Nhịp tim chậm là gì?
Thông thường, quả tim chúng ta có 1 bộ máy phát nhịp với vai trò duy trì hoạt động tim ổn định, nhịp nhàng. Bộ máy phát nhịp và dẫn nhịp bao gồm nút xoang, nút nhĩ thất, bó His cùng mạng lưới Purkinje. Nút xoang có vai trò làm chủ nhịp tim, phát xung động khoảng 60 – 100 lần/phút. Do vậy, đối với người trưởng thành, nhịp tim bình thường cũng dao động trong khoảng đó. Nhịp tim dưới 60 lần được gọi là nhịp chậm
Nhịp tim chậm có thể là dấu hiệu của sự bất thường trong hệ thống dẫn truyền xung điện của tim, nghĩa là vị trí phát xung điện tự nhiên của tim – nút xoang (sinoatrial node – SA), hoạt động không bình thường, hoặc con đường dẫn truyền xung điện trong tim vì một nguyên nhân nào đó bị thương tổn, không còn nguyên vẹn.
Ở những trường hợp nặng, tim sẽ đập rất chậm, lưu lượng tuần hoàn rất thấp, cơ thể không được đáp ứng đủ lượng máu nuôi, do đó sẽ có nhiều triệu chứng biểu hiện ra ngoài và tính mạng có thể bị đe dọa.
Nguyên nhân gây ra nhịp tim chậm
Điện sinh lý của tim
Tim được tạo thành bốn buồng, hai trên và hai dưới. Nhịp điệu của tim bình thường điều khiển bởi hệ thống tạo nhịp tim tự nhiên – nút xoang – nằm ở tâm nhĩ phải. Nút xoang tạo xung điện khi bắt đầu mỗi nhịp đập của tim.
Từ nút xoang, xung điện đi qua nhĩ, gây ra co các nhĩ và bơm máu vào tâm thất. Các xung điện sau đó đến cụm tế bào được gọi là nút nhĩ thất (AV).
Nút AV truyền tín hiệu đến các tế bào gọi là bó his. Những tế bào này truyền tín hiệu xuống nhánh trái phục vụ tâm thất trái và nhánh bên phải phục vụ tâm thất phải. Khi các xung điện đi xuống các nhánh, các tâm thất co và bơm máu, tâm thất phải đưa máu nghèo ôxy vào phổi và tâm thất trái đưa máu giàu ôxy cho các cơ quan của cơ thể.
Nhịp tim chậm xảy ra khi các tín hiệu điện chậm hoặc là bị chặn.
Tim sẽ đập chậm hơn trong các trường hợp sau:
- Suy giảm chức năng nút tạo nhịp của tim (suy nút xoang).
- Sự dẫn truyền nhịp trong tim bị bất thường (nghẽn đường dẫn truyền) :Nhịp tim chậm cũng có thể xảy ra bởi vì các tín hiệu điện được truyền tải qua nhĩ không truyền đến tâm thất. Sự rối loạn tín hiệu điện có thể xảy ra trong nút AV, bó His hoặc một nơi nào đó dọc theo nhánh trái và phải.
Tuy nhiên, nhịp tim chậm không phải lúc nào cũng là vấn đề bất thường. Một số người có nhịp tim chậm nhưng không phải là bệnh lý, chẳng hạn như các vận động viên, hoặc nhịp tim người khi đang ngủ
Một số loại thuốc có thể gây ra nhịp tim chậm, đặc biệt là thuốc dùng để điều trị các bệnh lý khác của tim như thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị suy tim…
Trong một số trường hợp, nhịp tim chậm cũng là bệnh lý. Nguyên nhân này có thể là do:
- Hệ thống tạo nhịp tim (nút xoang) bất thường.
- Lão hóa mô tim.
- Suy giảm hoặc tổn thương hệ thống đường dẫn truyền nhịp trong tim.
- Bệnh tim bẩm sinh.
- Bệnh mạch vành tim.
- Sau phẫu thuật tim.
- Nhiễm trùng nặng.
- Ngưng thở khi ngủ.
- Rối loạn điện giải.
- Suy giáp.
- Bệnh miễn dịch (bệnh Lupus ban đỏ hệ thống…).
Triệu chứng của nhịp tim chậm là gì?
Trên thực tế, nhịp tim chậm có thể hoàn toàn không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc các triệu chứng nhẹ, mơ hồ. Tuy nhiên, một số trường hợp khi nhịp tim chậm có thể khiến cơ thể cảm thấy:
- Chóng mặt hoặc choáng váng, quay cuồng, nặng hơn có thể đột ngột kiệt sức hoặc ngất xỉu.
- Khó thở, đặc biệt là khi tập luyện hoặc gắng sức.
- Cảm thấy rất mệt mỏi.
- Đau ngực, hoặc có cảm giác đánh trống ngực.
- Hay nhầm lẫn, khó giữ được sự tập trung, suy giảm trí nhớ
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc nhịp tim chậm?
Tuổi tác một yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ mắc tim đập chậm. Các vấn đề về tim mạch có liên quan với nhịp tim chậm thường gặp ở người lớn tuổi.
Ngoài ra, nhịp tim chậm thường liên quan với tổn thương mô tim do một số loại bệnh tim gây ra. Do đó, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh về tim cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc nhịp tim chậm như:
- Hút thuốc
- Uống rượu nhiều
- Tăng huyết áp.
- Cholesterol máu cao.
- Sử dụng các loại thuốc kích thích
- Căng thẳng tâm lý hay rối loạn lo âu.
Nhịp tim chậm có thể gây ra các biến chứng gì?
Các biến chứng của nhịp tim chậm không được điều trị khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân làm chậm nhịp tim. Nếu nhịp tim chậm ở mức độ nghiêm trọng mà không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn tới nhiều hậu quả nặng nề, bao gồm:
- Thường xuyên ngất xỉu.
- Tim không có khả năng bơm đủ máu (suy tim).
- Ngừng tim đột ngột hoặc tử vong.
Chẩn đoán nhịp tim chậm bằng cách nào?
Khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có dấu hiệu của rối loạn nhịp chậm, bác sĩ sẽ hỏi thăm bệnh sử, tìm các triệu chứng và tiến hành thăm khám, kiểm tra. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra mạch và nghe nhịp tim của bệnh nhân
Để biết được hoạt động điện cơ bản của tim bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân đo điện tâm đồ (ECG). Tuy nhiên, việc đo ECG chỉ ghi được hoạt động điện tim trong thời gian ngắn. Để theo dõi nhịp tim của bệnh nhân trong thời gian dài hơn như một ngày hoặc nhiều ngày, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân đo điện tim liên tục trong thời gian dài (Holter ECG ).
Khi bệnh nhân đeo Holter ECG, bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt như bình thường. Khuyến cáo bệnh nhân nên ghi lại các triệu chứng xảy ra trong suốt quá trình gắn Holter ECG, dựa vào đó bác sĩ sẽ có cơ sở giúp việc chẩn đoán bệnh chính xác, đưa ra hướng điều trị thích hợp và hiệu quả.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể sử dụng kết quả điện tâm đồ trong khi thực hiện các xét nghiệm khác để biết rõ những tác động của nhịp tim chậm. Những xét nghiệm này bao gồm:
- Nghiệm pháp bàn nghiêng: xét nghiệm này giúp bác sĩ hiểu rõ hơn làm thế nào nhịp tim chậm khiến bạn bị ngất xỉu. Bạn sẽ nằm ngang trên bàn và sau đó bàn nghiêng như thể bạn đang đứng. Những thay đổi vị trí có thể gây ngất xỉu và giúp bác sĩ thiết lập một mối tương quan giữa nhịp tim và các cơn ngất xỉu;
- Kiểm tra thể lực: bác sĩ có thể theo dõi nhịp tim trong khi bạn đi trên máy chạy bộ hoặc xe đạp tại chỗ để xem liệu nhịp tim có tăng bình thường để đáp ứng với hoạt động thể lực hay không.
Sau khi bác sĩ biết chắc chắn bệnh nhân đã mắc chứng rối loạn nhịp chậm, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm thêm các cận lâm sàng để tìm nguyên nhân, bao gồm:
- Xét nghiệm máu: để tìm nguyên nhân cơ bản có thể đóng góp cho nhịp tim chậm, chẳng hạn như nhiễm trùng, suy giáp hoặc mất cân đối điện giải…
- Siêu âm tim
- Đo nồng độ thuốc làm ảnh hưởng đến nhịp tim (nếu có).
- Khảo sát điện sinh lý để đánh giá khả năng hoạt động của nút xoang, đường dẫn truyền…
Nếu nghi ngờ chứng ngưng thở khi ngủ góp phần gây ra nhịp tim chậm, bạn có thể phải làm các xét nghiệm để theo dõi giấc ngủ của mình.
Điều trị nhịp tim chậm như thế nào?
Phương pháp điều trị nhịp tim chậm phụ thuộc vào nguyên nhân bệnh lý nền gây ra nó và các triệu chứng biểu hiện. Nếu như nhịp tim chậm không gây ra bất kỳ triệu chứng nào thì sẽ không cần thiết phải điều trị, trừ khi nguyên nhân bệnh lý nền gây nên nhịp tim chậm cần phải được điều trị.
- Đặt máy tạo nhịp nhân tạo
Nếu như tổn thương của hệ dẫn truyền xung điện là nguyên nhân khiến tim đập quá chậm thì bệnh nhân có thể sẽ phải đặt máy tạo nhịp nhân tạo.
Máy tạo nhịp nhân tạo là một thiết bị được cấy ghép vào cơ thể nhằm điều chỉnh lại tần số tim. Những bệnh nhân mang máy tạo nhịp nhân tạo vẫn hoàn toàn có thể sống cuộc sống bình thường, năng động (tuy nhiên cũng còn phải tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý nền đang có).
- Điều trị những rối loạn gây nhịp tim chậm
Nếu nhịp tim chậm do một số bệnh lý gây ra (như thiểu năng tuyến giáp, hoặc mất cân bằng điện giải,…), thì thường sau khi giải quyết nguyên nhân cũng sẽ giải quyết được tình trạng nhịp tim chậm.
- Thay đổi thuốc
Nếu việc sử dụng thuốc điều trị bệnh khiến tim đập quá chậm, bác sĩ có thể chỉ định giảm liều thuốc đang sử dụng hoặc chuyển sang điều trị bằng một loại thuốc khác.
Luôn luôn tìm kiếm sự trợ giúp cấp cứu khi bản thân hoặc người xung quanh ngất xỉu hoặc có các biểu hiện của nhồi máu cơ tim.
Ví dụ như đau ngực nặng hoặc khó thở nghiêm trọng. Hãy liên lạc với bác sĩ hoặc gọi ngay số máy cấp cứu nếu thấy nhịp tim chậm hơn bình thường, thấy cơ thể như muốn đổ sụp, hay khó thở ngày càng tăng lên.
Chăm sóc bệnh nhân rối loạn nhịp chậm
Để có thể khôi phục lại nhịp tim về mức bình thường, bên cạnh việc thăm khám định kỳ, tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ tim mạch, bệnh nhân rối loạn nhịp chậm cần chú ý kết hợp các biện pháp được khuyến cáo sau:
- Từ bỏ những thói quen xấu có hại cho sức khỏe tim mạch như thói quen rượu bia, hút thuốc lá thường xuyên…
- Có chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung các loại thực phẩm tốt cho tim mạch như rau xanh, cá hồi, hạn chế mỡ động vật và các nguồn nhiều cholesterol như trứng, sữa béo,…
- Tăng cường các hoạt động thể chất, tập thể dục, chơi thể thao phù hợp.
- Chú ý cân bằng công việc, cũng như cân bằng cuộc sống, tránh áp lực, căng thẳng.
Biện pháp phòng ngừa giúp ổn định nhịp tim
Quả tim khỏe mạnh với nhịp tim ổn định giúp hỗ trợ cho các cơ quan của cơ thể hoạt động với năng suất cao và hiệu quả tốt nhất. Thế nên việc duy trì nhịp tim bình thường giúp bảo vệ sức khỏe cho hệ thống tim mạch và các cơ quan khác. Một số gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn bảo vệ quả tim của mình thật khỏe mạnh:
- Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, gây stress
Tránh những căng thẳng, áp lực dồn nén mỗi ngày. Trong cuộc sống với nhiều lo toan hiện nay con người không thể tránh khỏi những gánh nặng, áp lực mỗi ngày.
Thế nhưng điều cần làm chính là thay đổi suy nghĩ và tự tạo ra cho mình nguồn năng lượng tích cực. Những căng thẳng, stress hàng ngày chính là thủ phạm quấy rối hoạt động bình thường của nhịp tim và huyết áp.
- Chú ý chế độ ăn uống để phòng ngừa thừa cân, béo phì
Béo phì chính là một trong các yếu tố gây ra những bất thường về mỡ máu và tim mạch. Cân nặng quá mức sẽ khiến hoạt động cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng bị cản trở. Quả tim sẽ phải co bóp mạnh mẽ và nhanh chóng hơn nhằm tăng lưu lượng máu rất có hại cho tim
- Không nên hút thuốc lá, uống cà phê
Cà phê và thuốc lá là các chất kích thích có hại cho sức khỏe chúng ta, nhất là đối với tim mạch. Thuốc lá không chỉ gây hại cho phổi mà tim mạch cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học.
chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung các loại thực phẩm tốt cho tim mạch như rau xanh, cá hồi, hạn chế mỡ động vật và các nguồn nhiều cholesterol như trứng, sữa béo,…
- Luyện tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng
Mỗi cá nhân đều có chế độ luyện tập riêng tùy theo cơ địa và tình hình sức khỏe. Cần xây dựng chế độ rèn luyện phù hợp cho bản thân và thực hiện đều đặn, duy trì giúp cơ thể đảm bảo nhịp tim ổn định và bảo vệ quả tim khỏe mạnh.
Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế
Kính chào Quý Khách hàng,
Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.
PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMC
Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC
Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC
Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC