Hở van hai lá là gì?
Tim có cấu tạo gồm 4 ngăn, 2 tâm nhĩ ở trên và 2 tâm thất nằm bên dưới, trong đó có 2 van thông tâm nhĩ và tâm thất ở mỗi bên được gọi là van nhĩ thất.
Van nhĩ thất thông giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải còn được gọi là van 3 lá vì có cấu tạo dạng 3 cánh khép lại
Van nhĩ thất thông giữa tâm thất trái và tâm nhĩ trái còn được gọi là van hai lá với cấu tạo 2 cánh.
Nhiệm vụ của các van tim là đóng mở nhịp nhàng, cho phép dòng máu lưu thông một chiều và theo chu kỳ co bóp của tim. Khi tim thư giãn, van hai lá mở ra cho phép dòng máu chảy một chiều từ nhĩ trái xuống thất trái. Ngược lại, khi tim co bóp để tống máu ra động mạch chủ để đi nuôi cơ thể, thì van hai lá đóng lại để ngăn cho dòng máu từ thất trái không bị phụt ngược lại nhĩ trái.
Hở van hai lá là tình trạng hai lá van đóng không kín, làm dòng máu trào ngược từ thất trái về nhĩ trái khi tim co bóp. Do lượng máu trào ngược về nhĩ trái cộng thêm lượng máu bình thường từ phổi đổ về làm tăng lưu lượng máu, hậu quả là giãn lớn nhĩ trái và thất trái nếu hở van nặng và kéo dài.
Nguyên nhân gây hở van hai lá
Hở van tim có thể xảy ra đột ngột gọi là hở van tim cấp tính, hoặc phát triển từ từ trong nhiều năm gọi là hở van tim mạn tính. Các trường hợp hở van tim cấp thường do nhiễm trùng van. Hở van tim cấp có thể chuyển thành hở van tim mạn.
Cấu trúc bộ máy van hai lá gồm có vòng van, lá van, dây chằng, và cơ trụ. Bất thường xảy ra do tổn thương bất cứ thành phần nào của bộ máy van đều có thể gây bệnh. Các nguyên nhân thường gặp của hở van hai lá là:
- Hở van hai lá hậu thấp: thường gặp ở nước ta, nguyên nhân do bị bệnh thấp tim ở độ tuổi thanh thiếu niên (5 – 15 tuổi) để lại di chứng hở van tiến triển về sau. Hở van hai lá hậu thấp thường kèm hẹp van hai lá hoặc hẹp, hở van tim khác. Độ tuổi hở van nặng thường gặp từ 30 – 60 tuổi.
- Thoái hóa nhầy: thường gặp ở người trung niên đến cao tuổi, các lá van dày lên, lùng nhùng, gây sa lá van hoặc đứt dây chằng làm lá van lật vào trong lòng nhĩ trái, gây hở van nặng.
- Thoái hóa vôi: thường gặp ở người cao tuổi, có bệnh tim mạch do xơ vữa. Vòng van và lá van vôi hóa, hạn chế cử động lá van, làm van đóng không kín.
- Bẩm sinh: do bất thường bẩm sinh van hai lá như van bị sa, van bị chẻ giữa lá van, hay dây chằng van ngắn bất thường. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
- Nhiễm trùng trên van tim (còn gọi là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng): vi trùng tấn công lá van có thể làm thủng rách van, đứt dây chằng hoặc tạo cục sùi to trên lá van cản trở hoạt động đóng mở van.
- Nhồi máu cơ tim, thiếu máu cục bộ cơ tim: do thành tim co bóp bất thường, đứt cơ trụ, dây chằng do thiếu máu nuôi, giãn thất trái sau nhồi máu.
- Bệnh cơ tim giãn nở, bệnh cơ tim phì đại: do giãn vòng van, bất thường co bóp của tâm thất trái hoặc bất thường áp lực trong buồng tim.
Hở van hai lá biểu hiện như thế nào?
Hầu hết những người hở van hai lá không có triệu chứng. Những người hở van hai lá nhẹ hoặc vừa có thể không bao giờ có triệu chứng hoặc biến chứng.
Thậm chí những bệnh nhân hở van hai lá nặng trong giai đoạn đầu cũng không có triệu chứng cho đến khi suy tim trái, rối loạn nhịp hoặc tăng áp lực động mạch phổi. Bệnh nhân sẽ có các biểu hiện của suy tim với các triệu chứng:
- Mệt mỏi
- Khó thở khi gắng sức và muộn hơn xuất hiện cả khi nghỉ
- Phù hai chi dưới.
Những mức độ của bệnh hở van hai lá
- Hở van tim hai lá 1/4 – mức độ nhẹ
Hở van tim hai lá 1/4 được coi là mức độ nhẹ nhất. Nếu không có triệu chứng, được gọi là hở van sinh lý chưa cần phải điều trị. Nếu có biểu hiện mệt mỏi, khó thở, đau ngực thì đó là hở van bệnh lý và cần dùng thuốc để kiểm soát triệu chứng.
- Hở van tim hai lá 2/4 – mức độ trung bình
Ở mức độ này ít khi có chỉ định phải thay van, nhưng dễ chuyển biến sang mức độ nặng hơn. Đặc biệt; khi hở van hai lá 2/4 đi kèm hở van ba lá, van động mạch chủ hoặc có kèm tăng huyết áp, bệnh mạch vành,… thì sẽ nguy hiểm hơn, cần được điều trị kịp thời.
- Hở van tim hai lá 3/4 – mức độ nặng
Giai đoạn này các triệu chứng như khó thở, đau thắt ngực, đánh trống ngực, mệt mỏi, ho khan sẽ bùng phát cùng một lúc và người bệnh phải nhập viện thường xuyên hơn. Nhiều người bệnh hở van hai lá 3⁄4 cần phải thay van tim.
- Hở van tim hai lá 4/4 – mức độ rất nặng
Đây là mức độ hở van nặng nhất, người bệnh có nguy cơ tử vong cao do suy tim, rối loạn nhịp, phù phổi cấp và các cơn hen tim cấp tính. Trong trường hợp này, người bệnh cần điều trị tích cực hoặc can thiệp thay van tim.
Hở van hai lá có nguy hiểm không?
Phụ nữ bị bệnh hở van tim hai lá sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến việc sinh nở. Thông thường, với các trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ, ít có các triệu chứng thì bệnh nhân sẽ thích nghi khá tốt với sinh đẻ. Nhưng ngược lại, nếu ở mức độ nặng, có triệu chứng hoặc biến chứng thì rất có khả năng sẽ xuất hiện các biến chứng nặng khi sinh.
Nếu bệnh nhân gặp các biến chứng do hở van tim hai lá thì tốt nhất hãy gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được tư vấn về nguy cơ của sinh đẻ và khả năng có thể phải phẫu thuật sửa hoặc thay van hai lá trước khi có thai. Trừ các trường hợp cấp cứu, phẫu thuật van hai lá không được khuyến cáo trong khi bệnh nhân có thai.
Suy tim: Là tình trạng khi tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Suy tim thường xảy ra khi hở van hai lá không được theo dõi và điều trị đúng cách, khiến tim phải hoạt động gắng sức trong thời gian.
Rung nhĩ trong bệnh hở van hai lá: Tình trạng rối loạn điện học ở tầng tâm nhĩ biểu hiện bằng nhịp nhĩ nhanh và không đều hay còn gọi là Rung nhĩ trong bệnh hở van hai lá.
Đối với bệnh nhân hở van hai lá, bình thường lượng máu do tim bơm đi đã giảm, rung nhĩ càng làm lượng máu này giảm đi và tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ, hoặc có nguy cơ tắc mạch chi do hình thành cục máu đông trong các buồng tim.
Bệnh được điều trị bằng các loại thuốc chống đông máu và có thể thực hiện phương pháp shock điện để chuyển nhịp về bình thường. Bệnh nhân bị rung nhĩ được khuyến cáo nên phẫu thuật sớm khi tâm nhĩ trái chưa bị giãn nhiều ảnh hưởng đến khả năng chuyển nhịp khi phẫu thuật.
Hở van hai lá được chẩn đoán bằng cách nào?
- Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, tiền sử (như thấp tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đái tháo đường,..): là nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ đưa đến hở van hai lá.
- Khám tim: nghe có tiếng thổi bất thường trước tim, tim đập không đều, có ổ đập bất thường trên lồng ngực khi tim to, suy tim.
- Siêu âm tim là phương pháp giúp chẩn đoán xác định, độ nặng và nguyên nhân của hở van trong đa số các trường hợp.
- Đo điện tim: phát hiện rung nhĩ, giãn các buồng tim.
- X-quang tim phổi: bóng tim to, giãn nhĩ trái, thất trái, hình ảnh sung huyết phổi hoặc có dịch trong phổi do suy tim.
Ngoài ra người bệnh có thể được chỉ định thêm một số xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân nếu có hở van hai lá nặng như siêu âm tim qua thực quản tìm nhiễm trùng trên van tim; trắc nghiệm gắng sức; chụp MSCT động mạch vành cản quang hoặc chụp mạch vành qua thông tim nếu nghi ngờ hở van 2 lá do bệnh mạch vành.
Điều trị hở van hai lá như thế nào?
Các phương pháp điều trị bệnh hở van hai lá được lựa chọn tùy theo mức độ nặng của bệnh.
- Đối với hở van hai lá nhẹ
Bệnh nhân có thể không cần phải điều trị thuốc đặc hiệu nếu không có triệu chứng hay biến chứng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc quản lý tốt các yếu tố nguy cơ và thay đổi lối sống đóng vai trò quan trọng.
Ngoài ra, bệnh nhân cần theo dõi định kỳ hằng năm để đánh giá sự tiến triển của bệnh. Một số trường hợp, tình trạng hở van tim ở giai đoạn này không tiến triển nặng thêm.
- Đối với hở van hai lá trung bình – nặng
Khi bệnh đã tiến triển, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng, chức năng tim bắt đầu suy giảm, tổn thương van tim nặng lên. Lúc này việc tìm nguyên nhân gây hở van đóng vai trò quan trọng. Vì việc điều trị triệt để nguyên nhân có thể giúp hồi phục tốt tình trạng hở van trong một số trường hợp.
Bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định điều trị một số thuốc đặc hiệu, nhằm làm giảm mức độ hở van. Từ đó cải thiện triệu chứng và cải thiện chức năng tim.
Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện những can thiệp xâm lấn chỉnh sửa van, hay phẫu thuật thay thế van tim.
Điều trị nội khoa trong hở van hai lá
Khi người bệnh hở van hai lá có suy giảm chức năng tim sẽ được bác sĩ chỉ định các thuốc:
- Thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể, ARNI (sacubitril + valsartan) có thể được chỉ định nhằm làm giãn mạch máu để giảm tải cho tim. Từ đó làm giảm dòng hở qua van và tăng thể tích máu được bơm ra ngoài để nuôi cơ thể.
- Kiểm soát tần số tim bằng chẹn beta giúp làm tim đập chậm lại. Từ đó kéo dài thời gian tim thư giãn để máu từ nhĩ xuống thất được nhiều hơn, giảm quá tải máu ở tâm nhĩ do hở van gây ra.
- Khi người bệnh có những dấu hiệu quá tải dịch ở phổi (sung huyết) do hở van hai lá gây ra, với biểu hiện khó thở dữ dội, người bệnh có thể được nhập viện. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc lợi tiểu nhằm thải nước dư thừa ra khỏi cơ thể, hoặc thuốc nitrate để làm giảm sung huyết.
- Nếu người bệnh có biến chứng rung nhĩ, thuốc kháng đông được chỉ định khi người bệnh có nguy cơ huyết khối cao và phải uống thuốc đều đặn suốt đời. Ngoài ra bác sĩ có thể kê thêm một số thuốc nhằm làm giảm tần số tim nếu người bệnh có tần số tim quá nhanh như các thuốc: chẹn beta, chẹn kênh canxi, amiodarone, digoxin.
- Ngoài ra, người bệnh cần được dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, cho tất cả trường hợp hở van hai lá do tổn thương thực thể tại van tim, ngoại trừ hở van hai lá thứ phát do giãn lớn các buồng tim.
- Người bệnh cần được tiêm vắc xin phòng cúm, phế cầu mỗi 5 năm trong trường hợp hở van tim nặng, có suy giảm chức năng tim. Đặc biệt là với tình hình hiện nay, tiêm đủ các mũi vắc xin Covid-19 là cực kỳ cần thiết.
Đây là một trong những biện pháp phòng ngừa bệnh diễn tiến nặng mà người bệnh thường hay bỏ qua. Mục đích của biện pháp này là giúp phòng ngừa bệnh nhân suy tim nhiễm cúm, phế cầu, Covid-19; vì đây là một trong những yếu tố thúc đẩy bệnh nhân vào đợt cấp của suy tim và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Điều trị can thiệp trong hở van hai lá
Khi người bệnh hở van hai lá nặng đã có những triệu chứng của suy tim (giai đoạn D), chức năng tim suy giảm, thì cần được điều trị can thiệp trực tiếp sửa hay thay van hai lá. Các can thiệp này có thể là phẫu thuật sửa hay thay van nhân tạo, hoặc chỉnh sửa mép van qua da.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng phù hợp để thực hiện các can thiệp này. Nếu người bệnh hở van hai lá ở giai đoạn quá trễ khi mà các buồng tim đã quá giãn, cũng như chức năng tim quá xấu thì các can thiệp này không còn phù hợp nữa. Vì nguy cơ biến chứng của các cuộc phẫu thuật/thủ thuật tăng cao, mà khả năng cải thiện chức năng tim sau can thiệp lại thấp.
Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế
Kính chào Quý Khách hàng,
Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.
PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMC
Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC
Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC
Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC