U xơ tử cung và 10 câu hỏi thường gặp

u xơ tử cung

U xơ tử cung là gì?

U xơ tử cung (Fibroids) là loại khối u thường gặp nhất ở tử cung, là khối u lành tính của tế bào cơ trơn tử cung và thường gặp ở phụ nữ từ 35 – 50 tuổi.

U xơ hình thành khi một tế bào cơ trơn phân chia nhiều lần và phát triển thành một khối vững chắc, đàn hồi, tách khỏi phần còn lại của thành tử cung. Chúng có thể phát triển thành một khối hoặc nhiều khối với các kích cỡ khác nhau. Có bốn loại u xơ thường gặp như sau:

  • U xơ dưới thanh mạc: Là loại thường gặp nhất, khối u phát triển từ cơ tử cung hướng ra phía ngoài tử cung, thường tạo khối rõ, có thể có cuống gây xoắn và hoại tử u.
  • U xơ trong cơ tử cung: Khối u nằm trong cơ tử cung, thường nhiều khối làm cho tử cung to lên một cách toàn bộ.
  • U xơ dưới niêm mạc: Đây là loại u xơ tử cung ít gặp nhất, u phát triển từ cơ tử cung nhưng hướng về phía lòng tử cung, đội lớp niêm mạc lên, có khi to chiếm toàn bộ buồng tử cung. U xơ dưới niêm mạc đôi khi có cuống, có thể thò ra ngoài cổ tử cung gây nhiễm trùng.

Đôi khi, u xơ xảy ra trong dây chằng rộng (trong dây chằng), vòi trứng, hoặc cổ tử cung.

u xơ tử cung

U xơ tử cung rất phổ biến, tỷ lệ mắc phải có thể nhiều hơn so với thực tế vì nhiều trường hợp khối u có đường kính nhỏ không phát hiện được trên lâm sàng. Các khối u nhỏ có ít triệu chứng, không nguy hiểm, nhưng khi khối u lớn hơn có thể gây rối loạn kinh nguyệt, đau do chèn ép, ảnh hưởng đến quá trình mang thai và thậm chí gây vô sinh.

U xơ tử cung có thể gây ra những triệu chứng gì?

U xơ tử cung nhỏ thường không có triệu chứng. Do đó u xơ tử cung thường được phát hiện khi đi khám phụ khoa vì lý do y tế khác như chậm có thai, vô sinh, khám thai, tầm soát ung thư phụ khoa.  Đối với những khối u xơ lớn có thể khiến bạn gặp nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm:

  • Kinh nguyệt không đềuTriệu chứng ban đầu của u xơ tử cung có thể là rối loạn kinh nguyệt như kinh nguyệt kéo dài, máu kinh ra nhiều kèm theo những mảnh mô vụn nội mạc tử cung, xuất huyết bất thường… Ra máu kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu máu toàn thân, xanh xao, gầy sút.
  • Đau bụng dưới: Khối u xơ lớn tác dụng lên vùng bụng khiến người bệnh luôn có cảm giác đau vùng bụng, cảm giác như đau bụng kinh. Những cơn đau này có thể kéo dài hoặc chia thành từng cơn.
  • Khí hư ra nhiều: Người bị u xơ tử cung sẽ tiết ra nhiều khí hư bất thường, đặc biệt là có mùi rất khó chịu.
  • Tiểu nhiều, đi tiểu liên tục: Khối u xơ lớn chèn ép lên bàng quang gây ra hiện tượng tiểu nhiều ở người bệnh u xơ tử cung.
  • Táo bón: Khối u ngày càng to sẽ chèn ép lên ruột và dạ dày khiến người bệnh gặp phải những vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, táo bón, đau khi đi đại tiện.
  • Đau, chảy máu sau khi quan hệ tình dục, khó mang thaiNgười mắc bệnh u xơ tử cung có thể bị đau khi quan hệ mà không rõ nguyên nhân. Khi khối u lớn bệnh nhân sẽ cảm thấy như có cục u cứng ở vùng bụng dưới, thiếu máu, chóng mặt, đau đầu, cơ thể mệt mỏi… khó khăn trong việc thụ thai, gây vô sinh hiếm muộn.

Nguyên nhân gây u xơ tử cung là gì?

Nguyên nhân chính xác gây u xơ tử cung vẫn chưa được biết, nhưng nhiều giả thuyết cho rằng u xơ tử cung là do ảnh hưởng của hormone và/hoặc di truyền.

Theo một số nghiên cứu, hormone estrogen và progesterone có ảnh hưởng đến sự phát triển của u xơ. U xơ phát triển khi nồng độ các hormone này cao, đặc biệt là khi mang thai. Và u xơ có xu hướng nhỏ lại hoặc không phát triển trong thời kỳ mãn kinh hoặc khi dùng thuốc kháng hormone.

Ở phụ nữ bị u xơ tử cung, người ta nhận thấy nội tiết tố tăng trưởng tăng cao, do đó nội tiết tăng trưởng cũng có thể đóng một vai trò nào đó trong sự xuất hiện của u xơ tử cung.

Tuy nhiên, nguyên nhân gây u xơ tử cung vẫn cần được nghiên cứu thêm.

Những ai có nguy cơ dễ mắc u xơ tử cung?

U xơ tử cung là tình trạng phổ biến mà nhiều chị em gặp phải trong cuộc đời. Dù nguyên nhân dẫn đến bệnh vẫn chưa được xác định rõ nhưng một số đối tượng có các yếu tố dưới đây được cho là có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường:

  • Tuổi tác: U xơ trở nên phổ biến hơn khi phụ nữ trưởng thành đặc biệt là ở độ tuổi 30, 40 và đến tuổi mãn kinh. Sau khi mãn kinh, u xơ ít hình thành hơn, hoặc nếu trước đó có u xơ thì khối u có xu hướng nhỏ dần.
  • Tiền sử gia đình: Nếu gia đình có thành viên bị u xơ tử cung thì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu người mẹ bị u xơ tử cung, nguy cơ mắc phải của con gái sẽ cao hơn 3 lần so với mức trung bình.
  • Nguồn gốc dân tộc: Theo nghiên cứu phụ nữ Mỹ gốc Phi có nhiều khả năng bị nhân xơ tử cung cao hơn so với phụ nữ ở các sắc tộc khác.
  • Béo phì: Phụ nữ thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đặc biệt đối với những phụ nữ quá nặng cân, nguy cơ này cao hơn mức trung bình từ hai đến ba lần

U xơ tử cung có nguy hiểm không?

Mặc dù nhân xơ tử cung thường không nguy hiểm, nhưng nó có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Chảy máu kéo dài gây thiếu máu.
  • Chèn ép vào niệu quản gây ra hậu quả ứ đọng bể thận. Biến cố nhẹ gây đái rắt, bí tiểu.
  • Chèn ép trực tràng gây táo bón kéo dài.
  • Chèn ép tĩnh mạch gây phù chi dưới.
  • Xoắn khối u.
  • Nhiễm khuẩn xảy ra ở ngay khối u, niêm mạc tử cung và ống dẫn trứng.
  • Thoái hóa, hoại tử vô khuẩn.

U xơ tử cung có ảnh hưởng tới thai kỳ không?

Trường hợp có u xơ trong lúc mang thai có thể sẽ gây ra một số biến chứng trong quá trình mang thai. Các khối u có thể làm nhau thai bong sớm, làm cho bào thai thiếu máu nuôi, thai kém phát triển và sinh non. Các khối u sẽ làm nhau bám thấp, làm cho người mẹ khó sinh tự nhiên mà phải nhờ vào sinh mổ.

Hầu hết các trường hợp u xơ khi mang thai vẫn có quá trình phát triển thai bình thường. Tuy nhiên, các khối u sẽ lớn nhanh hơn trong lúc mang thai.

U xơ tử cung có nguy cơ phát triển thành ung thư không?

Trong tất cả các trường hợp, bệnh nhân mắc u xơ tử cung cần tầm soát, siêu âm để theo dõi sự phát triển của khối u. Không nên chủ quan khi thấy khối u không gây chèn ép khó chịu mà bỏ qua việc tái khám định kỳ. Bởi vì u xơ tử cung vẫn có nhiều khả năng phát triển âm thầm, tăng kích thước, số lượng. Đến lúc các khối u phát triển to ra sẽ gây nguy hiểm và đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Người bệnh thường rất lo lắng về khả năng ung thư hóa của u xơ tử cung. Nhưng trên thực tế tỷ lệ biến đổi từ u xơ tử cung thành sarcom cơ tử cung rất thấp, một số tài liệu báo cáo tỷ lệ chỉ gặp dưới 0,1%. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan mà cần điều trị sớm, kịp thời nhằm kiểm soát và tránh biến chứng nguy hiểm.

U xơ tử cung được chẩn đoán bằng phương pháp nào?

Bác sĩ sẽ khai thác các trệu chứng và khám vùng chậu của bạn. Nếu có dấu hiệu u xơ, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm các xét nghiệm sau:

  • Siêu âm: Nếu cần chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm. Phương pháp này sử dụng sóng âm để ghi hình tử cung nhằm xác định chẩn đoán và định vị cũng như đo kích thước u xơ. Bác sĩ sẽ di chuyển đầu dò siêu âm trên bụng (ngả bụng) hoặc đặt nó vào trong âm đạo (siêu âm đầu dò) để tiến hành lấy hình ảnh tử cung.
  • Xét nghiệm máu: Nếu bạn bị xuất huyết âm đạo bất thường, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm. Chúng bao gồm công thức máu (CBC) để xem bạn thiếu máu do mất máu mãn tính hay không và các xét nghiệm máu khác để loại trừ rối loạn đông máu hoặc bệnh lý tuyến giáp.

Nếu siêu âm không thể cho biết nguyên nhân chính xác, bạn sẽ phải thực hiện các cách chẩn đoán hình ảnh khác như:

  • Siêu âm tử cung, còn được gọi là siêu âm bơm nước muối, sử dụng nước muối vô trùng để làm rộng buồng tử cung ra, giúp việc quan sát các u xơ dưới niêm mạc và niêm mạc tử cung dễ dàng hơn. Xét nghiệm này có thể hữu ích trong trường hợp bạn bị ra máu nặng khi hành kinh, hoặc ở những phụ nữ chậm có thai.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): phương pháp này có thể cho thấy kích thước, vị trí của u xơ, nhận ra các loại u khác nhau và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
  • Chụp tử cung vòi trứng có cản quang: sử dụng chất cản quang để quan sát rõ buồng tử cung và vòi trứng trên phim X-quang. Bác sĩ thường chỉ định thủ thuật này khi bạn bị vô sinh. Ngoài việc có thể phát hiện một vài u xơ dưới niêm mạc, nó còn giúp bác sĩ xem vòi trứng có bị tắc hay không.

U xơ tử cung điều trị như thế nào?

Điều trị u xơ tử cung có thể khác nhau tùy thuộc vào kích thước, số lượng và vị trí của u xơ, cũng như những triệu chứng mà khối u gây ra.

Nếu bạn không gặp bất kỳ triệu chứng nào do u xơ ở tử cung, bạn có thể không cần điều trị mà chỉ cần theo dõi khối u. Ở những người tiền mãn kinh/mãn kinh thông thường khối u sẽ không gây triệu chứng cũng không cần điều trị vì sau khi mãn kinh, khối u sẽ nhỏ đi.

Các phương pháp điều trị u xơ tử cung phổ biến hiện nay bao gồm: Điều trị nội khoa, can thiệp ít xâm lấn và phẫu thuật.

Nội khoa

Với các u xơ tử cung nhỏ gây chảy máu, cần điều trị nội khoa (sử dụng thuốc) để hạn chế sự phát triển của khối u và điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, hạn chế rong kinh, rong huyết.

Can thiệp mạch

Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn được áp dụng trong thời gian gần đây. Mục đích làm tắc động mạch tử cung hoặc tắc mạch chọn lọc cấp máu cho khối u, làm cho khối u thiếu máu nuôi dưỡng và giảm kích thước, có thể teo nhỏ hoặc hoại tử. Các bác sĩ có thể thực hiện điều này thông qua điện quang can thiệp hoặc mổ nội soi thắt động mạch tử cung.

Sau thủ thuật nút mạch, người phụ nữ phục hồi nhanh hơn sau khi cắt bỏ tử cung hoặc bóc nhân xơ. Tuy nhiên tỷ lệ biến chứng và số lần quay lại khám có xu hướng cao hơn. Tỷ lệ điều trị thất bại là 20 – 23%. Trong những trường hợp như vậy, cần phải điều trị dứt điểm bằng phẫu thuật cắt tử cung.

Phẫu thuật

phẫu thuật u xơ tử cung

Phẫu thuật thường được chỉ định trong các trường hợp:

  • U xơ gây biến chứng rong kinh, rong huyết mà điều trị nội khoa không hiệu quả.
  • U xơ tồn tại cùng với các tình trạng khác như: u nang buồng trứng, loạn sản cổ tử cung, sa sinh dục…
  • U xơ to, chèn ép vùng xung quanh.
  • U xơ làm biến dạng buồng tử cung.
  • U xơ dưới niêm mạc gây chảy máu và nhiễm khuẩn.

Phẫu thuật điều trị xơ tử cung có thể tiến thành mổ nội soi hoặc mổ mở. Phẫu thuật bao gồm bóc tách nhân sơ bảo tồn chức năng của tử cung, cắt tử cung bán phần hay cắt tử cung hoàn toàn. Việc chọn phương pháp như thế nào sẽ được áp dụng cho từng đối tượng cụ thể theo tuổi tác, tình trạng bệnh lý, số lần có thai và mong muốn có thai.

 U xơ tử cung có thể phong ngừa không?

Nguyên nhân gây u xơ tử cung chưa rõ ràng vì vậy vẫn chưa có phương pháp để ngăn ngừa u xơ tử cung. Nhưng các khuyến nghị dưới đây được xem xét:

  • Phụ nữ ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn dường như có nguy cơ cao hơn. Và ăn đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, bổ sung thêm sản phẩm từ sữa có thể làm giảm nguy cơ phát triển u xơ tử cung.
  • Tập thể dục giúp ngăn ngừa béo phì – một yếu tố nguy cơ phát triển khối u.

Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế

Kính chào Quý Khách hàng,

Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…

Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.

Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.

Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.


PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMClogo

Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC

Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC

Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC