Tiền mãn kinh-14 dấu hiệu thường gặp và cách điều trị

tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh là gì?

Thời kỳ mãn kinh thường rơi vào độ tuổi 45 – 55, đánh dấu sự kết thúc quá trình sinh sản ở người phụ nữ. Nói cách khác, khi nào bạn ngừng có kinh nguyệt, đó là lúc bạn chính thức mãn kinh.

Tiền mãn kinh (Perimenopause) là giai đoạn xảy ra trước thời kỳ mãn kinh. Người ta còn gọi đây là giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh. Trong giai đoạn này, nồng độ estrogen, một loại hormone nữ bắt đầu giảm dần, khiến chu kỳ kinh nguyệt diễn ra không đều và sau đó bạn sẽ mất kinh hoàn toàn.

Tùy theo cơ địa mỗi người, thời kỳ này có thể diễn ra vào các lứa tuổi khác nhau. Đồng thời, mỗi người cũng sẽ có những triệu chứng không giống nhau

Nguyên nhân gây rối loạn tiền mãn kinh

Phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh trước khi mãn kinh từ 8 – 10 năm, tức là ở độ tuổi 37 – 45. Đây là giai đoạn hoạt động của hệ trục vàng Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng suy giảm, không sản xuất đủ bộ ba nội tiết tố nữ là: estrogen, progesterone, testosterone để đáp ứng mọi hoạt động của cơ thể.

Sự suy giảm hệ trục Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng dẫn đến thay đổi bộ 3 nội tiết tố EstrogenProgesteroneTestosterone trong cơ thể là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng rối loạn tiền mãn kinh ở phụ nữ. Độ tuổi càng cao, quá trình sụt giảm càng diễn ra mạnh mẽ và nhanh chóng, dẫn đến những rối loạn của thời kỳ này.

Tuy nhiên, một số người có thể bước vào thời kỳ mãn kinh sớm hơn bình thường do:

  • Có mẹ hoặc chị gái cũng bị mãn kinh sớm
  • Suy buồng trứng sớm
  • Đã cắt bỏ tử cung hoặc toàn bộ buồng trứng
  • Trải qua hóa trị và xạ trị trong quá trình điều trị ung thư
  • Mắc một số chứng bệnh như rối loạn chuyển hóa, rối loạn hệ miễn dịch…
  • Hút thuốc lá nhiều năm vì thuốc lá là yếu tố nguy hại làm giảm nồng độ nội tiết tố nữ trong cơ thể.

Những dấu hiệu của tiền mãn kinh

dấu hiệu tiền mãn kinh

  • Kinh nguyệt không đều:

Rối loạn kinh nguyệt là triệu chứng dễ nhận thấy đầu tiên của thời kì tiền mãn kinh. Kỳ kinh có thể đến sớm hoặc muộn, số ngày hành kinh có thể ngắn hoặc dài, lượng máu kinh có thể ra nhiều hoặc ra nhỏ giọt, chu kỳ sẽ trở nên thưa hơn (2 tháng hoặc hơn 3 tháng mới thấy kinh), thậm chí mất kinh trong thời gian dài.

  • Giảm khả năng sinh sản

Dấu hiệu tiền kinh mãn kinh tiếp theo là giảm khả năng thụ thai. Nguyên do là chu kỳ kinh nguyệt không đều khiến sự rụng trứng trở nên bất thường. Tuy nhiên, miễn là bạn vẫn có kinh, sự thụ thai vẫn có thể xảy ra. Nếu bạn không muốn có con nữa, hãy sử dụng biện pháp tránh thai cho đến khi bạn không có kinh liên tục trong 12 tháng.

  • Âm đạo mỏng, khô, dễ nhiễm trùng đường tiết niệu:

Ở giai đoạn này, âm đạo của phụ nữ có sự thay đổi đáng kể, thành âm đạo trở nên mỏng, khô, dễ bị nhiễm khuẩn và tổn thương khi quan hệ.

Bên cạnh đó, nội tiết tố nữ giảm làm mô của âm đạo và niệu đạo bị mất tính đàn hồi, gây tiểu không tự chủ khi ho hoặc cười, âm hộ teo cản trở việc đạt cực khoái, từ đó suy giảm ham muốn sinh dục ở nữ giới. Hơn nữa, lượng estrogen thấp có thể dễ gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu.

  • Bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm

Theo thống kê, có khoảng 2/3 phụ nữ trải qua giai đoạn tiền mãn kinh gặp phải hiện tượng này.

Bốc hỏa là cảm giác nóng đột ngột, thường là xung quanh mặt và phần trên cơ thể. Khi bị bốc hỏa, mặt, ngực của bạn cũng có thể có màu đỏ và bạn thường đổ nhiều mồ hôi.

Cảm giác nóng bừng từ ngực lên vai, cổ và mặt, thường kéo dài trong khoảng 2 – 3 phút hoặc lâu hơn là biểu hiện hay gặp của phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh. Mỗi ngày, bạn có thể bị triệu chứng khó chịu này “ghé thăm” nhiều lần, đặc biệt trong lúc ngủ.

Một số phụ nữ còn gặp phải tình trạng tim đập nhanh. Khi cơn bốc hỏa qua đi, bạn có thể cảm thấy ớn lạnh.

Triệu chứng đổ mồ hôi đêm cũng diễn ra tương tự, bạn có thể bị đánh thức bởi cơ thể ướt đẫm mồ hôi. Có người bị đổ mồ hôi nhiều đến mức phải thay quần áo và drap trải giường.

  •  Rối loạn giấc ngủ

Ở giai đoạn này, chị em thường ngủ không ngon giấc, hay mê sảng, thức giấc nhiều lần trong đêm do nội tiết bị xáo trộn hoặc do cơ thể nóng ran, vả nhiều mồ hôi về đêm.

Hãy cải thiện chứng rối loạn giấc ngủ bằng cách thiết lập thói quen ngủ đúng giờ, ngủ trước 23h, không ngủ trưa quá nhiều (tối đa 30 phút), không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ 2 giờ. Nếu tình trạng vẫn không cải thiện mà có chiều hướng nghiêm trọng hơn, bạn cần nói chuyện với bác sĩ để tìm ra biện pháp khắc phục hiệu quả.

  • Tâm trạng thay đổi thất thường, dễ nổi giận vô cớ:

Ở giai đoạn tiền mãn kinh, tâm trạng phụ nữ thay đổi rất thất thường: dễ buồn, lo lắng, hồi hộp, chán nản, hay nổi giận vô cớ, stress kéo dài, thậm chí bị trầm cảm.

Nguyên nhân là do sự thay đổi nồng độ estrogen có thể tác động đến những thay đổi của não và hệ thần kinh. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và làm cản trở giấc ngủ ngon. Mặt khác, tình trạng thiếu ngủ có thể gây ra rối loạn tâm trạng.

  • Dễ tăng cân

Trong giai đoạn tiền mãn kinh, nhiều phụ nữ bị tăng cân. Khoảng 2/3 phụ nữ trong độ tuổi từ 40 – 59 và khoảng 3/4 phụ nữ trên 60 tuổi bị thừa cân. Tăng cân quá mức có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim, cao huyết áp, các vấn đề về hô hấp, ung thư cổ tử cung, ung thư vú và có thể làm tăng các cơn bốc hỏa.

Nguyên nhân là trong thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen giảm khiến việc lưu trữ chất béo chuyển từ hông, đùi sang bụng. Khi estrogen giảm, cơ thể có xu hướng lưu trữ nhiều chất béo hơn và làm chậm khả năng đốt cháy chất béo của quá trình trao đổi chất. Thêm một nguyên nhân khác gây tăng cân nữa là khi cơ thể già đi, chúng ta thường tập thể dục ít hơn và ăn nhiều hơn.

  • Đau đầu, chóng mặt:

Triệu chứng thời kỳ tiền mãn kinh ở mỗi người là hoàn toàn khác nhau song đa phần chị em phải đối mặt với tình trạng đau đầu, chóng mặt. Một số biểu hiện đi kèm thường là hoa mắt dẫn tới mất thăng bằng khi đứng hoặc đi bộ, ù tai, cơ thể yếu đi, buồn nôn, mệt mỏi,…

  • Thay đổi mức cholesterol

Hệ trục não bộ – tuyến yên – buồng trứng suy giảm dẫn đến sự sụt giảm nội tiết tố trong cơ thể kéo theo những thay đổi bất lợi về mức cholesterol trong máu, bao gồm cả sự gia tăng cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) – cholesterol xấu và sụt giảm cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) – cholesterol tốt. Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ở phụ nữ.

  • Giảm mật độ xương và tăng nguy cơ loãng xương

Một triệu của chứng tiền mãn kinh khác là giảm dần mật độ xương và gia tăng nguy cơ loãng xương, khiến xương giòn và dễ gãy hơn. Lý do là vì nồng độ estrogen bị suy giảm mà estrogen lại có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của xương. Từ đó kéo theo khả năng bị loãng xương và gãy xương cũng dễ xảy ra hơn.

  •  Đau nhức

Sự thay đổi nồng độ hormone khi phụ nữ bước vào tuổi tiền mãn kinh là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm xương khớp, tức ngực.

  • Suy giảm trí nhớ

Những thay đổi trong nội tiết tố cùng với các triệu chứng tiền mãn kinh khác (như thay đổi tâm trạng và rối loạn giấc ngủ), có thể khiến trí nhớ của bạn suy giảm. May mắn là chứng mau quên sẽ được khắc phục khi bạn bước sang tuổi mãn kinh.

  • Nhan sắc phai tàn, tuột dốc:

Hội chứng tiền mãn kinh khiến nhan sắc của người phụ nữ bị tụt dốc nhanh chóng: vòng 1, vòng 3 trở nên nhão xệ, vòng 2 bắt đầu tích mỡ, da xuất hiện nhiều vết nám, sạm, nhăn, tóc gãy rụng,…

Tiền mãn kinh còn khiến cho làn da của bạn dần bị khô ráp, chảy xệ, mỏng đi, dễ kích ứng và bầm tím… Ngoài ra, ở giai đoạn tiền mãn kinh, bạn cũng có thể bị mụn trứng cá, phát ban, đặc biệt các vết thương ngoài da lâu lành hơn so với trước kia.

Suy giảm nối tiếp suy giảm. Tình trạng mất dần collagen khiến khả năng đàn hồi của da bị giảm, các nếp nhăn hình thành. Bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách thoa kem dưỡng ẩm hàng ngày. Điều này giúp làm dịu làn da của bạn, phần nào tránh được các kích ứng.

  • Mắt và miệng bị khô

Một triệu chứng tiền mãn kinh khác là mắt và miệng bị khô. Phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh thường bị khô mắt, viêm mắt, mắt dễ bị kích thích. Tình trạng mắt khô khiến nhiều người không thể đeo kính áp tròng thường xuyên do thiếu chất bôi trơn trên mô che nhãn cầu.

Ngoài ra, họ cũng có thể bị khô miệng gây khó chịu. Tình trạng khô miệng có thể nghiêm trọng đến mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Thiếu nước bọt có thể dẫn đến tăng nguy cơ sâu răng, bệnh nha chu, viêm nướu…

Giải pháp để chống lại triệu chứng tiền mãn kinh này là giữ vệ sinh răng miệng thật sạch, ăn nhiều rau xanh, trái cây và uống nhiều nước.

Điều trị triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh bằng cách nào?

Tiền mãn kinh và mãn kinh là hai giai đoạn xảy đến một cách tự nhiên trong cuộc đời người phụ nữ. Những triệu chứng mà nó gây ra, tuy khó chịu nhưng hoàn toàn bình thường và sẽ tự biến mất mà không phải can thiệp bằng thuốc.

Tuy nhiên, không ít trường hợp xảy ra không theo quỹ đạo, tức là đến sớm hơn (trước 35 tuổi) hoặc muộn hơn (sau 50 tuổi), đồng thời mang theo rất nhiều triệu chứng bất tiện, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và công việc của các chị em. Đó chính là tình trạng rối loạn tiền mãn kinh, cần được can thiệp kịp thời để mọi thứ quay trở về đúng “quỹ đạo”.

Tùy từng trường hợp mà bác sĩ có chỉ định điều trị bằng thuốc, liệu pháp bổ sung nội tiết tố… nhưng đa phần phụ nữ có thể khắc phục những rắc rối của giai đoạn này bằng những giải pháp đơn giản:

Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, điều độ:

Để giúp người phụ nữ đi qua giai đoạn tiền mãn kinh này một cách nhẹ nhàng, ít khó chịu thì việc xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học cực kỳ quan trọng.

  • Chị em nên bổ sung đầy đủ các thực phẩm giàu omega 3 và omega 6 có nhiều trong đậu nành, hạt hướng dương, dầu mè, rong biển,…
  • Nên “kết bạn” với rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt để bổ sung chất xơ, vitamin và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt là những nhóm thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp làm chậm quá trình lão hóa cơ thể như: súp lơ, rau bina, xà lách, khoai lang, ớt chuông,…
  • Tăng cường bổ sung các chất đạm có lợi trong các loại cá biển như cá hồi, cá thu, cá trích,… trong chế độ ăn uống hằng ngày. Điều này giúp giảm lượng cholesterol xấu hấp thu vào máu, hạn chế nguy cơ các bệnh về tim mạch, cao huyết áp.
  •  Bên cạnh đó, khi nguy cơ loãng xương tăng lên, chị em cũng cần tăng lượng canxi lên 1.200mg/ngày. Vitamin D cũng rất quan trọng vì giúp cơ thể hấp thụ canxi tối đa. Hãy làm bạn với sữa không đường tách béo, các loại đậu, động vật có vỏ, trứng… vì đây là nguồn canxi dồi dào.
  • Hạn chế các thực phẩm có chứa nhiều đường hoặc chất béo. Chị em cũng nên tránh các đồ uống có cồn (cà phê, bia, rượu,…), các chất kích thích.

Về chế độ sinh hoạt

Lối sinh hoạt khoa học sẽ giúp bạn đẩy lùi các triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh. Cụ thể:

  • Tập thể dục hàng ngày
  • Ngừng hút thuốc lá
  • Hạn chế uống rượu bia
  • Lập kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, luôn giữ tâm trạng vui vẻ:
  • Cố gắng tạo cho mình giấc ngủ ngon và ngủ đủ 7 – 8 giờ/ngày
  • Duy trì cân nặng ổn định với chỉ số BMI trong giới hạn bình thường

Sử dụng thuốc

tiền mãn kinh

Trong trường hợp các triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh của bạn trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, bác sĩ sẽ dùng đến một số loại hormon thay thế (bổ sung Estrogen và Progesterone); điều trị nội tiết (bao gồm điều trị estrogen toàn thân hoặc khu trú, liệu pháp nội tiết estrogen và progesterone kết hợp, điều trị estrogen có kèm hay không kèm với progesterone…).

Tuy nhiên, việc uống loại thuốc nào, liều lượng bao nhiêu, điều trị trong thời gian bao lâu… cần được bác sĩ cân nhắc kỹ lưỡng nhằm tránh những rủi ro xảy đến cho sức khỏe. Do đó, chị em không nên tự ý uống thuốc mà cần đến cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa phụ sản để được kiểm tra sức khỏe và được bác sĩ chỉ định dùng thuốc đúng cách.

Vai trò của y học cổ truyền trong việc cải thiện các triệu chứng của rối loạn tiền mãn kinh

Theo cơ sở lý luận của y học cổ truyền, hội chứng  tiền mãn kinh là do rối loạn chức năng tạng phủ của một số cơ quan như thận, tâm, can và tỳ, cũng như các sản phẩm bệnh lý gây bệnh do rối loạn chức năng đó gây ra như hỏa vượng, huyết ứ, khí trệ, đờm thấp ứ đọng.

Hậu quả là mất phối hợp khí và huyết, nóng lạnh bất hòa, âm dương mất cân bằng.

Các liệu pháp điều trị y học cổ truyền, cả tiêu chuẩn hóa và cá nhân hóa, được điều chỉnh theo từng phân tầng bệnh cảnh.

Các đơn thuốc thảo dược phổ biến nhất để điều trị bệnh nhân rối loạn tiền mãn kinh- mãn kinh là Quy tỳ thang, Thanh tâm liên tử ẩm, Đơn chi tiêu dao tán,…

Ngoài ra bên cạnh sử dụng thuốc thảo dược có thể điều trị các triệu chứng thời kỳ tiền mãn kinh với các phương pháp châm cứu, xoa bóp bấm huyệt.

Châm cứu có thể cải thiện các triệu chứng vận mạch, giấc ngủ hoặc rối loạn thần kinh thực vật đáng kể hơn so với nhóm không được châm

Phương pháp luyện tập về tinh thần và thể chất có thể có lợi trong việc giảm căng thẳng và khó chịu của một số triệu chứng mãn kinh.

Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế

Kính chào Quý Khách hàng,

Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…

Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.

Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.

Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.