Trên thế giới có khoảng 60% nam giới ở tuổi 60 bị phì đại tuyến tiền liệt, tần suất bệnh tăng dần theo tuổi nên số người mắc bệnh ngày càng cao. Bệnh gây ra các triệu chứng rối loạn đi tiểu làm ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Phì đại tuyến tiền liệt là bệnh gì?
Bệnh phì đại tuyến tiền liệt hay còn được gọi là tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (BPH) hay u xơ tuyến tiền liệt là sự tăng sinh lành tính một thực thể mô bệnh lý đặc hiệu gồm sự tăng sinh của mô nền và tế bào niêm mạc tuyến, kết quả là tuyến tiền liệt to ra có thể gây bế tắc đường tiết niệu dưới, khi đó gọi là bướu gây bế tắc
Tuyến tiền liệt của nam hình hạt đậu và rất nhỏ. Tuy nhiên, vai trò của tuyến tiền liệt lại rất quan trọng. Nhờ có cơ quan này mà cơ thể đảm bảo tốt việc sản xuất chất lỏng cho môi trường sống của tinh trùng, từ đó duy trì tốt khả năng sinh sản ở nam giới. Chính vì thế, nếu cơ quan này xảy ra một số bất thường thì gây ra những rối loạn về khả năng sinh sản cũng như những rối loạn về tiểu tiện cho nam giới
Phì đại tuyến tiền liệt không phải là ung thư tuyến tiền liệt
Các biến chứng của phì đại tuyến tiền liệt có thể nghiêm trọng, nhưng phì đại tuyến tiền liệt không phải là ung thư tiền liệt tuyến. Có phì đại tuyến tiền liệt không có nghĩa là quý ông có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt gia tăng.
Sự tăng trưởng lành tính mô tiền liệt tuyến bắt đầu xung quanh tuyến tiền liệt bên trong, mô vòng quanh niệu đạo và tiếp tục phát triển bên trong tuyến tiền liệt. Ngược lại, ung thư tuyến tiền liệt bắt đầu phát triển ở phần ngoài của tuyến tiền liệt và phát triển ra bên ngoài.
Ai dễ mắc phì đại tiền liệt tuyến?
Phì đại tuyến tiền liệt là vấn đề thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Các triệu chứng tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt thường ít gặp những người dưới tuổi 40. Sự xuất hiện các triệu chứng sẽ tăng lên theo tuổi, cụ thể ảnh hưởng đến khoảng 50% nam giới trong độ tuổi từ 51 đến 60 và lên đến 90% nam giới ở độ tuổi trên 80.
Bên cạnh đó, khả năng mắc phì đại tuyến tiền liệt cũng sẽ cao hơn ở những đối tượng có một số yếu tố nguy cơ dưới đây:
- Tiền sử gia đình có người bị bệnh phì đại tuyến tiền liệt
- Béo phì, mắc bệnh tim, bệnh liên quan đến tuần hoàn hoặc đái tháo đường tuýp 2
- Không thường xuyên luyện tập thể dục
- Rối loạn cương dương
Phì đại tuyến tiền liệt gây ra những triệu chứng gì?
Sự tăng kích thước bất thường của tuyến tiền liệt đầu tiên có thể ảnh hưởng đến bàng quang và niệu đạo. Niệu đạo nằm cạnh sát tuyến tiền liệt nên dễ bị ép hẹp lại, điều này khiến thành bàng quang trở nên dày lên. Việc này dần dần khiến thành bàng quang suy yếu, không còn khả năng đàn hồi và chức năng đào thải nước tiểu ra ngoài cũng bị ảnh hưởng.
Tùy vào mức độ tăng kích thước tuyến tiền liệt mà bệnh nhân có thể bị rối loạn đi tiểu sớm và nghiêm trọng hoặc triệu chứng xuất hiện từ từ. Nghiêm trọng nhất là thành bàng quang không còn khả năng giữ nước tiểu, khiến bệnh nhân đi tiểu không tự chủ, nước tiểu tự thoát ra liên tục ngay cả khi không đi tiểu
Một số triệu chứng điển hình của phì đại tuyến tiền liệt như:
- Dòng tiểu yếu hoặc bị gián đoạn
- Tiểu khó hoặc phải rặn khi tiểu
- Tiểu không tự chủ, tiểu gấp (khó nhịn tiểu), tiểu són
- Tiểu đêm
- Tiểu nhiều lần hơn trong ngày, kể cả ban đêm
- Tiểu nhỏ giọt cuối bãi
- Đau sau xuất tinh hoặc đau khi đi tiểu.
Nguyên nhân dẫn đến phì đại tuyến tiền liệt
Nguyên nhân của tình trạng phì đại tuyến tiền liệt hiện vẫn có nhiều điều chưa được làm rõ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khẳng định rằng có liên quan đến các yếu tố lão hóa và bất thường tinh hoàn.
- Lão hóa: Trong suốt cuộc đời, một người đàn ông sản xuất cả hormone nam testosterone và một lượng nhỏ hormone nữ estrogen. Khi họ già đi, nồng độ testosterone trong máu giảm xuống, khiến cho tỷ lệ estrogen cao hơn. Các nghiên cứu cho rằng, bệnh có nguy cơ trầm trọng hơn khi tỷ lệ hormone estrogen cao hơn testosterone.
- Một giả thuyết khác bắt nguồn từ dihydrotestosterone (DHT), hormone sinh dục nam tự nhiên của cơ thể có vai trò giúp phát triển các đặc tính của nam giới. Khi nam giới lớn tuổi, nồng độ testosterone trong máu bắt đầu giảm, nhưng lượng hormone dihydrotestosterone vẫn tích tụ trong tuyến tiền liệt. Điều này có thể thúc đẩy các tế bào của tuyến này tiếp tục phát triển.
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, những người đàn ông không có khả năng sản xuất dihydrotestosterone sẽ không bị phì đại tuyến tiền liệt.
- Tinh hoàn: Các yếu tố tiền căn gia đình có vấn đề về tuyến tiền liệt hoặc bất thường về tinh hoàn đều có thể làm tăng nguy cơ phì đại. Do đó, những người đàn ông đã cắt bỏ tinh hoàn khi còn bé sẽ không phát triển tình trạng phì đại tiền liệt tuyến.
Phì đại tuyến tiền liệt có nguy hiểm không?
Tình trạng phì đại tuyến tiền liệt gây khó tiểu, tiểu không hết, lâu ngày dẫn tới bàng quang phình to hoặc tích tụ vi khuẩn trong bàng quang gây nhiễm khuẩn. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh có thể gây ra những biến chứng như:
- Bí tiểu, tiểu ra máu: Người bệnh có cảm giác không thể đi tiểu được, đau dữ dội ở vùng bụng dưới, trường hợp nặng có thể bị tiểu ra máu trong lúc cố gắng đi tiểu;
- Nhiễm khuẩn niệu đạo: Nước tiểu không thoát ra được gây nhiễm khuẩn, dẫn tới các biểu hiện như nước tiểu đục hoặc tiểu buốt;
- Sỏi bàng quang: Tình trạng nhiễm khuẩn nặng, nước tiểu bị ứ đọng trong cơ thể đã tạo thành sỏi, gây tắc nghẽn đường tiểu. Ngoài ra, sỏi chứa nhiều vi khuẩn nên nếu để lâu ngày có thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng hơn;
- Suy thận: Nước tiểu không thoát ra được làm tăng áp lực nước tiểu, gây ứ nước, viêm thận, giãn bể thận, lâu ngày có thể dẫn tới viêm cầu thận hoặc suy thận mãn tính.
Chẩn đoán phì đại tuyến tiền liệt bằng cách nào?
Khi có các biểu hiện của phì đại tuyến tiền liệt, bạn có thể đến khám tại chuyên khoa khoa tiết niệu, lão khoa…Để chẩn đoán chính xác tình trạng phì đại tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ khai thác những triệu chứng lâm sàng về tình trạng rối loạn tiểu tiện của người bệnh thông qua việc hỏi bệnh.
Sau hỏi bệnh, người bệnh sẽ được tiến hành thăm khám trực tràng nhằm đánh giá tình trạng tuyến tiền liệt.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm một số cận lâm sàng để hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán xem người bệnh có phải đang bị phì đại tuyến tiền liệt hay không và mức độ bệnh như thế nào.
Một số cận lâm sàng thường được sử dụng trong chẩn đoán phì đại tuyến tiền liệt như:
- Siêu âm: là phương pháp thông dụng và dễ thực hiện. Siêu âm sẽ cho thấy hình thể, kích thước và trọng lượng của tuyến tiền liệt, đồng thời đo được lượng nước tiểu tồn lưu trong bàng quang sau khi người bệnh đã đi tiểu.
- Nội soi bàng quang: Một ống soi nhỏ được đưa vào niệu đạo của người bệnh để kiểm tra tình trạng niệu đạo và bàng quang.
- Phân tích nước tiểu: giúp tìm ra máu và vi khuẩn tồn tại trong nước tiểu.
- Kiểm tra niệu động học: phương pháp này đánh giá được sức co bóp của bàng quang và tốc độ của dòng nước tiểu.
- Kháng nguyên đặc hiệu PSA (Prostate Specific Antigen): xét nghiệm này giúp xác định tình trạng ung thư tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể hỏi về các loại thuốc bạn đang dùng xem có thể ảnh hưởng đến hệ tiết niệu không. Cụ thể như là thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng histamine, thuốc an thần, thuốc tăng huyết áp..…
Điều trị phì đại tuyến tiền liệt thế nào?
Hiện tại, phương pháp điều trị tuyến tiền liệt chủ yếu vẫn là:
- Điều chỉnh sinh hoạt
- Điều trị bằng thuốc
- Phẫu thuật
Điều chỉnh sinh hoạt
Thực hiện thay đổi lối sống, tập luyện, nghỉ ngơi để giúp giảm các triệu chứng của bệnh, bao gồm:
- Đi tiểu ngay khi bạn cảm thấy buồn tiểu
- Đi tiểu định kỳ, ngay cả khi không buồn tiểu
- Tránh dùng các loại thuốc trị bệnh đường hô hấp không kê đơn hoặc thuốc kháng histamin vì nó có thể gây ức chế bàng quang, khiến bạn khó đi tiểu sạch
- Tránh uống nhiều nước vào 3 tiếng trước giờ đi ngủ cũng như tránh các loại đồ uống chứa chất gây lợi tiểu như trà, cà phê, rượu. Các thức uống này đều tác động lên cơ bàng quang và kích thích thận, gây tình trạng tiểu nhiều lần trong đêm.
- Điều chỉnh tâm trạng, giảm căng thẳng, bởi căng thẳng có thể làm tăng số lần đi tiểu
- Tập thể dục thường xuyên giúp làm giảm mức độ trầm trọng của bệnh
- Học và thực hành các bài tập Kegel để tăng cường sức khỏe của cơ vùng chậu
- Giữ ấm cơ thể, vì lạnh có thể làm cho các triệu chứng trở nên nặng nề hơn
Điều trị bằng thuốc
Ở giai đoạn đầu, điều chỉnh sinh hoạt và điều trị bằng thuốc vẫn là phương pháp chính. Các triệu chứng có thể được cải thiện nhanh nhờ những loại thuốc điều trị hiệu quả, ít tác dụng phụ, chẳng hạn như:
-
Thuốc ức chế alpha.
-
Chất ức chế 5-alpha reductase.
-
Chất ức chế phosphodiesterase-5.
-
Kết hợp thuốc để điều trị đi tiểu không tự chủ
Trong quá trình điều trị, bạn cần tuân thủ 2 nguyên tắc tối quan trọng:
- Dùng đúng thuốc được ghi trong toa, đúng liều lượng và đủ thời gian điều trị
- KHÔNG tự ý ngưng thuốc dù triệu chứng đã bớt bởi các triệu chứng có thể quay lại và làm bệnh trở nên xấu hơn.
Điều trị phẫu thuật
Điều trị phẫu thuật được chỉ định khi điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc các triệu chứng của bệnh đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hoặc đã gây ra các biến chứng
Can thiệp ngoại trúCác thủ thuật này thường là cắt đốt bằng kim xuyên thấu (TUNA), liệu pháp vi sóng (TUMT), liệu pháp xông hơi nước (Rezūm), nhiệt trị liệu bằng nước (WIT), siêu âm hội tụ cường độ cao (HIFU), cấy ghép Urolift…
Cả hai phương pháp Urolift và Rezūm đều đã được chứng minh là mang đến hiệu quả tích cực, ít xâm lấn, tiết kiệm chi phí và giúp duy trì chức năng tình dục tốt hơn.
Can thiệp nội trú
Một số thủ thuật can thiệp sâu hơn có thể được khuyến nghị, nếu người bệnh có một trong các vấn đề như: suy thận, sỏi bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, tiểu không tự chủ, hoàn toàn không có khả năng tống đẩy nước tiểu ra khỏi bàng quang, tiểu máu tái phát…
Các phương pháp can thiệp bao gồm:
- Phẫu thuật nội soi tuyến tiền liệt (TURP): Phương pháp này được sử dụng phổ biến nhất đối với phì đại tuyến tiền liệt vì mang đến hiệu quả cao. Qua niệu đạo, bác sĩ thực hiện đưa dao cắt nội soi vào tuyến tiền liệt và cắt nhỏ chúng ra. Các mảnh nhỏ sẽ được hút ra ngoài và qua ống nội soi.
- Cắt tuyến tiền liệt đơn giản: Bác sĩ rạch một đường ở bụng hoặc đáy chậu, khu vực phía sau bìu. Khối cơ bên trong của tuyến tiền liệt sẽ được cắt bỏ, chỉ để lại phần bên ngoài. Thủ thuật này khiến người bệnh nằm viện khá lâu, lên đến 10 ngày.
- Rạch tuyến tiền liệt qua đường niệu đạo (TUIP): Bác sĩ sẽ tạo một vết rạch nhỏ trên tuyến tiền liệt và cổ bàng quang. Vết rạch này giúp khơi thông dòng nước tiểu từ bàng quang. Với trường hợp này, đôi khi người bệnh không cần phải nằm viện lại.
Phì đại tuyến tiền liệt với Y học cổ truyền
Theo YHCT, các triệu chứng biểu hiện phì đại tuyến tiền liệt thuộc phạm trù của chứng Lung bế.
Những nguyên nhân chính bao gồm:
- Thấp nhiệt ủng trệ Bàng quang
- Nhiệt kết hợp với thấp làm khí hóa không thông lợi
- Thận dương hư làm khí hóa Bàng quang không thông lợi.
Để điều trị phì đại tuyến tiền liệt, các bác sĩ y hoccj cổ truyền có thể sử dụng phương pháp dùng thuốc và phương pháp không dùng thuốc
- Điều trị bằng thuốc: Các vị thuốc thường dùng: Bạch linh, Tỳ giải, Trạch tả, Hoàng kỳ, Mộc thông, Xa tiền, Đăng tâm,… Ngoài ra có thể kết hợp các loại thuốc nam như Trinh nữ hoàng cung (tác dụng chống xơ hoá) hoặc bông Mã đề, rễ Cỏ tranh, (tác dụng lợi niệu),…
- Điều trị bằng châm cứu: Các huyệt thường dùng: Bàng quang du, Trung cực, Tam tiêu du, Thận du, Khí hải, Tam âm giao,…
Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế
Kính chào Quý Khách hàng,
Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.
PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMC
Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC
Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC
Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC