Sỏi mật là một trong các bệnh lý tiêu hóa về túi mật thường gặp. Bệnh thường phát triển một cách âm thầm ít bộc lộ triệu chứng. Phần lớn trường hợp chỉ tình cờ phát hiện sỏi mật trong những lần đi khám bệnh lý khác, cho nên tới lúc phát hiện ra bệnh thì cũng là khi sỏi đã gia tăng kích thước quá lớn và có các biểu hiện khiến người bệnh khó chịu, thậm chí là biến chứng nặng nề.
Hiểu biết tổng quan về túi mật và dịch mật
Túi mật là một cơ quan nhỏ có hình dạng như quả lê nằm ở bên bụng phải, bên dưới gan. Nhiệm vụ của cơ quan này là lưu trữ và cô đặc mật. Mật là hợp chất sền sệt, màu vàng hoặc xanh lục và có đắng được gan bài tiết ra và lưu trữ trong túi mật.
Túi mật có chức năng co bóp để đẩy dịch mật vào ống mật chủ rồi đổ xuống tá tràng, ruột non, hỗ trợ tiêu hủy chất béo và thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.
Mật có vai trò hỗ trợ tiêu hóa vì muối mật là muối Kali hoặc Natri của các acid mật, có nguồn gốc từ cholesterol với glycin hoặc taurine nên muối mật có vai trò phân hủy chất béo, giúp chất béo đã được tiêu hóa đi qua thành ruột và hỗ trợ thúc đẩy hoạt động của men Lipase (phân hủy Lipid).
Bên cạnh đó, túi mật còn có vai trò giống như một van điều phối để dẫn dịch mật đi vào tá tràng rồi xuống ruột non một cách nhịp nhàng.
Sỏi mật là gì?
Sỏi mật là các tinh thể rắn hình thành ở bên trong túi mật hoặc ống dẫn mật do tình trạng bão hòa quá mức của 1 trong 3 thành phần của dịch mật, bao gồm cholesterol, sắc tố mật (bilirubin) và muối canxi. Hiểu theo nghĩa đơn giản thì sỏi mật được tạo thành khi các thành phần trong dịch mật kết tinh lại thành những khối cứng, rắn theo kích thước từ nhỏ đến lớn.
Sỏi mật chia thành 2 loại là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật. Hầu hết các trường hợp là bị sỏi cholesterol.
Người bệnh có khi chỉ có một viên sỏi mật nhưng có khả năng có nhiều viên sỏi cùng lúc.
Cơ chế và nguyên nhân hình thành sỏi túi mật
Cơ chế hình thành sỏi túi mật
Khoảng 80% sỏi mật chủ yếu là do lượng cholesterol ở trong dịch mật gia tăng quá mức, vượt quá khả năng hòa tan của muối mật.
20% còn lại có thể gặp sỏi sắc tố mật liên quan đến nồng độ cao bất thường của sắc tố mật bilirubin. Bilirubin là hóa chất được tạo ra khi các tế bào hồng cầu trong cơ thể bị phá vỡ. Khi bạn gặp phải các vấn đề như xơ gan, rối loạn về máu, nhiễm trùng đường mật sẽ khiến gan tạo ra nhiều bilirubin và lượng bilirubin dư thừa sẽ tích tụ lại rồi hình thành nên sỏi mật
Bình thường túi mật sẽ dự trữ dịch mật giúp tiêu hóa chất béo trong thức ăn từ gan. Khi chúng ta ăn, túi mật thực hiện chức năng bằng cách co bóp và tiết mật vào ruột non. Tuy nhiên, nếu chức năng gan suy giảm, vận động đường mật kém gây ứ mật hay có tình trạng viêm thì các thành phần trong dịch mật sẽ bị xáo trộn và kết tụ tạo thành sỏi mật.
Những nguyên nhân có thể gây sỏi túi mật:
-
Hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao trong thời gian dài;
-
Giảm cân nhanh một cách thiếu khoa học: việc này sẽ kích thích gan tạo ra nhiều cholesterol, từ đó dễ tạo ra nhiều sỏi cholesterol;
-
Nhịn ăn: khi bỏ qua giờ ăn hoặc nhịn đói để giảm cân sẽ gây tác động xấu tới hệ tiêu hóa, ứ đọng dịch mật trong túi mật và gia tăng khả năng tạo sỏi
-
Người bị béo phì: đây chính là một trong những tác nhân dễ làm tăng nguy cơ tạo sỏi túi mật nhất vì béo phì sẽ khiến mức cholesterol trong cơ thể tăng cao và khiến việc làm sạch túi mật gặp nhiều trở ngại
-
Do mắc một số bệnh mạn tính: bệnh xơ gan, tiểu đường, viêm loét đại tràng,… cũng có thể dẫn tới sỏi mật.
- Bệnh lý đường mật: ứ đọng dịch mật, nhiễm vi trùng hay ký sinh trùng đường mật
- Bệnh lý khác: bệnh thiếu máu tán huyết, thiếu máu Địa Trung Hải, thiếu máu hồng cầu hình liềm
-
Lạm dụng thuốc tránh thai: nếu dùng nhiều trong thời gian dài, thuốc tránh thai sẽ gây tác dụng phụ là tăng cholesterol trong máu và làm ứ đọng dịch mật.
-
Do di truyền.
Những triệu chứng nào báo hiệu bạn có thể đang bị sỏi mật
Khi mắc bệnh sỏi túi mật đa số bệnh nhân không có triệu chứng gì và thường được tình cờ phát hiện trong quá trình thăm khám chẩn đoán bằng siêu âm ổ bụng.
Đau bụng
Những triệu chứng đau dữ dội xuất hiện nhiều nhất khi sỏi làm tắc ống túi mật. Sự xuất hiện của sỏi mật làm cản trở dòng chảy của dịch mật, tăng áp lực trong đường mật mỗi khi túi mật co bóp hoặc gây viêm, tổn thương đường mật, túi mật.
Những cơn đau thường xảy ra trong trường hợp túi mật co thắt đột ngột (hay xảy ra sau bữa ăn nhiều thịt, dầu mỡ), do gia tăng sức ép của sỏi lên thành túi mật hoặc động tác co thắt túi mật làm chúng dịch chuyển, hệ quả làm tắc đường dẫn mật.
Trong các triệu chứng cơ bản có cơn đau thường xuất hiện ở giữa hoặc bên phải phần trên ổ bụng, ngay dưới đường xương sườn – tình trạng đau đớn gia tăng kéo dài khoảng 60 phút và có thể duy trì, mức độ giảm dần suốt vài tiếng tiếp theo.
Cảm giác đau có thể mạnh mẽ và dai dẳng hoặc nhức nhối và căng phồng. Cũng không hiếm trường hợp cơn đau lan theo hướng sau lưng hoặc cánh tay phải. Không loại trừ kèm theo tình trạng buồn nôn và nôn. Cơn đau thuyên giảm, khi túi mật trở lại trạng thái bình thường.
Sỏi túi mật cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, như viêm túi mật cấp, viêm đường mật, viêm tụy cấp…
Rối loạn tiêu hóa
Sỏi mật làm cản trở dòng chảy dịch mật xuống đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đầy hơi, chậm tiêu, chán ăn, sợ thức ăn có nhiều dầu mỡ.
Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện sau bữa ăn, có thể kèm theo buồn nôn và nôn.
Khi nào bạn nên gặp bác sĩ
Người bệnh cần đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt khi xuất hiện một trong các dấu hiệu sau:
- Đau bụng dữ dội kéo dài nhiều giờ.
- Sốt cao trên 38 độ C, kèm theo ớn lạnh, vã mồ hôi.
- Buồn nôn và nôn kèm cảm giác chướng bụng.
- Ngứa da kết hợp vàng da hoặc vàng mắt.
Sỏi mật có nguy hiểm không?
Bệnh sỏi mật nếu không được chữa trị sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể kể đến như:
Viêm túi mật
Nếu các viên sỏi mật mắc kẹt ở cổ túi mật có thể gây viêm túi mật. Khi bị viêm túi mật, người bệnh thường xuyên bị đau và sốt nặng.
Tắc nghẽn ống tụy
Ống tụy chạy từ tuyến tụy và nối với ống mật chung trước khi vào tá tràng. Ống tụy có vai trò dẫn dịch tụy đi tiêu hóa thức ăn. Các viên sỏi mật có thể chèn ép và gây tắc ống tụy, lâu dần có thể gây viêm tụy. Biến chứng này gây đau bụng dữ dội và cần phải nhập viện để xử lý.
Ung thư đường mật
Nguyên nhân do viêm đường mật nhiều lần, kéo dài; triệu chứng lâm sàng hay gặp là gầy sút cân, vàng da có thể gặp nếu khối u gây chèn ép đường mật.
Sốc nhiễm khuẩn đường mật
Là biến chứng nặng, chiếm từ 16 – 24%. Đa số gặp ở người lớn tuổi, 75% ở những người trên 50 tuổi. Sốc nhiễm trung đường mật là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho bệnh nhân, hay gặp ở các bệnh nhân có sỏi mật, đau sốt nhiều nhưng không được điều trị kịp thời
Chảy máu đường mật
Bệnh nhân có các triệu chứng của sỏi mật đồng thời nôn ra máu và ỉa phân đen, điển hình là nôn ra máu cục có hình thỏi bút chì. Soi dạ dày tá tràng thấy có máu trong tá tràng nguồn gốc từ đường mật. Tắc ống mật chủ do sỏi sẽ dẫn đến tình trạng ứ mật trong gan, làm suy giảm chức năng gan nghiêm trọng, gây tổn thương thành ống dẫn mật. Từ đó ảnh hưởng đến các mạch máu và có khả năng dẫn đến chảy máu đường mật.
Xơ gan
Sỏi làm mật ứ trệ lại trong gan gây viêm gan cấp và mãn tính, dần dần xuất hiện các dải xơ do viêm.
Ai có nguy cơ bị sỏi mật
Bất cư ai cũng có thể bị sỏi mật, tuy nhiên bệnh hay gặp ở các đối tượng như:
- Phụ nữ: nữ giới có nguy cơ mắc bệnh sỏi mật cao hơn nhiều so với nam giới vì nội tiết tố nữ như progesteron khiến giảm vận động túi mật, trong khi estrogen làm tăng cholesterol và giảm acid mật hòa tan cholesterol. Estrogen gia tăng nồng độ cholesterol trong dịch mật, progesteron làm chậm tốc độ giải phóng túi mật.
- Chế độ ăn giàu chất béo bão hòa, ít chất xơ và rau xanh
- Thừa cân hoặc béo phì: những người thừa cân với chỉ số khối cơ thể (BMI) > 25 có nguy cơ cao mắc sỏi mật
- Độ tuổi từ 40 trở lên: tuổi tác càng cao càng có nhiều khả năng bị sỏi mật
- Những người bị rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh viêm ruột mãn tính: khiến cơ thể tái hấp thu muối mật kém, làm tăng nguy cơ mắc sỏi túi mật
- Tiền sử gia đình bị sỏi mật
- Giảm cân nhanh chóng: bởi thực đơn nghèo năng lượng kìm hãm cơ chế sản xuất mật – yếu tố khiến cho quá trình kết tủa cholesterol diễn ra nhanh hơn. Tình trạng xuất hiện sỏi túi mật sau những ca hút mỡ hoặc phẫu thuật làm nhỏ dạ dày nhằm hạn chế háu ăn xảy ra nhiều tới mức hiện không hiếm bệnh nhân yêu cầu cắt bỏ túi mật ngay khi thực hiện kỹ thuật này.
- Giảm vận động đường mật: những người làm công việc văn phòng, ít vận động, ngồi nhiều hoặc những người được nuôi ăn qua đường tĩnh mạch dài ngày (người thực vật) rất dễ bị tình trạng này
- Táo bón cũng tạo ra cơ hội cho vi trùng đường ruột phát triển, dẫn đến viêm tá tràng, túi mật và ống mật, làm cho mật dễ lắng xuống thành sỏi
- Bệnh lý: rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, bệnh gan mãn tính (gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, tăng men gan, …), rối loạn mỡ máu
- Đang mang thai: do thay đổi nội tiết tố và giảm khả năng co bóp của túi mật do kích thước của thai
- Dùng thuốc:
Sử dụng thuốc tránh thai dài ngày làm tăng nội tiết tố estrogen từ đó làm tăng đào thải cholesterol trong mật
Sử dụng thuốc hạ cholesterol (hạ mỡ máu) làm tăng đào thải cholesterol trong dịch mật
Phương pháp nào giúp chẩn đoán sỏi mật
- Xét nghiệm máu: giúp đánh giá chức năng gan và nồng độ cholesterol trong máu.
- Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm bụng, chụp X-quang bụng, chụp CT scanner vùng bụng là phương pháp hiệu quả trong chẩn đoán sỏi mật
Sỏi cholesterol thường đơn độc, có màu nhạt và không cản tia X nên không thấy được trên phim X-quang mà thấy được trên siêu âm. Sỏi sắc tố mật chủ yếu là canxi bilirubinat, có màu sậm, thường hình thành đám sỏi, cản tia X nhiều nên quan sát được trên phim X-quang
Điều trị sỏi mật như thế nào?
Dùng thuốc
Dùng thuốc trị sỏi mật được áp dụng với điều kiện:
-
Sỏi có kích thước nhỏ hơn 1 cm;
-
Chức năng túi mật vẫn được bảo toàn;
-
Thể tích sỏi chiếm dưới ⅓ tổng thể tích túi mật;
-
Không bị nghẹt ống dẫn mật;
-
Bệnh nhân hiện đang không dùng các thuốc khác như thuốc dạ dày, thuốc giảm mỡ.
Đến nay vẫn chưa có thuốc dùng trong điều trị tất cả các loại sỏi túi mật. Đối với sỏi mật cholesterol thì sẽ dùng loại thuốc có chứa thành phần giống với axit mật để bào mòn sỏi.
Bệnh nhân được chỉ định nên dùng thuốc vào buổi chiều thay vì buổi tối. Do buổi tối là thời điểm gan sản xuất dịch mật để tiêu hóa thức ăn, điều này sẽ kích thích việc tạo sỏi.
Điều trị sỏi mật bằng thuốc có thể kéo dài từ 3 tháng đến 2 năm, khả năng thành công là 40-70%. Phụ nữ phải tránh có thai trong khi dùng thuốc.
Ngoài ra, người bệnh cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống phù hợp như: ăn nhiều rau xanh, trái cây, ăn ít đồ ăn dầu mỡ, tăng cường vận động, kiểm soát cân nặng phù hợp…
Điều trị bằng các phương pháp khác
Sỏi mật được điều trị nếu chúng đã gây ra viêm túi mật, tắc nghẽn đường mật hoặc nếu sỏi đã di chuyển từ đường mật vào ruột. Các phương pháp điều trị sỏi mật bao gồm:
- Cắt túi mật: Có thể thực hiện bằng phương pháp mổ mở hoặc nội soi. Sau phẫu thuật cắt túi mật, sỏi mật vẫn có thể tái phát trong vòng một năm. Để giúp ngăn ngừa điều này, người bị sỏi mật cần được cung cấp axit ursodeoxycholic để hạn chế việc hình thành sỏi.
- Nội soi mật tụy ngược dòng: Phương pháp này còn gọi là ERCP. Nội soi mật tụy ngược dòng được thực hiện bằng cách bác sĩ gây tê cục bộ cho người bệnh rồi dùng một camera sợi quang linh hoạt, hoặc ống nội soi, đi vào miệng, qua hệ thống tiêu hóa và vào ống mật chủ. Đồng thời ERCP có thể giúp lấy sỏi kẹt ở đoạn cuối của ống mật chủ.
- Tán sỏi: Phương pháp này là dùng sóng xung kích siêu âm nhằm vào sỏi mật để làm vỡ chúng. Nếu sỏi mật trở nên đủ nhỏ, chúng có thể trôi qua đường mật và vào ruột non một cách an toàn. Đây là loại điều trị không phổ biến và chỉ được áp dụng đối với người bệnh có ít sỏi mật.
Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế
Kính chào Quý Khách hàng,
Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.
PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMC
Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC
Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC
Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC