Trên thế giới, suy giãn tĩnh mạch chi dưới chiếm một tỉ lệ đáng kể trên tổng số dân, trong đó có 70% là nữ. Nữ giới thường có tỷ lệ mắc suy giãn tĩnh mạch chi dưới cao hơn nam giới do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch, do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt như bán hàng, thợ dệt, may, chế biến thủy, hải sản, giáo viên…, do khối lượng cơ thấp so với nam giới hoặc dùng giày không thích hợp.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là gì?
Động mạch dẫn máu giàu oxy từ tim đến các cơ quan khác trong cơ thể và tĩnh mạch mang máu ít oxy trở về tim
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng sự suy giảm khả năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới (chân) do suy các van tĩnh mạch
Khi bạn đứng thẳng, máu trong tĩnh mạch phải chảy ngược chiều trọng lực trở về tim. Bình thường, hệ thống van trong lòng tĩnh mạch giúp ngăn ngừa máu không trào ngược xuống, kết hợp với cơ chế lực đẩy ở chân lúc đi lại và lực hút được tạo ra do hoạt động của tim và sự hít thở, giúp duy trì dòng máu tĩnh mạch từ chân về tim theo một chiều.
Khi các van tĩnh mạch bị suy, máu có xu hướng trào ngược xuống dưới bàn chân do tác dụng của trọng lực. Lúc này, máu ở hệ thống tĩnh mạch sẽ bị ứ lại ở chân gây ra các biến đổi về huyết động và làm biến dạng các tổ chức mô xung quanh. Hậu quả là người bệnh sẽ gặp cảm giác nặng chân, nhức mỏi, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm…
Tình trạng suy giãn tĩnh mạch kéo dài sẽ gây ra bệnh lý do sự biến đổi bất thường về giải phẫu của hệ tĩnh mạch, các tĩnh mạch giãn thành dạng lưới (dạng mạng nhện) hoặc giãn to ngoằn ngoèo dưới da.
Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời và đúng cách, suy giãn tĩnh mạch sẽ tiếp tục tiến triển, những trường hợp nặng có thể dẫn đến các biến chứng như chàm da, loét chân không lành, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu…không những khiến việc điều trị lâu dài và tốn kém hơn mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Phân loại tĩnh mạch chi dưới:
Hệ mạch máu gồm 3 phần: động mạch đưa máu từ tim đến các cơ quan nuôi cơ thể, mao mạch giúp trao đổi chất, tĩnh mạch dẫn máu ngược từ các cơ quan trở về tim. Trong đó hệ tĩnh mạch chi dưới gồm 3 nhóm chính:
– Tĩnh mạch sâu : tĩnh mạch chày, kheo, đùi, vận chuyển 90% lưu lượng máu tĩnh mạch 2 chân
– Tĩnh mạch nông : tĩnh mạch hiển lớn và hiển bé, chỉ vận chuyển 10% lưu lượng.
– Tĩnh mạch xuyên : vận chuyển máu từ tĩnh mạch nông vào tĩnh mạch sâu.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Hiện nay chưa có một nguyên nhân rõ ràng nào trực tiếp gây nên bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Ở cơ chế bình thường, dòng máu tĩnh mạch từ chân trở về tim được duy trì theo một chiều từ dưới đi lên (ngược với chiều trọng lực khi ở tư thế đứng) là nhờ hệ thống van tĩnh mạch, lực hút được tạo ra do hoạt động của tim, cơ thành ngực và lực ép của khối cơ cẳng chân.
Những tác động làm ảnh hưởng đến cơ chế duy trì dòng máu một chiều này như giữ tư thế đứng lâu, chèn ép tĩnh mạch vùng chậu, ít vận động cơ cẳng chân… lâu ngày sẽ làm cho van một chiều không còn giữ được chức năng, khiến thành tĩnh giãn ra, yếu đi và tạo ra dòng máu trào ngược qua van theo trục các tĩnh mạch hiển lớn, hiển bé hay tĩnh mạch sâu theo chiều ngược xuống chân.
Dòng trào ngược gây tăng áp lực trong lòng trục tĩnh mạch lớn, rồi truyền qua các tĩnh mạch nhỏ làm giãn cả tĩnh mạch lớn và nhỏ.
Suy van tĩnh mạch có thể xảy ra ở từng vùng hoặc toàn bộ chân.
Các nghiên cứu cho thấy có một số yếu tố nguy cơ gây suy giãn tĩnh mạch chi dưới như:
- Thói quen sinh hoạt, làm việc: phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, phải mang vác nặng, hoặc làm việc trong môi trường ẩm thấp kéo dài… tạo điều kiện cho máu bị ứ trệ ở hai chân
- Phụ nữ mang thai nhiều lần, sinh đẻ nhiều, sử dụng thuốc nội tiết tố, thuốc ngừa thai kéo dài,… thường dễ bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới hơn.
- Người béo phì hay quá cân, lười thể dục
- Táo bón kinh niên, hút thuốc lá, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin… cũng làm cho suy giãn tĩnh mạch dễ xuất hiện và nặng hơn.
- Khiếm khuyết van do bẩm sinh
- Hội chứng hậu huyết khối: huyết khối tĩnh mạch sâu ngăn cản dòng máu trở về tim, viêm tĩnh mạch với hình thành vi huyết khối trong các tĩnh mạch nông và sâu
- Quá trình thoái hóa do tuổi tác (thường gặp ở người già): tuổi thọ ngày càng cao sẽ kéo theo những bệnh của quá trình tích tuổi, trong đó có suy giãn tĩnh mạch …
Những biểu hiện của suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Giai đoạn đầu: biểu hiện bệnh thường không rõ ràng và thoáng qua
- Đau chân, nặng chân hoặc đôi khi chỉ là cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường
- Mỏi chân và xuất hiện phù nhẹ khi phải đứng lâu, ngồi nhiều.
- Chuột rút vào buổi tối.
- Cảm giác bị kim châm, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm.
- Xuất hiện nhiều mạch máu nhỏ li ti ở chân, nhất là ở cổ chân và bàn chân.
Giai đoạn tiến triển:
- Phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân.
- Các triệu chứng thường nặng lên vào chiều tối, hoặc sau khi đứng lâu, sau một ngày làm việc và giảm bớt vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, hoặc sau khi nghỉ ngơi, kê chân cao
- Thay đổi màu sắc da vùng cẳng chân, biểu hiện của loạn dưỡng do máu tĩnh mạch ứ lâu ngày
- Có thể thấy các búi tĩnh mạch giãn nổi rõ trên da.
Giai đoạn biến chứng:
- Viêm tĩnh mạch nông huyết khối.
- Chảy máu do giãn vỡ tĩnh mạch.
- Nhiễm khuẩn vết loét trong suy tĩnh mạch mạn tính.
Những xét nghiệm cần thực hiện dể chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi bạn về tình trạng sức khỏe, bệnh sử và triệu chứng, rồi tiến hành thăm khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ thăm khám các hình thái và màu sắc của các tĩnh mạch nổi rõ. Bác sĩ có thể dùng dây ga-rô hay dùng tay nhấn trực tiếp vào tĩnh mạch để xem khả năng lấp đầy máu của tĩnh mạch. Để xác định chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm Doppler mạch máu
Siêu âm Doppler mạch máu sử dụng sóng siêu âm không đau, có tần số cao hơn tai người có thể nghe được để khảo sát. Bác sĩ dùng siêu âm Doppler để đo tốc độ của lưu lượng máu và khảo sát cấu trúc của tĩnh mạch chân. Khảo sát này mất khoảng 20 phút cho mỗi chân.
Các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới sẽ đem lại kết quả tốt
Để điều trị hiệu quả, cần phát hiện sớm, kết hợp đa mô thức:
- Thay đổi lối sống
- Sử dụng tất áp lực
- Sử dụng thuốc.
Vớ áp lực
Vớ áp lực là một loại vớ có tính đàn hồi giúp ép tĩnh mạch và ngăn máu chảy ngược quá mức. Bạn có thể cần mang vớ áp lực hàng ngày đến suốt đời. Đối với nhiều bệnh nhân, vớ áp lực điều trị hiệu quả tình trạng suy giãn tĩnh mạch và có thể giúp giảm đau, sưng và phòng ngừa những vấn đề khác về sau
Các thuốc điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Hiện nay, các thuốc đặc hiệu điều trị suy giãn tĩnh mạch có rất ít và hiệu quả không cao (nghĩa là thuốc không chữa dứt điểm được bệnh).
Việc dùng thuốc chủ yếu là các thuốc làm tăng trương lực tĩnh mạch để giúp lưu thông dòng máu tốt hơn. Để duy trì tối đa hiệu quả của thuốc, điều trị phải chia làm nhiều đợt, lâu dài. Bệnh nhân cần kiên trì uống thuốc tối thiểu là 6 tháng
Bệnh nhân suy van tĩnh mạch mạn tính có thể được chỉ định thuốc trợ tĩnh mạch nhằm cải thiện triệu chứng, giảm viêm, giảm phù.
Thuốc thường được dùng là daflon. Nếu bệnh nhân bị loét tĩnh mạch lớn, kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định flavonoid hoặc pentoxifilline phối hợp với điều trị áp lực. Các thuốc diosmin hoặc hesperidin có thể dùng điều trị tình trạng chuột rút và phù…
Tùy theo từng trường hợp và mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ có thể kê thêm một số các loại thuốc: Kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, chống đông
Phương pháp tiêm xơ
Đây là phương pháp mà bác sĩ sẽ tiêm một chất gây xơ vào tĩnh mạch nông chi dưới. Chất này sẽ làm tổn thương nội mạc tĩnh mạch và thành phần lân cận của lớp trung mạc, dẫn đến hình thành huyết khối, gây tắc lòng tĩnh mạch bị suy, làm máu không bị ứ trệ tại tĩnh mạch bị suy giãn đó nữa.
Tiêm xơ được chỉ định trong các trường hợp suy giãn tĩnh mạch mạng nhện. Tình trạng tĩnh mạch giãn nhẹ, giãn không quá 1cm (tốt nhất dưới 3mm).
Phương pháp này có giá thành rẻ, không gây đau đớn và bệnh nhân được xuất viện ngay. Tuy nhiên, bệnh dễ tái phát do tái thông dòng máu, đặc biệt là ở những tĩnh mạch có kích thước lớn hơn 3mm.
Ngoài ra còn có thể gặp phải một số biến chứng nếu kỹ thuật tiêm không bảo đảm: Tiêm vào động mạch, gây tắc động mạch cấp, có nguy cơ phải cắt cụt chi; máu tụ tại vị trí tiêm xơ; viêm tĩnh mạch hay quanh tĩnh mạch do tiêm quá nhiều chất gây xơ, đám rối loạn sắc tố da, viêm mô dưới da, hoại tử da…
Phương pháp phẫu thuật
Phương pháp này được chỉ định cho trường hợp bị suy giãn tĩnh mạch nặng, đường kính tĩnh mạch lớn hoặc đã có biến chứng, không đáp ứng với điều trị nội khoa.
Với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ lột bỏ toàn bộ thân tĩnh mạch và các nhánh bên. Phương pháp này khá hiệu quả, tỷ lệ tái phát bệnh thấp nhưng hiện nay ít được sử dụng do phải gây tê, gây mê, thời gian nằm viện và phục hồi sau mổ lâu.
Phương pháp này cũng có khá nhiều biến chứng: Tụ máu vùng đùi hoặc dọc theo đường đi của tĩnh mạch được lấy bỏ; dị cảm chi dưới do tổn thương thần kinh; huyết khối tĩnh mạch; tái phát suy giãn tĩnh mạch bên, bàng hệ.
Phương pháp can thiệp nội mạch
Các tĩnh mạch nông là tĩnh mạch hiển lớn hay tĩnh mạch hiển bé được chỉ định nếu có tổn thương được xác định trên siêu âm. Bác sĩ sẽ luồn dây dẫn năng lượng laser hay sóng cao tần (Radio Frequency) vào trong lòng tĩnh mạch bị suy giãn. Quá trình luồn dây dẫn này được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm.
Sau khi xác định đầu của dây dẫn nằm đúng vị trí cần điều trị, năng lượng nhiệt tạo ra ở đầu của dây dẫn sẽ tạo phản ứng làm xơ nội mạc, thành mạch thu nhỏ lại, teo dính lòng tĩnh mạch. Dây dẫn sẽ được kéo lùi từng khoảng 1cm trong quá trình dây dẫn phát năng lượng, cho đến khi kéo lùi hoàn toàn ra khỏi tĩnh mạch.
Phòng ngừa biến chứng của suy giãn tĩnh mạch chi dưới
- Thay đổi thói quen làm việc và sinh hoạt: Tránh đứng lâu hoặc ngồi bất động kéo dài.
- Khi đi ô tô, máy bay đường dài cần phải gấp duỗi chân thường xuyên cho máu lưu thông.
- Uống nhiều nước
- Mang tất dài hỗ trợ
- Giảm cân khi dư thừa
- Tư vấn bác sĩ phụ khoa khi dùng thuốc ngừa thai
- Dùng thuốc đề phòng huyết khối tĩnh mạch sâu khi có chỉ định.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới tiến triển chậm ở những giai đoạn sớm, người bệnh khó nhận biết các triệu chứng. Những người có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh cần chú ý đến bất cứ triệu chứng nào của bệnh và nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, điều trị bệnh sớm nhằm tránh những biến chứng của bệnh xảy ra.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới và Y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền các biểu hiện của suy giãn tĩnh mạch chi dưới được mô tả trong các chứng: Chứng Tý, Ma mộc, Thủy thũng, Thoát hư… Nguyên nhân chủ yếu là do mạch lạc bị tắc nghẽn, khí huyết không được lưu thông, tổ chức bì phu cơ nhục không được nuôi dưỡng
Tùy theo triệu chứng và nguyên nhân mà bệnh được chia thành các thể như:
- Khí trệ thấp trở
- Khí trệ huyết ứ
- Nhiệt độc thịnh
Điều trị
- Một số bài thuốc thường được sử dụng như: Tứ quân gia giảm, tỳ ẩm gia giảm, thông mạch hoạt huyết thang, Huyết phủ trục ứ thang, Cố bộ thang…
Ngoài biện pháp dùng thuốc thì thầy thuốc có thể kết hợp thêm các biện pháp không dùng thuốc như:
- Xoa bóp
- Châm cứu: có thể kết hợp châm tả A thị huyệt vùng đau với châm bổ các huyệt : Khí hải, Quan nguyên, Huyết hải, Tam âm giao…
Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế
Kính chào Quý Khách hàng,
Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.
PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMC
Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC
Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC
Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC