Hở van 3 lá là bệnh gì?
Tim có cấu tạo gồm 4 ngăn, 2 tâm nhĩ ở trên và 2 tâm thất nằm bên dưới. Hai tâm thất và hai tâm nhĩ được chia bởi vách ngăn. Vách ngăn giữa hai tâm nhĩ gọi là vách liên nhĩ. Vách chia giữa hai tâm thất gọi là vách liên thất. 2 van thông tâm nhĩ và tâm thất ở mỗi bên được gọi là van nhĩ thất.
Máu đỏ sẫm trở về tâm nhĩ phải từ đại tuần hoàn thông qua hai tĩnh mạch lớn gọi là tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch chủ dưới; sau đó bơm xuống thất phải và từ thất phải lên phổi để trao đổi oxy. Máu đỏ thẫm sẽ trở thành đỏ tươi sau khi trao đổi oxy ở phổi. Máu đỏ tươi này sau đó qua hai tĩnh mạch từ mỗi bên phổi trở về nhĩ trái, và được bơm từ thất trái đi khắp cơ thể.
Có 4 van tim nhằm kiểm soát dòng máu qua tim. Chúng hoạt động đóng và mở đồng bộ để cho máu không đi sai hướng.
Van nhĩ thất thông giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải còn được gọi là van 3 lá vì có cấu tạo dạng 3 cánh khép lại
Hở van 3 lá là tình trạng van 3 lá đóng không kín trong thì tâm thu khiến máu không đi hết xuống tâm thất phải mà phụt ngược lại tâm nhĩ phải 1 lượng máu khiến tim phải tăng co bóp. Theo thời gian tình trạng này có thể làm suy giảm chức năng tim.
Dấu hiệu của hở van 3 lá
Một số người mắc hở van 3 lá nhưng không gặp phải biểu hiện rõ rệt. Các dấu hiệu chỉ xuất hiện khi bệnh tiến triển đến giai đoạn trung bình hoặc nặng. Nếu may mắn, bệnh có thể được phát hiện khi người bệnh đi tầm soát sức khỏe định kỳ, hoặc thực hiện các chẩn đoán hình ảnh với mục đích chẩn đoán những bệnh lý khác.
Các biểu hiện thường gặp của hở van 3 lá khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng hơn bao gồm:
- Khó thở, đặc biệt khi người bệnh nằm hoặc gắng sức
- Đau tức ngực
- Mệt mỏi, nhất là khi hoạt động mạnh
- Chóng mặt
- Ho, đặc biệt là vào ban đêm hoặc khi nằm xuống
- Tim đập nhanh: cảm giác tim đập như trống dồn
- Sưng bàn chân/mắt cá chân hoặc tĩnh mạch ở cổ
- Tiếng thổi tim (phát hiện được khi dùng ống nghe để nghe tim)
- Phù chi dưới hoặc toàn thân. Lượng nước tiểu ít
Các mức độ của hở van 3 lá
Hở van 3 lá có thể xảy ra theo những mức độ khác nhau. Cụ thể là:
– Hở van 3 lá 1/4: Đây là mức độ hở nhẹ nhất và có thể gặp ở những đối tượng bệnh nhân có thể trạng sức khỏe tốt, thông thường là tình trạng hở van sinh lý.
– Hở van 3 lá 2/4: Tình trạng này không nhất thiết phải chữa trị vì mới ở mức độ trung bình. Tuy nhiên, người bệnh cần tái khám theo lời dặn của bác sĩ để theo dõi tiến triển của bệnh. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng khó thở, mệt mỏi tim đập nhanh…, người bệnh cần điều trị theo phác đồ phù hợp.
– Hở van 3 lá 3/4 và 4/4: Đây là những trường hợp bệnh nặng và có nguy cơ cao gây biến chứng, nhất là tình trang suy tim.
Nguyên nhân dẫn đến hở van 3 lá
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng hở van 3 lá, trong đó phổ biến nhất là sự giãn nở tâm thất phải.
Tâm thất phải có nhiệm vụ bơm máu từ tim đến phổi. Khi tâm thất phải buộc phải làm việc nhiều hơn, nó cần phải tăng kích thước và tăng lực co bóp, lâu dần gây giãn buồng tim phải. Kết quả là vòng mô hỗ trợ khả năng đóng mở của van 3 lá cũng bị giãn theo.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể tác động đến van ba lá và khiến nó hoạt động sai cách. Các yếu tố này bao gồm suy tim và bất thường cơ tim (bệnh cơ tim).
Bên cạnh đó, hở van 3 lá còn do biến chứng từ một số bệnh lý hoặc điều kiện y tế, chẳng hạn như:
- Khí phế thũng: Tình trạng bệnh khiến các phế quản, phế nang trong phổi bị tổn thương;
- Tăng áp phổi: Tình trạng tăng áp lực các động mạch trong phổi và phía bên phải của tim, khiến tâm thất phải gặp khó khăn hơn trong việc bơm máu lên phổi;
- Hẹp van động mạch phổi: Tắc nghẽn dòng máu từ tâm thất phải đến động mạch phổi;
- Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: Tình trạng nhiễm trùng các lớp lót bên trong của tim (màng trong tim), gây tổn thương van tim;
- Van tim có cấu tạo bất thường: Trong bệnh lý hiếm gặp này, van ba lá dị dạng nằm thấp hơn bình thường trong tâm thất phải, làm cho máu bị rò rỉ ngược (trào ngược) vào tâm nhĩ phải;
- Hội chứng carcinoid: Đây cũng là một hiện tượng hiếm gặp. Theo đó, các khối u phát triển ở một số vị trí trên cơ thể, như trong hệ thống tiêu hóa, lan đến gan hoặc các hạch bạch huyết và tạo ra một chất tương tự như hormone có khả năng làm hỏng các van tim, thường là van 3 lá và van động mạch phổi;
- Dây dẫn thiết bị cấy ghép: Đôi khi, quá trình đặt hoặc tháo thiết bị cấy ghép máy tạo nhịp tim hoặc dây khử rung tim có thể gây tổn thương cho van ba lá;
- Sinh thiết nội tâm mạc: Xét nghiệm mô cơ tim này có nguy cơ làm hỏng van ba lá;
- Chấn thương: Chấn thương nặng vùng ngực (xảy ra do tai nạn lao động, tai nạn xe cộ…) cũng có khả năng làm tổn thương van tim;
- Thấp khớp: Sốt thấp khớp là một biến chứng của viêm họng hạt. Nếu bệnh không được điều trị sẽ khiến van tim, bao gồm cả van ba lá, bị hỏng, dẫn đến hở van 3 lá sau này;
- Dị tật tim bẩm sinh: Một số dị tật tim bẩm sinh như dị tật Ebstein, hẹp van động mạch chủ, hẹp van động mạch phổi, thông liên nhĩ, thông liên thất… là yếu tố nguy cơ gây hở van 3 lá;
- Hội chứng Marfan: Đây là một rối loạn di truyền của mô liên kết hiện diện khi sinh, đôi lúc có liên quan đến căn bệnh này.
Hở van 3 lá gây ra những biến chứng gì?
Khi mức độ hở van 3 lá ngày càng nặng dần, người bệnh sẽ có nguy cơ gặp các biến chứng sau đây:
- Suy tim: Khi bị hở van 3 lá nặng, áp lực trong tâm thất phải tăng cao, tâm nhĩ phải sau một thời gian chứa máu giãn rộng ra. Khi đó buộc tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp lượng máu bị thiếu hụt do ít máu chảy về phía trước qua tâm thất phải để vào phổi, lâu dài có thể dẫn tới suy tim.
- Rung nhĩ: Là biến chứng nguy hiểm của hở van 3 lá (suy van, thoái hóa van) nặng. Rung nhĩ làm tim đập nhanh kịch phát (nhịp trên 160 nhịp/phút) làm tăng nguy cơ đột quỵ do cục máu đông.
- Tăng áp lực động mạch phổi: Lưu lượng máu bất thường làm tăng áp lực thất phải gây trên động mạch phổi. Lâu dài sẽ dẫn tới tăng áp động mạch phổi.
- Tạo cục máu đông và thuyên tắc phổi: Các dòng máu xoáy bất thường và tốc độ máu qua van chậm là nguy cơ tạo cục máu đông.
- Viêm nội tâm mạc: Dòng máu bất thường bào mòn lớp lót trong tim, làm nó nhạy cảm hơn với vi trùng. Điều này dễ dẫn tới viêm nội tâm mạc.
Trong đó suy tim là biến chứng thường gặp nhất, gây triệu chứng nặng nề, giảm sức lao động, và tác động xấu đến chất lượng sống. Đây là thời gian dễ phát hiện bệnh nhất, và bệnh nhân thường đến bác sĩ khám giai đoạn này. Khi có bất kì triệu chứng bất thường, đến bác sĩ khám để chẩn đoán và điều trị sớm nhất.
Hở van 3 lá được chẩn đoán bằng phương pháp nào?
Bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng từ bệnh nhân, khám các dấu hiệu bệnh lý hiện diện. Bên cạnh đó bác sĩ cũng có thể kết hợp thêm các cận lâm sàng để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác như:
- Siêu âm tim doppler: là phương tiện chính để chẩn đoán bệnh lý van 3 lá. Có thể thấy dòng máu phụt ngược từ thất lên nhĩ phải. Đồng thời chẩn đoán chính xác mức độ hở van 3 lá, và các tổn thương đi kèm.
- X quang ngực: cho thấy các dấu hiệu gián tiếp của hở van 3 lá. Chẳng hạn như lớn nhĩ phải và thất phải, tràn dịch màng phổi…
- Điện tâm đồ: thường không đặc hiệu cho chẩn đoán. Các dấu hiệu có thể gặp: lớn buồng tim, rối loạn nhịp…
- Xét nghiệm máu: giúp xác định trong một số trường hợp. Như xét nghiệm chức năng gan, và các bệnh lý do nguyên nhân khác.
Điều trị hở van 3 lá như thế nào?
Khi có những dấu hiệu bất thường, bệnh nhân cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị bệnh. Càng để bệnh lâu thì nguy cơ biến chứng suy tim càng cao, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh, hơn nữa việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn và phức tạp
Trước hết, các bác sĩ cần thăm khám và tìm nguyên nhân gây bệnh. Khi đã xác định được nguyên nhân gây bệnh và điều trị theo nguyên nhân sẽ giúp đạt được hiệu quả tốt nhất. Nếu được điều trị kịp thời, bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt và làm việc như người bình thường.
Những trường hợp hở van 3 lá ở mức độ nhẹ và chưa gây ra những triệu chứng nghiêm trọng có thể chưa cần điều trị ngay. Người bệnh nên thường xuyên theo dõi sức khỏe và cải thiện lối sống để kiểm soát bệnh hiệu quả.
Dưới đây là một số phương pháp điều trị hở van 3 lá thường được sử dụng:
Điều trị bằng thuốc
Các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc cho bệnh nhân nhằm mục đích cải thiện các triệu chứng bệnh. Các loại thuốc thường được sử dụng là:
- Thuốc ức chế men chuyển giúp tim giảm gánh nặng, giữ huyết áp ổn định, ngăn tình trạng hở van tiến triển nghiêm trọng hơn.
- Thuốc chẹn kênh beta có tác dụng ổn định nhịp tim và huyết áp cho người bệnh.
- Thuốc chẹn kênh canxi: Loại thuốc này được sử dụng với mục đích giảm cơn đau thắt ngực và hạ huyết áp.
- Thuốc chống đông máu nhằm ngăn chặn các cục máu đông hình thành, từ đó giảm nguy cơ bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Phương pháp điều trị bệnh bằng thuốc thường được áp dụng với những bệnh nhân mắc bệnh ở mức độ nhẹ và trung bình. Các bác sĩ có thể chỉ định một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc đối với từng người bệnh.
Điều các bệnh nhân nên thực hiện là tuân thủ đúng theo những hướng dẫn của bác sĩ, chẳng hạn như uống thuốc đúng liều và đúng giờ. Tuyệt đối không tự mua và sử dụng thuốc để tránh gặp nguy hiểm.
Phẫu thuật van tim
Phương pháp phẫu thuật tim phù hợp với những trường hợp bệnh nhân đã ở mức độ nặng và không đáp ứng tốt với thuốc điều trị và kích thước vòng van > 40mm. Trong đó 2 phương pháp phẫu thuật được áp dụng chủ yếu là tạo hình vòng van và sửa van.
Nếu van tim cũ không thể sử dụng được nữa, bệnh nhân sẽ cần thực hiện phẫu thuật thay van 3 lá. Tùy theo từng trường hợp, các bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân chọn loại van cơ học hoặc loại van sinh học. Sau khi thay van tim, tùy thuộc vào những loại van tim được thay mà bệnh nhân có thể phải sử dụng thuốc chống đông máu cả đời.
Mặc dù phẫu thuật thay van tim có thể gặp phải một số nguy cơ rủi ro nhất định tuy nhiên, phương pháp này vẫn được đánh giá cao và có thể kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Ngoài việc tuân thủ theo những phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh hở van 3 lá cũng nên chủ động thay đổi lối sống của mình để phòng ngừa bệnh tiến triển nặng hơn:
- Nên có chế độ ăn lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất, ưu tiên các loại rau xanh và các loại trái cây nhiều vitamin,… Đồng thời cần tránh xa những loại thực phẩm có chứa nhiều dầu mỡ, nhiều đường, muối và các loại đồ ăn chế biến sẵn.
- Nên ổn định tâm lý, tránh căng thẳng.
- Duy trì cân nặng ổn định, tránh để thừa cân béo phì.
- Tập những bài vừa sức và tập đều đặn mỗi ngày để tăng cường sức khỏe tim mạch.
- Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích khác,…
Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế
Kính chào Quý Khách hàng,
Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.
PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMC
Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC
Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC
Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC