi nghỉ ngơi, cử động chậm, cứng cơ, suy giảm thăng bằng và giảm tổng thể về vận động.

Các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện khi khoảng 50% tế bào thần kinh dopamine bị cạn kiệt. Khi mất nhiều tế bào thần kinh hơn, tình trạng ngày càng trở nên tồi tệ hơn, cho đến khi não không thể kiểm soát vận động.

Do đó, bệnh Parkinson được xếp vào nhóm rối loạn vận động và được điều trị chủ yếu bằng liệu pháp dopamine. Những loại thuốc này có thể giảm các triệu chứng của bệnh Parkinson trong nhiều năm.

Tuy nhiên, thuốc dopaminergic không ngăn bệnh Parkinson trở nên trầm trọng hơn — thoái hóa não và tích tụ thể vùi Lewy vẫn tiếp tục mặc dù đã được điều trị bằng thuốc.

Giảm mức Norepinephrine 

Bệnh Parkinson cũng được đặc trưng bởi sự sụt giảm của một chất dẫn truyền thần kinh khác, được gọi là norepinephrine. Điều này xảy ra do mất các đầu tận dây thần kinh sản xuất ra chất hóa học này.

Norepinephrine đóng một vai trò quan trọng trong hệ thần kinh giao cảm; nó là tín hiệu hóa học nguyên phát chính của hệ thống này.

Hệ thống này chịu trách nhiệm về một số chức năng tự trị của cơ thể, chẳng hạn như tiêu hóa, huyết áp, nhịp tim và thậm chí cả hơi thở.

Nồng độ norepinephrine thấp là nguyên nhân gây ra các triệu chứng không liên quan đến vận động của bệnh Parkinson. Chúng có thể bao gồm mệt mỏi, đầy bụng chậm tiêu và hạ huyết áp tư thế đứng khi chuyền từ tư thế ngồi hoặc nằm.

Thoái hóa thần kinh trong bệnh Parkinson

Một vấn đề khác được ghi nhận ở bệnh Parkinson là sự mất các tế bào thần kinh ở chất đen, một vùng của trung não. Chất đen là nơi  sản xuất ra dopamine, chất này kích thích các tế bào trên khắp các hạch nền.

Thông thường, những thay đổi trong chất đen có thể nhìn thấy trên các xét nghiệm hình ảnh học của não, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Điều trị cũng không giúp làm chậm quá trình thoái hóa hoặc sửa chữa nó.

Thể vùi Lewy và Alpha-Synuclein

Ngoài sự thiếu hụt dopamine và mất tế bào thần kinh, bệnh Parkinson còn có liên quan đến sự tích tụ của các thể vùi nội bào bên trong các tế bào thần kinh, được gọi là thể vùi Lewy.

lewy body dementia

Các nghiên cứu đã cho thấy rằng thể vùi Lewy được tạo ra chủ yếu từ một loại protein gọi là alpha-synuclein. Protein này được kết tụ theo cách không thể bị phá vỡ.

Thể vùi Lewy là dấu hiệu vi thể của bệnh Parkinson. Chúng không được nhìn thấy trong các test hình ảnh học não nhưng đã được phát hiện trong các nghiên cứu khảo sát mô não của những người bị bệnh Parkinson.

Thể vùi Lewy và alpha-synuclein là một lĩnh vực trọng tâm của các nhà nghiên cứu về bệnh Parkinson.

Những người bị bệnh Parkinson cũng có xu hướng có các khối protein alpha-synuclein bất thường trong ruột của họ, điều này gợi ý rằng có thể có mối liên hệ giữa bệnh Parkinson và sức khỏe đường ruột.

Trong bệnh Parkinson, các thể vùi Lewy được tìm thấy ở vùng chất đen cũng như các khu vực khác, bao gồm hạch hạnh nhân và cấu trúc locus coeruleus (liên quan đến cảm xúc), nhân raphe (liên quan đến giấc ngủ) và dây thần kinh khứu giác (kiểm soát mùi ).

Các chức năng được kiểm soát bởi các vùng này có thể bị suy giảm trong bệnh Parkison, mặc dù các triệu chứng không đáng chú ý bằng các triệu chứng run và cứng cơ.

Không có phương pháp điều trị hoặc phương pháp loại bỏ các thể vùi Lewy được biết đến cho tới thời điểm này.

Thể Lewy cũng có trong não của những người mắc bệnh Alzheimer và các loại sa sút trí tuệ khác, và chúng được coi là dấu hiệu của sự thoái hóa thần kinh.

Những người có các triệu chứng của bệnh Parkinson nhưng không có thể vùi Lewy trong não đôi khi được chẩn đoán mắc Hội chứng Parkinson – Parkinsonism (bao trùm cho các triệu chứng liên quan đến triệu chứng vận động của bệnh Parkinson, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau).

Nguyên nhân của Hội chứng Parkinson (Parkinsonism)

Hội chứng Parkinson là tình trạng một người phát triển một số triệu chứng của bệnh Parkinson, nhưng không có bệnh Parkinson.

Có một số nguyên nhân được biết đến của hội chứng bệnh Parkinson, bao gồm:

– Hội chứng Parkinson không điển hình (một nhóm các rối loạn biểu hiện dấu hiệu cổ điển của hội chứng Parkinson, nhưng có thêm các triệu chứng như nuốt khó, dễ té ngã, rối loạn chức năng tự chủ). Có 4 rối loạn trong danh mục này – liệt trên nhân tiến triển (PSP), bệnh teo đa hệ thống (MSA), Sa sút trí tuệ thể Lewy (LBD) và bệnh thoái hóa tiến triển vỏ não hạch đáy(CBD).

– Thuốc chống loạn thần, nó có thể làm giảm tác dụng của dopamine

– Khối u não

– Viêm não Lethargica (hiếm gặp)

– Chấn thương vùng đầu

– Đột quỵ, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vùng nào của não (bao gồm cả chất đen hoặc hạch nền).

Yếu tố nguy cơ có thể kích hoạt bệnh Parkinson

Mặc dù chắc chắn là do thiếu hụt dopamine, mất tế bào ở chất đen, cùng với sự tích tụ của thể vùi Lewy và alpha-synuclein trong bệnh Parkinson, nhưng nguyên nhân của những thay đổi này vẫn chưa rõ ràng.

Các chuyên gia cho rằng tình trạng viêm, tức là sự gia tăng của các tế bào miễn dịch, là gốc rễ của tổn thương này.

Sự oxy hóa, một phản ứng hóa học có hại, đã được ghi nhận trong bệnh Parkison. Tổn thương đối với ty thể (vùng sản xuất năng lượng của tế bào ở người) cũng đã được quan sát thấy.

Nhưng yếu tố kích hoạt gây ra viêm, oxy hóa và tổn thương ty thể xảy ra vẫn chưa được xác định.

Trong những năm qua, đã có nhiều giả thuyết liên quan đến yếu tố khởi phát ban đầu, bao gồm nhiễm trùng hoặc tiếp xúc với chất độc.

Tuy nhiên, không có độc tố hoặc nhiễm trùng nào có liên quan đáng tin cậy với bệnh Parkinson.

Các chuyên gia cho rằng có thể có một khuynh hướng di truyền đối với bệnh Parkison kết hợp với các yếu tố môi trường.

Yếu tố tiền căn gia đình và di truyền

Các nhà nghiên cứu đã xác định một số đột biến di truyền có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Parkinson.

Dưới đây là hai kiểu bệnh Parkinson, dưới quan điểm di truyền:

  • Bệnh Parkinson do di truyền:
    Khoảng 15% tổng số trường hợp mắc bệnh Parkinson là do di truyền.
    Trong những trường hợp này, các đột biến trong một số gen nhất định được di truyền qua các gia đình và làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này của cá nhân.
  • Bệnh Parkinson ngẫu nhiên:
    Mặt khác, những trường hợp mà những người không có tiền sử gia đình mắc bệnh Parkinson được gọi là những trường hợp ngẫu nhiên.Những trường hợp này trên thực tế chiếm đa số.
    Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những thay đổi trong một số gen nhất định cũng có thể đóng một vai trò nào đó trong các trường hợp ngẫu nhiên, thêm vào đó là các yếu tố khác liên quan đến môi trường và lối sống.

Tuy nhiên, vai trò của những đột biến di truyền này trong sự phát triển của tình trạng bệnh vẫn chưa được hiểu đầy đủ.

Một số gen khiếm khuyết được cho rằng có liên quan đến bệnh Parkinson, bao gồm:

  • α-synuclein (SNCA)
  • Leucine-rich repeat kinase 2 (LRRK2)
  • PARKIN
  • PTEN-induced putative kinase 1  (PINK1)
  • PARK2
  • DJ-1 (Daisuke-Junko-1)
  • Glucocerebrosidase beta acid (GBA)
  • Microtubule-associated protein tau (MAPT)

Nhìn chung, một hoặc nhiều gen này được tìm thấy trong khoảng 5 đến 15% gia đình hoặc cá nhân có bệnh Parkinson.

Vì vậy, xét nghiệm di truyền không phải là một phần tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh Parkison và không có phương pháp điều trị nào được thiết lập tương ứng với các khuyết tật di truyền cụ thể.

Các yếu tố nguy cơ về lối sống

Ngoài các yếu tố di truyền, một số yếu tố liên quan đến môi trường và lối sống cũng có thể làm tăng khả năng phát triển bệnh Parkinson và góp phần vào sự tiến triển của tình trạng này.

Lối sống

– Thiếu vitamin D, vì chất dinh dưỡng này đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của não.

– Thịt nấu ở nhiệt độ cao, có thể giải phóng các hợp chất ung thư cũng có thể gây ra bệnh Parkinson.

– Tiếp xúc với ô nhiễm không khí có thể gây viêm trong não và kích hoạt sự tích tụ các chất lắng đọng alpha-synuclein trong não, từ thời thơ ấu.

– Tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật có thể gây ra một số phản ứng sinh hóa trong não dẫn đến tổn thương và chết các tế bào thần kinh sản xuất dopamine.

– Tiếp xúc với trichloroethylen (TCE), một hợp chất hóa học được sử dụng trong một số sản phẩm tẩy rửa gia dụng, giặt khô và tẩy dầu mỡ công nghiệp. Các khu công nghiệp có thể thải hợp chất này ra môi trường.

– Tiếp xúc với các kim loại nặng như mangan trong các cơ sở công nghiệp; tiếp xúc càng nhiều, càng có nhiều khả năng phát triển các triệu chứng liên quan đến bệnh Parkinson.

– Chấn thương đầu, có thể góp phần làm mất dopamine, đặc biệt là ở những người đã tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật trước đó.

– Rượu, chế độ ăn uống, hút thuốc và caffeine đều có liên quan đến tình trạng bệnh, nhưng kết quả nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng của chúng đối với bệnh thường không nhất quán.

– Hút thuốc  yếu tố lối sống được thảo luận phổ biến nhất với bệnh Parkinson. Trong nhiều năm qua, các chuyên gia đã nhận thấy rằng hút thuốc thực sự có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson.

– Các yếu tố nguy cơ khác của bệnh bao gồm: Sử dụng rượu nồng độ cồn cao, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao, thiếu hoạt động thể chất.

Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế

Kính chào Quý Khách hàng,

Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…

Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.

Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.

Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.


PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMClogo

Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC

Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC

Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC