Viêm gân gót-nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

viêm gân gót

Viêm gân gót là gì?

Gân gót chân hay còn gọi là gân Achilles, được đặt theo tên một vị thần Hi Lạp, là gân lớn và khỏe nhất trong cơ thể, nối xương gót chân và các cơ cẳng chân. Gân gót chân được coi là gân quan trọng nhất trong việc di chuyển, chạy nhảy, leo cầu thang và đứng bằng đầu ngón chân.

Viêm gân gót chân là tình trạng gân gót hoạt động quá mức dẫn tới tình trạng bị quá tải về lực và trọng lực, gây tổn thương vùng gót chân

Phân loại viêm gân gót

Về phân loại, có thể chia viêm gân gót thành hai loại theo vị trí tổn thương: viêm điểm bám gân gót và viêm sợi gân.

  • Viêm điểm bám gân gót (Insertional Achilles tendinitis) ảnh hưởng đến phần thấp nhất của gân, nơi gân bám dính vào mặt sau của xương gót
  • Viêm sợi gân (Noninsertional Achilles tendinitis) là viêm ở bất kỳ vị trí náo khác nơi bám vào xương gót của sợi gân, thường xảy ra ở người trẻ, hoạt động thể lực, thể thao nhiều.

Nguyên nhân gây viêm gân gót

Sự quá tải về lực, trọng lực trực tiếp lên gân, căng thẳng lặp đi lặp lại nhiều lần ở chân là nguyên nhân chủ yếu gây viêm gân gót. Tình trạng này thường xảy ra ở người tập thể dục quá mức, đặc biệt là vận động viên.

viêm gân gót

Gân gót là một vùng khá ít mạch máu, cách chỗ bám vào xương gót từ 3-6 cm. Sợi gân được tạo nên bởi các sợi collagen giúp gân có độ mềm mại và linh hoạt. Ngoài ra, mô liên kết với các chất đàn hồi xung quanh giúp các bó sợi trượt lên nhau khi có các chuyển động. Lượng collagen giảm dần theo độ tuổi, gân gót dần dần sẽ thiếu sự mềm mại, một động tác đột ngột huy động quá nhiều sợi gân nhỏ tham gia mà thiếu sự đàn hồi sẽ gây nên tổn thương từ mức độ nhẹ đến nặng.

Nên tổn thương gân này hay gặp ở người ngoài 30 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Người càng lớn tuổi thì dễ tổn thương gân Achilles hơn

Các nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng viêm gân gót như:

  • Không khởi động hoặc khởi động sai cách trước khi tập thể dục.
  • Bị căng cơ chân khi thực hiện những động tác lặp lại nhiều lần.
  • Chơi các môn thể thao yêu cầu đổi hướng, di chuyển nhanh như bóng đá, quần vợt, bóng rổ, bóng chuyền…
  • Gia tăng các hoạt động thể chất đột ngột mà không cho cơ thể thời gian thích nghi.
  • Đi giày không vừa chân, giày quá cũ hoặc chất lượng kém.
  • Mang giày cao gót liên tục trong thời gian dài.
  • Xuất hiện gai xương ở phía sau gót chân (gai gót chân).
  • Thoái hóa gân do tuổi tác.

Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ tổn thương gân gót chân gồm:

  • Giới tính: Bệnh phổ biến ở nam giới.
  • Tuổi tác: Người càng lớn tuổi nguy cơ bị viêm gân gót sẽ càng cao. Vì khi đó, máu lưu thông tới khu vực gân bàn chân đã giảm. Tình trạng này làm cho gân gót chân mất đi sự linh hoạt, dẻo dai và đàn hồi. Vì thế, bất kỳ tác động nào diễn ra cũng có khả năng làm tổn thương gân gót.
  • Người mắc hội chứng bàn chân bẹt có nguy cơ bị viêm gân gót chân cao. Nguyên nhân là do sức nặng cơ thể khi đó sẽ đổ dồn nhiều lên gân gót chân, tạo áp lực lớn lên khu vực này, dễ gây viêm gân gót
  • Mắc các bệnh lý: Người bệnh vảy nến hay tăng huyết áp có tỷ lệ viêm gân gót cao hơn so với người không mắc bệnh.
  • Ảnh hưởng của thuốc: Một số loại thuốc kháng sinh như fluoroquinolones có thể làm gia tăng nguy cơ viêm gân gót chân Achilles.

Dấu hiệu của viêm gân gót

Các triệu chứng hay gặp của viêm gân gót bao gồm:

  • Đau và cứng dọc theo gân vào buổi sáng.
  • Đau dọc theo gân hoặc phần sau của gót chân và tăng nặng lên khi vận động.
  • Đau nhiều vào ngày hôm sau khi vận động.
  • Sự dày lên của gân.
  • Chồi xương (trong trường hợp viêm tại điểm bám gân).
  • Sưng nề, và tăng nặng hơn khi vận động.
  • Đau gân gót khi bước đi, nhất là các động tác kéo căng gân gót
  • Nếu nghe tiếng ‘phụt’ ở mặt sau cẳng chân hoặc gót chân thì gân Achilles có thể đã bị xé rách.

Viêm gân gót nếu không điều trị sẽ có những biến chứng gì?

Biến chứng thường gặp nhất của viên gân gót chân là  hạn chế khả năng đi lại, rách hoặc tệ hơn là đứt hoàn toàn gân gót. Những trường hợp này có chỉ định can thiệp phẫu thuật để nối hoặc tái tạo lại gân gót.

Những biến chứng khác có thể xảy ra bao gồm biến dạng xương gót, nhiễm trùng nhưng thường ít gặp.

Chẩn đoán viêm gân gót bằng cách nào?

Để chẩn đoán tình trạng viêm gân gót chân, bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng và hoạt động bình thường của người bệnh. Sau đó, bác sĩ có thể ấn nhẹ vào khu vực bị tổn thương để xác định vị trí đau sưng…

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm khác như:

  • Chụp X-quang: Phương pháp chẩn đoán này giúp bác sĩ quan sát hình ảnh bàn chân và xương chân. Tuy chụp X-quang không thể cung cấp hình ảnh của gân nhưng có thể giúp bác sĩ loại trừ những nguyên nhân khác có khả năng dẫn tới những triệu chứng tương tự.
  • Siêu âm: Phương pháp này sẽ dùng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh chi tiết tại các mô mềm như gân. Ngoài ra, siêu âm cũng có thể tạo hình ảnh chuyển động của gân, qua đó bác sĩ có thể đánh giá lưu lượng máu xung quanh gân.
  • Chụp MRI: Đây là phương pháp chẩn đoán sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của gân gót chân, qua đó giúp bác sĩ phát hiện vị trí gân bị viêm.

Điều trị viêm gân gót như thế nào?

Nguyên tắc điều trị

Viêm gân gót chân gây những cơn đau nhẹ phía sau chân, khi cử động mạnh hoặc đột ngột, tình trạng đau thường nặng hơn. Viêm gân gót chân ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động của người bệnh, đặc biệt là các vận động viên thể thao cần luyện tập cường độ cao.

Do đó, nguyên tắc điều trị viêm gân gót là:

  • Hỗ trợ làm giảm các triệu chứng, đau, sưng ở gót chân.

  • Hỗ trợ tăng tốc độ phục hồi gân viêm và chức năng vận động.

  • Phòng ngừa biến chứng rách gân, yếu gân, xơ gân.

Các phương pháp điều trị thường được sử dụng như:

Điều trị không phẫu thuật: trong hầu hết các trường hợp, liệu pháp điều trị không phẫu thuật sẽ giúp cải thiện tình trạng viêm gân gót, dù sẽ mất khoảng vài tháng để các triệu chứng thuyên giảm hoàn toàn. Ngay cả với những trường hợp điều trị sớm thì tình trạng đau có thể kéo dài hơn 3 tháng. Nếu bệnh nhân có triệu chứng đau trầm trọng nhiều tháng trước điều trị thì có thể mất đến 6 tháng để các biện pháp trị liệu có hiệu quả.

  • Nghỉ ngơi:

Bước đầu tiên để giảm đau đó là giảm hoặc ngưng các vận động làm trầm trọng hơn triệu chứng đau. Nếu bệnh nhân thường xuyên tập luyện các bài tập có cường độ cao lên gân (như chạy bộ), thì việc chuyển sang chế độ tập luyện cường độ thấp lên gân sẽ giảm áp lực gây lên gân Achilles. Các môn thể thao như đạp xe, tập luyện trên máy đạp xe, hoặc bơi lội là các môn có cường độ thấp ảnh hưởng lên gân giúp bệnh nhân duy trì vận động.

  • Chườm đá:

Khi chân bị sưng đau, các mạch máu tại đây giãn ra tạo điều kiện cho các yếu tố miễn dịch đến tập trung tại vùng tổn thương gây ra hiện tượng sưng phù, việc chườm đá giúp co các mách máu từ đó làm giảm hiện tượng sưng.

Nên chườm bắt đầu từ khi gân gót chân bị viêm, có thể dùng nước đá lạnh hoặc đá viên bọc trong tấm vải mỏng, chườm từ 15 – 20 phút vào chỗ bị sưng

  • Các bài tập vật lý trị liệu:

Có thể thực hiện các bài tập kéo dài và tăng cường chức năng gân Achilles nhằm thúc đẩy quá trình chữa lành và hỗ trợ cải thiện cấu trúc gân với sự hướng dẫn của bác sĩ.

Bó bằng vải mềm co giãn để làm giảm sưng và cố định gân. Ngoài ra, có thể nâng chân lên cao hơn tim giúp giảm sưng.

  • Mang giày hỗ trợ và nẹp chỉnh hình:

 Mang miếng lót giày mềm hoặc nệm nâng nhẹ gót chân có thể làm giảm căng gân và giảm lực tác động lên gân Achilles.

  • Thuốc

Thông thường, thuốc điều trị chỉ hỗ trợ giảm đau, tăng tốc độ hồi phục viêm gân gót chân. Điều quan trọng vẫn là tạo điều kiện nghỉ ngơi, chăm sóc tốt nhất để gân viêm bị tổn thương có thể tự phục hồi. Các loại thuốc giảm đau thường được kê trong trường hợp này là thuốc không Steroid hoặc Corticoid. .

Tuy nhiên những thuốc điều trị này đều gây tác dụng phụ nhất định, ảnh hưởng đến dạ dày và sức khỏe nên tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc giảm đau. Sử dụng thuốc giảm đau theo đơn sẽ giúp kiểm soát liều lượng và thời gian sử dụng, vừa đạt hiệu quả điều trị tốt vừa không gây hại cho sức khỏe.

Nếu không đỡ, bác sĩ có thể tiêm thuốc vào gân để điều trị nhưng không được lạm dụng

 Vì nếu lạm dụng việc tiêm cortisone có thể làm tăng các tác dụng phụ như: Tổn thương sụn, nhiễm trùng khớp, tổn thương thần kinh, tăng lượng đường trong máu tạm thời, có thể làm yếu đi vùng gân, cơ hoạt động tại vị trí tiêm hoặc thậm chí gây đứt gân gan chân, gây loãng xương, mỏng da và mô mềm xung quanh vết tiêm….

Ngoài ra, có thể sử dụng một số thuốc bôi ngoài da có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng đau ở gót chân. Việc dùng thuốc kháng sinh điều trị viêm gân gót chân chỉ dùng trong một số trường hợp bị nhiễm trùng và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

  • Điều trị viêm gân gót giai đoạn sớm bằng huyết tương giàu tiểu cầu

Ở giai đoạn viêm cấp, gân bị phù nề với thành phần chống viêm được đưa đến vùng tổn thương giúp chữa lành. Giai đoạn viêm mãn tính, trong gân xuất hiện những mạch máu mới và các sợi gân chưa trưởng thành nên rất dễ gây rách và đứt gân. Tổn thương gân Achilles thường cần rất cần rất nhiều thời gian để hồi phục. Dưới máy siêu âm có thể thấy được sự tăng sinh mạch máu do viêm và sự thay đổi mô xung quanh gân. Sau giai đoạn viêm cấp, gân sẽ dày lên, mất độ đàn hồi.

Huyết tương tươi giàu tiểu cầu lấy từ máu tự thân, tiêm trực tiếp bằng một mũi kim vào đúng vị trí gân viêm với hướng dẫn của máy siêu âm sẽ giúp thúc đẩy quá trình hàn gắn tự thân diễn ra nhanh hơn, sớm hơn. Vì vậy, tiêm PRP giúp giảm đau hiệu quả đồng thời rút ngắn thời gian hồi phục. Mỗi chu kỳ điều trị gồm 3 lần tiêm. Ngoài ra, một bài tập phục hồi chức năng tăng sức gân ở tư thế trung gian hoặc vật lý trị liệu với các thiết bị phụ trợ cũng giúp giảm đau.

Phẫu thuật:

Đa số các trường hợp viêm gân gót chân đều không quá nghiêm trọng và có thể tự phục hồi bằng các phương pháp điều trị trên. Tuy nhiên ở vận động viên thể thao hoặc những người bị tổn thương nghiêm trọng, để lấy lại chức năng vận động như ban đầu, phẫu thuật can thiệp sẽ được xem xét.

Phẫu thuật sẽ cắt lọc các đoạn thoái hóa của gân gót, cắt bỏ các gai xương to gây kích thích gân và các mô của túi hoạt dịch viêm, khâu tăng cường chỗ bám của gân gót vào xương gót với các neo bằng kim loại hay chất dẻo nếu gân gót bị thoái hóa. Thực hiện căn chỉnh vị trí gân tổn thương, nối liền nếu gân bị rách, đứt. Tuy nhiên cần thời gian dài hơn sau phẫu thuật, bệnh nhân cũng cần nằm viện theo dõi, nghỉ ngơi lâu hơn.

Phòng ngừa viêm gân gót bằng cách nào?

Để hạn chế nguy cơ viêm gân gót chân, bạn nên lưu ý:

  • Tránh tăng mức độ hoạt động đột ngột: Nếu vừa bắt đầu chế độ tập luyện, bạn nên thực hiện từ từ, tăng dần thời lượng và cường độ tập luyện để cơ thể có thời gian thích nghi, tránh gây áp lực lên gót chân.
  • Không hoạt động quá sức: Bạn nên tránh những hoạt động gây căng thẳng quá mức cho gân. Nếu phải tham gia các hoạt động gắng sức, bạn cần khởi động trước để làm ấm cơ thể, giúp các cơ và mô liên kết linh hoạt hơn khi bước vào bài tập chính. Trong lúc tập, nếu cảm thấy đau, bạn nên dừng lại ngay và nghỉ ngơi.
  • Kéo căng cơ bắp: Bạn nên dành thời gian để kéo căng cơ bắp và gân chân vào mỗi buổi sáng trước khi tập thể dục. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng viêm tái phát, tăng cường sức khỏe cho gân và cơ, hạn chế tình trạng viêm.

viêm gân gót

  • Tránh chạy trên những mặt phẳng cứng hay dễ trượt.
  • Chọn quần áo phù hợp với loại hình luyện tập.
  • Đa dạng hóa bài tập: Bạn có thể thay thế những bài tập cường độ cao như chạy, leo cầu thang, bật nhảy… bằng những bài tập cường độ thấp như đi bộ, bơi lội… Điều này sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng tăng sức ép quá nhiều lên gân Achilles, gây chấn thương.
  • Chọn giày phù hợp: Ngoài việc vừa vặn với chân, giày tập cần hỗ trợ tốt cho tất cả các hoạt động của bàn chân
  • Hạn chế mang giày cao gót.

Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế

Kính chào Quý Khách hàng,

Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…

Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.

Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.

Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.