Viêm gân bánh chè và 11 điều bạn cần biết

viêm gân bánh chè

Viêm gân bánh chè là gì?

Viêm gân bánh chè là tình trạng tổn thương gân nối giữa xương bánh chè và xương chày.

Xương bánh chè là một đoạn xương nhỏ nằm ở trước khớp gối. Xương có thể chuyển động lên, xuống, nghiêng, xoay. Vai trò của xương bánh chè là giúp chân di chuyển, đứng thẳng bằng cách giảm áp lực lên khớp gối.

Xét về cấu tạo, xương bánh chè liên kết các xương và các mô ở khớp gối bằng gân xương bánh chè. Vì được tạo thành từ những sợi cơ bền và dai nên gân này rất chắc khỏe, giúp duỗi thẳng cơ đùi và bắp chân khi vận động. Nhờ đó, con người có thể thực hiện những hành động như đá, chạy và nhảy

viêm gân bánh chè

Triệu chứng viêm gân bánh chè thường gặp

Khi bị viêm gân bánh chè, người bệnh có dấu hiệu chính là đau nhức. Cơn đau thường xuất hiện ở vị trí trước gối. Các triệu chứng phổ biến gồm:

  • Cơn đau tăng dần và âm ỉ. Rất ít trường hợp đau ở mức độ dữ dội. Đặc điểm của cơn đau viêm gân bánh chè là đau liên tục.
  • Người bệnh đau mạnh, sau đó giảm dần rồi lại tăng lên.
  • Cơn đau nặng hơn khi vận động, gấp duỗi chân như ngồi xổm, leo cầu thang…
  • Đầu gối bị căng cứng, khó mở rộng.

Viêm gân bánh chè thường tiến triển theo 2 hướng: Tự khỏi hoặc trở thành mạn tính.

Nguyên nhân dẫn đến viêm gân bánh chè

Viêm gân bánh chè thường xuất hiện do tình trạng quá tải ở khớp gối. Đối tượng thường bị chấn thương là người chơi thể thao, người vận động nhiều. Do phải chịu áp lực lặp đi lặp lại, gân sẽ xuất hiện những vết rách nhỏ. Ban đầu, cơ thể sẽ cố gắng sửa chữa những vết rách này. Nhưng khi vết rách tích tụ ngày càng nhiều, chúng sẽ gây viêm gân dẫn đến cảm giác đau và làm gân yếu đi.

Yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ viêm gân bánh chè

Các yếu tố thuận lợi cho viêm gân bánh chè là tình trạng quá tải của gối: vận động liên tục, kéo dài, khởi động không kỹ,…

Ngoài ra, các yếu tố chấn thương và dễ gặp ở người có bệnh lý hệ cơ xương khớp mạn tính như gút, viêm khớp dạng thấp,…

Bệnh thường gặp ở tuổi trung niên và đặc điểm giải phẫu bất thường như xương bánh chè lên cao, chân lệch trục,…

Các yếu tố khác như: thể trạng quá béo, tình trạng hai chân không khỏe bằng nhau dẫn đến sự quá tải ở một chân,…cũng có thể dẫn đến viêm gân bánh chè

Viêm gân bánh chè có thể gây ra những biến chứng gì?

Tùy mức độ và thói quen hàng ngày, viêm gân bánh chè có thể khỏi tự nhiên hoặc tiến triển thành mãn tính. Nếu người bệnh chủ quan, viêm gân bánh chè có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm mà bệnh nhân cần lưu ý như:

  • Đứt gân xương bánh chè do viêm: Người bệnh có thể bị đứt gân bánh chè hay đứt gân cơ tứ đầu. Khi mắc phải biến chứng này, cơn đau gối sẽ gia tăng đột ngột sau khi thực hiện những động tác nhảy lên, mất hoàn toàn chức năng vận động của cơ.
  • Suy yếu cơ chân: Các cơn đau ở đầu gối, cơ tứ đầu có thể dẫn tới tình trạng suy yếu cơ chân.
  • Đau gối mạn tính

Viêm gân bánh chè được chẩn đoán bằng phương pháp nào?

Bác sĩ sẽ khám bằng cách sờ vùng gối để tìm điểm đâu. Vị trí đau do viêm gân bánh chè thường ở phía trước đầu gối, ngay bên dưới xương bánh chè.

Khi đi khám bạn cũng nên cung cấp thêm cho cho bác sĩ các thông tin như:

  • Những triệu chứng đang gặp phải và thời điểm khởi phát.
  • Một số bệnh lý đang mắc phải (nếu có).
  • Lịch trình hoạt động hằng ngày: Thời gian và cường độ luyện tập thể dục thể thao. Gần đây, có thay đổi bài tập hoặc bắt đầu chơi môn thể thao mới không?
  • Gần đây có mắc các chấn thương liên quan tới khớp gối không?

Ngoài ra, bác sĩ sẽ đề nghị thêm những xét nghiệm sau để xác định chẩn đoán:

  • Chụp X-quang: Phim X-quang giúp loại trừ những nguyên nhân khác có thể gây đau gối.
  • Siêu âm: sử dụng sóng âm để tìm các vết rách trong gân xương bánh chè.
  • MRI: sử dụng từ trường và sóng vô tuyến. Những sóng này giúp tạo ra hình ảnh chi tiết để quan sát những tổn thương rất nhỏ trong gân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Người bệnh nên đến bệnh viện điều trị ngay khi gặp phải những trường hợp như:

  • Triệu chứng đau của viêm gân bánh chè không thuyên giảm, ngày càng nghiêm trọng.
  • Bệnh ảnh hưởng nhiều tới khả năng đi lại, xuất hiện tình trạng sưng tấy và phù nề.

Viêm gân bánh chè được điều trị như thế nào?

Viêm gân bánh chè, điều trị là một quá trình lâu dài. Phục hồi có thể mất một vài tuần hoặc vài tháng nếu chấn thương không phải là quá nghiêm trọng, hoặc kéo dài một năm hoặc nhiều hơn.

Hầu hết những bệnh nhân bị viêm gân bánh chè thường điều trị bảo tồn, phẫu thuật viêm gân bánh chè mạn tính hiếm khi thực hiện. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hơn một năm, điều trị bảo tồn không có kết quả, phương pháp phẫu thuật được xem xét thực hiện

Điều trị bảo tồn

Nghỉ ngơi, giảm các hoạt động mạnh gây áp lực lên gân bánh chè.

Không cần chỉ định nghỉ hoàn toàn. Thực tế, nghỉ hoàn toàn có hại hơn là có lợi. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho teo cơ và giảm thời gian phục hồi chức năng. Thường chỉ định cho nghỉ phù hợp với thời gian đau. Để giảm bớt gánh nặng cho gân phải dùng nạng để đi lại, có khi phải dùng cả nẹp gối nhằm mục đích cho khớp gối nghỉ ngơi

Vật lý trị liệu

Những kỹ thuật và liệu pháp vật lý thường được sử dụng để giúp giảm triệu chứng do viêm gân xương bánh chè gồm:

  • Bài tập giãn cơ. Tập những bài tập kéo căng cơ thường xuyên và đều đặn giúp giảm tình trạng co thắt. Tuy nhiên, trong khi tập đừng thực hiện động tác quá nhanh hay đột ngột.
  • Bài tập nâng cao sức cơ. Cơ đùi yếu góp phần tạo áp lực lên gân xương bánh chè. Các bài tập như động tác hạ chân xuống từ từ sau khi duỗi thẳng giúp tăng sức cơ đùi. Ngoài ra, những bài tập để tăng cường các cơ vùng chân cũng rất hữu ích trong điều trị bệnh này.
  • Băng đeo bảo vệ gân xương bánh chè. Một dây đeo quanh gối có tác dụng phân tán lực ra khỏi gân và truyền vào dây đeo. Nhờ tác dụng này, băng đeo làm giảm đau vùng gối khi cử động.

đai đeo giúp giảm đau do viêm gân bánh chè

  • Một số phương pháp khác như: siêu âm, sóng ngắn, laser,…

Thuốc và những phương pháp xâm lấn

  • Các thuốc chống viêm giảm đau, không cortisone rất có tác dụng lên gân cơ tứ đầu và gân bánh chè. Chỉ định dùng thuốc trong trường hợp cấp tính, ngược lại trong trường hợp mạn tính, nó không có tác dụng nhiều. Sử dụng thuốc ở các dạng khác nhau: viên, gel, hay kem bôi bên ngoài,…
  • Tiêm corticosteroid thông qua siêu âm định hướng vào vỏ bọc quanh gân để giảm đau. Tuy nhiên, những loại thuốc này cũng có thể làm gân yếu đi và dễ đứt hơn.
  • Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP).Sử dụng máu tự thân của chính bệnh nhân tách ly tâm để thu lượng huyết tương giàu tiểu cầu gấp 5-10 lần huyết tương thông thường. Sau khi được tiêm vào vị trí viêm, PRP sẽ sản sinh ra các protein tăng trưởng giúp tìm kiếm, lấp đầy và chữa lành tự nhiên tổn thương đó. Đồng thời giúp hình thành các mô mới, đẩy nhanh quá trình phục hồi của gân.

Quá trình điều trị bảo tồn có thể từ vài tuần đến vài tháng

Điều trị phẫu thuật:

Rất ít khi cần, chỉ định tuyệt đối trong trường hợp có biến chứng đứt gân. Chỉ định trong trường hợp thất bại khi điều trị bảo tồn kéo dài trên 1 năm mà không kết quả. Đặc biệt là đau kéo dài và cản trở hoạt động thể thao

Lối sống và hướng dẫn tại nhà dành cho người bệnh

Nếu bị đau vùng gối, bệnh nhân có thể làm theo những bước sau để giảm đau tại nhà:

  • Dùng thuốc giảm đau. Có thể dùng những thuốc như ibuprofen hay naproxen sodium giúp giảm đau trong thời gian ngắn.
  • Tránh những hoạt động gây đau. Người bệnh có thể cần phải tập luyện ít lại hoặc đổi sang môn thể thao khác nhẹ hơn. Nếu xuất hiện đau khi tập luyện, bệnh nhân nên dừng lại và nghỉ ngơi, tránh việc tiếp tục khi đã bị đau vì có thể tạo những tổn thương nặng nề hơn lên gân.
  • Chườm lạnh. Người bệnh có thể chườm đá lạnh lên vùng bị đau. Nên để đá trong một túi nhựa, sau đó bọc túi nhựa trong khăn rồi chườm lên da. Ngoài ra, người bệnh có thể làm đông nước trong một cốc bằng xốp và giữ cốc khi áp nước đã đông trực tiếp lên da. Nhiệt độ lạnh có thể giúp giảm sưng và đau.

Biện pháp phòng ngừa viêm gân bánh chè

Để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh, bạn nên lưu ý:

  • Dừng ngay các động tác gây đau gối: Khi xuất hiện các cơn đau đầu gối do vận động thể chất, bạn nên chườm lạnh khu vực tổn thương và nghỉ ngơi, đồng thời cần tránh những hoạt động tạo áp lực lên gân cho tới khi cơn đau hoàn toàn biến mất.
  • Tăng cường sức mạnh cơ đùi: Cơ đùi khỏe mạnh sẽ giúp giảm căng thẳng lên gân xương bánh chè. Những bài tập giãn cơ trước khi vào bài tập chính sẽ giúp cơ và gân đàn hồi tốt hơn, giảm nguy cơ chấn thương.
  • Thực hiện đúng kỹ thuật: Đây là điều tiên quyết khi tập thể dục, thể thao. Thực hiện kỹ thuật đúng sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ chấn thương hiệu quả. Đặc biệt, khi chơi một môn thể thao mới, bạn nên tham khảo các bài hướng dẫn chuẩn của người chơi chuyên nghiệp.
  • Lựa chọn giày dép phù hợp với việc phân bố trọng lượng cơ thể.

Một số bài tập được khuyến nghị để điều trị viêm gân bánh chè

Co cơ đẳng trường:

Một bài tập co cơ đẳng trường liên quan đến việc co cơ mà không thay đổi chiều dài của cơ. Kỹ thuật này giúp tạo tải trọng lên gân bánh chè, đồng thời giảm đau nhanh.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, bài tập co cơ đẳng trường giúp người tập tận dụng đến 95% các nhóm cơ, so với chỉ 88-90% ở các loại hình luyện tập khác giúp người bị viêm gân bánh chè nhanh phục hồi hơn.

Cách thực hiện:

  • Ngồi trên ghế và buộc dây đai quanh chân ghế sau với mắt cá chân của chân bị đau, giữ đầu gối 90 độ hoặc uốn cong 60 độ.
  • Sử dụng khoảng 70% nỗ lực tối đa để đá chân về phía trước, kéo giãn dây đai. Chú ý không di chuyển cơ thể khi thực hiện động tác.
  • Giữ vị trí trong 45 giây trước khi thư giãn trong một phút.
  • Để có kết quả tốt nhất, hãy hoàn thành năm lần lặp lại bài tập này mỗi ngày, tiếp tục hàng ngày cho đến khi các triệu chứng bắt đầu cải thiện.

Mở rộng đầu gối:

Sau khi bài tập co cơ đẳng trường bắt đầu làm giảm các triệu chứng đau do viêm gân bánh chè, bạn có thể bắt đầu thêm bài tập duỗi đầu gối để giúp tăng sức mạnh cơ tứ đầu và giúp gân bánh chè quen với tải trọng nặng hơn.

Cách thực hiện:

  • Ngồi trên ghế với chân lơ lửng trong không khí hoặc có thể chạm sàn và buộc một dải kháng lực dày quanh mắt cá chân 2 chân.
  • Dần dần duỗi chân bị ảnh hưởng ra khỏi lực cản, chân còn lại vẫn giữ nguyên tư thế
  • Khi đầu gối đã thẳng, giữ nguyên bốn giây nữa.
  • Hoàn thành bốn hiệp, tám lần lặp lại, nghỉ 15 giây giữa các hiệp. Việc này nên được thực hiện bốn lần mỗi tuần.

Bài tập giãn cơ một chân:

Các bài tập giãn cơ giúp tăng cường cơ bắp bằng cách làm cho cơ giãn ra từ từ khi thực hiện động tác. Mặc dù loại kỹ thuật này có thể tạm thời gây ra một số cơn đau nhức, nhưng cuối cùng nó đã được chứng minh là làm giảm các triệu chứng của viêm gân bánh chè.

Cách thực hiện:

  • Đứng trên bề mặt có độ dốc từ nhẹ đến trung bình.
  • Nhấc chân lành lên đưa về phía trước, và chỉ đứng trên chân bị đau.
  • Từ từ ngồi xổm xuống cho đến khi đầu gối bị đau uốn cong khoảng 90 độ. Khi thực hiện động tác này, hãy nhớ ngồi mông về phía sau và giữ cho đầu gối bị đau không vượt quá các ngón chân.
  • Khi bạn ở điểm thấp nhất của động tác, hãy đặt chân lành về vị trí ban đầu, quay lại tư thế đứng bằng cả hai chân.
  • Hoàn thành ba hiệp, mỗi hiệp 10 lần lặp lại kỹ thuật này mỗi ngày.

Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế

Kính chào Quý Khách hàng,

Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…

Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.

Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.

Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.


PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMClogo

Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC

Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC

Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC