Viêm họng mạn tính thường kéo dài và có thể liên tục tái đi tái lại nhiều lần. Nếu không được điều trị sớm, bệnh không chỉ làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh mà còn có nguy cơ dẫn tới những biến chứng vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe
Viêm họng mạn tính là gì?
Viêm họng là viêm niêm mạc và tổ chức niêm mạc dưới họng, có cảm giác đau, khó chịu khi nuốt, ngứa ngáy hoặc kích ứng cổ họng
Viêm họng mạn tính: Là chứng viêm họng kéo dài, trải qua các giai đoạn: xuất tiết, quá phát và teo. Các triệu chứng thể hiện rõ vào buổi sáng lúc mới thức dậy, thường gặp ở người trưởng thành.
Viêm họng mạn tính có hai thể điển hình là viêm họng mạn tính lan tỏa và viêm họng mạn tính khu trú (gồm viêm VA mạn tính và viêm amidan mạn tính).
Viêm họng mạn tính là hậu quả của quá trình viêm họng cấp tính lặp lại nhiều lần hoặc không đáp ứng với các thuốc điều trị.Viêm họng mạn tính rất hay gặp và thường phối hợp với các bệnh viêm mũi, viêm xoang mạn tính hay đôi khi với viêm thanh – khí phế quản mạn tính.
Triệu chứng viêm họng mạn tính
Người bị viêm họng mạn tính thường hay có những đợt tái phát viêm họng cấp khi bị lạnh,cảm mạo, cúm… thì lại xuất hiện sốt, mệt mỏi, đau rát họng
Triệu chứng cơ năng:
- Cảm thấy khô họng, nóng, rát trong họng hoặc có cảm giác ngứa họng, vướng họng nhất là mới ngủ dậy, phải cố khạc đờm, đằng hắng để làm long đờm, đờm dẻo và đặc thường tăng lên khi nuốt.
- Bệnh nhân thường phải khạc nhổ, có ít nhầy quánh, ho, nhất là vào ban đêm, khi lạnh, …
- Nuốt vướng.
- Tiếng nói bị khàn trong giây lát rồi trở lại bình thường (uống rượu, hút thuốc lá nhiều, nói nhiều, triệu chứng trên càng rõ rệt).
- Ợ hơi hoặc ợ chua đối với những bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản. Bên cạnh đó là cảm giác nóng rát ở vùng ngực phía sau xương ức.
Triệu chứng thực thể: Tuỳ theo tổn thương, có thể thấy các thể:
Viêm họng xuất tiết
- Niêm mạc họng đỏ, ướt, xuất tiết nhầy – trong dính vào thành sau họng.
- Khạc hay hút rửa dịch nhầy, thấy thành sau họng không nhẵn, có vài tia máu và nang lympho nổi lên thành những hạt nề, đỏ.
Viêm họng quá phát
- Niêm mạc họng dày và đỏ.
- Cạnh trụ sau của amiđan, niêm mạc nề dày lên làm thành trụ giả.
- Bệnh nhân rất nhạy cảm ở họng và rất dễ buồn nôn.
- Thành sau họng có các nang lympho phát triển mạnh, quá sản dày thành những đám nề, màu hồng hay đỏ lồi cao hơn thường gọi đó là viêm họng hạt.
- Màn hầu và lưỡi gà cũng trở nên dày.
- Eo họng bị hẹp.
- Niêm mạc loa vòi Eustachi cũng quá sản, gây ù tai.
- Mép sau của thanh quản cũng bị dày gây ho khan, khàn tiếng và xuất tiết nhiều.
Viêm họng teo
- Quá phát lâu ngày chuyển sang teo. Tuyến nhầy và nang tân xơ hoá.
- Hai trụ giả phía sau amiđan mất đi
- Các hạt ở thành sau cũng biến mất. Màn hầu và lưỡi gà cũng mỏng đi.
- Niêm mạc trở lên nhẵn mỏng, trắng bệch có mạch máu nhỏ.
- Eo họng rộng ra, ít tiết nhầy và họng trở nên khô
- Dịch nhầy khô lại và biến thành vảy dính vào niêm mạc, phải đằng hắng hoặc ho luôn.
Những nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm họng mạn tính
Viêm họng mạn tính có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
- Sự tấn công của các tác nhân gây hại: Khoang miệng là nơi thường xuyên tiếp xúc với các loại virus, vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh. Khi có điều kiện thuận lợi, chúng sẽ tấn công, gây viêm nhiễm.
Thông thường, virus sẽ tấn công trước, sau đó vi khuẩn và nấm tiếp tục xâm nhập theo, gây bội nhiễm. Điều này khiến các tế bào lympho tại vùng họng phải làm việc liên tục, quá tải và sưng to
- Sống trong môi trường nhiều khói bụi và nhiều chất khí thải gây ô nhiễm không khí. Môi trường ô nhiễm cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bệnh đường hô hấp khác như viêm phổi,…
- Viêm amidan mạn tính: Bệnh nhân thường xuyên bị viêm amidan mà không được điều trị cũng có thể dẫn tới viêm họng mạn tính.
- Viêm xoang: Người bị bệnh viêm xoang, đặc biệt là viêm xoang mạn tính thì sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh viêm họng. Dịch nhầy từ vùng viêm xoang sẽ chảy xuống họng dẫn đến kích ứng và dần dần hình thành tình trạng viêm họng.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Đối với bệnh nhân mắc bệnh trào ngược dạ dày, dịch tiêu hóa có tính axit từ dạ dày có thể bị trào ngược lên và làm tổn thương niêm mạc vùng họng. Bệnh nhân luôn cảm thấy đau rát họng, khó nuốt và khàn tiếng.
- Do ảnh hưởng của ngạt tắc mũi, phải thở bằng miệng kéo dài, nhất là về mùa lạnh
- Một số nguyên nhân khác có thể kể đến như tắc mũi mạn tính do vẹo vách ngăn hoặc polyp cuống mũi hoặc người bệnh bị cơ địa dị ứng. Thường dị ứng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn nhưng ở một số trường hợp dị ứng kéo dài quanh năm sẽ khiến niêm mạc họng bị viêm và đau nhức.
- Do hút thuốc lá: Trong thuốc lá có chứa các chất làm kích thích niêm mạc hầu họng và gây viêm.
Điều trị viêm họng mạn tính như thế nào?
Điều trị nguyên nhân gây viêm họng mạn tính
Để điều trị được bệnh viêm họng mạn tính cần phải xác định được nguyên nhân gây bệnh và loại bỏ được nguyên nhân.Dựa trên cơ sở này, có các phương pháp điều trị viêm họng mạn tính như sau:
- Điều trị khỏi viêm mũi xoang… loại bỏ dịch chảy xuống họng, nhờ vậy mà giảm tình trạng viêm họng mạn tính
- Kiểm soát tốt trào ngược họng thanh quản, ngăn axit tác động lên niêm mạc họng, giúp tổn thương viêm niêm mạc họng phục hồi nhanh hơn
- Phẫu thuật cắt bỏ amidan, VA sưng viêm, polyp mũi hay phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi… để loại bỏ tổ chức viêm nhiễm khu trú và đảm bảo lưu thông diễn ra đúng cách.
- Tránh tiếp xúc với những yếu tố nguy cơ của bệnh như khói thuốc lá và những chất độc hại trong không khí.
Điều trị triệu chứng
- Bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê một số loại thuốc để giảm triệu chứng bệnh như thuốc giảm đau, giảm viêm, thuốc giảm ho, chống dị ứng, thuốc làm lỏng chất nhầy… Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được cho sử dụng thuốc ho thảo dược để giảm những cơn ho gây khó chịu có họng.
- Áp dụng biện pháp điều trị tại chỗ như bôi và súc họng bằng các thuốc làm se niêm mạc, kiềm tính và có tác dụng giảm viêm, giảm đau. Đối với viêm họng thể teo thì bệnh nhân nên bôi và súc họng với thuốc có iod loãng hoặc thuốc dầu hay nước khoáng
- Nhỏ mũi, rửa mũi bằng nước muối sinh lý để làm sạch vùng này, tránh bệnh viêm họng mạn tính nặng thêm.
- Song song với đó là thay đổi thể trạng, tập thể dục thường xuyên, thay đổi lối sống và môi trường sinh hoạt, làm việc nếu có thể. Ăn nhiều các loại rau củ quả để bổ sung các loại vitamin, đặc biệt là vitamin A, C, D để tăng cường sức đề kháng và làm giảm nguy cơ mắc viêm họng mạn tính.
Viêm họng mạn tính không điều trị dứt điểm có biến chứng gì không?
Người bệnh chủ quan tạo điều kiện cho bệnh trở nặng và gây ra các biến chứng. Viêm họng mạn tính làm hình thành tổ chức hạt, nhiều tổ chức lympho gây ra hội chứng áp xe, viêm tấy xung quanh vòm họng. Đối với những bệnh nhân mắc hội chứng viêm mũi, viêm xoang, trào ngược dạ dày bệnh chuyển nặng có thể dẫn tới viêm phổi, viêm phế quản cấp.
Phòng ngừa viêm họng mạn tính bằng cách nào?
Để viêm họng không tái phát lại, người bệnh cần được điều trị dứt điểm nguyên nhân gây bệnh, đặc biệt là tuân theo chỉ định và lời khuyên của bác sĩ. Ngoài sử dụng thuốc đầy đủ hàng ngày, bệnh nhân còn cần tuân thủ một số lời khuyên sau:
- Không hút thuốc lá và tránh khói thuốc lá và không uống rượu bia
- Giữ gìn môi trường không khí trong lành
- Bảo vệ cổ họng khỏi những tác nhân gây bệnh bằng cách đeo khẩu trang và đồ bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường nhiều khói bụi. Khi ra đường cũng cần đeo khẩu trang, bởi sự ô nhiễm trong không khí cũng có thể gây ra viêm họng
- Nâng cao sức đề kháng bằng cách bổ sung đầy đủ vitamin và dưỡng chất cho cơ thể.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ để làm giảm nguy cơ mắc viêm họng.
- Uống nhiều nước, hạn chế uống nước lạnh, nước đá
- Giữ ấm cho cơ thể
- Tập hít thở sâu và thể dục thể thao thường xuyên
- Tránh ăn các thức ăn quá lạnh hoặc quá nóng.
- Rửa tay kỹ và thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi hắt hơi hoặc ho.
- Tránh dùng chung thức ăn, ly uống nước hoặc dụng cụ.
Chế độ dinh dưỡng cho người viêm họng mạn tính
Có một chế độ ăn khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch. Đồng thời, việc chế biến và chọn lựa thực phẩm phù hợp cũng phần nào làm giảm đau rát, kích thích cổ họng.
Khi bị viêm họng, người bệnh cần hạn chế tiêu thụ các loại đồ ăn, thức uống sau:
- Thức ăn khô cứng: Đồ ăn khô cứng và có nhiều góc cạnh như bánh mì, hạt dẻ, lương khô… có thể gây khó nuốt, làm khởi phát các cơn ho và khiến triệu chứng của bệnh trở nặng.
- Thức ăn cay, chua, nóng: Những loại thức ăn nhiều gia vị, cay nóng như ớt, tiêu, mù tạt, đồ ăn nhiều axit… không chỉ gây kích thích niêm mạc họng mà còn gây hại cho đường tiêu hóa, dễ gây trào ngược họng thanh quản.
- Thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ: Đây là những thực phẩm cần hạn chế tiêu thụ ở mọi đối tượng, bao gồm cả những ai đang mắc bệnh về họng. Chúng không chỉ gây khó tiêu, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa mà còn gây giảm đề kháng và khiến tình trạng viêm họng thêm trầm trọng.
- Đồ ăn tái, sống: Người bị mắc viêm họng hạt nên ăn các thực phẩm đã được nấu chín hoàn toàn, không nên ăn đồ tươi sống hoặc chế biến tái như gỏi, sashimi, nem chua, nộm… vì chúng thường chứa nhiều vi khuẩn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Thực phẩm chứa arginine: Arginine có thể khiến quá trình phát triển, nhân lên của virus, vi khuẩn diễn ra nhanh chóng hơn, vì bản chất nó là một loại axit amin có vai trò tổng hợp protein và nitơ trong hầu hết các sinh vật sống. Do đó, tốt nhất là người bệnh nên hạn chế các thực phẩm giàu arginine như lúa mì, hạnh nhân, socola, nho, bơ đậu phộng…
- Rượu bia, cà phê, đồ uống có ga: Các loại đồ uống này có thể gây mất nước, tăng thân nhiệt và kích thích niêm mạc cổ họng. Điều này làm nặng thêm các triệu chứng và khiến thể trạng người bệnh mệt mỏi, suy yếu.
Người bệnh viêm họng mạn tính nên ăn:
Người bệnh cần ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng và uống đủ nước. Các thực phẩm nên được chế biến ở dạng mềm, trơn như canh, súp, món hầm… để bệnh nhân dễ nuốt, dễ ăn. Ngoài ra, để cơ thể nhanh chóng phục hồi, người bệnh cũng có thể bổ sung thêm các loại thực phẩm sau vào chế độ ăn:
- Thực phẩm giàu vitamin: Vitamin A, C, E là các loại vitamin vô cùng cần thiết đối với người mắc viêm họng mạn tính. Trong khi vitamin C giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, chống chọi với vi khuẩn thì vitamin A, E lại có vai trò tái tạo và làm lành tổn thương.
- Thực phẩm giàu protein: Người bệnh nên bổ sung các thực phẩm giàu protein ở dạng mềm như thịt băm, trứng, sữa, cá hồi… để có nguồn năng lượng dồi dào và tăng cường hệ miễn dịch, từ đó loại bỏ các tác nhân xâm nhập dễ dàng hơn.
- Thức ăn giàu kẽm: Kẽm là vi chất không thể thiếu trong hoạt động của hệ miễn dịch. Thiếu hụt kẽm sẽ làm giảm quá trình sản sinh, phát triển và chức năng của hầu hết tế bào miễn dịch. Do đó, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm giàu kẽm như ngao, sò, củ cải trắng, nấm, rau chân vịt, súp lơ xanh, cải xoăn… vào khẩu phần ăn hàng ngày.
- Thực phẩm có tính kháng viêm: Một số thực phẩm, gia vị có khả năng kháng khuẩn, chống viêm như gừng, tỏi, mật ong, bạc hà, tía tô, hành, hẹ… rất hữu ích cho người bị viêm họng mạn tính. Thêm một lượng vừa phải các gia vị này vào món ăn không những giúp tăng hương vị mà còn giảm ho và ức chế hoạt động của vi khuẩn.
Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế
Kính chào Quý Khách hàng,
Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.
- PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMC
- Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC
- Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC
- Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC