Vị thống hay còn gọi là vị quản thống dùng để chỉ hội chứng đau ở vùng thượng vị, vùng bụng trên là triệu chứng chính.
Bệnh đối chiếu với y học hiện đại (Tây y) tương ứng trong phạm vi các bệnh lý sau: Viêm dạ dày cấp tính, viêm dạ dày mãn tính, loét dạ dày, khó tiêu chức năng, ung thư dạ dày và các bệnh khác với triệu chứng chính là đau vùng thượng vị.
Ở bài viết này chỉ bàn đến những nét tương đồng của bệnh cảnh Vị quản thống ứng với bệnh lý đau dạ dày trong y học hiện đại và cách điều trị dùng thuốc của YHCT.
Nguyên nhân sinh bệnh vị quản thống
Ngoại tà phạm Vị
Hàn tà, thấp tà, thử nhiệt tà và các tà khác xâm nhập vào bên trong Vị, khí trệ ở thượng vị, Tỳ vị mất điều hòa, khí cơ không thông mà gây đau.
Chế độ ăn uống làm tổn thương Tỳ Vị
Ẩm thực bất tiết, đói no thất thường, khiến Tỳ Vị bị tổn thương, vận hành thăng giáng của Tỳ Vị mất hòa hợp, khí trệ tại Vị, nếu bế tắc sẽ gây đau.
Ngũ vị quá nhiều, mê ăn cay, béo và ngọt, uống nhiều rượu, tích ẩm sinh nhiệt, tổn thương tỳ vị, khí trệ, thấp nhiệt đình tụ tại Vị, lâu ngày hao thương tân dịch, tổn thương Vị âm mà gây đau.
Ăn phải đồ ô uế, đồ độc hại sẽ làm tổn thương Vị, làm mất cân bằng khí cơ Tỳ Vị, làm tổn thương Tỳ Vị, dẫn đến Vị thống.
Tình chí không thoải mái
Trầm cảm và cáu kỉnh, khí uất , khí trệ ở Can, hoành nghịch phạm Tỳ Vị, khiến khí trệ ở dạ dày, mất quân bình âm dương và từ đó gây đau;
Lo lắng phiền muộn, khí cơ uất kết không giải, Can không sơ tiết, Tỳ mất vận hóa, khí trệ thấp trở, Vị khí bất hòa, uất kết ngưng trệ không thông ắt sẽ gây ra Vị thống.
Cơ thể bẩm tố Tỳ hư nhược
Cơ thể bẩm tố Tỳ Vị suy nhược, không thực hiện đầy đủ công năng vận hóa, khí vận hóa kém, dương khí trung tiêu không đầy đủ, trung tiêu hư hàn, mất tính ôn dưỡng từ đó dẫn đến Vị thống.
Tỳ Vị bị bệnh lâu ngày, dùng thuốc không đúng, Vị khí hư tổn, Vị âm không được nuôi dưỡng, nhu nhuận mà phát sinh ra đau.
Vị quản thống và cơ chế bệnh sinh
Các yếu tố bệnh lý bao gồm khí trệ, hàn ngưng, thực tích, nhiệt uất, thấp trở và huyết ứ.
Cơ chế bệnh sinh là Vị khí uất trệ, Vị mất hòa giáng.
Vị trí phát bệnh chủ yếu ở tại Vị, có liên quan mật thiết với tạng Can và Tỳ.
Tính chất bệnh lý có sự khác biệt giữa nhiệt và hàn, hư và thực.
Cơ sở chẩn đoán Vị quản thống
Triệu chứng chủ yếu là đau vùng thượng vị, tính chất đau như trướng căng, hay đau như dao đâm, đau buốt, đau rát, đau âm ỉ, đau kèm cảm giác lạnh, v.v.
Thường đi kèm với ợ chua, ợ hơi, buồn nôn và nôn, chán ăn và các triệu chứng khác.
Hầu hết đều có tiền sử bị tái đi tái lại, trước khi khởi phát thường có các yếu tố thúc đẩy như thời tiết thay đổi, nóng giận, lo lắng chán nản, làm việc quá sức, dùng thuốc và ăn uống không hợp lý.
Nội soi dạ dày, siêu âm vùng bụng trên và kiểm tra Helicobacter pylori rất hữu ích cho việc chẩn đoán các bệnh liên quan.
Chẩn đoán phân biệt
Vị thống cần phân biệt với chân Tâm thống (đau ngực), hiếp thống (đau hông sườn) và phúc thống (đau bụng).
Vị thống là một hội chứng đặc trưng bởi những cơn đau ở vùng thượng vị ,vùng bụng trên.
Cơ chế bệnh sinh của nó là khí uất trệ tại Vị, Vị mất đi hòa giáng, không thông ắt sẽ gây đau.
Chân Tâm thống
Thường gặp ở người già, đặc điểm là đau ngực, đau lan vai, cán tay, đa phần là nghiêm trọng, thường kèm theo hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi, chân tay lạnh, tình trạng nguy cấp.
Vị trí tổn thương, mức độ và tính chất đau, các triệu chứng đi kèm và tiên lượng bệnh rõ ràng khác với đau dạ dày. Tuy nhiên, một phần của cơn đau thực sự là gần khoang thượng vị và có thể kèm theo buồn nôn và nôn.
Hiếp thống
Có đặc điểm chủ yếu là đau hạ sườn, kèm theo sốt và sợ lạnh, hoặc vàng mắt và da, hoặc tức ngực và khó thở, vị trí đau khác với Vị thống.
Do Can khí phạm Vị nên có lúc đau cả vừng thượng vị lan ra hông sườn thậm chí là hạ vị, nhưng đau ở vùng thượng vị vẫn là chủ yếu.
Phúc thống
Có đặc điểm chủ yếu là đau bụng dưới vùng thượng vị trở xuống, vị trí đau khác với vùng thượng vị.
Tuy nhiên, Vị nằm trong ổ bụng và thông với ruột, nên trong một số bệnh, Vị thống có thể ảnh hưởng đến khắp vùng bụng và phúc thống cũng có thể liên quan đến Vị.
Các điểm chính cần nắm khi điều trị vị quản thống
Cần phân biệt chủ yếu hư và thực chứng, hàn và nhiệt,.
Thực chứng thì đau dữ dội, không thích xoa ấn, mạch thực; hư chứng thì đau âm ỉ, thích xoa ấn, mạch hư.
Vị thống mà khi lạnh thì đau nhiều hơn, khi ấm thì giảm đau, phần lớn là hàn chứng; thượng vị đau rát, đau cấp bách, nóng thì đau dữ dội, gặp lạnh thì đỡ đau, phần nhiều là nhiệt chứng.
Căn cứ vào khí huyết mà phân biệt, thông thường mới bệnh là ở phần khí, bệnh lâu ngày thì tổn hao phần huyết dịch.
Bệnh tại khí thì thường thấy trướng đau, hoặc đau liên quan đến hai bên sườn, hoặc thường xuyên ợ hơi, buồn nôn và nôn, chứng đau có quan hệ mật thiết với các yếu tố tình chí;
Bệnh tại huyết thì chỗ đau cố định, tính chất đau như là kim châm, lưỡi tím sẫm hoặc có điểm ứ huyết, mạch sáp, hoặc thậm chí có thể nôn ra máu và đại tiện ra máu.
Phân thể điều trị Vị quản thống
Nguyên tắc điều trị chủ yếu tập trung vào điều hòa khí cơ và giảm đau.
Có thể căn cứ vào tình trạng của người bệnh mà lựa chọn các phương pháp dùng thuốc khác nhau, cụ thể như sau:
Đối với thể Hàn tà khách Vị
Khi điều trị cần Ôn Vị tán hàn, hành khí chỉ thống, có thể dùng Hương tô tán hợp với Lương phụ hoàn gia giảm, trong thang nên dùng Cao lương khương, Ngô thù du, Hương phụ, Ô dước, Trần bì.
Đối với thể Ẩm thực thương Vị
Khi điều trị cần Tiêu thực đạo trệ, hòa Vị chỉ thống, có thể dùng Bảo hòa hoàn gia giảm, trong thang nên dùng Thần khúc, Sơn tra, Lai bặc tử, Phục linh, chế Bán hạ, Trần bì.
Đối với thể Can khí phạm Vị
Khi điều trị cần Sơ Can giải uất, lý khi chỉ thống, có thể dùng Sài hồ sơ Can tán gia giảm, trong thang nên dùng Sài hồ, Bạch thược, Xuyên khung, Uất kim, Hương phụ, Trần bì, Chỉ xác.
Đối với thể thấp nhiệt trung trở
Khi điều trị cần thanh hóa thấp nhiệt, lý khí hòa Vị, có thể dùng Thanh trung thang gia giảm, trong thang nên dùng Hoàng liên, Chi tử, Bán hạ, Phục linh.
Đối với thể huyết ứ đình Vị
Khi điều trị cần Hóa ứ thông lạc, lý khí hòa Vị, có thể dùng Thất tiếu tán hợp Đan sâm ẩm gia giảm, trong thang nên dùng Bồ hoàng, Ngũ linh chi, Đan sâm, Sa nhân.
Đối với thể Vị âm khuy tổn
Khi điều trị cần Dưỡng âm ích Vị, hòa trung chỉ thống, có thể dùng Nhất quán tiễn hợp Thược dược Can thảo thang gia giảm, trong thang nên dùng Sa sâm, Mạch môn đông, Sinh địa, Câu kỷ.
Đối với thể Tỳ Vị hư hàn
Khi điều trị cần Ôn trung kiện Tỳ, hoà Vị chỉ thống, có thể sử dụng bài Hoàng kỳ kiến trung thang, trong thang nên dùng Hoàng kỳ, Quế chi, Sinh khương, Bạch thược, Chích thảo.
Những bài thuốc trên đây cần phải có sự kê toa và hướng dẫn của bác sĩ y học cổ truyền, không nên tự ý sử dụng có thể làm cho bệnh tình nặng thêm.
12 pháp điều trị Vị quản thống của tiến sĩ Lưu Độ Chu (刘渡舟)
1.Ôn Vị tán hàn, hàn khí chỉ thống pháp
Nếu bụng trên (quản phúc) bị lạnh, hoặc ăn quá nhiều đồ sống lạnh sẽ làm cho hàn tích ở trung tiêu, hàn là âm tà, tính ngưng trệ khiến cho khí huyết trì trệ, tính thu rút lại nên mạch tế khẩn nên bị đau bụng.
Triệu chứng: Đau dạ dày rất nghiêm trọng, thường do ăn đồ sống lạnh hoặc có tính hàn gây ra, thích ăn ưa đồ nóng, sợ lạnh và ôn ấm thì giảm đau, rêu lưỡi trắng, mạch huyền khẩn hoặc huyền trì.
Nguyên tắc điều trị: Ôn trung tán hàn, hành khí chỉ thống, dùng thang Lương khương chỉ thống ẩm để điều trị.
Thành phần: Cao lương khương 9g, Sa nhân 6g, Sài hồ 9g, Tử tô 9g, Ngô thù du 9g, Chích cam thảo 6g.
Nếu bụng lạnh đau, cơ bụng co thắt hoặc thậm chí bụng đau co thắt dữ dội, mạch trầm trì, tay chân lạnh, rêu lưỡi trắng,có thể dùng Đại kiến trung thang để trị.
2.Tiêu thực đạo trệ, thanh lợi thấp nhiệt pháp
Nếu chế độ ăn uống bị tích trệ lâu ngày sẽ sinh ra thấp trọc.
Thấp hóa nhiệt, thấp nhiệt kết hợp với thức ăn tích tụ trong trường Vị, thức ăn tích tụ bên trong sẽ đình trệ, ứ đọng, khí cơ vận hóa bị cản trở, dẫn đến căng tức và đau vùng thượng vị.
Triệu chứng: Thượng vị đầy trướng đau, không chịu xoa ấn, ợ hơi, ợ chua, hay nôn ra thức ăn khó tiêu, mùi ôi thiu, nôn xong giảm đau, chán ăn, lúc tiêu chảy lúc táo bón, tiểu vàng, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch trầm hữu lực.
Nguyên tắc điều trị: Tiêu thực đạo trệ, thanh lợi thấp nhiệt.
Lưu Độ Chu thường dùng bài thuốc Chỉ thực đạo trệ thang để thanh Vị trường và khứ thấp dẫn trệ ra ngoài để điều trị.
Đối với trẻ em bị đầy trướng thượng vị và đau ở vùng thượng vị, thường được sử dụng Bảo hòa hàn gia giảm.
Lưu Độ Chu cho rằng: Bệnh tật của trẻ em ngày nay phần lớn là do thương thực.
Nguyên do là tạng phủ của trẻ em rất mỏng manh, dễ bị tổn thương, hơn nữa khả năng tự kiểm soát của trẻ kém, khi trẻ yêu thích một món gì, trẻ sẽ ăn quá nhiều…
Từ đó Tỳ Vị hư nhược, khiến mất công năng vận hóa.
Thức ăn ứ đọng ở thượng vị, bụng trướng đau, ợ hơi và trào ngược làm ợ chua, buồn nôn và nôn, thức ăn có mùi hôi, đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy, rêu lưỡi cáu bẩn nhớt, mạch hoạt …
Nổi bật nhất là triệu chứng biếng ăn hoặc thiếu chất, lúc này người lớn sợ thiếu dinh dưỡng, tìm mọi cách để ăn uống bồi bổ khiến bệnh càng nặng hơn.
Mỗi lần Lưu Độ Chu dùng Bảo hòa hoàn (Thần khúc 10g, Sơn tra 10g, Trần bì 6g, Liên kiều 10g, Lai bặc tử 10g, Phục linh 15g, Bán hạ10g) để trị là khỏi bệnh.
3.Táo thấp vận Tỳ, hành khí hòa Vị pháp
Tỳ thuộc thổ, thấp là khí của thổ, ẩm thấp là âm tà, tính dính, nếu ẩm ướt làm tỳ vị ngưng trệ, vận hóa không thông, cản trở khí cơ.
Khí trệ không lưu thông thì bụng sẽ chướng và đau.
Triệu chứng: bụng trướng đau, ăn không ngon, miệng nhạt, buồn nôn và nôn, ợ chua và ợ hơi, kèm theo chân tay nặng nề, uể oải buồn ngủ, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch hoãn.
Nguyên tắc điều trị : táo thấp vận Tỳ, hành khí hòa Vị.
Lưu Độ Chu thường dùng Bình vị tán để chữa. Lưu Độ Chu cho rằng khi dùng đơn thuốc này nên tập trung vào hai chứng thấp và thực.
Bài thuốc này được sử dụng trên lâm sàng cho thể Thấp tà thương Vị, chứng ăn uống không vận hóa được, hay hai thể bổ sung cho nhau.
Trên lâm sàng tiến sĩ Lưu Độ Chu lấy rêu lưỡi dày và nhớt làm chỉ định, và thường kết hợp các đơn thuốc khác nhau để điều trị các thể bệnh khác nhau.
Ví dụ như người bệnh thực trệ thương Vị, trung tiêu thấp trọc bất hóa, thấp uất hóa nhiệt, ăn vào bụng trướng đầy, sôi ùng ục, đau vùng thượng vị, miệng lưỡi có đờm, rêu lưỡi trắng nhớt , mạch trầm hoạt,…, dùng đơn thuốc này kết hợp với phương Đại hoàng Hoàng liên tả tâm thang.
4.Hành thủy tiêu bĩ pháp
Tỳ Vị là chủ quản của vận hóa và chứa đựng, nếu vận hóa không thuận lợi thì rất có dễ hình thành đàm trọc thủy ẩm, nếu ăn uống đình trệ ở Vị, sẽ cản trở sự vận động của khí cơ, nên thượng vị sẽ đầy và đau.
Triệu chứng: vùng dưới tim đầy trướng đau, buồn nôn ợ hơi, kém ăn, hồi hộp, chóng mặt, tiểu tiện khó, lưỡi nhạt rêu trắng, mạch trầm tế.
Nguyên tắc điều trị: Hành thủy tiêu bĩ, dẫn thủy hạ hành.
Lưu Độ Chu thường dùng Tiểu bán hạ gia Phục linh thang để điều trị.
Trong đơn thuốc Sinh khương cùng Bán hạ tính ấm hóa hàn ngưng, hành thủy tán ẩm, giáng nghịch giảm buồn nôn;
Phục linh kiện Tỳ ích khí, thẩm thấp lợi thủy, dẫn thủy đi xuống, có thể giáng trọc khai thanh.
Khi Lưu Độ Chu dùng phương thuốc này trên lâm sàng, liều lượng Sinh khương là 15g và Phục linh liều lượng 30g, nếu liều lượng ít hơn thì khó đạt hiệu quả.
5.Sơ Can hòa Vị pháp
Túc quyết âm Can kinh có đoạn đi qua Vị, mà Vị là dương minh, khí khô táo, kinh mạch của nó khác với khí của Can kinh.
Mặc dù Can và Vị một bên là tạng và một bên là phủ, nhưng ở trong quá trình Can bệnh, Can khí phạm Vị là chuyện thường gặp.
Có thể nói: Can Vị chi khí, bản hựu tương thông, nhất tạng bất hòa, tắc lưỡng tạng giai bệnh” (Một trong hai tạng bệnh thì ắt cả hai sẽ cùng bệnh).
Triệu chứng: thượng vị trướng đau, nôn ra nước chua, sôi ùng ục khó chịu, mạch huyền hoạt, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng nhờn.
Nguyên tắc điều trị: Sơ Can hòa Vị.
Lưu Độ Chu thường sử dụng Du liên nhị trần thang.
Thành phần: Ngô thù du 9g, Hoàng liên 9g, Xuyên luyện tử 6g, Trần bì 9g, Bán hạ 9g, Phục linh 10g, Sinh khương 9g, Hương phụ 9g.
Trong đơn thuốc có Ngô thù du và Hoàng liên phối hợp với Tả kim hoàn có thể trị Can kinh hỏa uất, nôn ra chất chua đắng, Xuyên luyện tử và Hương phụ sơ Can lý khí, Bán hạ, Trần bì, Sinh khương, Phục linh giúp hòa Vị hóa đàm.
6.Sơ Can thanh nhiệt pháp
Nếu Can và Vị bất hòa thì khí cơ uất trệ, lâu ngày sẽ sinh nhiệt, khí hữu dư thì sinh hỏa, Can hỏa nhiệt tà phạm Vị sẽ gây đau.
Triệu chứng: Đau vùng thượng vị, đau cấp bách, sôi bụng, miệng khô miệng đắng, khát thích uống nước lạnh, phiền táo dễ cáu giận, chất lưỡi đỏ rêu vàng, mạch huyền hoạt.
Nguyên tắc điều trị: Sơ Can hòa Vị, thanh nhiệt giải uất.
Lưu Độ Chu thường dùng Đơn chi tiêu dao tán gia Tả kim hoàn để điều trị.
Nếu sôi bụng nhiều, dùng Gia vị Ô bối tán: Hải phiêu tiêu 30g, Chiết bối mẫu 6g, Kê nội kim 9g, Hoàng liên 6g, Điên gia phiến 10 phiến , tán bột mịn, mỗi lần dùng 4,5g, ngày 3 lần ngày.
Còn nếu Thiếu dương nhiệt tà bất giải, lại kết hợp với Dương minh, thì trong bụng nóng nặng, cho nên vùng dưới tim đau thắt, ấn vào đau tăng.
Triệu chứng: Thượng vị và bụng đau cấp, hai bên hông sườn đầy trướng đau, bụng đầy cứng khó chịu, táo bón, nước tiểu vàng đỏ, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch huyền hoạt hữu lực
Nguyên tắc điều trị: Đại sài hồ thang sơ lợi Can Đởm, thanh tiết Vị trường.
Trong đơn thuốc có Sài hồ, Hoàng cầm, Bán hạ, Sinh khương có thể làm dịu Thiếu dương tà, gia thêm Đại hoàng và Chỉ thực để làm dịu sự đình trệ của Dương minh Vị; và có Bạch thược bình Can Đởm.
Chứng này là bệnh Thiếu dương có nội thực, cho nên không dùng Sâm, và Cam thảo, nếu muốn chỉ dùng Đại táo là để bảo tồn tân dịch ở Vị.
Lưu Độ Chu nói rằng: Đơn thuốc này chẳng những có thể giải sơ lợi Can Đởm khí nghịch mà còn có thể thanh tiết Vị trường thực nhiệt.
Trong những năm gần đây, phương thuốc này đã được sử dụng để điều trị các vết loét thủng cấp tính, các bệnh liên quan đến hệ thống gan mật, viêm tụy, tâm thần phân liệt và các bệnh khác, với kết quả thu được rất tuyệt vời.
7.Hoạt huyết hành khí chỉ thống pháp
Nếu đau dạ dày lâu ngày, khí huyết ở mạch lạc vận hành không thông, khí cơ trở trệ, cuối cùng sẽ xuất hiện huyết ứ ngưng trệ bên trong, Vị lạc ủng trệ, không thông lợi ắt sẽ gây đau.
Triệu chứng: Thượng vị đau dữ dội, không chịu xoa ấn, đau như kim châm hoặc dao cắt, đau cố định, đau dai dẳng, hoặc đi ngoài phân đen, chất lưỡi tím sẫm hoặc ban điểm ứ huyết, mạch sáp.
Nguyên tắc điều trị: Hoạt huyết hóa ứ, lý khí chỉ thống, tiến sĩ Lưu Độ Chu thường dùng Ô cập thang để điều trị.
Thành phần: Hải phiêu tiêu 30g, Bạch cập 9g, Đương quy 9g, Xích thược 9g, sinh Bồ hoàng 9g, Ngũ linh chi 9g, chích Bạch truật 9g, Hương phụ 9g.
Nếu mất máu lâu ngày, mệt mỏi suy nhược, môi lưỡi trắng, mạch tế, gia thêm Nhân sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Bào khương, bỏ Ngũ linh chi;
Hư mà có nhiệt, chất lưỡi đỏ nhạt, mạch tế sác, gia sinh Địa hoàng, Huyền sâm, Mẫu đơn bì, bỏ Ngũ linh chi .
Đôi khi tiến sĩ Lưu Độ Chu cũng dùng một liệu pháp đơn giản là bột tam thất để chữa trị: mỗi lần 30g, ngày dùng 2 lần cũng có kết quả tốt.
Còn nếu thất tình sở thương, khí trệ huyết kết, vùng dưới tim đau, đầy trướng khó thở, mạch trầm, lưỡi tối sẫm, Lưu Độ Chu dùng Phân tâm khí ẩm để hành khí hoạt huyết chỉ thống để điều trị.
Thành phần: Hoắc hương 9g, Tử tô 6g, Phục linh 6g, Bán hạ 6g, chích Bạch truật 6g, Cát cánh 6g, Mộc thông 6g, Quảng mộc hương 9g, Hương phụ 9g, Mạch môn đông 6g, Nhục quế 6g, Thanh bì 6g, Tang bạch bì 6g, Tân lang 6g, Nga truật 6g.
8.Sơ Can lý Tỳ điều hòa khí huyết pháp
Can thuộc mộc, Tỳ thuộc thổ, mộc có thể khắc thổ.
Nếu tức giận sẽ tổn thương Can, ưu tư phiền muộn tổn thương Tỳ.
Can mất sơ tiết, Tỳ mất công năng vận hóa, Can Tỳ bất hòa, khí huyết mất cân bằng thì vùng thượng vị sẽ bị đau.
Lưu Độ Chu thường dùng Sài hồ Quế Chi thang để điều trị.
Đơn thuốc này gồm có Tiểu Sài hồ thang và Quế chi thang hợp phương lại mà thành.
Dùng Quế chi thang để điều hòa doanh vệ, giải cơ tân tán, bên trong điều hòa Tỳ Vị thì dùng Tiểu sài hồ thang để hòa giải thiếu dương.
Đây là một phương thuốc tốt để điều trị các bệnh về Tỳ Vị, đồng thời, trên lâm sàng cần bổ sung các vị thuốc hoạt huyết chỉ thống như Bạch cập, Tam thất để tăng cường hiệu quả.
9.Hàn nhiệt đồng điều hòa Vị tiêu vĩ pháp
Nếu khí của Tỳ Vị bất hòa, thăng giáng thất thường, tà khí xen lẫn với hàn nhiệt sẽ thác tạp ở vùng thượng vị, dẫn đến đau dạ dày.
Vùng thượng vị đau và đầy, tuy rằng hàn nhiệt, hư thực khác biệt, khí huyết phân chia, nhưng trong trường hợp này hàn nhiệt thác tạp, hư thực lẫn lộn.
Đối với những trường hợp này, Lưu Độ Chu thường điều trị Bán hạ Cam thảo Sinh khương tam tả tâm thang để điều trị.
Trong đó, Bán hạ tả tâm thang là từ bài Tiểu sài hồ thang bỏ đi vị Sài hồ, Sinh khương, gia thêm Hoàng liên, Can khương mà thành, là một trong những phương tễ hòa giải.
Phương thuốc có cả tính hàn và tính nhiệt, cay để thăng đắng để giáng ngọt để điều hòa.
Lưu Độ Chu chỉ ra rằng Bán hạ tả tâm thang thực sự đã mở ra một phương pháp điều trị các bệnh về Tỳ Vị có tính nhiệt đơn thuần hoặc điều trị chứng hàn nhiệt thác tạp dễ dàng hơn.
Mà đối với Tỳ Vị vận hóa thất thường có thể sinh ra hàn nhiệt thác tạp, thăng giáng bất thường, nếu không hiểu phương pháp hòa giải âm dương Tỳ Vị thường sẽ lúng túng không biết nên làm thế nào.
Lưu Độ Chu cho rằng phương thuốc này “khổ giáng tân khai cam bổ, tán uống tiêu bĩ, chuyên trị trung châu bất hòa rất tốt”, cho nên ứng dụng trên lâm sàng luôn có hiệu quả nhanh chóng.
Mà Cam thảo tả tâm thang là Bán hạ tả tâm thang loại bỏ Nhân sâm và gia thêm lượng Cam thảo.
Đơn thuốc lấy Cam thảo đặt tên, ý tứ là hoãn giải khí nghịch, bổ ích trung châu cùng với Đại táo vị ngọt để tăng lực bổ hư.
Bán hạ vị cay tính giáng, hòa Vị tiêu bĩ; Cầm Liên thanh nhiệt, và Can khương làm ôn ấm cái lạnh ở trong.
Từ đó dảm bảo trung khí kiện vận, hàn nhiệt tiêu tán, Vị khí không bĩ đầy, khí cơ vận hành thông thuận ắt khỏi bệnh.
10.Tư dưỡng Vị âm pháp
Triệu chứng lâm sàng: Đau vùng thượng vị, ăn không được, ăn xong đau bụng nặng hơn, hay ợ chua, miệng họng khô, phân khô kết, lưỡi đỏ ít hoặc không có rêu, mạch tế sác.
Lúc này điều trị nên tập trung tư dưỡng Vị âm.
Lưu Độ Chu thường dùng Ích Vị thang gia giảm.
Đơn thuốc gồm Ngọc trúc 10g, sinh Địa hoàng 10g, Mạch môn đông 30g, Sa sâm 10g, Đường phèn 10g.
Lưu Độ Chu chữa đau bụng do Vị âm hư, thường dùng một lượng lớn thuốc dưỡng âm cộng thêm một lượng nhỏ Mai khôi hoa (hoa hồng) và Bạch mai hoa (hoa mận trắng).
Có tác dụng phòng ngừa dược liệu dưỡng âm gây nê trệ Vị, lại có thể dưỡng Can hòa Vị mà giảm đau.
11.Ích Vị hòa Can pháp
Đối với tình trạng Can Vị bất hòa chủ yếu là do Can âm hư.
Triệu chứng lâm sàng bao gồm thượng vị căng tức hoặc đau, ngực đầy tức hạ vị, ợ hơi hoặc nấc cụt, kèm theo không muốn ăn uống, đi cầu không thoải mái hoặc đi lỏng, hầu họng khô, đặc biệt nặng hơn vào buổi sáng, hoặc kèm theo sốt nhẹ, chất lưỡi đỏ giáng, ít hoặc không có rêu, mạch huyền tế hoặc sác.
Lưu Độ Chu thường dùng Nhu Can dưỡng Vị thang để điều trị.
Thành phần: Sa sâm, Mạch môn đông, Ngọc trúc, Sinh địa hoàng, Bạch thược, Xuyên luyện tử, Phật thủ, Quất diệp, Mẫu đơn bì.
Đơn thuốc này có công dụng nhu Can, dưỡng Vị, điều khí, bồi dưỡng tân dịch của Can Vị, sơ lợi Can khí.
Nếu trong bụng nóng, thêm các vị thuốc như Thạch hộc, Hoàng tinh, Sơn dược… để điều hòa dương nhiệt;
Đau vùng thượng vị thì thêm Diên hồ sách, Uất kim, Phật thủ, … để điều hòa khí huyết, giảm đau;
Đi ngoài phân lỏng thì thêm Mẫu lệ, nặng hơn thì gia thêm Ô mai;
Nếu tâm phiền, ngủ kém thì thêm Dạ giao đằng, Hợp hoan hoa…
12.Ôn trung kiện Tỳ pháp
Nếu bệnh tại Vị lâu ngày, trung dương bất chấn, sẽ suy yếu từ bên trong sinh ra hàn, cho nên bệnh đau dạ dày xảy ra kéo dài, liên tục, gặp lạnh sẽ đau dữ dội.
Triệu chứng lâm sàng: Đau bụng dai dẳng, gặp lạnh đau dữ dội, thích xoa ấn, ợ hơi, mệt mỏi, tiết nhiều nước bọt, thích ăn đồ ấm nóng, ăn ít đại tiện lỏng, lưỡi nhợt rêu trắng, mạch trầm tế huyền.
Nguyên tắc điều trị: Ôn trung kiện Tỳ, ích khí, chỉ thống.
Lưu Độ Chu thường điều trị bằng Hoàng kỳ kiến trung thang.
Thành phần: Di đường 30g, Quế chi 9g, Bạch thược 18g, Sinh khương 9g, Đại táo 6 quả, Hoàng kỳ 5g, chích Cam thảo 6g.
Nếu Vị hư mà có hàn, thượng vị đau từng cơn, ăn uống giảm sút hoặc chán ăn hoặc ăn uống không tiêu, hay buồn nôn, thân thể gầy yếu, sắc mặt trắng bệch, chất lưỡi nhạt, mạch nhược… Tiến sĩ Lưu Độ Chu dùng Hương sa lục quân tử thang để điều trị.
Những đau dạ dày do hư và hàn, nhức đầu, nấc cụt, ợ chua, đôi khi cáu gắt, nên điều trị bằng Ngô thù du thang để làm ấm trung tiêu và tán hàn, giáng nghịch hòa Vị.
Chú ý nên dùng lượng Sinh khương một cách linh hoạt để đạt kết quả tốt hơn.
Chăm sóc phòng ngừa
– Xây dựng thói quen sinh hoạt và ăn uống điều độ, tránh tình trạng ăn quá no, đói no thất thường.
– Người bị đau dạ dày dai dẳng nên ăn theo chế độ lỏng hoặc nửa lỏng nửa cứng trong một thời gian nhất định, khi ăn chia thành nhiều bữa nhỏ.
– Tốt nhất là thức ăn nhẹ dễ tiêu, tránh thức ăn thô và nhiều chất xơ, cố gắng tránh dùng trà đậm, cà phê và đồ cay.
– Nên ăn thức ăn mềm, ăn kỹ, nhai chậm, thận trọng khi dùng các loại thuốc Tây như axit salicylic, thuốc có chứa steroid.
– Duy trì tâm trạng lạc quan, tránh làm việc quá sức và căng thẳng.
Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế
Kính chào Quý Khách hàng,
Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.
- PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMC
- Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC
- Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC
- Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC