Màu nước tiểu cảnh báo vấn đề sức khỏe của bạn

Màu nước tiểu

Hầu như có rất ít người chú ý đến màu nước tiểu khi đi vệ sinh. Thế nhưng, bạn cần phải biết rằng, việc theo dõi màu nước tiểu cũng sẽ giúp bạn phán đoán được các vấn đề về sức khỏe.

Nước tiểu được thận bài tiết và thải ra khỏi cơ thể qua đường niệu đạo. Trong nước tiểu chứa các chất thải cần được loại bỏ, đôi khi chứa thêm nhiều chất khác. Chính vì vậy, nhận biết màu nước tiểu có thể nói cho chúng ta biết được tình trạng sức khỏe của bản thân mình.

Tổng quan về màu nước tiểu

Quá trình nước tiểu được tạo ra cần có nhiều giai đoạn bao gồm lọc ở cầu thần rồi đến công đoạn tái hấp thu các chất từ ống thận vào trong máu. Kế đến là quá trình bài tiết một vài chất thải ở trong máu vào trong ống thận.

Sau khi hoàn tất những giai đoạn trên thì một dạng chất lỏng được tạo ra (gọi là nước tiểu ). Nhìn chung, nước tiểu có một vai trò khá quan trọng, thông qua đó chúng ta có thể phán đoán được tình trạng sức khỏe ở thời điểm đó.

Nước tiểu bình thường sẽ có tông màu vàng nhạt cho đến gam màu hổ phách đậm. Nước tiểu có màu sắc là bởi vì các sắc tố urochrome. Theo đó, mức độ đậm nhạt hoặc pha loãng của urochrome mà nước tiểu sẽ có những màu sắc khác nhau tùy theo tình trạng sức khỏe. Màu nước tiểu có sự bất thường như nước tiểu màu cam đôi khi là một dấu hiệu cảnh báo về một vấn đề nào đó của sức khỏe.

Khi nào màu nước tiểu được gọi là bất thường?

Nước tiểu bình thường có màu dao động từ vàng nhạt đến vàng sậm. Đó là kết quả của một sắc tố trong nước tiểu gọi là urobilinogen và nó sẽ được pha loãng hoặc cô đặc ở các mức độ nhất định.

Nước tiểu có màu bất thường khi có màu đỏ, cam, xanh dương, xanh lá cây hoặc nâu. Các sắc tố và các hợp chất khác có trong một số loại thực phẩm, thuốc sử dụng có thể thay đổi màu nước tiểu của bạn.

Củ cải đường, quả mọng, đậu răng ngựa là một trong những thực phẩm có khả năng ảnh hưởng đến màu sắc nhất. Nhiều loại thuốc kê đơn và không kê đơn cho màu nước tiểu có màu sắc bất thường sẽ được nói rõ ở các phần tiếp theo.

Màu nước tiểu bất thường ám chỉ điều gì?

Màu nước tiểu chính là một trong những yếu tố có thể giúp bác sĩ chẩn đoán được tình trạng sức khỏe và những loại bệnh lý trong cơ thể. Mỗi một màu sắc của nước tiểu lại phản ánh một trạng thái, một vấn đề khác nhau.

Màu nước tiểu: màu cam

Nguyên nhân chính khiến nước tiểu màu cam thường là do các loại thuốc mà hiện tại bạn đang dùng. Một số loại thuốc khiến nước tiểu có màu cam có thể kể đến như:

  • Rifampicin – một loại thuốc kháng sinh.
  • Phenazopyridine có tác dụng giảm đau.
  • Sulfasalazine – được sử dụng trong điều trị các chứng bệnh như viêm khớp hay hội chứng ruột bị kích thích.
  • Các hóa chất được sử dụng để điều trị bệnh ung thư.

Tuy nhiên, nếu bạn không dùng những loại thuốc này nhưng vẫn nhìn thấy nước tiểu có màu cam thì có thể bạn đang bị thiếu nước một cách nghiêm trọng. Bên cạnh đó, đây cũng có thể là dấu hiệu để cảnh báo cho bạn biết cơ thể bạn đang gặp vấn đề liên quan đến ống mật hoặc liên quan đến gan. Ngoài ra, nếu bạn ăn nhiều cà rốt cũng có thể khiến nước tiểu chuyển sang thành màu cam.

Màu nước tiểu
Màu nước tiểu

Màu nước tiểu: vàng sậm

Bên cạnh nước tiểu màu cam thì màu vàng sậm và đậm hơn bình thường cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng cơ thể bạn đang bị thiếu nước. Và khi bạn bổ sung đủ lượng nước cần thiết thì màu sắc của nước tiểu sẽ quay trở lại như bình thường.

Nước tiểu không màu

Trung bình, mỗi người trưởng thành cần uống đủ từ 1,5 lít đến 2 lít nước mỗi ngày. Thế nhưng, nếu một lượng nước quá nhiều được nạp vào cơ thể cũng sẽ khiến cho màu nước tiểu nhạt hơn và thậm chí là không có màu.

Màu nước tiểu
Màu nước tiểu

Nếu hiện tượng này chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn thì bạn không cần lo lắng về sức khỏe của mình. Thay vào đó, bạn chỉ cần uống ít nước hơn là nước tiểu sẽ trở về với màu sắc bình thường. Ngược lại, nếu vấn đề này kéo dài thì bạn cần phải chú ý vì đây có thể là dấu hiệu của triệu chứng đái tháo nhạt.

Màu nước tiểu: đỏ hoặc màu hồng

Trong khi bạn đi vệ sinh và nhận ra nước tiểu có màu đỏ hoặc màu hồng thì cần đặc biệt lưu ý vì có thể đây là những vấn đề mà cơ thể đang gặp phải:

  • Bị chấn thương, nhất là phần cơ và nếu tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn có thể khiến cho myoglobin tăng lên, đây là một hoạt chất khi cho ra ngoài sẽ làm cho nước tiểu chuyển sang màu hồng hoặc là màu đỏ.
  • Đường tiết niệu đang bị tắc nghẽn và bị nhiễm trùng.
  • Bệnh lý liên quan đến thận.
  • Bị chứng phì đại tiền liệt tuyến.
  • Bị ung thư.
  • Bị rối loạn di truyền hồng cầu chính là tiểu porphyria.
  • Bị chứng thiếu máu tan huyết.

Màu nước tiểu: xanh dương hoặc xanh lá

Nước tiểu màu vàng xanh là một tình trạng rất hiếm.

Nước tiểu có thể chuyển sang màu xanh dương hoặc xanh lá vì những nguyên nhân sau đây:

  • Thuốc nhuộm: Một số thuốc nhuộm thực phẩm có thể gây ra nước tiểu màu xanh lá cây. Thuốc nhuộm được sử dụng cho một số xét nghiệm chức năng thận và bàng quang có thể làm nước tiểu chuyển màu xanh. Thuốc thường sử dụng là xanh methylene.
  • Thuốc: Thuốc và các hợp chất có chứa phenol như Promethazine sử dụng điều trị cho dị ứng, buồn nôn. Hoặc Propofol là một loại thuốc sử dụng trong gây mê. Amitriptyline điều trị bệnh lý trầm cảm. Cimetidine: thuốc giúp làm giảm axit trong dạ dày và một số các thuốc giảm đau. Ngoài ra còn có một số vitamin tổng hợp.
  • Tình trạng bệnh lý: Tăng calci máu có tính gia đình lành tính, một rối loạn di truyền hiếm gặp, đôi khi được gọi là hội chứng tã xanh vì trẻ bị rối loạn có nước tiểu màu xanh.
  • Biliverdin (sắc tố mật): khi có sự  bất thường giữa đường mật và đường tiết niệu.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn Pseudomonas.

Màu nước tiểu: vàng sậm, nâu

Nếu nước tiểu của bạn có màu vàng hổ phách cho tới sậm đen như màu nước trà đá, đó là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị mất nước khiến thận sản sinh ra nước tiểu đậm đặc hơn (trái ngược với nước tiểu loãng).

Bạn cần phải nhận biết màu nước tiểu sẫm, đặc biệt là sau khi bạn uống nước mà vẫn không thuyên giảm thì có thể liên quan đến vấn đề sức khỏe khác. Đây có thể là dấu hiệu của việc chảy máu trong thận. Khi đó, bạn có khả năng đang bị nhiễm trùng, bệnh thận hay thậm chí cả ung thư.

Màu nước tiểu: nước tiểu màu trắng đục

Nước tiểu đục có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, hoặc là triệu chứng của một số bệnh mạn tính và bệnh thận. Nước tiểu đục, có bọt hoặc bong bóng cảnh báo tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm bệnh Crohn hoặc viêm túi thừa. Một số trường hợp nước tiểu có bọt và bác sĩ không thể xác định nguyên nhân.

Màu nước tiểu: nâu sẫm

Một vài nguyên nhân khiến cho nước tiểu của bạn có màu nâu sẫm thường là:

  • Chế độ ăn như: ăn nhiều nha đam.
  • Bạn đang gặp phải các vấn đề về gan, thận hoặc bị nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Khi bạn tập thể dục quá sức khiến phần cơ gặp phải những chấn thương và làm cho thận bị tổn thương chung.

Các dấu hiệu khác của nước tiểu

Nước tiểu có mùi hôi

Nếu nước tiểu có mùi hôi (như cá thối), có thể là do bàng quang đang có dấu hiệu nhiễm trùng. Mặc dù mùi nước tiểu có thể thay đổi từ ngày này sang ngày khác, nhưng trong hầu hết các trường hợp dù màu sắc nước tiểu có thay đổi thì vẫn không có mùi mạnh. Vì vậy, bạn hãy đi khám bệnh khi nước tiểu có mùi lạ.

Tiểu ra máu

Ngoài nhìn thấy máu trong nước tiểu, bạn có thể gặp phải các triệu chứng khác như cơn đau buốt hoặc không. Đây có thể là tình trạng báo động của các loại bệnh như ung thư, nhiễm trùng và sỏi trong đường tiểu. Thay vì có màu nước tiểu chuyển vàng nhạt bình thường, nước tiểu có máu sẽ xuất hiện màu hồng, đỏ, nâu nhạt. Đây là lúc bạn cần phải khẩn cấp đến điều trị tại bệnh viện.

Cảm giác bỏng rát khi đi tiểu

Đôi khi bạn không để ý đến màu sắc nước tiểu nhưng chắc chắn sẽ khó bỏ qua cảm giác tiểu rát. Tình trạng này có thể là do nhiễm trùng đường tiểu (UTI) gây ra hoặc do các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh chlamydia, bệnh lậu.

Nước tiểu có mùi ngọt

Mùi ngọt trong nước tiểu thường là một đầu mối quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh tiểu đường. Bạn nên căn cứ vào triệu chứng này thay vì tìm cách phân biệt tiểu đường nước tiểu màu gì. Vì khi bị tiểu đường, màu nước tiểu vẫn như bình thường.

Thấy nước tiểu có mùi ngọt chứng tỏ mức đường trong máu đã vượt mức kiểm soát. Vì vậy, hãy kiểm tra ngay khi màu sắc nước tiểu không bất thường nhưng bạn ngửi được mùi lạ như mùi ngọt.

Nước tiểu có bọt

Có quá nhiều bọt trong nước tiểu cùng cảm giác muốn đi tiểu nhiều lần chứng tỏ trong nước tiểu bạn tồn tại một lượng protein (đạm niệu). Protein trong nước tiểu chính là dấu hiệu ban đầu của bệnh thận. Vì vậy, bạn cần đi khám bác sĩ để được làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh thận kịp thời.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ màu nước tiểu bất thường?

Nước tiểu đổi màu không phải là kết quả của việc sử dụng thực phẩm hoặc thuốc có thể được gây ra bởi bệnh lý thật sự. Các yếu tố khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh có thể ảnh hưởng đến màu sắc nước tiểu bao gồm:

  • Tuổi tác.
  • Đàn ông trên 50 tuổi thỉnh thoảng có máu trong nước tiểu do phì đại tiền liệt tuyến.
  • Tiền sử gia đình: bị sỏi thận hoặc bệnh thận làm tăng nguy cơ phát triển những vấn đề này
  • Luyện tập thể lực quá mức, bất cứ ai tập thể dục cường độ cao có thể bị chảy máu đường tiết niệu.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn có bất cứ hiện tượng màu sắc nước tiểu bất thường sau đây:

  • Thấy có máu trong nước tiểu. Nước tiểu có máu (hay đi tiểu ra màu đỏ) là triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng đường tiết niệu và sỏi thận. Những vấn đề này thường gây ra đau đớn. Bên cạnh đó, nước tiểu đỏ như máu không đau có thể báo hiệu một vấn đề nghiêm trọng hơn như ung thư.
  • Nước tiểu tối màu hoặc màu cam. Nếu nước tiểu màu cam hoặc sậm màu hơn bình thường, đặc biệt kèm theo phân nhạt màu và da vàng mắt vàng, có thể do rối loạn chức năng gan.

Làm thế nào bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân?

Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn câu hỏi về nước tiểu của bạn. Họ sẽ muốn biết:

  • Màu sắc bất thường đã xuất hiện bao lâu
  • Có bất kỳ mùi bất thường nào không
  • Ít nhất một lần có cục máu đông trong đó
  • Bạn có bất kỳ cơn đau nào khi đi tiểu hoặc các triệu chứng khác.

Bác sĩ cũng có thể hỏi bạn về bất kỳ loại thuốc nào mà bạn hiện đang dùng. Điều quan trọng là bạn phải nhớ nói bất kỳ loại thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn cũng như bất kỳ chất bổ sung thảo dược nào bạn đã và đang dùng.

Tùy thuộc vào màu sắc của nước tiểu và các triệu chứng khác, bác sĩ có thể yêu cầu một hoặc nhiều xét nghiệm. Ví dụ, họ có thể sẽ thu thập mẫu nước tiểu của bạn để xét nghiệm để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các bất thường khác đi kèm.

Bên cạnh đó, họ cũng có thể lấy máu của bạn để xét nghiệm chức năng gan, thận. Ngoài ra, siêu âm bụng có thể được chỉ định để có những khảo sát ban đầu. Khi có nghi ngờ, bác sĩ sẽ làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu hơn để tìm ra nguyên nhân ví dụ như CTscan, nội soi đường tiết niệu,…

Nhìn bằng mắt thường, màu sắc nước tiểu có thể nói lên rất nhiều điều về sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, để xác định chính xác vấn đề đang gặp phải, bạn cần làm xét nghiệm phân tích mẫu nước tiểu theo chỉ định của bác sĩ.

Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế

Kính chào Quý Khách hàng,

Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…

Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.

Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.

Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.