Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp (RA – Rheumatoid Arthritis) hay còn gọi là viêm đa khớp dạng thấp, là một bệnh lý mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô trong chính cơ thể. Bệnh viêm đặc hiệu gặp ở các khớp xương, được đặc trưng bởi các tổn thương ở màng hoạt dịch của khớp, sụn khớp và đầu xương dưới sụn.
Nguyên nhân
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn. Bệnh tự miễn này xảy ra khi hệ thống miễn dịch, vốn có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn/virus, gặp trục trặc và tấn công các mô lành trong cơ thể mà chủ yếu là màng hoạt dịch (đây là lớp màng bao quanh khớp). Hậu quả là gây viêm bao hoạt dịch, khiến cho các khớp trở nên sưng, nóng, đỏ và đau.
Tình trạng viêm làm dày bao hoạt dịch, cuối cùng phá hủy sụn và xương trong khớp. Các gân và dây chằng giữ khớp với nhau cũng yếu đi và căng ra. Dần dần, khớp mất đi hình dạng ban đầu và sự liên kết.
Ngoài viêm khớp, người bệnh có nguy cơ tàn phế và tổn thương nhiều cơ quan khác, chẳng hạn như mắt, tim, phổi, da, mạch máu…
Đến nay, nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa được biết đến. Các nhà khoa học cho rằng, yếu tố di truyền liên quan đến một số gen đặc biệt khiến cơ thể nhạy cảm hơn với các yếu tố môi trường, ngoài ra nhiễm khuẩn cũng là nguyên nhân dễ gây khởi phát bệnh viêm khớp dạng thấp.
Các yếu tố liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp, bao gồm:
- Yếu tố cơ địa: giới tính và tuổi là những yếu tố liên quan đến bệnh. 70 – 80% bệnh nhân là nữ và 60 – 70% trường hợp bệnh nhân trên 30 tuổi
- Yếu tố gia đình: bệnh có liên quan đến yếu tố gia đình. Nếu gia đình có người bị viêm khớp dạng thấp thì khả năng mắc sẽ cao hơn.
- Miễn dịch: các kháng thể anti IgM, anti IgG, anti IgA có liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp.
- Do nhiễm vi khuẩn, virus…
- Do sự thay đổi cấu trúc của một hoặc một số enzym.
- Do cơ thể suy yếu: cơ thể suy yếu do chế độ dinh dưỡng hoặc sau khi mắc bệnh nhiễm khuẩn nặng.
- Yếu tố tâm lý: căng thẳng, stress, rối loạn nội tiết…
- Các yếu tố khác: môi trường, khí hậu lạnh và ẩm kéo dài, sau phẫu thuật,..
Triệu chứng
Các triệu chứng lâm sàng thường thấy ở bệnh viêm khớp dạng thấp bao gồm:
Triệu chứng cơ năng:
– Đau, sưng khớp có tính chất đối xứng, lan tỏa đặc biệt là ở các khớp nhỏ và nhỡ. Thường đau sưng khớp liên tục cả ngày, tăng lên về đêm và gần sáng, nghỉ ngơi không đỡ đau.
– Tình trạng cứng khớp buổi sáng: thường kéo dài trên 1 giờ
– Mệt mỏi, suy nhược do viêm khớp kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân có thể không sốt hoặc sốt nhẹ trong đợt tiến triển bệnh.
Triệu chứng thực thể tại khớp:
– Sưng, đau, tại các khớp, ít khi nóng đỏ. Sưng có thể là do sưng phần mềm hoặc do tràn dịch khớp. Thường viêm khớp nhỏ, có tính chất đối xứng, kéo dài vài tuần đến vài tháng.
Các khớp viêm hay gặp như: cổ tay, bàn ngón tay, đốt ngón gần, khuỷu, gối, cổ chân, khớp nhỏ bàn chân. Nếu bệnh nhân có viêm cột sống cổ thường là dấu hiệu tiên lượng nặng của bệnh, có thể xuất hiện bán trật khớp đội trục gây chèn ép tủy cổ.
Nếu không được điều trị sớm, đầy đủ, người bệnh sẽ bị dính và biến dạng các khớp viêm do tổn thương phá hủy khớp, gân, dây chằng từ đó gây bán trật khớp, tàn phế. Các kiểu biến dạng thường gặp gồm có: bàn tay gió thổi, cổ tay hình lưng lạc đà, ngón tay người thợ thùa khuyết, ngón tay hình cổ cò, hội chứng đường hầm cổ tay…
Triệu chứng ngoài khớp:
– Hạt thấp dưới da: Tỉ lệ gặp là 10-15%, thường ở dưới da vùng tỳ đè như khuỷu, cạnh ngón tay, ngón chân, vùng chẩm, gân Achilles. Hay gặp ở người viêm khớp dạng thấp nặng, tiến triển bệnh nhanh, thể huyết thanh dương tính.
Tuy nhiên thấy người bệnh viêm khớp dạng thấp ở Việt Nam ít có hạt thấp dưới da. Đặc điểm những hạt này có mật độ chắc, thường gắn dính với màng xương hoặc gân nên ít di động, kích thước từ vài mm đến 2 cm, đứng thành từng đám.
– Tổn thương mắt: Thường viêm khô kết mạc, một phần trong hội chứng Sjogren. Có thể viêm củng mạc và nhuyễn củng mạc thủng khi bệnh tiến triển nặng
– Tổn thương phổi: Nốt dạng thấp ở nhu mô, xơ phổi kẽ lan tỏa, viêm phế quản hay tắc nghẽn đường hô hấp do viêm khớp nhẫn giáp, viêm phổi (thể bệnh nặng), viêm màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi cũng có thể gặp
– Tổn thương tim mạch: Viêm màng tim, viêm cơ tim, viêm van tim, loạn nhịp tim, nhiễm bột và viêm mạch.
– Hội chứng Felty: Giảm bạch cầu hạt, lách to, nhiễm khuẩn tái phát, hội chứng Sjogren, thường là biểu hiện toàn thân, đang tiến triển.
– Hiếm gặp tổn thương thần kinh ngoại biên và trung ương.
Bên cạnh những triệu chứng lâm sàng nói trên, người bệnh có thể nhận định chính xác tình trạng bệnh của bản thân nhờ các dấu hiệu cận lâm sàng như:
– Thiếu máu: Khi bị viêm khớp dạng thấp kéo dài, mãn tính, người bệnh có thể bị tăng tiểu cầu, số lượng bạch cầu bình thường hoặc tăng nhẹ.
– Tăng tốc độ máu lắng và CRP: Dấu hiệu này có giá trị để đánh giá tình trạng viêm và dùng trong theo dõi đáp ứng điều trị, tuy nhiên đây là xét nghiệm không đặc hiệu.
– Yếu tố dạng thấp (Rheumatoid Factor – RF): Là các globulin miễn dịch kháng lại đoạn Fc của phân tử Globulin IgE. 50-75% người VKDT có RF dương tính thường là ở những bệnh nhân có HLA-DR4 và thể bệnh nặng, tiến triển nhanh… Hiệu giá kháng thể RF cao được xem là yếu tố tiên lượng nặng của bệnh.
– Kháng thể kháng CCP (anti-cyclic citrulinated peptide antibodies – antiCCP) rất có ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp do xét nghiệm có độ đặc hiệu cao (98%).
Có tới 93% người viêm khớp sớm chưa xác định rõ ràng loại bệnh nếu có anti-CCP dương tính thì sẽ tiến triển thành viêm khớp dạng thấp trong vòng 3 năm sau đó. Anti-CCP tăng cao cũng được xem là một yếu tố tiên lượng nặng của bệnh.
– Các thăm dò chẩn đoán hình ảnh.
Đối với viêm khớp dạng thấp, người bệnh thường chủ quan không kiểm tra thường xuyên và điều trị đúng cách dẫn đến tình trạng khi đến Bệnh viện thì bệnh đã chuyển nặng.
Đây là bệnh lý có tỷ lệ tàn phế cao do tình trạng phá hủy khớp gây nên nếu không được theo dõi, điều trị kịp thời và đúng phác đồ. Do đó, việc nhận biết bệnh sớm là điều vô cùng quan trọng, người bệnh hãy chú ý theo dõi cơ thể của mình và chủ động tới các cơ sở y tế để được thăm khám thường xuyên và được tư vấn hướng điều trị phù hợp.
Các giai đoạn của viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp bao gồm 4 giai đoạn sau:
- Giai đoạn I: tổn thương mới khu trú ở màng hoạt dịch, sưng đau chỉ ở phần mềm, X- quang chưa có thay đổi, bệnh nhân còn vận động gần như bình thường.
- Giai đoạn II: tổn thương đã ảnh hưởng một phần đến đầu xương, sụn khớp. Trên X-quang có hình bào mòn, khe khớp hẹp. Khả năng vận động bị hạn chế ít, tay còn nắm được, đi lại bằng nạng.
- Giai đoạn III: Tổn thương nhiều ở đầu xương, sụn khớp, dính khớp một phần. khả năng vận động còn ít, bệnh nhân chỉ còn tự phục vụ mình tron sinh hoạt, không đi lại được.
- Giai đoạn IV: dính khớp và biến dạng trầm trọng, mất hết chức năng vận động, tàn phế hoàn toàn.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp có thể khó chẩn đoán ở giai đoạn đầu vì các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu giống với các bệnh khác.
Tiêu chuẩn của Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR) 1987, hiện nay tiêu chuẩn này vẫn đang được áp dụng rộng rãi nhất trên thế giới và Việt Nam đối với thể biểu hiện nhiều khớp và thời gian diễn biến viêm khớp trên 6 tuần.
- Cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 1 giờ.
- Viêm tối thiểu ba nhóm khớp: sưng phần mềm hay tràn dịch tối thiểu 3 trong số 14 nhóm khớp sau (kể cả hai bên): khớp ngón gần bàn tay, khớp bàn ngón tay, khớp cổ tay, khớp khuỷu, khớp gối, khớp cổ chân, khớp bàn ngón chân.
- Viêm các khớp ở bàn tay: sưng tối thiểu một nhóm trong số các khớp cổ tay, khớp ngón gần, khớp bàn ngón tay.
- Viêm khớp đối xứng.
- Hạt dưới da.
- Yếu tố dạng thấp trong huyết thanh dương tính.
- Dấu hiệu X quang điển hình: chụp khớp tại bàn tay, cổ tay hoặc khớp tổn thương: hình bào mòn, hình hốc, hình khuyết đầu xương, hẹp khe khớp, mất chất khoáng đầu xương.
Chẩn đoán xác định: khi có ≥ 4 tiêu chuẩn. Triệu chứng viêm khớp (tiêu chuẩn 1- 4) cần có thời gian diễn biến ≥ 6 tuần và được xác định bởi thầy thuốc chuyên khoa.
Ngoài hỏi bệnh, tiếp theo, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu: nhằm xác định số lượng hồng cầu. Những người bị bệnh tự miễn viêm khớp dạng thấp có thể có số lượng tế bào hồng cầu thấp;
- Xét nghiệm Protein phản ứng C (C-reactive protein – CRP);
- Xét nghiệm kháng thể kháng nhân dương tính (ANA);
- Xét nghiệm kháng thể citrulline theo chu kỳ (anti-CCP);
- Tốc độ lắng của tế bào máu (ESR): Máu đông lại nhanh ở đáy ống nghiệm là dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp
- Xét nghiệm RF.
Các biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp
Bệnh diễn biến phức tạp gây hậu quả nặng nề do đó cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên điều trị tích cực ngay từ đầu bằng các biện pháp điều trị hữu hiệu để làm ngừng hay làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế tàn phế và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Tùy vào tình trạng bệnh, các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp sau đây được chỉ định:
Điều trị bằng thuốc
Tùy vào mức độ bệnh và triệu chứng mà các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp sau được chỉ định:
-
Thuốc chống viêm không Steroid NSAID: tác dụng giảm đau, giảm viêm tốt như Naproxen, Ibuprofen,…
-
Thuốc Corticosteroid: tác dụng giảm đau, giảm viêm, làm chậm tổn thương khớp do viêm khớp dạng thấp, điển hình như prednisone.
-
Thuốc chống thấp khớp thay đổi bệnh (DMARDs): tác dụng làm giảm tiến triển của viêm khớp dạng thấp, ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn để duy trì chức năng và hoạt động của khớp.
-
Thuốc sinh học: có công dụng sửa đổi phản ứng sinh học, được chỉ định khi các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp trên không có hiệu quả tốt.
Phẫu thuật
Nếu không đáp ứng điều trị tốt với thuốc, bác sĩ có thể xem xét phẫu thuật để khắc phục, sửa chữa lại những tổn thương khớp do viêm khớp dạng thấp. Từ đó giúp khôi phục chức năng khớp, giảm đau hiệu quả.
Các phẫu thuật viêm khớp dạng thấp bao gồm: Phẫu thuật nội soi loại bỏ lớp lót khớp bị viêm, phẫu thuật chỉnh trục, sửa chữa gân, thay thế toàn bộ khớp,…
Điều trị hỗ trợ
Ngoài hai phương pháp chính điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân cũng được hướng dẫn các biện pháp điều trị hỗ trợ sau nhằm cải thiện triệu chứng bệnh, hạn chế tổn thương như:
-
Dùng dụng cụ hỗ trợ đi lại, giảm gánh nặng cho khớp.
-
Bài tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng xương khớp.
-
Tập vận động chống co rút gân, teo cơ, dính khớp.
Phòng ngừa và điều trị các biến chứng của thuốc điều trị
- Viêm, loét dạ dày tá tràng: Cần chủ động phát hiện và điều trị vì trên 80% bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng. Dùng kèm các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày hoặc các thuốc giảm tiết.
- Cần bổ xung calci, vitamin D để phòng ngừa loãng xương. Nếu bệnh nhân có nguy cơ loãng xương cao có thể sử dụng bisphosphonates
- Nếu có thiếu máu: bổ sung acid folic, sắt, vitamin B12.
Viêm khớp dạng thấp theo quan niệm Y học cổ truyền
Viêm khớp dạng thấp là bệnh thuộc phạm trù “chứng tý”, “lịch tiết phong”, “hạc tất phong” (theo Đông y). Bệnh diễn biến trong thời gian dài dẫn đến tình trạng mãn tính
Tùy theo giai đoạn và triệu chứng mà bệnh có thể chia làm các thể như: phong thấp nhiệt tý, phong hàn thấp tý, Can thận âm huyết hư, Thận dương suy hư…
Một số bài thuốc thường được sử dụng tùy theo triệu chứng và thể bệnh như: Quế chi thược dược chi mẫu thang gia giảm, Quyên Tý thang gia giảm, Độc hoạt tang ký sinh gia giảm, Bát vị …
Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm crủa Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế
Kính chào Quý Khách hàng,
Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.
PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMC
Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC
Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC
Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC