Khó tiêu chức năng là gì?
Khó tiêu chức năng là thuật ngữ chỉ triệu chứng khó tiêu tái đi tái lại mà không có nguyên nhân. Nó còn được gọi là đau dạ dày không do loét hoặc khó tiêu không do loét. Dù không gây ra những tổn hại nguy hiểm nhưng khó tiêu chức năng lại khiến chất lượng cuộc sống bệnh nhân ít nhiều bị ảnh hưởng, làm cho người bệnh rất lo lắng và khó chịu.
Khó tiêu chức năng có triệu chứng là gì?
Các biểu hiện, triệu chứng của chứng khó tiêu chức năng có thể tương tự với triệu chứng bệnh loét dạ dày – tá tràng, loét thực quản do trào ngược dạ dày và ung thư dạ dày. Các triệu chứng phổ biến của khó tiêu chức năng là:
- Cảm giác nóng rát hoặc khó chịu ở bụng trên hoặc ngực thấp, đôi khi cơn đau được giảm bớt nhờ thực phẩm hoặc thuốc kháng axit;
- Đau vùng thượng vị, đau khi đói, đau giảm đi khi ăn vào, đau có thể xuất hiện vào ban đêm làm bệnh nhân phải tỉnh giấc, đau có thể xuất hiện vào một thời điểm nhất định trong ngày.
- Đầy hơi;
- Ợ hơi;
- Cảm giác mau no khi ăn ;
- Buồn nôn.
Bạn cũng có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Đặc điểm chung của các triệu chứng này là, có khi cũng rất mơ hồ xảy ra ở vùng bụng trên với mức độ từ nhẹ đến nặng. Thường xuyên đến và đi, có lúc nhiều ngày liên tục hay thỉnh thoảng mới xảy ra một đợt.
Trong đó, đôi khi biểu hiện của khó tiêu chức năng sẽ tồi tệ hơn sau khi ăn một bữa ăn thịnh soạn, ăn quá nhanh hay ăn ngay trước khi đi ngủ, hoặc người bệnh đang có những căng thẳng, rối loạn tâm lý.
Nguyên nhân dẫn dến khó tiêu chức năng là gì?
Khó tiêu chức năng vẫn chưa rõ nguyên nhân. Nó được xem như một rối loạn chức năng. Nghĩa là không do bệnh lý hoặc rối loạn cụ thể nào gây ra.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc khó tiêu chức năng
- Giới nữ.
- Lớn tuổi.
- Dùng thuốc giảm đau như aspirin và ibuprofen (Advil, Motrin IB).
- Hút thuốc lá.
- Lo âu hoặc trầm cảm
- Uống quá nhiều rượu hoặc quá nhiều đồ uống có chứa cafein
Những yếu tố có thể làm tình trạng khó tiêu chức năng của bạn trở nên nặng hơn
- Thực phẩm và lối sống: Thực phẩm có thể làm cho các triệu chứng của khó tiêu chức năng tồi tệ hơn bao gồm caffeine, thức ăn cay, nồng, chua, béo, có mùi vị bạc hà, đồ uống có gas, có cồn, đồ uống nóng, cà phê và cả sô cô la… Điều quan trọng cần nhớ là độ nhạy trước từng thực phẩm hoàn toàn khác nhau ở từng bệnh nhân.
Ngoài ra, một lối sống có thói quen hút thuốc, uống rượu, thể trạng thừa cân, thường xuyên phải lo lắng hoặc căng thẳng cũng khó tránh khỏi các triệu chứng khó tiêu chức năng
- Thuốc: Bao gồm các loại thuốc chống viêm (ví dụ: ibuprofen, naproxen và aspirin) và các loại thuốc ảnh hưởng đến vận động thực quản (nitrat). Ngoài ra, còn nhiều loại thuốc khác cũng có thể gây tác dụng phụ khó tiêu như một số họ kháng sinh, steroid, sắt, chất đối kháng canxi, theophyllines và bisphosphonates.
Tuy nhiên, vì lợi ích mà thuốc đem lại, đôi khi bạn vẫn cần phải sử dụng nó. Chính vì thế, nếu có lo ngại các loại thuốc có thể gây khó chịu đường ruột, hãy cho bác sĩ của bạn biết về điều này để được bổ sung thêm các loại thuốc hỗ trợ hệ tiêu hóa;
- Hội chứng ruột kích thích: Có đến 1 trong 3 người mắc chứng khó tiêu chức năng cũng bị hội chứng ruột kích thích đồng thời. Các triệu chứng của hội chứng này bao gồm đau bụng, đầy hơi, thay đổi tần số và tính chất đại tiện, cảm giác vẫn còn tồn dư ngay sau đi đại tiện.
Khi nào bạn cần đi gặp bác sĩ?
Bạn nên gặp bác sĩ ngay nếu có các dấu hiệu sau:
- Ói ra máu;
- Phân đen;
- Khó thở;
- Cơn đau lan đến hàm, cổ hoặc tay.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Khó nuốt
- Thiếu máu do thiếu sắt
Làm sao để chẩn đoán khó tiêu chức năng ?
Vì các biểu hiện, triệu chứng của chứng khó tiêu chức năng có thể tương tự với triệu chứng bệnh loét dạ dày – tá tràng, loét thực quản do trào ngược dạ dày và ung thư dạ dày. Nên chúng ta cần khám lâm sàng và làm các xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân và loại trừ những bệnh lý khác có triệu chứng tương tự. Bao gồm:
- Xét nghiệm máu. Giúp loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự.
- Xét nghiệm tìm vi khuẩn HP. Vi khuẩn Helicobacter Pylori (H. pylori) có thể gây viêm loét dạ dày. Xét nghiệm tìm H. pylori bao gồm máu, phân và hơi thở.
Xét nghiệm kháng thể trong máu để tìm bằng chứng nhiễm khuẩn Hp: nếu kết quả dương tính, Cô Bác, Anh Chị có thể sẽ được tư vấn điều trị mà không cần làm thêm các xét nghiệm khác. Ngoài ra, xét nghiệm máu giúp xác định số lượng hồng cầu để kiểm tra tình trạng thiếu máu của cơ thể.
Xét nghiệm phân: để tìm sự hiện diện của kháng nguyên Hp trong phân. Xét nghiệm này đặc hiệu hơn xét nghiệm kháng thể trong máu.
Xét nghiệm hơi thở: đây là phương pháp xác định vi khuẩn Hp được nhiều nước áp dụng, có độ chính xác cao, thực hiện nhanh và không xâm lấn.
- Nội soi dạ dày. Ống nội soi sẽ được đưa xuống họng để quan sát thực quản, dạ dày và đoạn đầu ruột non (tá tràng). Đồng thời giúp sinh thiết mô tá tràng để xác định tình trạng viêm.
Điều trị khó tiêu chức năng như thế nào?
Điều trị khó tiêu chức năng đến nay chủ yếu là điều trị triệu chứng:
Các triệu chứng đầy hơi, ợ chua, ợ nóng, buồn nôn sẽ thuyên giảm hẳn khi người bệnh được điều trị các loại thuốc làm giảm axit dạ dày. Những nhóm thuốc này bao gồm:
- Thuốc ức chế bơm proton: Đây là nhóm thuốc có khả năng mạnh nhất trong các loại thuốc giảm axit để cải thiện cơn đau do đường tiêu hóa trên, bao gồm omeprazole (Prilosec), esomeprazole (Nexium), lansoprazole (Prevacid), dexlansoprazole (Dexilant), pantoprazole (Protonix) và rabeprazole (AcipHex);
- Thuốc chẹn histamine: Có thể hiệu quả trên một số đối tượng, bao gồm ranitidine (Zantac), famotidine (Pepcid), cimetidine (Tagamet) và nizatidine (Axid);
- Thuốc kháng axit: Nhóm thuốc này cũng thường được dùng kèm theo các nhóm trên bởi lẽ tác dụng điều trị đơn độc có phần hạn chế hơn trên những người mắc chứng khó tiêu chức năng. Ví dụ về thuốc kháng axit là Tums, Maalox và Mylanta.
Đối với trường hợp có nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori cần điều trị diệt vi khuẩn
Chống trầm cảm liều thấp. Thuốc chống trầm cảm ba vòng và thuốc ức chế chọn lọc serotonin (SSRIs) dùng với liều thấp có thể ức chế hoạt động của nơ-ron thần kinh chi phối cơn đau.
Bên cạnh việc dùng thuốc thì một lối sống lành mạnh cũng sẽ giúp tình trạng khó tiêu chức năng của bạn trở nên tốt hơn
Thay đổi chế độ ăn uống, cách ăn có thể giúp kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng, chẳng hạn như:
- Ăn bữa ăn nhỏ, thường xuyên hơn. Dạ dày trống có thể gây ra đau dạ dày không do loét, axit trong dạ dày chính là yếu tố gây bệnh. Bạn hãy thử ăn các bữa ăn nhỏ chẳng hạn như bánh quy hoặc trái cây;
- Tránh bỏ bữa. Bạn nên tránh bữa ăn lớn và ăn quá nhiều mà hãy ăn thường xuyên ăn bữa nhỏ;
- Tránh các loại thực phẩm kích thích. Một số thực phẩm có thể gây đau dạ dày không do loét chẳng hạn như chất béo và thực phẩm cay, đồ uống có ga, cà phê và rượu;
- Nhai kỹ nuốt chậm.
Các phương pháp thư giãn lý tưởng là khác nhau tùy theo từng cá nhân. Một số gợi ý có thể là xây dựng kế hoạch làm việc, học tập hợp lý, đảm bảo thời gian nghỉ dưỡng, ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc… Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên dành thời gian ra ngoài môi trường thiên nhiên, tập thể dục, tập yoga, massage… cũng như có những thú vui tiêu khiển, giải trí.
Kỹ thuật giảm căng thẳng có thể giúp bạn kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng của khó tiêu chức năng
Ngoài ra, một số thói quen xấu cần bỏ sớm là hút thuốc lá, uống rượu hay sử dụng các chất kích thích.
Người bị khó tiêu chức năng thì nên ăn gì?
Một số loại thực phẩm có thể cải thiện triệu chứng khó tiêu, bao gồm:
- Ăn thức ăn mềm, loãng, ví dụ như cháo khi có triệu chứng khó tiêu.
- Bổ sung chất xơ từ trái cây như chuối, đu đủ, nho, dứa, cam,…
- Bổ sung chất xơ từ rau củ như rau mùng tơi, rau dền, rau bó xôi, cần tây,…
- Nên ăn sữa chua vì trong sữa chua chứa rất nhiều lợi khuẩn. Sữa chua giúp quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn, tạo cảm giác ngon miệng.
Bên cạnh những thực phẩm nên ăn thì chúng ta cũng nên tránh ăn những thức ăn này để không lmf nặng thêm tình trạng khó tiêu chức năng:
- Thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên, nướng.
- Thức ăn mặn, chứa nhiều muối.
- Thức ăn cay nóng như ớt, sa tế, mù tạt,…
- Các loại thức uống có gas hoặc cồn.
- Một số loại rau như bắp cải, súp lơ, cải xoăn,…
- Một số loại quả như mận, táo,… chứa nhiều đường fructose cũng khiến tình trạng đầy bụng khó cải thiện
Điều trị khó tiêu chức năng bằng y học cổ truyền ra sao?
Theo Y học cổ truyền, các triệu chứng của khó tiêu chức năng nằm trong các chứng Tỳ Vị dương hư còn gọi là chứng trung tiêu dương hư hoặc chứng Tỳ Vị hàn.
Do trung tiêu hư hàn mất đi chức năng thu nạp vận hóa nên đồ ăn thức uống không tiêu, thủy thấp ứ đọng lại ở bên trong. Dương khí không sưởi ấm tạng phủ và tay chân. Nguyên nhân chủ yếu phần nhiều do ăn quá mức độ, ăn nhiều thức ăn sống lạnh hoặc do ốm đau lâu ngày không được chăm sóc chu đáo, hoặc do thận dương hư, tỳ không được sưởi ấm mà sinh bệnh. Chứng này thường gặp ở người cao tuổi, kể cả nam và nữ.
Một số vị thuốc thường được sử dụng như: Hoàng kỳ , Nhân sâm, Bạch thược, Bạch truật, Can khương, Trần bì, …
Ngoài phương pháp dùng thuốc thì châm cứu cũng thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng của khó tiêu chức năng. Các huyệt thường được sử dụng như:
- Huyệt Túc tam lý: Vị trí nằm ở mặt ngoài gối, khoảng 3 thốn dưới bánh xương chè. Huyệt này giúp thông kinh lạc, bổ hư nhược, lý tỳ vị và điều trung khí.
- Huyệt Công tôn: Vị trí nằm ở mặt trong bàn chân, nơi giao nhau của thân và đầu xương ngón cái.Hhuyệt này giúp ích tỳ vị, giúp chữa đầy bụng khó tiêu do Tỳ Vị hư yếu.
- Huyệt Thái xung: Vị trí của huyện nằm giữa khe bàn chân của ngón cái và ngón trỏ, tác động vào huyệt này giúp ký huyết, tức can dương, bình can, chủ trị các chứng phù thũng, tiêu hóa.
- Huyệt Tam âm giao: Nằm ở mặt trong xương chày, từ đỉnh mắt cá nhân đo lên khoảng 3 thốn.
- Huyệt Trung quản: Huyệt cách rốn khoảng 4 thốn đi lên và nằm giữa rốn và điểm giao nhau của hai bên bờ sườn. Huyệt Trung Quản có tác dụng chữa đầy bụng khó tiêu, tiêu chảy, ợ chua, nôn mửa,…
- Huyệt Nội quan: Vị trí ở mặt trong cổ tay, đo từ cổ tay lên 2 thốn. Huyệt vị trí này giúp định tâm, an thần, trấn thống và lý khí.
- Huyệt Đản trung: Huyệt nằm ở giữa đường ngang nối 2 đầu núm vú với bờ xương ức. Huyệt này chủ trị đầy bụng hoặc đau ngực, ít sữa, hen suyễn.
- Huyệt Phong long: Nằm khoảng 8 thốn trên đỉnh mắt cá chân ngoài.
- Huyệt Hạ quản: Huyệt nằm thẳng trên rốn khoảng 2 thốn.Hhuyệt Hạ quản giúp tiêu khí trệ, trợ vận hóa trường vị, chủ trị chữa đầy bụng khó tiêu, cổ trướng, đau dạ dày…
- Huyệt Thượng quản: Huyệt nằm cách lỗ rốn 5 thốn đo thẳng lên.
- Huyệt Nội đình: Huyệt nằm giữa ngón chân thứ 2 và thứ 3.
- Huyệt Vị du: Huyệt nằm bên dưới gai đốt sống lưng thứ 12, đo ngang khoảng 1.5 thốn. Đây là huyệt vị chuyên điều trị bệnh viêm loét dạ dày, sa dạ dày, liệt cơ bụng và tiêu chảy mãn tính.
- Huyệt Dương lăng tuyền: Huyệt nằm ở mặt ngoài bắp chân, nằm ở chỗ lõm dưới đầu nhỏ của xương mác.
- Huyệt Tỳ du: Vị trí ở dưới gai đốt sống lưng thứ 11, đo ngang khoảng 1.5 thốn.
- Huyệt Chương môn: Huyệt nằm ở đầu xương sườn thứ 11.
Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế
Kính chào Quý Khách hàng,
Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.
PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMC
Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC
Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC
Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC