Bệnh viêm mũi vận mạch là gì?
Viêm mũi vận mạch là bệnh đường hô hấp do các tác nhân bên ngoài (vi khuẩn, nấm mốc, thời tiết…) tạo ra phản ứng giữa hệ thần kinh và giao cảm trong niêm mạc mũi, gây các biểu hiện kiện kích ứng mũi như hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi…
Viêm mũi vận mạch còn được gọi là viêm mũi vô căn vì đây là căn bệnh không tìm được nguyên nhân rõ ràng, không thể tìm thấy các tế bào viêm đặc hiệu qua những xét nghiệm như tiêm dị nguyên dưới da, xét nghiệm máu tìm IgE, thậm chí ngay cả xét nghiệm tế bào học
Các triệu chứng của viêm mũi vận mạch
Nhiều người nhầm lẫn bệnh viêm mũi vận mạch với bệnh viêm mũi dị ứng vì chúng có nhiều dấu hiệu tương đồng như:
- Bị ngạt mũi (hay xảy ra ở một bên) khiến cho khả năng thở bị ảnh hưởng. Khi bệnh trở nặng cả hai bên mũi đều bị ngạt nên phải thở bằng miệng, điều này thường xảy ra vào buổi đêm.
- Bị sổ mũi nhưng dịch trong không có mùi, nhiều nhất vào buổi sáng.
- Bị hắt hơi
Điều đáng nói là người bị viêm mũi vận mạch thường ngạt mũi nhiều hơn là hắt hơi, nước mũi chảy ít hơn so với các bệnh hô hấp khác và có thể kèm theo chảy nước mắt. Những triệu chứng này thường chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn chứ không hề kéo dài quanh năm giống như viêm mũi dị ứng.
Người bị viêm mũi vận mạch, sau khi dừng hắt hơi sẽ về trạng thái bình thường, hiếm khi kèm mệt mỏi hay đau đầu.
Viêm mũi vận mạch thường khởi phát ở người trưởng thành. Các triệu chứng không trở nên nặng hơn khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng cổ điển như phấn hoa, mạt bụi nhà, lông chó mèo. Viêm mũi vận mạch có thể kích hoạt do sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm hay áp suất không khí.
Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng theo mùa do sự thay đổi khí hậu. Do đó, viêm mũi vận mạch theo mùa có thể bị nhầm lẫn với viêm mũi dị ứng theo mùa. Nhưng khác với viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch thường không gây ngứa mũi, ngứa hay chảy nước mắt,…
Nguyên nhân gây viêm mũi vận mạch
Sinh bệnh học của viêm mũi vận mạch khá phức tạp và chưa được hiểu biết rõ ràng.
Nguyên nhân một phần là do sự mất cân bằng của hệ thần kinh tự chủ. Nghĩa là có sự giảm tín hiệu của hệ giao cảm và tăng tín hiệu của phó giao cảm trên niêm mạc mũi. Điều này làm dãn nở các mạch máu trong mũi dẫn đến phù nề niêm mạc và nghẹt mũi. Khi đó niêm mạc mũi cũng sẽ tăng tiết nhiều dịch nhầy.
Triệu chứng viêm mũi vận mạch thường kéo dài. Tuy nhiên, đợt nặng lên theo mùa của viêm mũi vận mạch do sự thay đổi áp suất không khí, nhiệt độ và độ ẩm có thể bị nhầm với viêm mũi dị ứng.
Các tác nhân kích thích từ môi trường ảnh hưởng đến bệnh nhân viêm mũi vận mạch có thể bao gồm: Các loại mùi mạnh, khói thuốc lá, không khí lạnh, thay đổi độ ẩm, rượu hoặc thức ăn cay,…
Các tác nhân ảnh hưởng đến tình trạng viêm mũi vận mạch
Các tác nhân gây ảnh hưởng đến tình trạng viêm mũi vận mạch bao gồm:
- Môi trường: Ô nhiễm môi trường, bụi bẩn, khói, sự thay đổi nhiệt độ và độ ẩm.
- Khí hậu: Khí hậu thay đổi từ nóng sang lạnh, đặc biệt là thời tiết khô làm độ ẩm không khí thay đổi đột ngột, dễ gây kích ứng niêm mạc mũi.
- Rối loạn nội tiết: Một số yếu tố rối loạn nội tiết tố và chuyển hóa như: Sử dụng thuốc ngừa thai; Thay đổi nội tiết tố khi mang thai, kinh nguyệt, các tình trạng về hormone khác như chứng suy giáp.
- Thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng viêm mũi vận mạch như thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc tâm thần, thuốc giảm đau…
- Các yếu tố khác: Mùi hôi, khói thuốc, nước hoa, ăn đồ cay nóng, thay đổi cảm xúc (khóc lóc…) hoặc nhiễm virus đều là những tác nhân có thể gây tình trạng viêm mũi vận mạch.
Đối tượng dễ bị viêm mũi vận mạch
Viêm mũi vận mạch nói riêng và viêm mũi dị ứng nói chung là bệnh rất phổ biến, có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh viêm mũi vận mạch cao gấp đôi đàn ông. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm mũi vận mạch bao gồm:
- Độ tuổi: Viêm mũi vận mạch thường xuất hiện ở những người trên 20 tuổi.
- Người thường xuyên tiếp xúc chất kích thích, khói bụi, khí thải và khói thuốc lá.
- Mang thai: sự thay đổi hormone, viêm mũi bội nhiễm có thể làm tắc nghẽn mũi thường xuyên hơn khi bạn đang mang thai hoặc có kinh nguyệt.
- Sử dụng thuốc: Việc sử dụng một số loại thuốc, trong đó có cả thuốc xịt mũi trong thời gian dài có thể gây tắc nghẽn mũi nặng hơn, tình trạng này còn được gọi là tắc nghẽn hồi phục.
- Căng thẳng: Người thường xuyên bị căng thẳng, stress cảm xúc có nguy cơ cao bị viêm mũi.
- Các vấn đề sức khỏe: Một số bệnh mạn tính hoặc bệnh do virus như hội chứng suy giáp, mệt mỏi mạn tính, cảm lạnh, cảm cúm….có thể tác động, làm xấu tình trạng viêm mũi vận mạch.
Các biến chứng của viêm mũi vận mạch
Các triệu chứng của viêm mũi vận mạch mạn tính thường ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và học tập.
Ngoài ra, các biến chứng khác của viêm mũi vận mạch có thể xảy ra như:
- Nhức đầu;
- Rối loạn chức năng ống eustachian;
- Polyp mũi;
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn;
- Ho mạn tính;
- Bệnh hen suyễn
Viêm mũi vận mạch được chẩn đoán bằng cách nào?
Chẩn đoán viêm mũi vận mạch có thể khó khăn vì nghẹt mũi và chảy mũi cũng có thể xảy ra trong các loại viêm mũi khác.
Viêm mũi vận mạch là một chẩn đoán loại trừ. Nghĩa là bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm mũi vận mạch sau khi loại trừ các nguyên nhân khác gây ra triệu chứng của bạn. Bác sĩ sẽ hỏi kỹ bệnh sử các triệu chứng, thăm khám đầy đủ vùng tai mũi họng. Đồng thời thực hiện các xét nghiệm để loại trừ nguyên nhân nhiễm trùng, dị ứng và bệnh lý viêm.
Bác sĩ còn có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm dưới đây để hỗ trợ chẩn đoán bệnh:
Xét nghiệm da và/hoặc kháng thể IgE
Xét nghiệm viêm mũi vận mạch nên bao gồm xét nghiệm da và/hoặc kháng thể IgE đặc hiệu trong huyết thanh. Là một chẩn đoán loại trừ, viêm mũi vận mạch thường sẽ có xét nghiệm da âm tính và kháng thể huyết thanh đối với các chất gây dị ứng có liên quan.
Xét nghiệm tế bào học niêm mạc mũi
Xét nghiệm này có thể cung cấp thông tin về các loại tế bào tạo thành niêm mạc và giúp xác định sự hiện diện của các dấu hiệu viêm. Các tế bào biểu mô đem phân tích có thể được lấy từ cuốn mũi dưới, rửa mũi hoặc xì mũi.
Bảng câu hỏi của Brandt và Bernstein
Brandt và Bernstein đã phát triển một bảng câu hỏi hợp lệ để hỗ trợ chẩn đoán viêm mũi vận mạch. Kết quả của họ cho thấy những bệnh nhân khởi phát các triệu chứng sau 35 tuổi, có tiền sử gia đình bị dị ứng, không có các triệu chứng liên quan đến thú cưng hoặc thời tiết và các triệu chứng liên quan đến tiếp xúc với nước hoa thì 96% khả năng mắc bệnh viêm mũi vận mạch.
Thử nghiệm kích thích mũi
Thử nghiệm kích thích mũi được thực hiện bằng cách cho bệnh nhân tiếp xúc với chất gây dị ứng tương ứng để đánh giá phản ứng lâm sàng. Thử nghiệm này cũng thu thập dữ liệu khách quan bằng đo khí áp mũi hay sóng âm mũi.
Nội soi mũi xoang
Có thể gợi ý nguyên nhân khác gây viêm mũi. Ví dụ như nhầy mủ chảy ra từ khe giữa thì nghĩ tới nguyên nhân viêm xoang.
Chụp cắt lớp vi tính
Chụp cắt lớp vi tính các xoang cạnh mũi là một lựa chọn chẩn đoán cho những bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh lý xoang và phát hiện các bất thường cấu trúc trong mũi.
Chụp cộng hưởng từ
Chụp cộng hưởng từ có thể hỗ trợ khảo sát các tổn thương khối nghi ngờ ở đầu và cổ. Tuy nhiên, trong trường hợp viêm mũi vận mạch, hình ảnh hiếm khi cho thấy bệnh lý và không thực sự cần thiết.
Điều trị viêm mũi vận mạch như thế nào?
Việc điều trị chứng viêm mũi vận mạch bao gồm tránh các yếu tố nguy cơ gây bệnh, dùng thuốc và phẫu thuật
Điều trị bằng thuốc
- Corticoid đường mũi tại chỗ
Steroid tại chỗ hoạt động trên niêm mạc mũi dẫn đến giảm hóa ứng động của bạch cầu trung tính và bạch cầu ái toan. Thuốc này cũng giúp giảm giải phóng tế bào mast và chất trung gian basophil, và cuối cùng là giảm phù nề và viêm. Các tác dụng phụ của Steroid thường được báo cáo nhất là khô mũi, đóng vảy và kích ứng vách ngăn.
- Thuốc kháng cholinergic
Loại thuốc này có thể giúp giảm chảy nước mũi bằng cách tác động cục bộ và chỉ chặn đầu vào của hệ phó giao cảm đối với các tuyến niêm mạc mũi. Tuy nhiên, các chế phẩm uống có tác dụng phụ toàn thân đáng lo ngại như mờ mắt, khô miệng và tiết dịch đặc. Chảy máu cam và khô mũi cũng có thể xảy ra.
- Thuốc kháng histamin đường uống
Thuốc này có vai trò hạn chế trong viêm mũi vận mạch và hiện không có công thức cụ thể nào được phê duyệt. Chúng có xu hướng chỉ mang lại lợi ích cho những bệnh nhân bị hắt hơi và ngứa.
Thuốc kháng histamin tại chỗ như azelastine được chấp thuận cho cả viêm mũi dị ứng và không dị ứng.
Azelastine rất hữu ích ở những bệnh nhân bị chảy nước mũi và nghẹt mũi. Azelastine là chất đối kháng thụ thể H1. Nó cũng ức chế sự tổng hợp leukotrienes, kinin, cytokine và biểu hiện phân tử bám dính, đồng thời mang lại tác dụng chống viêm không liên quan đến histamin. Đặc điểm này làm cho nó có hiệu quả trong viêm mũi vận mạch.
Azelastine giúp giảm đáng kể các triệu chứng vận mạch, bao gồm tắc mũi, chảy nước mũi và phù mũi.
Bệnh nhân bị viêm mũi vận mạch mạn tính thường ít đáp ứng với điều trị bằng thuốc này hơn so với những người bị viêm mũi dị ứng.
- Kết hợp steroid xịt mũi và thuốc kháng histamin tại chỗ
Sự kết hợp này có hiệu quả trong điều trị triệu chứng viêm mũi mạn tính không dị ứng. Capsaicin tại chỗ cũng đã được chứng minh là có hiệu quả như một liệu pháp hỗ trợ cho những người bị chảy nước mũi và nghẹt mũi.
Cơ chế này được cho là xoay quanh sự điều biến của các sợi C liên kết với các tế bào thần kinh cảm thụ đau. Capsaicin nhắm mục tiêu tiềm năng thụ thể thoáng qua vanilloid loại 1 (TRPV1), một kênh ion có trên các tế bào biểu mô, tuyến dưới niêm mạc và dây thần kinh trong niêm mạc mũi của con người và hỗ trợ điều tiết dịch tiết và nghẹt mũi.
- Thuốc cường giao cảm
Đặc biệt là thuốc thông mũi tại chỗ có thể giúp giảm triệu chứng trong thời gian ngắn. Thuốc thông mũi tại chỗ hoạt động chủ yếu bằng cách kích thích các thụ thể alpha-1 và alpha-2 trên mạch máu của niêm mạc mũi. Hành động này dẫn đến co mạch, giảm lưu lượng máu và sau đó làm giảm tắc nghẽn và chảy nước mũi ở khoang mũi.
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào xác định hiệu quả của thuốc thông mũi tại chỗ đối với bệnh viêm mũi mạn tính không dị ứng. Việc sử dụng lâu dài thuốc thông mũi tại chỗ có thể dẫn đến giãn mạch và tăng tắc nghẽn. Tình trạng này được gọi là viêm mũi do thuốc. Vì vậy người bệnh cần sử dụng thuốc thông mũi theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh bị nghiện thuốc hoặc viêm mũi do thuốc.
Phẫu thuật
Khi điều trị thuốc đơn thuần không kiểm soát tốt các triệu chứng của viêm mũi vận mạch, can thiệp phẫu thuật có thể được áp dụng.
Phẫu thuật giảm kích thước cuốn dưới có bảo tồn niêm mạc có thể cải thiện triệu chứng tắc nghẽn. Đồng thời có tác dụng hỗ trợ điều trị bằng thuốc. Vì khi đó thuốc dễ tác dụng vào sâu hơn trong hốc mũi.
Điều trị cắt dây thần kinh vidian là một lựa chọn phẫu thuật cho bệnh viêm mũi vận mạch. Kỹ thuật này nhằm mục đích phá vỡ nhánh thần kinh tự chủ chi phối hốc mũi, do đó làm giảm tiết dịch mũi. Biến chứng đáng chú ý nhất bao gồm khô mắt sau phẫu thuật với tỷ lệ là 48%. Ngoài ra còn có rối loạn cảm giác và sung huyết niêm mạc mũi. Hầu hết các triệu chứng chỉ là tạm thời, khô mắt sẽ hết sau 1 đến 6 tháng.
Đông y trong điều trị viêm mũi vận mạch
Theo Y học cổ truyền, các triệu chứng của viêm mũi vận mạch nằm trong phạm trù các chứng tỵ cừu (chảy nước mũi), tỵ tắc (ngạt mũi).
Nguyên nhân xuất phát từ tạng Phế, Tỳ bị suy giảm khiến cho vệ khí không được bền chặt, tà khí (phong, hàn…) dễ xâm nhập, làm cho phế khí mất tuyên giáng mà gây nên các chứng chảy nước mũi, hắt hơi, sổ mũi, hay tắc mũi…
Tùy vào nguyên nhân và bệnh cảnh mà bệnh nhân mắc phải mà thầy thuốc sẽ sử các phương pháp điều trị với mục đích:
- Bồi bổ chính khí giúp tăng cường lưu thông khí huyết tạng phủ, cân bằng âm dương, nâng cao chính khí, bảo vệ cơ thể.
- Khu phong, tán hàn, thẩm thấp, thanh nhiệt, giải độc, kháng viêm
Trong đó 2 phương pháp được sử dụng nhiều nhất là
- Phương pháp dùng thuốc với các vị thuốc thường được dùng như: Bạc hà, Tân di hoa, Ké đầu ngựa, Phòng phong, Hoàng kỳ…
- Châm cứu (phương pháp không dùng thuốc) với một số huyệt hay được sử dụng như : Phế du, Phong trì, Phong môn, Nghinh hương, Tứ bạch…
Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế
Kính chào Quý Khách hàng,
Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.
PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMC
Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC
Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC
Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC