Vảy nến là bệnh gì?
Bệnh vẩy nến là bệnh viêm da mạn tính tái phát có biểu hiện rõ nhất là các mảng da bong tróc tạo thành vảy. Vị trí tổn thương có màu hồng hoặc đỏ, thậm chí màu tím hoặc nâu sẫm; riêng vảy có thể màu xám, màu trắng hoặc bạc. Những mảng này có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, thường gặp ở khuỷu tay, đầu gối, da đầu và lưng dưới
Bệnh vảy nến là bệnh mạn tính (kéo dài) không lây, có thể gặp mọi lứa tuổi nhưng thường xuất hiện ở người lớn từ 20 – 30 tuổi và từ 50 – 60 tuổi, tỷ lệ nam và nữ tương đương nhau.
Theo thống kê, có khoảng 2-3 % dân số thế giới mắc phải bệnh này.
Ở trạng thái bình thường, các tế bào da cũ sau khi chết đi sẽ bong ra và được thay thế bởi các tế bào da mới. Nhưng đối với bệnh nhân mắc vảy nến, quá trình trên diễn ra nhanh gấp 10 lần do hiện tượng tăng sinh tế bào, khiến các tế bào da cũ và mới không kịp thay đổi, tích tụ lại một chỗ tạo thành những mảng dày, có vảy trắng hoặc bạc.
Biểu hiện của bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến bao gồm các giai đoạn không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, sau đó đến giai đoạn triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm:
- Tổn thương cơ bản của vảy nến là các đám da đỏ, kích thước to nhỏ khác nhau, có khi thành mảng lớn, ranh giới rõ với da lành, cộm, trên có phủ vảy da màu trắng dễ bong, vị trí hay gặp ở vùng tỳ đè, có tính chất đối xứng.
- Ban có màu khác nhau. Người có màu da nâu hoặc da đen thường rơi vào sắc tím. Người da trắng có sắc hồng hoặc đỏ với vảy bạc.
- Đốm vảy nhỏ (thường gặp ở trẻ em).
- Da khô, nứt nẻ có thể chảy máu.
- Ngứa, rát hoặc đau nhức.
- Phát ban theo chu kỳ, bùng phát trong vài tuần hoặc vài tháng rồi giảm dần sau đó.
Các loại vảy nến thường gặp
Bệnh vảy nến xảy ra do rối loạn sẩn vảy và được chia thành các loại khác nhau dựa trên đặc điểm mô học. Bệnh được phân chia qua các dạng lâm sàng bao gồm: vảy nến thông thường, vảy nến thể giọt, vảy nến mảng nhỏ, vảy nến đảo ngược, vảy nến đỏ da toàn thân, vảy nến mủ, vảy nến tiết bã, vảy nến tả lót, vảy nến dạng dãi, vảy nến khớp.
- Bệnh vảy nến mảng bám (bệnh vảy nến thông thường), chiếm khoảng 90% trường hợp. Vảy nến thường xuất hiện dưới dạng các mảng màu đỏ có vảy trắng ở mặt sau cẳng tay, cẳng chân, vùng rốn và da đầu. Bệnh gây các mảng da khô, ngứa, nổi lên (mảng bám) phủ đầy vảy. Các mảng khác nhau về màu sắc, tùy thuộc vào màu da.
- Bệnh vảy nến thể giọt (bệnh vảy nến Guttate) có tổn thương các đốm nhỏ hình giọt nước có vảy trên thân, cánh tay hoặc chân. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở thanh niên và trẻ em. Bệnh thường được kích hoạt bởi nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm họng liên cầu khuẩn. Bệnh vảy nến thể giọt thường khởi phát do nhiễm trùng liên cầu (miệng họng hoặc quanh hậu môn) và thường xảy ra 1-3 tuần sau khi nhiễm trùng. Bệnh thường thấy nhất ở trẻ em và thanh niên.
- Bệnh vảy nến mụn mủ hiếm gặp, biểu hiện dưới dạng mụn nước nhỏ, không nhiễm trùng, chứa đầy mủ, gây ra các vết phồng rộp có mủ rõ ràng. Vảy nến có thể lan rộng hoặc trên các khu vực nhỏ của lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.
- Bệnh vảy nến nghịch đảo (bệnh vẩy nến đảo ngược, bệnh vảy nến nếp) hình thành các mảng đỏ trên các nếp gấp trên da (háng, mông, vú, xung quanh bộ phận sinh dục). Nhiệt độ, chấn thương và nhiễm trùng có vai trò trong sự phát triển của dạng vảy nến không điển hình này. Người bị bệnh xuất hiện các mảng da bị viêm mịn trở nên tồi tệ hơn khi ma sát và đổ mồ hôi.
- Bệnh vảy nến đỏ da toàn thân ít phổ biến, xảy ra khi ban lan rộng và có thể phát triển từ bất kỳ loại vảy nến nào khác. thường liên quan đến hơn 90% diện tích bề mặt cơ thể. Da người bệnh có thể khô, ngứa, sưng và đau nghiêm trọng. Vảy nến đỏ bao phủ toàn bộ cơ thể bằng phát ban bong tróc có thể ngứa hoặc bỏng dữ dội. Bệnh có thể tồn tại trong thời gian ngắn (cấp tính) hoặc dài hạn (mạn tính).
- Bệnh vảy nến móng tay khiến móng tay và móng chân bị rỗ, móng phát triển bất thường và đổi màu. Móng bị vảy nến có thể lỏng ra và tách khỏi nền móng (nấm móng), nếu nặng hơn có thể khiến móng vỡ vụn.
- Bệnh vảy nến trẻ sơ sinh (vảy nến thể tã) với đặc điểm xuất hiện các sẩn đỏ có vảy bạc ở vùng quấn tã ở trẻ em, có thể kéo dài đến thân hoặc tay chân.
- Bệnh vảy nến ở miệng rất hiếm gặp, có thể không có triệu chứng, tồn tại dưới dạng các mảng màu trắng hoặc vàng xám. Nứt lưỡi là phát hiện phổ biến nhất ở những người bị bệnh vảy nến miệng.
- Bệnh vảy nến tiết bã thường biểu hiện dưới dạng các mảng đỏ có vảy nhờn ở những vùng sản xuất nhiều bã nhờn như da đầu, trán, nếp gấp da cạnh mũi, da quanh miệng, da trên ngực phía trên xương ức và nếp gấp da.
Nguyên nhân của bệnh vảy nến
Do di truyền:
Bệnh vảy nến có thể di truyền trong gia đình. Khoảng 1/3 người mắc bệnh vảy nến báo cáo có tiền sử gia đình mắc bệnh. Các nghiên cứu về cặp song sinh giống hệt nhau cho thấy 70% khả năng một cặp song sinh mắc bệnh nếu người kia mắc chứng rối loạn này; tỷ lệ này chiếm 20% ở cặp song sinh không giống hệt nhau. Những phát hiện này cho thấy cả tính nhạy cảm di truyền và phản ứng môi trường trong việc phát triển bệnh.
Rối loạn hệ miễn dịch:
Các nghiên cứu chỉ ra bệnh vảy nến có thể liên quan đến hệ miễn dịch. Phát hiện và tiêu diệt các yếu tố gây bệnh xâm nhập vào cơ thể là cơ chế do hệ miễn dịch sinh ra để bảo vệ cơ thể. Khi hệ miễn dịch bị rối loạn dẫn đến gây tổn thương cho chính bản thân, trong đó có hệ thống da.
Tăng tương tác giữa các tế bào miễn dịch tự nhiên (innate immunity), tế bào miễn dịch thu được (adaptive immunity), và các tế bào vùng thượng bì, dẫn đến nhiều kháng thể và tế bào tín hiệu viêm sưng tấn công các tế bào da, khiến cho vùng thượng bì sản sinh nhiều hơn bình thường. Các tế bào da sản sinh quá nhanh dẫn đến thiếu liên kết, gãy rụng thành từng lớp (vảy), bên dưới là vùng da viêm sưng (đỏ), nên nhìn có vẻ như là các vảy đỏ nến.
Những yếu tố gây khởi phát vảy nến
Các yếu tố gây stress hàng ngày:
Đây cũng là nguyên nhân gây khởi phát và làm bệnh trầm trọng hơn. Một số nghiên cứu cho rằng, ở những người mắc bệnh thường dễ bị kích thích hoặc lo lắng thái hóa
Thường xuyên tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm:
Cơ thể con người đặc biệt là vùng da thường xuyên làm việc trong môi trường bị ô nhiễm, tiếp xúc với nhiều khói bụi, vi khuẩn có trong khí rất dễ bùng phát bệnh.
Dùng thuốc không đúng chỉ định:
Việc chúng ta sử dụng thuốc một cách bừa bãi không theo chỉ dẫn của bác sĩ cũng là một trong những nguyên nhân bệnh vảy nến. Một số loại thuốc bạn cần lưu ý trong quá trình sử dụng như: Lithium, một số thuốc chống sốt rét, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc chống viêm, thuốc điều trị suy tim sung huyết,…
Thiếu quan tâm đến các vùng da đang bị tổn thương:
Đa số chúng ta rất hay lơ là đối với những vùng da bị tổn thương, chủ quan và không chữa trị. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công làm gia tăng rối loạn chuyển hóa dẫn đến gây bệnh. Tuy chỉ chiếm 14% trong tổng số các nguyên nhân, nhưng chúng ta vẫn cần phải chú trọng hơn để giảm thiểu rủi ro gây và tái phát bệnh.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp:
Không thuộc một trong những nguyên nhân đáng báo động. Tuy nhiên, những bệnh nhân có tiền xử bị viêm họng, viêm amidan vẫn xuất hiện vảy nến trên cơ thể.
Yếu tố thời tiết:
Một nguyên nhân khác nữa gây khởi phát bệnh đó là trời quá lạnh và khô khiến da nứt nẻ, khô khan. Ở một số người, nếu thời tiết chuyển lạnh đột ngột rất dễ gây dị ứng da, và tái phát bệnh nhanh chóng.
Không chỉ vậy, nếu da tiếp xúc trực tiếp quá lâu dưới ánh nắng mặt trời, đặc biệt từ 10h – 15h vẫn gây bất lợi cho cơ thể. Khoảng thời gian này các tia tử ngoại từ mặt trời có thể gây tổn thương các tế bào da, ngoài ra cũng rất dễ gây ung thư da.
Thói quen sống không lành mạnh:
Duy trì một thói quen sống không lành mạnh là một yếu tố vô cùng bất lợi cho cơ thể nói chung và bệnh vảy nến nói riêng. Những đối tượng thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc bệnh và tái phát cao hơn người bình thường. Nguyên nhân chính là những chất này gây tác mạnh, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể.
Một số rối loạn khác:
Rối loạn chuyển hóa đạm, đường hoặc các rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ cũng là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến vẩy nến trên cơ thể.
Vảy nến được điều trị như thế nào?
Đến nay, bệnh vảy nến chưa có thuốc điều trị khỏi mà chỉ có thể làm giảm quá trình bệnh lý, kéo dài thời gian ổn định, giảm tái phát cho người bệnh.
Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị gồm giai đoạn tấn công để làm sạch tổn thương và giai đoạn duy trì để duy trì sự làm sạch đó.
Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến: Thuốc bôi tại chỗ, liệu pháp ánh sáng, thuốc điều trị đường toàn thân. Lựa chọn từng phương pháp điều trị riêng rẽ hay kết hợp các phương pháp cần phải cân nhắc về tuổi, giới tính, thể bệnh, mức độ bệnh, các phương pháp điều trị đã sử dụng trước đây.
Thuốc bôi tại chỗ hiện nay được sử dụng thường có chứa thành phần corticosteroid, dẫn xuất vitamin D3, ức chế calcineurin, retinoid, acid salicylic… thường được sử dụng cho các trường hợp vảy nến mức độ nhẹ hay trung bình.
Các liệu pháp ánh sáng thường được sử dụng trong điều trị người bệnh vảy nến là chiếu UVB, PUVA, Laser Excimer…
Trường hợp vảy nến mức độ nặng hơn có thể được kết hợp điều trị với các thuốc đường toàn thân như: methotrexate, cyclosporine, vitamin A acid hay các thuốc sinh học.
Thuốc sinh học gần đây là một bước tiến mới mang lại nhiều hi vọng cho người bệnh vảy nến khi cải thiện được chất lượng cuộc sống của người bệnh. Người bệnh sau khi dùng thuốc sinh học có thể sạch hoàn toàn thương tổn, hết đau khớp và tự tin giao tiếp
Bệnh vảy nến có nguy hiểm không?
Người bệnh vảy nến sẽ có nguy cơ mắc phải một số bệnh lý khác cao hơn bình thường, bao gồm:
- Viêm khớp vảy nến gây đau, cứng và sưng ở trong hay xung quanh khớp
- Các vấn đề ở mắt như viêm kết mạc, viêm bờ mi và viêm màng bồ đào
- Béo phì
- Đái tháo đường tuýp 2
- Tăng huyết áp
- Bệnh tim mạch
- Các bệnh tự miễn khác, như Celiac, xơ cứng, bệnh Crohn
- Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần như tự ti, trầm cảm
Chế độ ăn uống, sinh hoạt dành cho người bệnh vảy nến
Chế độ ăn uống và sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của người bệnh vảy nến. Mỗi người bệnh vảy nến thường có yếu tố khởi phát hay làm nặng lên tình trạng bệnh khác nhau, vì vậy bác sĩ điều trị kết hợp với người bệnh phải tìm được các yếu tố khởi động (một hoặc nhiều yếu tố) để có chiến lược khống chế và điều trị bệnh hiệu quả.
Người bệnh vảy nến cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và đầy đủ dưỡng chất, trong đó nên bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, axit béo omega-3, kẽm, acid folic, beta caroten, … Hạn chế các thực phẩm nhiều tinh bột và đường, món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật hay các món ăn có hàm lượng đạm cao như thịt chó, ba ba. Đặc biệt cần tránh các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê…
Bên cạnh đó, người bệnh vảy nến nên trang bị hiểu biết của mình về bệnh, để chung sống hòa bình, làm chủ căn bệnh, loại bỏ dần những căng thẳng bởi vì căng thẳng là một trong những yếu tố làm bệnh nặng lên
Đặc biệt, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sỹ và đến tái khám theo hẹn.
Thường xuyên giữ ẩm cho vùng da bị vảy nến là rất quan trọng. Người bệnh cần giữ ẩm cho da bằng cách bôi kem dưỡng ẩm ít nhất 2-3 lần một ngày, bôi ngay sau khi tắm và bất cứ khi nào cảm thấy khô da
Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế
Kính chào Quý Khách hàng,
Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.
- PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMC
- Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC
- Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC
- Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC