Run tay là gì?
Run tay là một dạng rối loạn vận động xuất hiện do tình trạng co cơ tự động không tự chủ gây ra chuyển động ở tay.
Run tay có lẽ không phải là một hiện tượng quá xa lạ đối với bất kỳ ai. Đây đơn giản là cử động bàn tay chúng ta bỗng dưng bị run và không kiểm soát được hành vi đó. Thông thường thì ngón tay sẽ bị run trước, sau đó dần dần cả bàn tay hay có thể cả cánh tay cũng bị run theo. Trong nhiều trường hợp run tay còn có thể kéo theo biểu hiện run cả chân, cổ hay đầu.
Hiện có một số dạng run tay khác nhau nhưng chủ yếu được phân chia thành hai nhóm chính là run khi nghỉ và run khi vận động. Run khi vận động xảy ra khi các cơ co để thực hiện một động tác chú ý ví dụ như khi cầm nắm thìa, dĩa, bút, cốc nước…. Run khi nghỉ xảy ra khi các cơ ở trạng thái thư giãn (không có) ví dụ như khi để tay thả lỏng trên đùi
Bị run tay có bình thường không?
Hầu hết mọi người đều có thể gặp tình trạng run tay nhẹ, ví dụ khi đưa tay thẳng về phía trước và giữ nguyên khoảng một vài phút. Run tay nhẹ có thể là tình trạng bình thường. Nếu tình trạng tay bị run nhẹ không tác động tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày thì thường chưa phải là vấn đề đáng lo ngại.
Tuy nhiên, cơn run tay đôi lúc cần được chú ý hơn. Ví dụ tay run khi bạn lo lắng, mệt mỏi, tức giận, đang cảm thấy rất lạnh/nóng, sau khi hút thuốc hoặc uống caffeine… Hoặc, nếu bạn bị run tay dai dẳng hoặc nghiêm trọng gây trở ngại cho những hoạt động thường ngày thì nên đến cơ sở y tế thăm khám để bác sĩ có thể xác định nguyên nhân.
Biểu hiện của run tay
Tình trạng run không chủ ý có thể tác động đến một hay cả hai tay. Triệu chứng này thường xuất hiện và biến mất hoặc không thay đổi trong một số trường hợp. Các triệu chứng tay bị run thường gặp gồm có:
- Cơn run nhanh xuất hiện ở một tay.
- Cơn run xuất hiện ở cả hai tay, có thể liên quan đến cả hai cánh tay.
- Run rẩy lúc đang nghỉ ngơi.
- Tình trạng run chỉ xảy ra với chuyển động hoặc hành động.
- Run có thể chỉ xuất hiện khi bạn căng thẳng hoặc lo lắng.
- Người bệnh bị run tay ngay cả khi không lo lắng. Đôi lúc tình trạng run có thể diễn tiến nghiêm trọng hơn trong thời gian cảm thấy căng thẳng/lo âu…
Nếu bạn gặp chứng run tay hoặc bị run tay theo từng đợt thì phải lưu ý đến những tác nhân gây bệnh. Người bệnh cần mô tả triệu chứng để bác sĩ xác định nguyên nhân. Một vài chứng run do các tình trạng y tế gây ra có thể bao gồm những triệu chứng liên quan như sau:
- Đổ mồ hôi.
- Tay yếu hoặc đau.
Sốt. - Giọng nói run rẩy.
- Chuyển động cứng.
- Chuyển động chậm.
- Gặp vấn đề về sự phối hợp, cân bằng.
- Cảm thấy sợ hãi, khó chịu, mệt mỏi, choáng ngợp
Các nguyên nhân gây run tay
Run tay có thể chỉ là biểu hiện sinh lý thông thường nhưng cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý, ví dụ như tổn thương trong não, bệnh lý về gan, hoặc tuyến giáp.
Run tay có thể gặp trong các bệnh cảnh dưới đây:
Nhóm bệnh lý thần kinh
- Bệnh Parkinson: Là bệnh lý thoái hóa não có giảm dần sự tiết ra các chất Dopamine. Run tay thường bắt đầu từ 1 bên, kèm theo cảm giác cứng tay chân cùng bên, đi lại chậm chạp, dần dần run lan sang 2 tay. Điều trị bằng các thuốc bổ sung Dopamin, lý liệu pháp, hoặc phẫu thuật đặt điện cực trong não
- Bệnh xơ cứng rải rác: Là bệnh lý mất Myelin – lớp vỏ bọc dây thần kinh – dẫn tới tổn thương đường dẫn truyền vận động trong não. Run có thể xảy ra 1 hoặc 2 bên, có thể run khi làm động tác chủ ý hoặc run khi giơ tay và giữ để chống lại trọng lực, điều trị bệnh này chủ yếu là uống thuốc.
- Đột quỵ: Xảy ra khi mạch máu não bị tắc do huyết khối hoặc xơ vữa gây nhồi máu não, hoặc bị vỡ gây chảy máu não. Khi đó một số tế bào thần kinh điều khiển vận động tay bị tổn thương và có thể gây run tay. Việc điều trị phụ thuộc vào dạng tổn thương, thời gian xảy ra đột quỵ cũng như cân nhắc tới các bệnh lý đi kèm khác.
- Chấn thương sọ não: Cũng giống như đột quỵ, sau chấn thương các tế bào thần kinh chi phối vận động bị tổn thương có thể gây run tay. Điều trị nội khoa là chủ yếu.
- Rối loạn trương lực cơ: Trường hợp này các tế bào thần kinh truyền các thông tin sai lệch dẫn tới các cơ hoạt động quá mức, gây nên các tư thế không mong muốn, tư thế bất thường kéo dài, bao gồm cả run tay. Điều trị có thể bằng thuốc hoặc tiêm Botox.
- Run vô căn: Run tay thường ở cả hai bên, xảy ra khi cầm cốc, cầm bát, bút viết … Run ban đầu có thể rất kín đáo, tăng dần theo thời gian khiến bạn khó khăn trong thực hiện các sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay nguyên nhân của run vô căn chưa được biết, trong một số trường hợp có liên quan tới gen và có yếu tố gia đình. Nếu triệu chứng nhẹ, kín đáo thì không cần điều trị. Khi triệu chứng nặng hơn, bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc như chẹn beta, hoặc phẫu thuật đặt điện cực trong não.
Nhóm bệnh lý chuyển hóa
- Bệnh Wilson: Là bệnh rối loạn về gen gây lắng đọng nhiều đồng trong cơ thể. Thông thường người bệnh có triệu chứng liên quan tới tổn thương ở não và gan như buồn nôn, nôn, mệt mỏi, tụ dịch trong ổ bụng, vàng da, run tay, các vấn đề về ngôn ngữ, thay đổi nhân cách…Điều trị bằng thuốc uống và thay đổi chế độ ăn uống.
- Suy thận, suy gan
- Bệnh cường giáp: Khi tuyến giáp hoạt động quá mức bạn có thể có cảm giác lo lắng bồn chồn, tim đập nhanh, hay vã mồ hôi, sụt cân và run tay. Điều trị ổn định chức năng tuyến giáp sẽ làm giảm đáng kể triệu chứng run tay.
- Hạ đường máu: Khi lượng đường trong máu thấp bạn sẽ có cảm giác đói, vã mồ hôi và run tay
Nhóm bệnh lý thoái hóa do di truyền
Một số bệnh lý di truyền như thất điều di truyền có thể gây run tay:
- Run liên quan tới độc chất: Ngộ độc rượu, cai rượu, ngộ độc thủy ngân
- Run liên quan tới thuốc: Thuốc điều trị hen, Amphetamin, cafein, corticosteroid, các thuốc điều trị các rối loạn tâm thần kinh …Thiếu vitamin B12
- Run do các bệnh lý về tâm thần: Trầm cảm, rối loạn stress sau chấn thương,
- Run sinh lý: Đôi khi run có thể xuất hiện khi bạn tức giận, căng thẳng lo lắng quá mức hoặc mất ngủ.
Khi nào cần tới bệnh viện thăm khám?
Run tay không phải là một hiện tượng quá xa lạ, nó có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào và hầu như không thực sự quá nguy hiểm.
Tuy vậy, nếu biểu hiện run tay kéo dài và ngày một trầm trọng như khó khăn trong trong việc cầm nắm đồ vật, hay khi cầm thì bị rơi vãi, không thể điều khiển phương tiện giao thông,… hoặc kèm theo run chân, run đầu, run cả người,… hoặc được phát hiện cùng các triệu chứng khác có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe thì việc đến các cơ sở y tế để thăm khám là điều cần thiết.
Làm thế nào để giảm bớt tình trạng bị run tay?
-
Sử dụng các loại thực phẩm giàu magie và omega-3 là một trong những cách vô cùng hiệu quả để kiểm soát hiện tượng run tay.
Những loại thực phẩm này sẽ giúp hệ thần kinh của chúng ta được thư giãn, tâm trạng và cảm xúc ổn định hơn. Ta hoàn toàn có thể tìm kiếm các thực phẩm chứa nhiều magie như: rau diếp, chuối, rau bina, hạnh nhân, đậu nành,… Hay các loại thực phẩm giàu omega-3 như: cá mòi, cá hồi, quả óc chó, hạt chia, bắp cải Brussels,…
-
Căng thẳng cũng là một nguyên nhân gây ra run tay, vì vậy ta cũng nên tập kiểm soát các cơn căng thẳng bằng cách: Nằm hoặc ngồi nghỉ ngơi và đặt tay lên bụng, hít thở đều và sâu lặp đi lặp lại nhiều lần từ 15 – 20 phút mỗi ngày sẽ giúp thư giãn đầu óc và thúc đẩy tuần hoàn não.
-
Tuyệt đối tránh xa các chất kích thích như thuốc lá, ma túy, thuốc lắc,… và sẽ tốt hơn nếu hạn chế được rượu, bia, cà phê, nước có ga,… Chính vì các tác nhân gây hại này đã khiến cho hệ thần kinh bị xâm hại nặng nề, hiện tượng run tay có thể bị nặng hơn.
- Tận dụng các bài tập vật lý trị liệu để cải thiện sự linh hoạt và phối hợp của các bắp cơ. Bạn cũng có thể lựa chọn tập yoga, múa quyền hoặc thực hiện một số bài tập đơn giản như buộc những vật nặng có trọng lượng khoảng 0,5 – 1kg vào cổ tay để tập nâng lên xuống,…Ngoài ra, bạn có thể tập bóp bóng cao su để đôi tay linh hoạt hơn bằng cách đặt quả bóng vào lòng bàn tay, giữ chặt khoảng 5s sau đó thả lỏng. Bạn nên tập luyện thường xuyên mỗi khi rảnh rỗi.
-
Người bị mắc chứng run tay cũng có thể sử dụng các loại thuốc giảm run như: Propranolol, alprazolam,… Tuy nhiên, để có thể sử dụng thuốc một cách an toàn và hiệu quả thì người bệnh phải được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn và kê đơn.
Cách chẩn đoán run tay
Nhìn chung, nguyên nhân gây run tay được chẩn đoán dựa trên việc thăm khám thực thể và xem xét tiền sử bệnh.
Rối loạn lo âu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tay bị run. Đôi khi, khó để bác sĩ xác định được chứng rối loạn lo âu. Đặc biệt là khi người bệnh đang trải qua những dấu hiệu lo âu về thể chất mà vẫn chưa nhận ra. Trong một vài trường hợp, có thể cần tiến hành nhiều lần thăm khám để xác định lo lắng là tác nhân gây bệnh run tay.
Thăm khám có thể giúp bác sĩ xác định những dấu hiệu khác cho thấy các vấn đề liên quan đến chứng run tay. Ví dụ như bệnh xơ cứng rải rác thường gây ra những thay đổi về cảm giác, phản xạ và sức mạnh vận động…
Các hình thức xét nghiệm cũng là một phần của việc chẩn đoán. Những phương pháp xét nghiệm chẩn đoán sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên tiền sử triệu chứng và việc thăm khám. Một vài chỉ định thường gặp có thể hỗ trợ bác sĩ xác định nguyên nhân gây run tay hay tay run bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ xác định dấu hiệu nhiễm trùng và tình trạng rối loạn điện giải.
- Chẩn đoán hình ảnh não: Phương pháp này bao gồm chụp CT, MRI… sọ não, có thể giúp bác sĩ phát hiện những bất thường ở não, viêm màng não hoặc đa xơ cứng.
- Điện não đồ (EEG): Điện não đồ được bác sĩ ứng dụng để nhận biết những dấu hiệu của chứng rối loạn co giật tiềm ẩn.
- Đo điện cơ: Giúp bác sĩ đánh giá tình trạng thần kinh cơ.
Cách điều trị run tay
Việc chữa trị run tay phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Việc chữa trị run tay có thể bao gồm:
- Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi đầy đủ nếu mệt mỏi là nguyên nhân gây run tay.
- Nếu người bệnh bị mất nước hoặc gặp chứng rối loạn điện giải gây run tay thì sẽ được chữa trị bằng dịch truyền tĩnh mạch (IV) và chất điện giải.
- Nếu mức glucose thay đổi gây run tay, người bệnh sẽ được chữa trị bằng insulin hoặc glucose.
- Trị liệu hoặc nhận tư vấn để quản lý sự lo lắng.
- Nếu co giật là tác nhân gây run tay, người bệnh sẽ được cho dùng thuốc chống động kinh.
- Dùng thuốc để chữa chứng rối loạn vận động gây run tay.
- Điều trị một số bệnh lý thần kinh như xơ cứng rải rác.
- Can thiệp phẫu thuật hoặc dùng thuốc để kiểm soát tình trạng rối loạn cơ xương, ví dụ như viêm khớp hoặc hội chứng ống cổ tay.
- Áp dụng vật lý trị liệu khi cần để chữa bệnh run tay.
Đôi khi, người bệnh cần nhiều hơn một lần chữa trị. Kết hợp nhiều phương pháp điều trị có thể mang đến hiệu quả tốt hơn. Ví dụ như để kiểm soát tình trạng run tay do lo lắng thì kết hợp liệu pháp vật lý trị liệu, dùng thuốc, tư vấn có thể mang đến hiệu quả tốt hơn so với việc chỉ áp dụng riêng lẻ từng phương pháp.
Đông y có điều trị run tay được không?
Theo y học cổ truyền, run tay có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như:
- Can phong nội động (can chủ cân, khớp thuộc cân), Can dương quá thịnh, dương động sinh phong, theo phong mà động cho nên run tay.
- Âm hư phong động, phần âm của Can Thận bị hun đốt, âm hư không thể tiềm dương, dương động sinh phong cũng có thể xuất hiện run tay.
- Tỳ hư phong động, Tỳ hư thấp tụ thì dễ sinh đờm, đờm ẩm ẩn náu ở trong, đàm động sinh phong thì sinh run tay
Run tay có thể đi kèm với nhiều triệu chứng khác với biểu hiện bằng nhiều thể bệnh khác nhau. Khi điều trị run tay bằng Y học cổ truyền mỗi thể bệnh sẽ có pháp điều trị và phương thuốc, phương huyệt riêng.
- Dùng thuốc: thầy thuốc sẽ sử dụng các vị thuốc YHCT có tác dụng bổ âm dưỡng huyết, bình can tức phong, tư dưỡng can thận… tùy theo thể bệnh mà phối ngũ các vị thuốc thành các bài thuốc phù hợp.
- Châm cứu: là phương pháp không dùng thuốc sử dụng các kim nhỏ châm vào các huyệt vị trên cơ thể , kích thích các huyệt vị nhằm cân bằng, điều hòa các chức năng của cơ thể.
Một số huyệt thường được sử dụng như: Thái khê, Thái xung, Dương lăng tuyền, Phong trì, Khúc trì, Hợp cốc…
Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế
Kính chào Quý Khách hàng,
Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.
PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMC
Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC
Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC
Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC