Cà rốt là một loại cây có củ, thường có màu đỏ, vàng, trắng hay tía. Phần ăn được của cà rốt là củ, thực chất là rễ cái của nó, chứa nhiều tiền tố của vitamin A tốt cho mắt.
Tổng quan
Mô tả
Cà rốt là một cây sống hai năm, có rễ trụ nhẵn hay có lông. Lá mọc so le, không có lá kèm, bẹ khá phát triến, phiến lá xẻ lông chim, càng gần phía đầu càng hẹp.
Hoa hợp thành tán kép, tán nhỏ mang hoa trắng hồng hay tía, lá bắc của tổng bao cũng xẻ lông chim, lá bắc của tiểu bao đơn hay xẻ ba. Đế hoa khum lõm.
Lá đài nhỏ ba cạnh, cánh tràng, mọc so le. Trong tán thì ở giữa bất thụ, màu tía, còn hoa khác thì màu trắng hay hồng.
Quả bế, mỗi đôi gồm hai nửa (phân liệt quả) mỗi nửa dài 2-3mm, hình trứng, hai phân liệt quả dính với nhau ở mặt giáp nhau, sống phụ có phủ đầy sợi tương ứng với các ống bài tiết giả. Hạt có phôi nhũ sừng. Rễ trụ, hình dáng thay đổi tuỳ theo loại.
Theo nghiên cứu của Beille thì cây cà rốt mọc hoang không có củ. Loại hiện nay chúng ta trồng là một loại lai của hai loài Daucus carota L. và Daucus maximus L.
Phân bố
Người ta cho rằng cây cà rốt vốn nguồn gốc từ Pháp nhưng hiện nay được trồng phổ biến ở khắp các nước phương tây và phương đông. Đầu tiên là một cây thực phẩm, nhưng hiện nay lại thêm vai trò cây làm thuốc và nguồn nguyên liệu provitamin A.
Năng suất 30 đến 40 tấn củ một hecta hoặc 800 đến 200kg hạt một hecta.
Trong việc trồng cà rốt người ta còn phân biệt ra ba loại: Cà rốt dài và đỏ có thể trồng ở bất kỳ đất nào, loại củ cà rốt đỏ và dài vừa phải trồng ở những nơi đất ẩm, loại cà rốt làm thức ăn cho gia súc có năng suất cao hơn có thể trồng ở những nơi đất khô.
Dùng củ hay quả tươi hay phơi hoặc sấy khô.
Giá trị dinh dưỡng
Cà rốt được trồng đầu tiên ở Afghanistan vào khoảng năm 900 sau Công nguyên. Nhiều người biết đến cà rốt với màu cam rực rỡ đặc trưng, nhưng thực tế thì loại củ này cũng có các màu sắc khác, chẳng hạn như tím hoặc vàng, đỏ và trắng.
Loại củ phổ biến và đa năng này có thể mang hương vị hơi khác nhau tùy thuộc vào màu sắc, kích thước và nơi trồng. Đường trong cà rốt tạo ra vị ngọt nhẹ, nhưng đôi khi cũng có thể mang mùi đất hoặc hơi đắng.
Một khẩu phần nửa cốc cà rốt có:
25 calo;
6 gram carbohydrate;
2 gram chất xơ;
3 gram đường;
0,5 gram protein.
Là một nguồn cung cấp dồi dào các vitamin và khoáng chất quan trọng. Dựa trên nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của một người, nửa cốc cà rốt có thể đáp ứng tới:
73% nhu cầu vitamin A;
9% vitamin K;
8% lượng kali và chất xơ;
5% vitamin C;
2% canxi và sắt.
Công dụng
Cải thiện thị lực
Cà rốt có chứa vitamin A nên rất cần thiết cho đôi mắt của bạn. Nếu một người bị thiếu hụt vitamin A trong thời gian dài sẽ làm hỏng các tế bào thị giác trong võng mạc của mắt làm tăng nguy cơ bị bệnh quáng gà.
Tốt cho người mắc bệnh đái tháo đường
Cà rốt có chứa đường tự nhiên, 10% củ cà rốt là carbohydrate và gần một nửa trong số này là đường. 30% khác của hàm lượng carbohydrate này là chất xơ. Nhìn chung, cà rốt là một loại thực phẩm ít calo, nhiều chất xơ, tương đối ít đường.
Nhờ đạt điểm chỉ số đường huyết (GI) thấp, khoảng 39 điểm GI cho cà rốt luộc, cà rốt không có khả năng kích hoạt tăng đột biến lượng đường trong máu và an toàn cho người bệnh tiểu đường.
Hơn nữa, chế độ ăn nhiều chất xơ còn giúp ngăn ngừa sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2 hoặc giúp người bệnh kiểm soát lượng đường trong máu.
Giảm nguy cơ mắc ung thư
Cà rốt chứa nhiều chất phytochemical được nghiên cứu sâu về đặc tính chống ung thư. Trong cà rốt có chứa hợp chất beta-carotene và các carotenoid khác nên có thể thúc đẩy khả năng miễn dịch và kích hoạt một số protein ức chế tế bào ung thư.
Các nghiên cứu cho thấy nước ép cà rốt cũng có thể giúp bạn chống lại bệnh bạch cầu.
Nhiều người cũng tin rằng tác dụng của cà rốt giúp giảm nguy cơ mắc ung thư miệng. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để đảm bảo về tác dụng này.
Cho bạn 1 làn da khỏe đẹp
Cà rốt rất giàu carotenoid. Nghiên cứu cho thấy rằng trái cây và rau quả giàu các hợp chất này sẽ giúp bạn cải thiện làn da để trông trẻ trung hơn.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên ăn cà rốt ở mức vừa phải vì bạn tiêu thụ quá nhiều carotenoid sẽ dẫn đến một tình trạng gọi là carotenemia khiến da bị vàng hoặc cam.
Hỗ trợ tóc phát triển khỏe mạnh
Cà rốt có chứa nhiều vitamin A, vitamin C, carotenoid, kali và các chất chống oxy hóa. Bằng chứng nghiên cứu cho thấy tác dụng của cà rốt có thể hỗ trợ tóc phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, nhận định này vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh.
Duy trì cân nặng ổn định
Cà rốt sống, tươi có chứa khoảng 88% nước nhưng một củ cà rốt vừa chỉ có khoảng 25 calo. Do đó, bạn thêm cà rốt vào chế độ ăn sẽ giúp bạn dễ no mà không cần phải tiêu thụ nhiều calo gây tăng cân.
Cà rốt cũng có chứa chất xơ nên giúp bạn dễ no hơn, làm giảm cảm giác thèm ăn và giúp bạn duy trì cân nặng.
Theo một nghiên cứu, các bữa ăn có chứa cà rốt nguyên chất và cà rốt xay nhuyễn đã giúp các đối tượng thử nghiệm tăng mức độ no cao hơn.
Ổn định huyết áp
Một nghiên cứu đã cho thấy bạn tiêu thụ nước ép cà rốt sẽ góp phần làm giảm 5% huyết áp tâm thu. Nước ép có tác dụng này là nhờ có chứa các chất dinh dưỡng như chất xơ, kali, nitrat và vitamin C.
Tốt cho sức khỏe của tim
Tất cả những chất chống oxy hóa đều tốt cho tim của bạn. Bên cạnh đó, một củ cà rốt vừa sẽ cung cấp khoảng 4% nhu cầu kali hàng ngày, giúp thư giãn các mạch máu, tránh nguy cơ huyết áp cao và các vấn đề tim mạch khác.
Hơn nữa, cà rốt có chất xơ, giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Ăn nhiều chất xơ cũng có thể hạ lipoprotein mật độ thấp trong máu, hay còn gọi là LDL cholesterol xấu. Cuối cùng, cà rốt đỏ cũng có lycopene, giúp ngăn ngừa bệnh tim.
Tăng cường hệ miễn dịch
Vitamin A có nhiều trong cà rốt nên giúp bạn điều chỉnh chức năng của hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách thúc đẩy miễn dịch của cơ thể.
Còn góp phần giúp cơ thể bạn sản xuất collagen do có chứa vitamin C, rất cần thiết cho quá trình chữa lành vết thương. Chất dinh dưỡng này cũng góp phần giúp hệ thống miễn dịch của bạn khỏe mạnh.
Giúp xương chắc khỏe
Chứa 2 thành phần thiết yếu là vitamin A và carotenoid nên giúp bạn cải thiện sức khỏe xương. Mặc dù không có nghiên cứu trực tiếp nào chứng minh cà rốt giúp cải thiện sức khỏe xương nhưng hàm lượng vitamin A của chúng có thể mang lại lợi ích.
Tác dụng của cà rốt là tốt cho sức khỏe của bạn, nhưng nếu bạn tiêu thụ quá nhiều thì có thể bị ngộ độc. Cà rốt có thể tương tác với một số loại thuốc như acitretin (Soriatane) và isotretinoin (Accutane) dùng để điều trị bệnh vảy nến và mụn trứng cá.
Vì thế, nếu bạn đang dùng các loại thuốc này thì nên hạn chế ăn loại củ trên.
Ngăn ngừa táo bón
Nếu bạn gặp khó khăn khi đi vệ sinh, hãy thử nhai vài củ cà rốt sống. Với hàm lượng chất xơ cao, chúng có thể điều trị táo bón và giúp bạn bài tiết chất thải thường xuyên, đều đặn hơn.
Ngoài ra, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu carotene có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết (đại trực tràng) và tốt cho sức khỏe hệ tiêu hóa nói chung.
Những lưu ý về củ cà rốt
Sử dụng cà rốt quá nhiều
Mặc dù carot có tốt cho sức khỏe, nhưng nếu nạp quá nhiều beta-carotene, làn da của bạn có thể chuyển sang màu vàng cam. Tình trạng này được gọi là Thâm nhiễm caroten trong máu (carotenemia), tương đối vô hại và có thể điều trị được.
Nhưng trong trường hợp nặng, carotene huyết có thể cản trở chức năng của vitamin A, làm ảnh hưởng đến thị lực, xương, da, trao đổi chất hoặc hệ thống miễn dịch của bạn.
Quá nhiều beta-carotene cũng có thể gây ra vấn đề cho những người bị rối loạn chuyển hóa vitamin A, chẳng hạn như bệnh nhân suy giáp.
Một số người cũng bị dị ứng với các hợp chất trong cà rốt. Nếu gặp triệu chứng nổi mề đay, sưng và khó thở sau khi ăn cà rốt thì cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể bị sốc phản vệ – một phản ứng tiến triển nhanh chóng và đe dọa tính mạng.
Người có tiền sử dị ứng với cà rốt nên kiểm tra cẩn thận các thành phần trong sinh tố, súp rau củ và một loạt các sản phẩm khác trước khi dùng.
Chế biến cà rốt đúng cách
Cà rốt thường có mặt trong nhiều chế độ ăn kiêng phổ biến, như thuần chay, keto, eat-clean, low carb, v.v. Đây cũng là một loại rau đa năng, có thể ăn sống, hấp, luộc, nướng hoặc làm nguyên liệu trong các món súp và hầm quen thuộc.
Để sơ chế, cần rửa kỹ cà rốt trong nước để tẩy sạch mọi bụi bẩn. Bạn có thể bóc vỏ cà rốt bằng dụng cụ bào hoặc dao nếu thích, nhưng không nhất thiết phải gọt vỏ.
Sau đó bạn có thể:
- Cắt cà rốt thành que sợi nhỏ và ăn trong món khai vị hoặc xà lách trộn;
- Thêm cà rốt cắt nhỏ vào các món nướng;
- Làm nước ép và sinh tố để có hương vị ngọt tự nhiên, dịu nhẹ.
Lưu ý, luộc có thể làm giảm hoặc loại bỏ một số hàm lượng vitamin. Vì vậy ăn cà rốt sống hoặc hấp là cách đảm bảo giá trị dinh dưỡng nhất.
Ngoài ra, carotenoids và vitamin A có thể hấp thụ tốt hơn khi có chất béo. Do đó, mọi người nên ăn cà rốt với một nguồn chất béo có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như quả bơ hoặc các loại hạt.
Các món ngon từ cà rốt
Canh xương hầm cà rốt khoai tây
Nguyên liệu
Xương heo: 1kg
Khoai tây: 3 củ
Cà rốt: 2 củ
Cà chua: 2 quả
Hành lá, hành củ, rau mùi
Gia vị: Nước mắm, bột nêm, bột canh, tiêu
Cách làm
Xương heo rửa sạch, để ráo nước, luộc một nước cho hết váng bẩn. Sau đó, đem ướp với tiêu, hành, bột canh, nước mắm.
Khoai tây, cà rốt, cà chua rửa sạch, thái miếng vừa ăn.
Bắt nồi áp suất lên bếp, để nóng, phim thơm hành và tỏi, rồi cho sườn vào xào qua cho săn thịt.
Lần lượt cho tiếp các loại rau củ vào xào, cho thêm chút gia vị.
Đổ ngập nước ấm, đun sôi lửa to, không đậy vung nồi, vừa đun vừa vớt bọt để nồi canh được trong. Khi không còn bọt, đóng vung lại, ninh với lửa vừa trong nửa tiếng.
Canh chín cho hành lá, rau ngò thái nhỏ. Múc ra tô và thưởng thức.
Bánh cà rốt nướng
Nguyên liệu
Cà rốt: 1 củ
Bột mì: 140g
Bột nở: 1 muỗng cà phê
Baking soda: 1/2 muỗng cà phê
Muối: 1/4 muỗng cà phê
Bột quế: 1 muỗng cà phê
Đường: 100g
Dầu ăn: 120g
Trứng gà: 2 quả
Cách làm
Bước 1: Cà rốt gọt vỏ và bào vụn, sau đó trộn các loại bột lại với nhau. Bắt đầu làm nóng lò ở nhiệt độ 160 độ C.
Bước 2: Tách lòng trắng trứng gà bỏ vào máy đánh, đánh cho trứng lên bông và cho đường vào từ từ, tiếp tục cho dầu ăn và đánh ở mức độ thấp đến khi hết.
Bước 3: Chia bột thành 2 phần, trộn nhẹ bột bằng kỹ thuật fold vào hỗn hợp trứng, vừa đánh vừa trộn, trộn thật đều đến khi bột ướt. Cuối cùng đổ hết cà rốt đã bào và trộn đều nhẹ.
Bước 4: Chuẩn bị 1 cái khuôn có đế 15cm, cắt giấy nến xếp theo hình tròn dưới đáy khuôn, tiếp tục đổ bột vào khuôn và đem đi nướng trong vòng 40 phút ở nhiệt độ 160 độ C. Nếu muốn mặt trên bánh không quá sậm màu có thể lót một lớp giấy bạc ở trên và để kiểm tra bánh chín bằng cách chọc tăm vào thấy không dính là đã chín.
Cuối cùng lấy bánh ra và thưởng thức, bánh có hương vị quế thơm ngon, mềm, bông và không đặc như bánh bông lan.
Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế
Kính chào Quý Khách hàng,
Với định hướng mang lại những giải pháp y tế toàn diện, Phòng khám Đông y OMC – một sản phẩm của Công ty CP ĐT&PT Giải Pháp Y Tế đã ra đời nhằm thực hiện sứ mệnh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại chỗ như khám bệnh và điều trị bệnh bằng Đông y, chuyên trị các bệnh lý: Cơ xương khớp, Thần kinh, Tiêu hóa, Nội tiết, Phụ khoa, Nam khoa…
Tọa lạc tại vị trí trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, phòng khám được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.
Chúng tôi luôn đặt sức khỏe và sự hài lòng của Quý Khách hàng là ưu tiên hàng đầu.
Với phương châm “Ân cần – Tôn trọng – Yêu thương”, Phòng khám Đông Y OMC cam kết sẽ mang đến cho Khách hàng sự hài lòng từ các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp.
Chân thành cảm ơn Quý Khách hàng đã tin dùng dịch vụ của chúng tôi.
PHÒNG KHÁM ĐÔNG Y OMC
Fanpage: Phòng Khám Đông Y OMC
Youtube: Phòng Khám Đông Y OMC
Tiktok: Phòng Khám Đông Y OMC