RỐI LOẠN THỜI KỲ MÃN KINH TUỔI “4” TUẦN

Phụ nữ có thể gặp các triệu chứng mãn kinh bắt đầu từ giữa đến cuối tuổi tứ tuần.

Các triệu chứng mãn kinh có thể kéo dài 4-5 năm hoặc lâu hơn.

Hội chứng mãn kinh không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ mà còn liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác, ví dụ như bệnh tim mạch và loãng xương ở tuổi già.

Mãn kinh là gì?

Thời kỳ mãn kinh bắt đầu khi phụ nữ mất kinh nguyệt trong 12 tháng liên tiếp.

Mãn kinh là tình trạng không hành kinh vĩnh viễn và không còn khả năng sinh sản tự nhiên, là một hiện tượng sinh lý bình thường do buồng trứng suy tàn, các hormon sinh dục không còn được chế tiết dẫn đến những biến đổi và rối loạn tạm thời một số chức năng tâm sinh lý.

Triệu chứng Mãn kinh

Thời kỳ mãn kinh xảy ra là quy luật tự nhiên của quá trình lão hóa, nhưng cũng có thể xảy ra khi buồng trứng tạo ra ít estrogen sau điều trị bệnh như phẫu thuật, xạ trị, hoặc hóa trị liệu.

Estrogen là nội tiết tố do buồng trứng tạo ra. Khi cơ thể tạo ra ít estrogen thì có thể xuất hiện dấu hiệu của thời kỳ mãn kinh.

Các dấu hiệu này rất khác nhau và có thể gây khó chịu, nhưng thường sẽ giảm dần theo thời gian.

Bước vào tuổi mãn kinh, người phụ nữ có nguy cơ cao đối với bệnh tật do tình trạng thiếu hụt estrogen (là nguyên nhân chính) và gánh nặng của tuổi tác cũng như môi trường sống và điều kiện xã hội.

Ngoài những rối loạn về tâm sinh lý và các triệu chứng cơ năng như bốc hỏa, vã mồ hôi đêm, rối loạn giấc ngủ, khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục, người phụ nữ còn phải đối mặt với nguy cơ của bệnh tim mạch, bệnh loãng xương, bệnh Alzheimer…làm giảm chất lượng sống, hiệu quả lao động cũng như hạnh phúc gia đình của phụ nữ mãn kinh.

Các biểu hiện của thời kỳ mãn kinh

Các dấu hiệu thông thường của thời kỳ mãn kinh hay gặp là:

  • Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
  • Thấy nóng ran người hoặc ửng đỏ mặt và đổ mồ hôi
  • Khó ngủ
  • Thay đổi tâm trạng
  • Nhức đầu
  • Thấy lo âu
  • Khô âm đạo
  • Thiếu ham muốn tình dục hoặc bị đau khi giao hợp
  • Da hoặc tóc khô

Trong số đó, các triệu chứng liên quan đến vận mạch, khô âm đạo và rối loạn giấc ngủ là thường xuyên nhất và do đó được coi là những vấn đề liên quan nhất,

Tiếp theo là các triệu chứng về tâm trạng và các vấn đề về tiểu tiện gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người phụ nữ.

Bệnh sinh các triệu chứng thời kỳ mãn kinh

Rối loạn vận mạch hay còn được gọi là “Cơn bốc hỏa”

Được định nghĩa là cơn phừng nóng thoáng qua và tái diễn ở mặt hoặc ngực và sau đó lan khắp cơ thể, kèm theo vã mồ hôi, cảm giác nóng toàn thân, hồi hộp đánh trống ngực, cảm giác lo lắng, và đôi khi kèm theo ớn lạnh sau đó.

Cơn bốc hỏa

Vã mồ hôi đêm là cơn bốc hỏa xảy ra vào ban đêm và ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Một số phụ nữ có thể có một cơn bốc hỏa mỗi ngày nhưng một số khác có thể có chục cơn mỗi ngày.

Nguyên nhân chính xác của các triệu chứng vận mạch chưa được biết đến nhưng được cho là có liên quan đến sự giảm estrogen (và có thể thay đổi FSH và inhinbin B), làm ảnh hưởng đến nồng độ endorphin ở vùng dưới đồi.

Các thay đổi tâm lý

Những rối loạn về tâm lý thời kỳ mãn kinh chủ yếu là mất ngủ, dễ cáu gắt, lo lắng, trầm cảm, đặc biệt ở người có tiền sử tâm lý không ổn định trước mãn kinh.

Các biến đổi tâm lý thể hiện ở mức độ khác nhau tùy theo trạng thái tâm lý của mỗi người. Đặc biệt rối loạn dạng trầm cảm chiếm khoảng 20% các phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh.

Toát mồ hôi đêm gây khó ngủ làm bực dọc và mệt mỏi trong ngày có thể đưa đến những triệu chứng trầm cảm.

Ở một số phụ nữ có thể gặp thay đổi tính tình, giảm ham muốn tình dục, giảm tập trung, mất ngủ.

Viêm âm hộ – âm đạo do thiểu dưỡng

Khoảng 40% phụ nữ mãn kinh có triệu chứng của viêm âm đạo thiểu dưỡng, triệu chứng sớm nhất là giảm độ ẩm của môi trường âm đạo.

Các triệu chứng ở âm đạo bao gồm khô teo, đau khi giao hợp và viêm nhiễm âm đạo tái diễn.

Khám âm đạo thấy niêm mạc mỏng, khô, nhợt nhạt, cổ tử cung teo nhỏ.

Niêm mạc âm đạo và cổ tử cung bắt màu kém với dung dịch Lugol. Có nhiều chấm hoặc mảng xuất huyết, do bong hoặc trợt các mảng niêm mạc âm đạo, ngay cả cổ tử cung cũng bị các chấm xuất huyết do trợt hoặc bong các lớp biểu mô.

Âm đạo dễ bị viêm nhiễm. Sinh hoạt tình dục đau do khô rát, từ đó giảm ham muốn và thậm chí còn sợ sinh hoạt tình dục.

Có khi cảm nhận thấy bỏng rát âm đạo. Âm đạo luôn bị kích thích, ngứa, khó chịu giảm chất lượng sống.

Triệu chứng về đường tiết niệu

Estrogen giảm sẽ dẫn đến teo mô niệu đạo. Mất độ dày niệu đạo và tính đề kháng có thể góp phần quan trọng của tiểu không tự chủ ở phụ nữ mãn kinh.

Estrogen đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì biểu mô của bàng quang và niệu đạo.

Thiếu hụt estrogen làm thay đổi hầu hết về giải phẫu, tế bào, vi trùng và sinh lý ở hệ niệu sinh dục sau mãn kinh.

Thiếu estrogen đáng kể gây ra những thay đổi teo ở những cơ quan này, làm tăng viêm teo bàng quang với đặc điểm là gây tiểu gấp, són tiểu, tiểu nhiều lần.

Điều trị hỗ trợ thời mãn kinh

Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone được coi là phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho hội chứng mãn kinh.

Nhưng các nhược điểm và tác dụng phụ khác nhau đã được báo cáo, bao gồm tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng, tăng sản nội mạc tử cung và ung thư biểu mô, đột quỵ và huyết khối tĩnh mạch, đặc biệt là khi điều trị lâu dài.

Hơn nữa, một tỷ lệ đáng kể phụ nữ mãn kinh có chống chỉ định hoặc không muốn sử dụng liệu pháp hormone.

Vì vậy, không chỉ bệnh nhân mà cả các thầy thuốc ngày càng quan tâm đến các liệu pháp bổ trợ sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên với hiệu quả tốt và ít tác dụng phụ hơn.

Thảo dược thiên nhiên, thuốc y học cổ truyền

Theo cơ sở lý luận của y học cổ truyền, hội chứng mãn kinh là do rối loạn chức năng tạng phủ của một số cơ quan như thận, tâm, can và tỳ, cũng như các sản phẩm bệnh lý gây bệnh do rối loạn chức năng đó gây ra như hỏa vượng, huyết ứ, khí trệ, đờm thấp ứ đọng.

Hậu quả là mất phối hợp khí và huyết, nóng lạnh bất hòa, âm dương mất cân bằng.

Các liệu pháp điều trị y học cổ truyền, cả tiêu chuẩn hóa và cá nhân hóa, được điều chỉnh theo từng phân tầng bệnh cảnh.

Đối với phụ nữ mãn kinh, y học cổ truyền và y học bổ sung và thay thế (CAM) được coi là những phương thuốc hiệu quả để giảm các triệu chứng mãn kinh.

Các đơn thuốc thảo dược phổ biến nhất để điều trị bệnh nhân rối loạn mãn kinh là Quy tỳ thang, Thanh tâm liên tử ẩm, Đơn chi tiêu dao tán,…

Đương quy

Đương quy là một loại thảo mộc truyền thống của y học cổ truyền thường được sử dụng kết hợp với các loại thảo mộc khác để điều trị các vấn đề liên quan đến hệ sinh sản nữ.

Đương quy

Trong một nghiên cứu so sánh chế phẩm kết hợp giữa Đương quy và Cúc la mã với giả dược trong số 55 phụ nữ xảy ra cơn bốc hỏa và từ chối liệu pháp hormone.

Chế phẩm thảo dược này được chứng minh sự cải thiện đáng kể về mặt lâm sàng về tần suất và cường độ của bốc hỏa (90% -96%) so với giả dược (15% -20%) trong 3 tháng thử nghiệm.

Đậu nành

Đậu nành tự hào với nguồn cung cấp dồi dào isoflavone, có cấu trúc tương tự như hormone estrogen và có thể gây ra tác dụng estrogen yếu trong cơ thể bạn.

Nhiều triệu chứng mãn kinh phổ biến liên quan đến sự suy giảm sản xuất estrogen. Do đó, đậu nành được cho là có thể giúp giảm bớt các triệu chứng do các đặc tính giống như estrogen của nó.

Một đánh giá gần đây về 95 nghiên cứu ở phụ nữ mãn kinh cho thấy rằng việc bổ sung isoflavone đậu nành có thể ảnh hưởng có lợi đến sức khỏe của xương, cũng như tần suất và thời gian của các cơn bốc hỏa.

Thực phẩm đậu nành được chế biến như sữa đậu nành, đậu phụ và đậu nành lên men (Natto) có hàm lượng isoflavone cao nhất. Tuy nhiên, sự an toàn của việc bổ sung isoflavone đậu nành trong thời gian dài chưa có nhiều báo cáo chắc chắn.

Tuy nhiên, các bằng chứng chưa nhất quán trong chứng minh tính hiệu quả và an toàn của việc sử dụng đơn độc một loại thảo dược. Có thêm lo ngại rằng khi được sử dụng kết hợp với các loại thuốc khác sẽ có một số tác dụng không mong muốn.

Vì vậy cần trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng thảo dược và sản phẩm thực phẩm chức năng.

Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các sản phẩm từ đậu nành, thiên ma, đương quy, nhân sâm, hoặc các loại khác.

Bác sĩ có thể giúp cân nhắc các nguy cơ và lợi ích cho sức khỏe, tránh các tương tác với các điều trị khác.

Các phương pháp không dùng thuốc

Ngoài ra bên cạnh sử dụng thuốc thảo dược có thể điều trị các triệu chứng thời kỳ mãn kinh với các phương pháp châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, giác hơi.

Châm cứu có thể cải thiện các triệu chứng vận mạch, giấc ngủ hoặc rối loạn thần kinh thực vật đáng kể hơn so với nhóm không được châm

Phương pháp luyện tập về tinh thần và thể chất có thể có lợi trong việc giảm căng thẳng và khó chịu của một số triệu chứng mãn kinh.

Phòng ngừa kiểm soát

Để kiểm soát tình trạng cơn bốc hỏa

  • Mặc quần áo bằng vải bông, thấm hút tốt và mặc nhiều lớp. Cởi bớt quần áo khi có dấu hiệu đầu tiên của ửng đỏ mặt.
  • Tránh mặc quần áo chật.
  • Giữ phòng ở nhiệt độ thấp.
  • Sử dụng quạt để lưu thông không khí.
  • Không tắm nước nóng bằng bồn hay vòi hoa sen.
  • Giảm lượng caffeine sử dụng có trong cà phê, trà, cola và sôcô-la.
  • Tránh đồ cay nóng và ăn nhẹ khi trời nóng.
  • Giảm đồ uống có cồn, đặc biệt là rượu vang đỏ và rượu vang trắng.
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Giảm căng thẳng. Áp dụng các kỹ thuật thư giãn, như yoga, thiền, và xoa bóp.
  • Không hút thuốc.
  • Sử dụng thuốc kê toa
    • Trị Liệu Thay Thế Nội Tiết Tố (HRT). Đối với chứng bốc hỏa vừa phải hoặc nặng, bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng HRT trong thời gian ngắn (dưới 5 năm) nếu quý vị không có vấn đề nào khác về sức khỏe. HRT có chứa estrogen và đôi khi có progestin.
    • Thuốc chống trầm cảm, như sertraline (Zoloft), venlafaxine (Effexor), và paroxetine (Paxil).
    • Thuốc huyết áp, như clonidine (Catapres).
    • Thuốc ngừa thai.
    • Thuốc chống động kinh, như gabapentin (Neurontin, Gabarone)

Nhiều loại trong số các loại thuốc này được sử dụng vì các lý do sức khỏe khác, nhưng có thể giảm chứng nóng ran người. Thông thường, các thuốc này được bắt đầu uống với liều nhỏ và sau đó tăng dần để kiểm soát.

Để dễ ngủ

  • Duy trì thời gian ngủ đều đặn. Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, ngay cả vào ngày cuối tuần.
  • Giữ cho phòng luôn thoáng mát và mặc quần áo mỏng.
  • Tắm nước ấm hay vòi hoa sen trước lúc đi ngủ hoặc sau khi thức giấc vào ban đêm.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Tránh lạm dụng vào thuốc ngủ.
  • Tránh dùng các sản phẩm có chứa caffein hoặc uống rượu vào buổi tối.
  • Thử ăn ngũ cốc và uống sữa trước lúc đi ngủ hoặc sau khi thức dậy.
  • Tránh ăn khuya và dùng thêm thức ăn nhẹ.

Để có tâm trạng thoải mái, xua tan cảm giác lo âu

  • Nói chuyện với bác sĩ về cảm xúc, tâm trạng, và nỗi thất vọng mà bạn cảm thấy.
  • Thảo luận các phương pháp điều trị, như dùng thuốc chống trầm cảm.
  • Tham gia nhóm trợ giúp hoặc tìm tư vấn nếu cần.
  • Duy trì tham gia vào các hoạt động xã hội và hoạt động gia đình mà bạn hứng thú.
  • Giảm căng thẳng. Thực hành hít thở sâu, thở từ từ bằng bụng để thư giãn.
  • Tập trung vào 1 hoặc 2 công việc một lúc. Đặt các mục tiêu thực tế. Tránh đặt nhiều mục tiêu, các mục tiêu mâu thuẫn nhau.
  • Tập thể dục thường xuyên.

Để giải quyết vấn đề khô âm đạo hoặc tình dục

  • Có nhiều sản phẩm có thể giúp cải thiện tình trạng khô âm đạo hoặc đau khi giao hợp:
    • Chất bôi trơn có thành phần chính là nước, như Astroglide hoặc K-Y có thể giúp giảm khô âm đạo khi giao hợp.
    • Kem dưỡng ẩm, như Replens hoặc Lubrin giúp phục hồi độ ẩm trong âm đạo và khoái cảm.
    • Liệu pháp estrogen âm đạo, như kem estrogen, vòng estrogen, và viên estrogen giúp giảm tình trạng khô âm đạo. Nói chuyện với bác sĩ để xem xét việc kê đơn estrogen cho bạn có an toàn không.
  • Khi giao hợp, tăng thời gian dạo đầu, điều này sẽ thúc đẩy bôi trơn tự nhiên.
  • Tránh sử dụng dụng cụ thụt rửa âm đạo, thuốc xịt, nước rửa, xà phòng vệ sinh phụ nữ, và tắm bồn có thể gây kích ứng âm đạo.
  • Thực hành bài tập Kegel mỗi ngày để làm săn chắc cơ bắp kiểm soát bàng quang.

Để cho da và tóc không bị khô

Thông thường, khi estrogen giảm đi, cơ thể sẽ tiết ít dầu trên da và tóc hơn.

  • Bôi kem lên vùng da khô hai lần mỗi ngày. Không dùng loại kem có hương thơm nồng nặc hoặc có chất cồn. Chúng có thể làm da khô hơn nữa.
  • Hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đối với da, bôi kem chống nắng có SPF 30 hoặc 45 và bôi lại theo hướng dẫn. Đội nón hoặc khăn choàng đầu.
  • Chải đầu thường xuyên hơn. Điều này giúp làm lan rộng dầu tự nhiên của tóc từ chân tóc đến ngọn tóc.
  • Gội đầu ít thường xuyên hơn. Khi gội đầu, sử dụng dầu xả mỗi lần gội.
  • Hạn chế nhuộm, ép hoặc uốn tóc. Các hóa chất này có thể làm khô tóc.

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim và loãng xương

Trong thời kỳ mãn kinh và sau đó, phụ nữ có nguy cơ bị bệnh tim và loãng xương cao hơn. Điều này liên quan đến tình trạng thay đổi nội tiết tố.

Để ngăn ngừa bệnh tim mạch

  • Không dùng sản phẩm thuốc lá, như thuốc lá điếu.
  • Hạn chế uống rượu ở mức một ly mỗi ngày.
  • Ăn nhiều loại rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt khác nhau.
  • Hạn chế muối, chất bẽo bão hòa, và cholesterol trong chế độ ăn.
  • Kiểm soát cân nặng (cân nặng tăng có nghĩa là tim phải làm việc nhiều hơn)

Để ngăn ngừa loãng xương

  • Tập thể dục thường xuyên để ngăn ngừa loãng xương.
  • Tránh sử dụng các sản phẩm thuốc lá.
  • Làm thử nghiệm đo mật độ xương để kiểm tra xương trước thời kỳ mãn kinh.Việc này sẽ giúp đo được số đo cơ sở. Sau đó, thực hiện chụp kiểm tra định kỳ để kiểm tra lại mật độ xương hoặc kiểm tra quá trình điều trị.
  • Tăng các bài thể dục tác động nhiều đến cân nặng. Ví dụ, đi bộ 2 đến 3 km mỗi ngày, 4 đến 5 lần mỗi tuần.
  • Đảm bảo đủ canxi trong chế độ ăn. Phụ nữ ở độ tuổi 50 trở xuống cần 1.000 miligram (mg) mỗi ngày. Phụ nữ trên 50 tuổi và phụ nữ sau mãn kinh không điều trị HRT cần 1.200 mg mỗi ngày.
    • Thực phẩm có nhiều canxi bao gồm sữa, sữa chua, pho mát, ngũ cốc giàu canxi, nước cam và đậu phụ, súp lơ, cải bó xôi, cải rổ, sữa đậu nành, và cá nguyên xương (cá hồi, cá sa-đin đóng hộp).
    • Bổ sung canxi bằng thuốc: Thuốc bổ sung canxi tốt nhất là loại thuốc có chứa vitamin D vì cơ thể cần vitamin D để tổng hợp canxi. Bác sĩ thường khuyến nghị dùng 1.000 mg canxi trở lên mỗi ngày chia thành nhiều liều.
    • Nói với bác sĩ về việc sử dụng thuốc bổ sung vitamin D nếu quý vị ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Thời kỳ mãn kinh không phải là một bệnh, không nên ngần ngại để có thể tiếp cận điều trị nếu có các triệu chứng nghiêm trọng. Hiện tại, có rất nhiều phương pháp điều trị  từ việc điều chỉnh lối sống để điều trị hormone.

Hãy chắc chắn để tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất cứ phương pháp trị liệu thảo dược hoặc chế độ ăn uống bổ sung cho các dấu hiệu và triệu chứng của mãn kinh để giảm nguy cơ tương tác với các thuốc khác.

Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế

Kính chào Quý Khách hàng,

Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…

Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.

Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.

Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.