Co thắt tâm vị là bệnh gì? triệu chứng và cách điều trị

co thắt tâm vị

Co thắt tâm vị là bệnh gì?

Cơ tâm vị nằm ở 1/3 dưới của thực quản, nơi tiếp giáp giữa thực quản với dạ dày. Khi thức ăn đi từ thực quản xuống dạ dày, cơ tâm vị sẽ mở ra cho thức ăn đi qua.Sau đó, cơ tâm vị sẽ đóng lại để thức ăn không bị trào ngược trở lại.

Co thắt tâm vị (achalasia) là một dạng rối loạn chức năng mà thực quản không thể đẩy thức ăn xuống dạ dày (bất thường nhu động thân thực quản), cơ vòng dưới thực quản không mở ra hoàn toàn (tăng áp lực cơ vòng dưới) gây ứ đọng thức ăn tại thực quản.

Có thể hình dung tình trạng này như sau: phần cuối tiếp nối giữa thực quản và dạ dày bị co thắt, thu hẹp lại, đoạn trên lại giãn to hơn bình thường. Sự ùn ứ thức ăn ở thực quản sẽ dẫn tới hậu quả là bệnh nhân có nguy cơ bị đột tử do ngạt thở vì thức ăn trào ngược vào khí quản, do phản xạ tim mạch hoặc dây thần kinh X, do suy dinh dưỡng giai đoạn muộn.

co thắt tâm vị

Co thắt tâm vị ảnh hưởng khoảng 3.000 người tại Hoa Kỳ mỗi năm. Bệnh có thể gặp ở nam lẫn nữ với tỉ lệ ngang nhau, có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường nhất là trung niên và có sự khác nhau về tỉ lệ phân bố bệnh ở các vùng khác nhau. Bệnh cũng hay gặp ở các đối tượng hay lo âu, xúc động hoặc có thói quen ăn vội.

Dấu hiệu cảnh báo một người đang bị co thắt tâm vị

Người bệnh co thắt tâm vị thường có các triệu chứng như:

  • Khó nuốt: khi đang ăn mà bỗng dưng thấy khó nuốt hoặc cảm giác thức ăn bị nghẹn lại không trôi xuống được. Khó nuốt xảy ra cả ở thức ăn đặc và thức ăn lỏng

co thắt tâm vị

  • Nôn oẹ: có thể xuất hiện ngay sau ăn, sau thời gian bị bệnh lâu làm thực quản giãn nôn thường xuất hiện muộn sau khi ăn.

  • Trào ngược: xuất hiện 59-81% số trường hợp, giai đoạn đầu thường chưa xuất hiện, có thể xuất hiện ngay sau khi ăn hoặc nhiều giờ sau khi ăn.

Trong những trường hợp bệnh nặng làm thực quản giãn to chứa nhiều thức ăn ứ đọng dẫn tới trào ngược thức ăn vào ban đêm làm cho bệnh nhân ho và sặc có bệnh nhân phải dậy để móc họng gây nôn hết thì mới hết ho và ngủ lại được. Triệu chứng này rất đáng lo ngại vì có thể khiến cho bệnh nhân bị viêm phổi do hít sặc phải thức ăn

  • Cảm giác đau và khó chịu vùng ngực: Đau, khó chịu ở ngực: Người bệnh có thể cảm thấy đau ngực sau xương ức hoặc cảm giác đè ép ở ngực, đặc biệt là sau khi nuốt. Thường xuyên đau nhói ở vùng ngực với nguyên nhân không rõ ràng.

  • Biểu hiện khác: sút cân, ợ nóng.

Nguyên nhân gây co thắt tâm vị

Co thắt tâm vị là do thoái hóa tiến triển của các tế bào hạch trong đám rối thần kinh thực quản ở thành thực quản, dẫn đến không thể giãn cơ thắt thực quản dưới, kèm theo mất nhu động ở đoạn xa.

Bệnh nguyên của thoái hóa tế bào hạch thần kinh vẫn còn chưa rõ ràng, có thể do nhiễm ký sinh trùng đơn bào hoặc do nguyên nhân tự miễn, một số loại khối u cũng có thể gây co thắt tâm vị do chèn ép trực tiếp hoặc do hội chứng cận ung thư.

Các nghiên cứu cũng cho thấy:

  • Người ăn nhiều gluxid, ít protit, thiếu vitamin nhóm B;
  • Người có thói quen ăn thức ăn quá nóng hay quá lạnh;
  • Người mắc bệnh nhiễm khuẩn như sốt phát ban, lao, giang mai… hoặc
  • Nghiện rượu, thuốc lá, phơi nhiễm chất hóa học, rối loạn nội tiết…

Là những đối tượng có nguy cơ mắc co thắt tâm vị nhiều hơn

Biến chứng của co thắt tâm vị

Co thắt  tâm vị tuy là một bệnh hiếm gặp, nhưng khi đã mắc phải thì mức độ ảnh hưởng của chúng cũng không hề nhỏ.

Trong trường hợp không được điều trị đúng cách, kịp thời thì bệnh nhân sẽ dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Viêm loét thực quản do thức ăn trì đọng lâu ngày;

  • Viêm phổi hít do nôn oẹ;

  • Sẹo xơ chít hẹp thực quản;

  • Suy dinh dưỡng khi bệnh ở giai đoạn cuối, bệnh nhân không thể ăn uống được;

  • Đoạn thực quản giãn to gây chèn ép lên những tổ chức khác như tim, tĩnh mạch, khí quản,…;

  • Ung thư hóa ở những vùng viêm mạn tính. Tỷ lệ bệnh nhân co thắt tâm vị bị tiến triển thành ung thư là 9%, ung thư tế bào vảy là khoảng 3 – 5%.

Chẩn đoán co thắt tâm vị bằng cách nào?

Khi khám, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh cung cấp thông tin về các triệu chứng gặp phải như nuốt khó, nôn ọe, đau tức ở ngực, ợ nóng, sụt cân.

Để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ có thể tiến hành khám cận lâm sàng cho người bệnh thông qua những phương pháp như:

  • Chụp X-quang thực quản có uống thuốc cản quang: Đây là phương pháp có giá trị chẩn đoán trong các trường hợp điển hình thực quản giãn chứa nhiều thức ăn và dịch, mất nhu động, vùng tâm vị hẹp nhỏ giống hình mỏ chim. Thuốc cản quang sẽ tồn tại trong thực quản lâu hơn. Bác sĩ có thể theo dõi hình ảnh động của thực quản người bệnh trên màn tăng sáng X-quang.
  • Nội soi thực quản – dạ dày: Bác sĩ sẽ đưa xuống thực quản của người bệnh một ống mềm, hẹp có gắn camera (ống nội soi) để quan sát bên trong thực quản. Phương pháp chẩn đoán này giúp bác sĩ loại trừ những tổn thương ung thư (ác tính) cũng như đánh giá tình trạng co thắt thực quản ở người bệnh

Tuy nhiên, khi bệnh ở giai đoạn đầu, bác sĩ nội soi rất dễ bỏ qua vì khi bơm hơi máy nội soi vẫn xuống dạ dày bình thường mặc dù bệnh nhân có triệu chứng nuốt khó rất rõ.

Giai đoạn này nếu bác sĩ nội soi có kinh nghiệm về bệnh co thắt tâm vị thấy cảm giác chặt tay khi qua vùng cơ thắt dưới. Điển hình trên nội soi thấy thực quản giãn to ứ đọng nước và thức ăn, đôi khi có rất nhiều nốt hoặc đốm trắng do nấm Candida phát triển, đồng thời mất nhu động, vùng tâm vị co thắt chặt tuy nhiên máy soi vẫn có thể xuống được dạ dày.

  • Đo áp lực thực quản: Phương pháp chẩn đoán này sẽ đo mức độ và thời gian xảy ra những cơn co thắt và thư giãn của cơ thắt thực quản dưới (LES). Việc cơ LES không giãn ra để đáp ứng động tác nuốt và không ghi nhận sóng nhu động dọc theo thực quản được xem là một xét nghiệm dương tính đối với bệnh co thắt tâm vị. Đây chính là xét nghiệm “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán bệnh co thắt tâm vị

Chẩn đoán phân biệt

Khi có triệu chứng nuốt khó cần phân biệt với:

  • Ung thư thực quản: nuốt khó tăng dần, trong một thời gian ngắn nuốt khó tăng rất nhanh, nội soi giúp chẩn đoán xác định.
  • Ung thư vùng tâm vị: nuốt khó tăng dần, trong một thời gian ngắn nuốt khó tăng rất nhanh, nội soi thực quản thường không giãn và thấy tổn thương sùi loét hoặc thâm nhiễm cứng tại tâm vị.
  • Rối loạn co bóp thực quản: triệu chứng nuốt khó xuất hiện từng lúc, trên phim Xquang thực quản tăng co bóp và thuốc lưu thông tốt. Nội soi không thấy hình ảnh ứ đọng tại thực quản.
  • Hẹp thực quản do nguyên nhân khác.
  • Các tổn thương tại trung thất gây chèn ép thực quản.
  • Thoát vị đặc biệt là thoát vị bên (para herniation).

Co thắt tâm vị được điều trị như thế nào?

Co thắt tâm vị tuy là một căn bệnh hiếm có, tuy nhiên nếu chúng ta không theo dõi điều trị kịp thời thì chúng ta cũng sẽ gánh chịu những hậu quả không hề nhỏ.

Càng kéo dài thời gian mắc bệnh, cơ thể càng khó chịu, đau nhức, không ăn uống nhiều, cơ thể gầy dần dễ dẫn đến suy dinh dưỡng. Một khi cơ thể thiếu chất trầm trọng là một trong những yếu tố thuận lợi giúp vi khuẩn phát triển gây nên nhiều căn bệnh khác nhau. Dẫn đến một số biến chứng thậm chí là tử vong.

Nhìn chung để điều trị co thắt tâm vị, bác sĩ sẽ lựa chọn phương án phù hợp cho bệnh nhân và tất cả phương pháp đều có chung mục đích là làm giảm triệu chứng của co thắt tâm vị, nới lỏng áp lực cơ vòng dưới của thực quản, giúp thức ăn được thoát lưu dễ dàng hơn xuống dạ dày.

Các phương pháp điều trị co thắt tâm vị thường được sử dụng như:

Điều trị bằng thuốc:

Một số thuốc có thể dùng cho những trường hợp co thắt tâm vị nhẹ như: isosorbid nitrat 5 – 10 mg ngậm dưới lưỡi trước khi ăn, một số thuốc chẹn kênh calci có tác dụng làm giãn cơ thắt dưới giúp dễ nuốt như nifedipin.

Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng tạm thời trong giai đoạn đầu, không còn tác dụng về sau. Tránh dùng nifedipin tác dụng ngắn vì có thể xuất hiện các dụng phụ không mong muốn như hạ huyết áp nghiêm trọng, biến chứng thiếu máu.

Nong cơ vòng dưới thực quản bằng bóng hơi

Đây là một trong những phương pháp được sử dụng khá phổ biến. Một bóng hơi có đồng hồ đo áp lực được đưa vào thực quản bằng máy nội soi. Sau đó bóng hơi được bơm căng giúp làm co giãn cơ thắt thực quản dưới.

Cơ chế của phương pháp này là làm đứt đột ngột những sợi cơ vòng dưới thực quản để làm giảm áp lực cơ vòng dưới thực quản, từ đó giảm tắc nghẽn và cải thiện sự thoát lưu thực quản ở những bệnh nhân co thắt tâm vị

Tuy nhiên đây là phương pháp dễ xảy ra nhiều biến chứng như cơ thắt thực quản bị chảy máu, xé rách làm mất khả năng hoạt động,…

Phương pháp nong cơ vòng dưới thực quản bằng bóng hơi trong được áp dụng phổ biến trên thế giới. Bóng hơi điều trị có nhiều loại, đường kính khác nhau như 3cm; 3,5cm; 4cm. Người bệnh có thể nong 1 – 3 lần (nếu tái phát).

Ưu điểm của phương pháp điều trị này là thời gian thực hiện 5 – 7 phút, cho hiệu quả nhanh. Thông thường, sau một ngày, người bệnh sẽ không còn bị nuốt nghẹn, thoát khỏi ách tắc với tỷ lệ gần như tuyệt đối. Tuy vậy, nhược điểm của phương pháp này là có kết quả dài hạn với tỷ lệ tái phát cao hơn so với phẫu thuật.

Chích Botulinum (Botox):

Áp dụng cho những bệnh nhân co thắt tâm vị có nguy cơ cao với phẫu thuật hoặc không chịu phẫu thuật. Việc tiêm thẳng loại độc tố này vào cơ thắt thực quản giúp cơ thực quản dưới giãn mở, giảm thiểu trường hợp nuốt nghẹn.

Tỉ lệ tái phát của phương pháp hơn 50% trong 6 tháng. Nếu sau hai lần chích vẫn thất bại, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng Nifedipin hoặc Isordil.

 Phẫu thuật

Người bệnh sẽ được cắt đứt cơ vòng dưới thực quản, giúp làm giảm áp lực cơ vòng dưới.

Hiện nay, phẫu thuật này chủ yếu được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi đường bụng, nội soi qua đường miệng (POEM). Phần lớn người bệnh sau cắt cơ vòng dưới qua phẫu thuật nội soi đều có triệu chứng trào ngược.

Hướng xử trí: Quá trình chống trào ngược được thực hiện bằng nhiều phương pháp gồm Dor, Toupet, Nissan…, giúp phục hồi hàng rào chống trào ngược, làm giảm triệu chứng sau phẫu thuật.

Đối với trường hợp cắt cơ vòng dưới thực quản phương pháp POEM, bác sĩ chỉ cắt cơ vòng, không tiến trình chống trào ngược.

Ngoài ra, việc tạo lập và duy trì thói quen ăn uống hợp lý, lành mạnh và đầy đủ các chất dinh dưỡng là điều vô cùng cần thiết đối với bệnh nhân co thắt tâm vị. Trong chế độ ăn uống cần lưu ý:

  • Ăn các thức ăn lỏng, vừa ấm, đủ calo; lưu ý nên chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần để dùng trong ngày
  • Giảm ăn béo, nên ăn nhiều thức ăn có chứa vitamin B
  • Khi nuốt nên ưỡn cổ ra phía sau, thở ra mạnh hơn để giúp thức ăn dễ dàng di chuyển xuống dạ dày
  • Hạn chế ăn khi sắp tới giờ ngủ tối, tránh tình trạng trào ngược thức ăn
  • Tránh uống nước quá lạnh hoặc quá nóng
  • Không uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích khi mắc bệnh và đang trong giai đoạn điều trị
  • Hạn chế dùng một số loại gia vị như tỏi, hành trong chế độ ăn uống của người bệnh co thắt tâm vị

Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế

Kính chào Quý Khách hàng,

Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…

Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.

Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.

Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.