Hở van động mạch chủ và 8 câu hỏi thường gặp

Hở van động mạch chủ

Hở van động mạch chủ là gì?

Quả tim của con người là một khối cơ rỗng được chia làm bốn khoang. Bốn khoang đó còn được gọi là bốn buồng tim bao gồm 2 tâm thất trái và phải (2 buồng tim lớn) ở dưới. Và 2 tâm nhĩ trái phải (2 buồng tim nhỏ) ở trên.

Ngăn cách giữa mỗi cặp tâm nhĩ – tâm thất là các van tim. Tương tự, có những van tim thông nối giữa buồng tim và các động, tĩnh mạch lưu thông với tim như động mạch phổi, động mạch chủ,… Hệ thống van này đảm bảo cho dòng máu lưu thông một chiều. Từ đó đảm bảo được chức năng của tim là bơm máu đi khắp cơ thể và nuôi các cơ quan.

Van động mạch chủ là van tim nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ, gồm 3 lá van thanh mảnh đóng mở nhịp nhàng theo hoạt động của tim cho phép dòng máu chạy theo một chiều từ tâm thất trái ra động mạch chủ, đi nuôi cơ thể.

Đây là một động mạch lớn của cơ thể, từ đó dẫn máu đi đến các cơ quan. Khi van động mạch chủ hoạt động tốt, máu về tim sẽ được đẩy đi dễ dàng. Tim hoạt động nhịp nhàng, đúng công suất, ít bị mỏi mệt.

hở van động mạch chủ

Hở van động mạch chủ là khi van này không thể đóng chặt ngay sau khi máu được bơm lên động mạch chủ để đi nuôi cơ thể , khiến cho một lượng máu chảy ngược vào buồng tim thay vì được bơm ra phía trước. Lâu dần làm tăng áp lực lên buồng tim, ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng cơ tim. Lượng máu đến các cơ quan cũng bị thiếu hụt..

Hở van động mạch chủ do đâu?

Hở van động mạch chủ có thể do bệnh tại van động mạch chủ hoặc bệnh tại gốc động mạch chủ. Bệnh có thể xảy ra cấp tính hay mạn tính.

Hở van động mạch chủ mạn tính

Hai nguyên nhân thường gặp nhất là:

  • Thấp tim: gây dày và co rút các lá van, đưa đến hở van trung tâm. Thường phối hợp với dính mép van gây hẹp (triệu chứng hẹp hở van).
  • Bệnh loạn dưỡng động mạch chủ: gây hư hại các lá van hoặc vòng van (ví dụ: xơ vữa động mạch).

Các nguyên nhân khác hiếm gặp hơn:

  • Van động mạch chủ hai lá bẩm sinh.
  • Các bệnh gây viêm (viêm cột sống dính khớp, viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ rải rác, Takayasu, giang mai).
  • 15% các trường hợp thông liên thất có hở van động mạch chủ do sa lá van.

Hở van động mạch chủ cấp tính

  • Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng: có thể gây hoại tử, thủng van. Cục sùi có thế cản trở lá van đóng lại gây hở, đôi khi làm sa hoặc trôi lá van.
  • Phình tách thành động mạch chủ (DeBakey kiểu I hoặc II, Staníbrd kiểu A): cản trở đóng van và gây sa van.
  • Hở van động mạch chủ sau chấn thương: rách động mạch chủ lên ảnh hưởng tới bộ máy nâng đỡ van động mạch chủ.
  • Van nhân tạo hoạt động bất thường: do kẹt lá van (huyết khối).

Các bệnh nguyên nói trên có thể gây tổn thương hệ thống van động mạch chủ chủ yếu ở mặt nội tâm mạc (thấp tim), mặt ngoài nhìn về động mạch chủ (xơ vữa động mạch, giang mai) hay ở vòng van (hội chứng Marfan). Có thể có hở van động mạch chủ cơ năng trong cơn tăng huyết áp hoặc quá tải muối nước.

Bệnh nguyên khác nhau theo tuổi:

  • <35 tuổi: 85% là thấp tim, viêm nội mạc nhiễm trùng, 15% còn lại là loạn dưỡng van hoặc phình loạn dưỡng.
  • 35-55 tuổi: nguyên nhân theo thứ tự là viêm nội mạc nhiễm trùng, thấp tim, loạn dưỡng.
  • > 55 tuổi: chủ yếu là do loạn dưỡng, có thể do phình tách động mạch

Những triệu chứng thường gặp trong hở van động mạch chủ

Ở giai đoạn sớm, hở van động mạch chủ gần như không có triệu chứng. Thỉnh thoảng, một số bệnh nhân sẽ cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực. Các triệu chứng này là do tim tăng co bóp hoặc rối loạn nhịp tim.

Khi tình trạng hở van động mạch chủ diễn tiến trầm trọng hơn, các triệu chứng của suy tim dần xuất hiện. Khó thở nhiều mức độ: khi làm việc nặng, tập luyện nặng, khó thở khi nằm đầu thấp, khó thở đột ngột xuất hiện vào ban đêm khiến người bệnh phải bật dậy ngồi thở,… Ngoài ra, tình trạng mệt mỏi suy nhược, giảm khả năng gắng sức càng lúc càng trầm trọng nếu hở van diễn tiến nặng lên.

Bệnh nhân có thể có cơn đau ngực, đau bụng.

Xuất hiện các âm thổi (được xác định bằng cách đặt ống nghe lên các vị trí đặc trưng trên thành ngực). Đây là dấu chỉ cho tình trạng rối loạn dòng chảy của máu. Cấu trúc tim dần thay đổi, buồn tim trái dần dần to ra.

Hở van động mạch chủ có nguy hiểm không?

Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, bệnh hở van động mạch chủ có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Suy tim do lượng máu từ động mạch chủ dội ngược về thất trái trong thời kỳ tâm trương kéo dài, làm cho thất trái giãn dần ra (gọi là quá tải thể tích thất trái), đến một lúc nào đó cơ tim không còn bù trừ được sẽ suy giảm co bóp và đưa đến triệu chứng suy tim.
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng do dòng máu phụt ngược từ động mạch chủ về thất trái với vận tốc cao, dễ gây tổn thương lớp nội mạc tim, là nơi dễ cho vi khuẩn chu du trong dòng máu đến bám dính, gây nhiễm trùng hay áp-xe.
  • Loạn nhịp tim do tim to, suy tim.
  • Tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị hoặc phẫu thuật kịp thời, đưa đến suy tim không hồi phục.

Hở van động mạch chủ được phát hiện bằng cách nào?

Bác sĩ sẽ thăm hỏi bệnh sử, các triệu chứng, các bệnh lí mạn tính trước đó, các thuốc đang dùng,… và thăm khám lâm sàng. Bác sĩ có thể chỉ định một số cận lâm sàng để hỗ trợ để chẩn đoán, xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của hở van động mạch chủ.

Các phương pháp cận lâm sàng bao gồm:

  • Siêu âm tim: Giúp khảo sát van và động mạch chủ lên, có thể xác định được nguyên nhân và độ nặng của bệnh, cũng như góp phần phát hiện các bệnh van tim khác… hỗ trợ chẩn đoán chính xác, phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường.
  • Siêu âm tim qua thực quản (gần giống như nội soi dạ dày) giúp khảo sát van động mạch chủ kỹ hơn, đặc biệt hữu ích khi hình ảnh siêu âm tim qua thành ngực không đủ giúp chẩn đoán..
  • Điện tâm đồ: Có thể phát hiện giãn các buồng tim, loạn nhịp tim…
  • X-quang ngực: Xem bóng tim và cung động mạch chủ có giãn không, đồng thời đánh giá sung huyết  phổi, tràn dịch màng phổi trong suy tim và bệnh lý phổi đi kèm.
  •  Chụp cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính: Cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính cũng giúp tính chính xác thế tích hở, thế tích tâm thu và tâm trương, phân suất tống máu, diện tích lồ hở. Tuy nhiên chưa được áp dụng rộng rãi như trên siêu âm Doppler tim.
  • Thông tim: Có thể sử dụng nếu các cận lâm sàng khác không thể chẩn đoán hoặc xác định được mức độ nghiêm trọng của hở van động mạch chủ. Bác sĩ sẽ bơm thuốc cản quang qua mạch máu đến tim, giúp hình ảnh các động mạch và tim có thể nhìn thấy rõ trên X-quang, và có thể đo áp suất trong buồng tim.

Điều trị hở van động mạch chủ như thế nào?

Điều trị nội khoa

Nếu người bệnh không có triệu chứng, hoặc các triệu chứng nhẹ cần được theo dõi thường xuyên. Bác sĩ có thể khuyến nghị người bệnh thay đổi lối sống, dùng thuốc nhằm điều trị các triệu chứng hoặc giảm thiểu nguy cơ các biến chứng xảy ra. Khi bệnh diễn tiến nặng, người bệnh cần được thay van động mạch chủ.

Các biên pháp điều trị nội khoa:

  • Điều chỉnh lại nhịp sinh hoạt, các hoạt động thể lực vừa sức: Người bệnh hở van động mạch chủ cần tư vấn các bác sĩ chuyên khoa tim mạch tỉ mỉ về các hoạt động thể lực. Bệnh nhân cần tránh các hoạt động nặng của tay như tập tạ, bóp tạ vì sẽ tăng trở kháng ngoại biên theo cơ chế phản xạ làm tăng gánh nặng cho tim.

Tuy nhiên, bệnh nhân có thể đạp xe vì vận động đều các nhóm cơ lớn ở chi dưới nên có tác dụng giãn mạch và tạo cảm giác khỏe mạnh

  • Điều trị tăng huyết áp nếu mức huyết áp từ 140mmHg trở lên ở người hở van động mạch chủ mạn tính.
  • Kiểm soát nhịp tim nếu có rối loạn nhịp
  • Phát hiện và điều trị các bệnh lí khác gây ra hoặc làm nặng tình trạng hở van động mạch chủ: bệnh giang mai, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng,..

Các loại thuốc thường được sử dụng như:

  • Các thuốc giãn mạch: Các thuốc ức chế men chuyển (ACE), các thuốc ức chế kênh canxi nhóm Dihydropyridine (như Amlodipine).
  • Các thuốc chẹn Beta giao cảm

Phẫu thuật

Phẫu thuật được xem xét khi hở van động mạch chủ từ trung bình đến nặng, kèm theo suy tim có triệu chứng lâm sàng mức độ trung bình đến nặng, hoặc giảm chức năng tống máu của tim, hoặc buồng tim trái giãn to,… Điều trị ngoại khoa còn xem xét đến nguy cơ tai biến và khả năng người bệnh có chịu được cuộc phẫu thuật hay không.

Trong một số ít trường hợp, sửa chữa van động mạch chủ được thực hiện nhằm tách các lá van bị dính, loại bỏ mô van thừa hoặc vá các lỗ trên van.

Đối với các trường hợp hở van động mạch chủ nặng, thay van động mạch chủ là phương pháp điều trị chính. Bác sĩ sẽ thay van bệnh bằng van cơ học hoặc van sinh học hoặc sử dụng van động mạch phổi của chính bệnh nhân.

Cần lưu ý, van sinh học sẽ bị thoái hóa theo thời gian và có thể cần được thay lại. Người có van cơ học trong cơ thể phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời để ngăn ngừa cục máu đông. Bác sĩ sẽ thảo luận với người bệnh về những lợi ích và rủi ro có thể gặp của từng loại van, tùy theo mong muốn của bệnh nhân và hiệu quả điều trị mà lựa chọn loại van phù hợp.

Trong một số trường hợp bác sĩ có thể thay van qua ống thông mà không cần phẫu thuật

Điều chỉnh lối sống để giảm nhẹ bệnh và ngăn ngừa biến chứng

Khi hở van động mạch chủ, tim phải làm việc vất vả hơn để bù lại lượng máu bị thiếu hụt để đáp ứng được nhu cầu oxy cho cơ thể. Vì thế, ngoài thuốc điều trị (nếu có), bạn cần làm giảm áp lực cho tim bằng cách điều chỉnh các lối sống hàng ngày.

• Ăn uống tốt cho tim: Chế độ ăn thích hợp cho người bị hở van động mạch chủ cần nhiều rau củ quả, các loại đậu, sữa chua hoặc các loại sữa ít béo, thịt gia cầm bỏ da, các loại cá (cá hồi, cá thu, cá trích), ngũ cốc nguyên hạt hay các loại quả hạch (hạt lanh, hạt điều, hạnh nhân, óc chó…). Bạn hãy tránh xa rượu, bia, thuốc lá và hạn chế cà phê, trà, chocolate.

Đặc biệt, bạn cần hạn chế ăn mặn để tránh làm tăng huyết áp, tăng áp lực cho tim và có thể khiến cho tình trạng hở van động mạch chủ nặng hơn.

Vận động thường xuyên: Vận động với cường độ nhẹ như đi bộ, chăm sóc cây cảnh, làm vườn… cũng giúp bạn giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Thói quen vận động còn giúp bạn giảm căng thẳng trong cuộc sống, khỏe hơn, ngủ ngon và ăn ngon miệng hơn. Bạn có thể chọn một số môn thể thao tốt cho tim mạch như bơi lội, yoga, đi xe đạp…

hở van động mạch chủ

• Kiểm soát stress: Sức khỏe tâm lý bất ổn cũng là một yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến bệnh tim mạch. Bạn cần giảm bớt áp lực trong công việc và học cách kiểm soát những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, nóng giận, căng thẳng… Hãy cho phép bản thân thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi và tránh mang việc về nhà.

Làm thế nào để phòng ngừa hở van động mạch chủ?

Bất kì một tình trạng bất thường của van tim và quả tim nói chung đều cần thăm khám thường xuyên để có thể phát hiện kịp thời. Đó có thể là khi hồi hộp đánh trống ngực bất thường và thường xuyên, cảm nhận nhịp tim hoặc mạch đập khác lạ. Cũng có thể là thường xuyên ngất, một cơn đau ngực không rõ lí do. Hoặc mau xuống sức hơn trước đây.

Ngoài ra, cần điều trị tích cực các bệnh lí khác nếu có như tăng huyết áp, giang mai,.. Cẩn thận với một tình trạng viêm họng hoặc cơn sốt thấp khớp. Khi không được điều trị dứt điểm, chúng có thể dẫn đến thấp tim, là một nguyên nhân rất thường gặp của bệnh van tim nói chung.

Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế

Kính chào Quý Khách hàng,

Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…

Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.

Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.

Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.


PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMClogo

Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC

Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC

Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.